Minh Phương

Minh Phương

Tháng Giêng xứ Núi - tản văn của Lê Thuỳ Giang - Hội văn học nghệ thuật Lai Châu

Tản văn của tác giả Lê Thuỳ Giang - Sáng tác tại Trại văn học nghệ thuật Lai Châu 2018, Nhà sáng tác Đà Nẵng tháng 8-2018. 

TẢN VĂN: THÁNG GIÊNG XỨ NÚI

          Một điều thật tự nhiên rằng ai cũng yêu mùa Xuân. Trong vòng xoay của đất trời, tháng Giêng là tháng bắt đầu của mùa Xuân, của một năm mới với những nét tinh khôi, tươi mới, vừa đẹp vừa căng tràn sức sống nên mọi người càng yêu mến tháng Giêng hơn. Người ta chờ đón tháng Giêng với những mong đợi, háo hức lạ thường. Ai cũng muốn rằng cái mới lạ, đổi thay về thời gian tạo hoá sẽ đem lại những điều mới mẻ, tốt lành, may mắn cho con người và cho xã hội. Có thể nói, Tây Bắc mùa nào cũng đẹp và đam mê đến nao lòng. Nhưng mùa xuân nơi đây đẹp hơn bao giờ hết. Nhất là tháng Giêng - tự nó đã vẽ nên một bức tranh tuyệt mĩ về sự sống và đưa ta phiêu du về một vùng đất cội nguồn thấm đượm màu huyền thoại….

    Tháng Giêng biếc như lá…
   Khép lại sự lụi tàn của mùa Đông là một sự tơ nõn của cảnh vật tháng Giêng. Dường như ai cũng biết cái quy luật tự nhiên ấy của sự sống. Ấy vậy mà khi mùa Xuân tới, đứng trước cái mơn mởn, tươi non của cây lá, ta vẫn mang một nỗi bất ngờ đầy nguyên sơ. Tháng Giêng về với mảnh đất Tây Bắc vừa quen lại vừa lạ. Ai đó từng nói tháng Giêng là tháng lộng lẫy của mười hai tháng, tháng tiếng hót các loài chim, tháng vương miện các loài hoa, tháng hạnh phúc trăm thứ quả, cũng không phải là quá.
 
Bầu trời Tây Bắc sang xuân trong vắt như ánh mắt trẻ thơ. Và mây trời trắng mềm như bông. Mây vắt ngang qua những đỉnh núi cao vút, mỗi bình minh lại chuyển sang hồng rực, long lanh muôn sắc như chiếc khăn piêu của người con gái Thái.

Trên bầu trời, từng đàn chim én chao nghiêng. Một cảm giác thật bình yên và thơ mộng. Đâu đây trên những thửa ruộng bậc thang, những chú chim sẻ, chim ngói lại rộn ràng tắm nắng, khi khác lại chí chách nói chuyện trên mái nhà. Con chim hoạ mi đơn lẻ đang cất tiếng hót thiết tha tìm bạn cặp đôi…

Các cụ ta xưa thường nói Tháng Giêng rét đài, ý nói thời tiết trong khoảng thời gian này là lý tưởng cho cây cối đâm chồi nảy lộc, dù còn đang cữ rét. Tiết trời tháng Giêng Tây Bắc khi ấy bồng bột, hiền lành và tơ nõn như trẻ thơ. Nắng hiền hoà, dịu nhẹ. Gió thoang thoảng mùi hương đồng nội thơm mát. Những chồi xanh, lộc biếc non tơ làm dịu mát tâm hồn.

Tháng Giêng còn thêm chút lãng đãng, mềm mại bởi những hạt mưa nhỏ nhẹ. Mưa xuân Tây Bắc đẹp vô ngần. Mưa như những sợi tơ trời giăng mắc. Một thứ mưa không làm ướt áo, mà chỉ làm cho cảnh vật thêm mờ ảo trong cái se se lạnh đầy chất thơ… Mưa  như rắc bạc trên lá cây ngọn cỏ, rắc cườm trên chồi biếc non tơ. Mưa đánh thức mặt đất bừng tỉnh sau giấc ngủ đông, mặt đất cũng phập phồng bâng khuâng chờ đợi. Mưa gieo những viên ngọc li ti trên chiếc khăn thổ cẩm sơn nữ. Mưa xuân tươi tốt cả cây nêu mới trồng trước sân nhà để cầu mong những điều tốt lành cho gia đình, làng bản. Trong đêm tình mùa xuân, tiếng mưa là bản giao hưởng không lời.

Ta nhớ mênh mang một câu hát, ngẫm mưa xuân xứ núi – “Mưa như là sương thôi - như bóng cây giăng khói - như mộng ru bên trời”. Mưa tháng Giêng nhẹ và mịt mờ, chỉ như là sương khói giăng giăng trên những mái nhà sàn, trên những rặng cây cao vút, xanh non; khói sương lẩn vào đất, vào trời, để mùa xuân như kẻ mộng du, ngà ngà say hương rượu cần nồng nàn ngày Tết.

Mưa xuân tiếp sức cho vạn loài hoa. Hoa cỏ dại được chút ẩm ướt phù du lại càng dâng hết hương sắc của mình bung nở ngàn vạn đóa hoa cho mùa xuân dậy thì căng mọng… Mưa xuân hé cười trên đóa hoa đào, hoa mơ,… mưa bé nhỏ mà lộng lẫy, thân thương. Ong bướm mang phấn hoa đi trong mưa làm thơm bao con đường xuân… Một không gian như trong cổ tích.

Trước làn mưa xuân, tận trong sâu thẳm mỗi người, một nỗi nhớ dịu dàng và mong manh lại da diết ùa về. Mưa phùn ra Giêng ở xứ núi còn là cái cớ để  cho hai người yêu nhau có dịp nép vào nhau tìm hơi ấm… Bản năng của người trai rừng mạnh mẽ là thích che chở. Anh sẵn sàng dang rộng cánh tay và nói tự trong tim những lời tự nhiên như cỏ hoa, thẳng thắn như mặt trời: “tao thích mày” để làm bừng nở trong nhau về một ngày mai hảnh nắng, vàng hoe niềm chờ đợi… Với ai đó, mưa xuân còn gợi những nỗi nhớ rất sâu. Và mưa cũng mong manh như ý nghĩ rằng có ai đó đang chờ ta dưới cội hoa nào, cùng nhau nghe chim sơn ca hót giữa rừng mơ…

Rằm tháng Giêng, đêm biêng biếc, trời lung linh như ngọc. Không gian khi ấy là một nàng tiên mặc áo màu ngọc bích. Tất cả huyền ảo. Bầu trời thật trong, không gian thật tĩnh lặng, chỉ có gió riêu riêu, nhẹ nhàng. Trăng tháng Giêng, non như người con gái mơn mởn đào tơ. Trăng sáng nhưng không lộng lẫy như trăng thu. Trăng đẹp nhưng không đẹp một cách úa héo như nàng trăng thiếu phụ mùa đông. Ánh trăng đầu mùa không vàng mà trắng trong, tươi mới, dịu dàng và ngọt ngào đến lạ. Cái đẹp của trăng tháng Giêng là cái đẹp của thiếu nữ trinh nguyên. Ấy vậy mà người ta gọi rằm tháng Giêng là “nguyên tiêu”. Nguyên tức là cái ban đầu, mà cái ban đầu, bao giờ cũng gợi cái đẹp tinh khôi, mới mẻ.

Bầu trời trong xanh là thế, tiết trời đáng yêu là vậy. Và dưới bầu trời huyền diệu ấy là một mặt đất tháng Giêng đầy cỏ hoa. Tháng Giêng thành thiên đường hoa trên mặt đất. Ta bỗng nhớ đến lời thơ của Xuân Diệu : “Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần”. Và ta cũng muốn “ôm”, muốn “cắn”, muốn “hôn” lên cái “tuần tháng mật”, lên “hoa của đồng nội xanh rì”, lên “lá của cành tơ phơ phất”, lên “khúc tình si” của yến và oanh tràn đầy trong tháng Giêng ấy.

Tháng Giêng khe khẽ nhoẻn miệng cười trên cánh đào thắm tươi rộn ràng đầu bản. Những cây đào rừng khác hẳn với đào Nhật Tân hay Bích đào ở vùng đồng bằng bởi nét nguyên sơ, mạnh mẽ, đầy sức sống. Đào rừng phải trải qua phong sương khắc nghiệt của thời tiết, phải chịu cái lạnh có khi đến nhiệt độ âm, phải hứng cái gió cũng khắt khe hơn, và tất nhiên, chẳng ai đi chăm sóc đào rừng. Thế nên chúng được cái mà đào ở đồng bằng không có, đó là sự tự nhiên. Sự tự nhiên cũng là thể hiện sự tự do, phóng khoáng. Với người dân bản xứ, một cành đào xuân đẹp là một cành đào hết sức tự nhiên, trời ban cho thế nào, ta có vậy, chứ không phải cắt xén bớt lá, kích thích thêm nụ và hoa. Cành đào đẹp là phải hội tụ cả hoa hồng, lộc xanh, nụ chúm chím và quả non. Đó mới là biểu tượng cho sự sung túc của gia đình, dòng tộc.

Gốc đào cổ thụ trên núi cao thường sù sì, thô ráp. Nhưng trái ngược với hoàn cảnh sống khắc nghiệt và dáng hình cũ kĩ, thì từ những gốc đào rêu phong ấy lại bung nở những bông hoa đẹp đến nao lòng. Hoa đào rừng mang vẻ đẹp mỏng manh như một thiếu nữ liễu yếu, đào tơ nhưng không kém phần hấp dẫn, đáng yêu. Cánh đào mỏng, màu hồng phớt nhẹ, bởi thế người ta còn gọi đào rừng là đào phai. Sắc hồng dịu dàng thầm kín tinh khôi của đào rừng như má hồng sơn nữ e thẹn dưới bóng ô hồng chao nghiêng trước tiếng khèn gọi bạn đầu xuân.

Và ở một khoảng không khác, trên những cánh đồng, trên những sườn đồi, hoa cải đang trải vàng rực rỡ. Ta cảm nhận cái hương thơm thoang thoảng pha chút ngai ngái đang nồng nàn dưới chân. Góp thêm vào bức tranh ấy là sắc tím của phong lan nhuộm thắm rừng biên giới, sắc đỏ tươi của hoa vông, hoa pát.... Rồi ta lại nhớ mênh mang một lời ca “Rừng xanh cây lá muôn đóa hoa mai chào đón xuân về” trong khúc ca “tình ca Tây Bắc”. Nhưng mai Tây Bắc là mai trắng chứ không phải mai vàng như của xứ sở miền Nam nóng ấm. Hoa mận, hoa mơ trong thung lũng cũng đang nở trắng ngập tràn khắp các con đường vào bản. Hoa trắng như mây, trắng như tiên cảnh, như sương khói, như mơ. Và đâu đó, trên núi đá cao nguyên Sìn Hồ, hoa lê trắng cũng bắt đầu hé nở, sáng lấp lánh vùng rẻo cao thương mến. 

Nhưng chỉ có hoa ban mới được người Tây Bắc xem là chúa của các loài hoa. Hoa ban bình dị nhưng thân thương. Mỗi khi hoa nở ta biết mùa xuân tới, xuân hiện hữu nghìn đoá hoa cười bên mắt lá hình tim. Theo tiếng Thái  thì "ban" có nghĩa là ngon, đẹp đẽ. Tất cả những gì ngon ngọt, đẹp đẽ đều gọi là "ban". Hoa ban có loại trắng dịu dàng, trinh bạch, có loại đỏ nồng nàn đằm thắm.

Hoa ban còn là biểu tượng cho tâm hồn con người vùng cao với những khát vọng, ước mơ cháy bỏng. Trong tâm thức đồng bào Thái ở Tây Bắc, cành hoa ban trên mâm thờ cúng tổ tiên ngày Tết là để thể hiện tấm lòng thành kính của con cháu đối với ông bà và những người đi trước. Với tuổi trẻ, hoa ban là biểu tượng của tình yêu chung thủy và hạnh phúc lứa đôi: Đôi ta yêu nhau không tính mùa ban nở - Không thấy ngày ban tàn - Không tính tháng, không tính năm - Mãi như mùa ban đầu đôi ta yêu nhau. Trong vốn cổ văn hóa dân gian Thái, thì truyền thuyết hoa ban là truyền thuyết đẹp nhất về tình yêu, đức hi sinh, lòng hiếu thảo.

Gắn với hoa ban, người Thái Tây Bắc có lễ hội Hoa Ban. Hội thường bắt đầu khi vừa hết tháng Giêng. Vào ngày hội, trai gái thường rủ nhau đi chơi hội, hát giao duyên trên những con thuyền đuôi én. Thuyền chất ngất những cành ban. Thuyền đi trên những dòng sông xuân dịu dàng, uyển chuyển. Hai bên bờ, hoa ban nở trắng. Sông khi ấy là sông hoa, suối hoa, sáng lấp lánh cả một vùng. Không gian réo rắt tiếng sáo, mênh mang điệu hát, lời ca. Những bản tình ca Thái như vấn vít với cành ban trắng muốt, tạo nên sự huyền ảo của núi rừng. Nhiều mối tình nảy nở từ đây. Màu ban, hương ban trắng trong, tinh khiết như tâm hồn người con gái Thái. Tình yêu của họ cũng thuần khiết, thiêng liêng như sự tích về loài ban….

Có thể nói, cái sắc hoa đào, hoa ban cùng muôn loài hoa rừng khoe sắc đua hương đẹp như một ý thơ Đường: “Hoa đồi như dải gấm thêu” (Lý Bạch). Và rồi cảnh xuân ấy hóa thân vào trong mỗi nụ cười duyên, mỗi làn da trắng hồng, mỗi búp tay thon như búp măng rừng, mỗi đường nét tuyệt vời trên tấm thân ngà ngọc của người sơn nữ trinh nguyên, như mùa xuân vừa mới bắt đầu.

Nói bao nhiêu cũng chỉ để thốt lên một lời rằng tháng Giêng xứ núi đẹp vô ngần. Ta như bị bỏ bùa mê trong bộn bề cảm xúc ngọt ngào. Tháng Giêng là tháng của mùa xanh lên hi vọng, rực hồng lên tình yêu cuộc sống. Trước cái đẹp của đất trời, ta khát khao được sống, được yêu và dâng hiến.

      . … và tình ấm như cây
     Tháng Giêng là khi Tết bắt đầu. Tây Bắc là nơi tụ họp của nhiều đồng bào dân tộc anh em. Mỗi dân tộc có một nghi lễ Tết riêng. Nhưng Tết dân tộc nói chung vẫn có những nét giao thoa.

Một năm tất bật, lo toan qua đi. Tết là khoảng thời gian yên bình để mỗi người tìm về với quê hương, gia đình để được ôm ấp, vỗ về trong tình cha mẹ, nghĩa bản làng, họ tộc thân thương.

Ngày Tết xứ lạnh, mọi người thường xúm xít quanh bếp lửa hồng. Ngôi nhà gỗ hoặc tre nằm giữa lưng chừng núi có thể tuềnh toàng nhưng vẫn mang lại hơi ấm, xua cái lạnh đi ngang qua khe cửa. Mọi người bên nhau háo hức mong chờ những điều tốt đẹp của khoảnh khắc mùa sang. Mâm cỗ Tết có thể chỉ thật giản dị nhưng thật ý nghĩa. Vị cơm lam tan trên đầu lưỡi, vị bùi thơm ngọt mát của các món ăn đầu xuân chế từ cỏ hoa, rêu đá, cá sông; vị thơm cay lâng lâng của rượu cần ; mùi khói của những món ăn hun khói, đồ nướng để nơi gác bếp... Những món bánh, món xôi ngũ sắc đẹp mắt. Mọi người mời nhau cùng nhấp ché rượu cần hay uống bằng cả bát, khi ấy, xuân dường như đang tan hoà trong huyết quản mỗi người.

Ở Tây Bắc, vào dịp Tết, ở chợ Tết hay ở nhà đều có rất nhiều loại bánh. Người Thái có bánh chưng gù (không phải bánh vuông như của người Kinh), bánh mật, bánh nếp,... Người H’Mông có bánh dày làm từ gạo nếp mới. Người Giáy, ngày Tết lại không thể thiếu bánh “Sa khao”, bánh dầu thòn... Mỗi loại bánh đều gắn với một truyền thuyết riêng, nhưng cũng không khác người Kinh là bao. Bánh cũng là để tượng trưng cho trời và đất, cho sự biết ơn đấng tối cao đã ban cho con người lương thực và sự sống.... Và Tết nhí nhảnh trong những nụ cười, ánh mắt trẻ thơ. Tết là dịp để chúng xúng xính khoe nhau những chiếc áo mới mẹ mua ; để sung sướng vừa chơi, vừa cầm trên tay nhâm nhi chiếc bánh bà mới làm. Tết với chúng có khi chỉ đơn giản là thế. Không những sân chơi lộng lẫy, không những món ăn sơn hào hải vị, không ôtô, xe máy,... Thế nhưng những điều giản dị hài hòa với thiên nhiên của cuộc sống vùng sơn cước ấy lại là sự vun đắp tuyệt vời cho tâm hồn con người. Sự giàu có tâm hồn không phải dễ gì ai cũng có được.

Tết là khoảng thời gian dành cho gia đình, người thân, và cho cả người thương. Với tuổi trẻ, tình yêu luôn là điều thật sự thiêng liêng. Trước Tết, trên những ngôi nhà sàn ấm áp khói lam, các thiếu nữ Thái nhẹ tay đưa sợi chỉ hồng thêu chiếc khăn piêu, đôi má thanh xuân thoáng ửng hồng nhớ lời hò hẹn ngày xuân trong ánh lửa hội xoè. Xuân rộn ràng trên khung cửi say mê, sợi chỉ ngang dệt nỗi nhớ thương, sợi chỉ dọc dệt niềm mong ước. “Sấp đôi bàn tay đã thành hoa văn, ngửa bàn tay đã thành hoa lá” (Dân ca Thái). Tiếng thoi đưa vui từng bản nhỏ, hương xuân thơm trong thổ cẩm đượm tình. Và rồi tháng Giêng sang, xuân tới, những chiếc khăn piêu lung linh trong nắng, rực rỡ cùng ánh lửa hội, là khăn thương trong nỗi nhớ ai. Các bà, các chị, ai ai cũng chọn cho mình những bộ váy hoa áo cóm đẹp nhất, cổ đeo vòng bạc, tóc cặp hoa gọn gàng. Ngày Tết, người Thái ngày chơi ném còn, đấu vật... ; đêm mở hội xòe. Đàn tính tẩu vang vang khắp nơi, tiếng trống nhanh nhanh giục giã.

Tiếng hát: “Ính lả ơi! Sao noọng ời! Khắp núi rừng Tây Bắc sáng ngời, mùa xuân đến ngàn hoa hé cười...”  rộn rã, dặt dìu khắp bản. Nam nữ hát giao duyên trên những con thuyền đuôi én dọc theo sông và suối. Chơi xuân kéo dài tới rằm tháng Giêng thì người Thái mở hội xuống đồng. Khi xuống đồng phải có múa xoè thì lúa mới trổ bông, ngô mới tươi tốt, mận mới đơm hoa kết trái. Mọi người múa điệu xòe vòng quanh đống lửa hồng rực rỡ. Trong hội xòe, những chàng trai mặc áo Thái màu chàm, những cô gái xiêm y lộng lẫy. Bước chân họ nhịp nhàng, uyển chuyển, nét mặt tươi vui, cùng xòe theo tiếng nhạc, vang động cả núi rừng. Hội xòe bắt đầu từ điệu "đi xa" rồi tiếp là "xoè đập lúa", mọi người cầm tay nhau xoay ba, bốn vòng, rồi "xoè đập lưng", "xoè kèn", “xòe khăn”, "xoè đôi", "xoè múa nón"…  Ở giữa của vòng xoay là những ché rượu cần, khi ở vòng trong từng tốp cứ thay nhau cầm cần để hút rượu thì ở vòng ngoài mọi người vẫn cứ nhảy, tay cầm tay, cùng chung vui các điệu xoè hàng giờ, hàng buổi, hàng đêm. Tất cả mọi người dù quen hay lạ, khi đã đến đều nhập xoè trong tiếng nhạc rộn rã, theo lời ca: "inh lả ơi". Hơi rượu cần ấm hồng trên đôi má cả phụ nữ, đàn ông, cả người già người trẻ... Và tình yêu nảy nở từ những đêm xòe. Người bên người thêm những yêu thương. .

Người H’Mông có khác đôi nét. Họ có thể ăn Tết từ rất sớm khi mùa màng đã gặt hái xong và kéo dài Tết đến tháng Giêng. Trước Tết, những nếp váy, áo thổ cẩm rực rỡ được chuẩn bị, phơi đầy trên phiến đá hoặc bờ rào, lấp ló giữa rừng hoa, hòa quyện vào nhau như một rừng hoa. Và váy áo mới ấy là để các cô gái diện trong dịp Tết, trong những ngày xuống chợ trẩy hội mùa xuân. Những chàng trai, cô gái nô nức đi chợ xuân. Trẻ con người già cũng diện quần áo mới, tay đeo vòng bạc lên ngựa xuống chợ xuân. Người H’Mông đi chợ Tết không hẳn là để mua thứ gì. Họ đi có khi chỉ để gặp gỡ, trò chuyện, để ngắm cảnh, để thưởng thức rượu ngon và thắng cố... Khi ấy, trong họ chẳng còn những lo toan, phiền não. Người H’Mông độ lượng vô cùng. Họ sẵn lòng để người thương của mình gặp lại người xưa trong những phiên chợ tình. Hai người cũ gặp nhau để trò chuyện, để sẻ chia bất cứ điều gì họ muốn. Để rồi sau khi rời hội Xuân, họ lại trở về với cuộc sống thường nhật, và sẽ chỉ gặp lại người xưa vào phiên chợ năm sau nếu muốn. Còn những đôi trai gái son trẻ, họ tìm nhau trong hội chợ và thường rời hội xuân để đến tâm tình dưới bóng ô, bên một tảng đá nào đó ven đường. Khi ấy thế giới chỉ là của riêng họ, và mùa xuân cũng ở trong họ.

Ngày Tết, người Mông cũng thường tụ tập uống rượu, múa khèn, ném pao thâu đêm. Họ không uống rượu cần, họ uống rượu bằng bát. Và múa khèn là điều không thể thiếu. Tiếng khèn của các chàng trai réo rắt, trầm bổng, tha thiết vang vọng núi rừng để mời gọi bạn gái. Nếu cô gái nào vừa ý với chàng trai có tài múa khèn ấy có thể nhảy vào vòng cùng xoay theo chiếc khèn của chàng trai. Rồi những tiết tấu khúc sáo Mông thật đáng yêu đang vang lên như những thăng trầm của cuộc sống. Xa xa, đôi trai gái nào đang gửi tâm tình qua tiếng đàn môi ngọt lịm khúc “Khâu xìa plềnh”.

Người H’Mông chơi trò ném pao. Quả pao gần giống quả còn của người Thái. Trò chơi với trai gái luôn ẩn chứa một thông điệp riêng. Nếu yêu, sẽ bắt quả pao và ném lại ; nếu không yêu có thể để quả pao rơi. Qua cung cách ném pao, người tinh ý có thể đoán biết tính cách của bạn chơi để có lối ứng xử cho phù hợp.... Mùa xuân đúng là mùa vui, mùa của tình yêu, tụ họp.

Nói chung, hội Xuân Tây Bắc, mỗi dân tộc có những nét riêng. Nhưng tựu chung lại, mùa xuân là mùa mang đến niềm vui. Ta có thể cảm nhận được điều đó trên nét mặt, ánh mắt, nụ cười của mỗi người dân xứ núi. Tháng Giêng là tháng ăn chơi. Mọi người du xuân để cảm nhận hết vẻ đẹp của tháng Giêng. Để rồi sau đó, khi cuộc sống trở về như thường nhật, ta lại một lòng hăng say lao động và chờ một mùa xuân tươi đẹp mới lại đến với mở đầu là tháng Giêng vui. 

      Thay lời kết
     Người ta bảo Giêng dài Hai rộng nhưng ngẫm lại thấy tháng Giêng mỏng như tờ lịch trên tường, vèo trôi qua những rong chơi, những hội hè, hò hẹn... Ngày tháng Giêng, ta gửi lại năm cũ những nỗi buồn, để cùng bóc những tờ lịch năm mới đỏ tươi còn thơm mùi giấy mực, cùng chúc nhau những điều tốt đẹp nhất khi Tết đến, xuân về. Tháng Giêng chào đón niềm vui, để mỗi người tìm về với chính mình ở trạng thái nguyên sơ nhất... Trước tháng Giêng – trước cái khoảnh khắc giao hòa giữa cái hữu hạn của đời người với cái thiêng liêng, vĩnh hằng của sự sống mà ta ý thức hơn được trách nhiệm của mình với cuộc sống mến yêu. Hãy sống sao cho tháng ngày đã qua thật nhiều ý nghĩa, bởi đời người thì ngắn ngủi mà cuộc sống thì đẹp đẽ, đáng yêu vô cùng. Ta du xuân một vòng qua tháng Giêng Tây Bắc. Thấy cảnh vật non tơ, mơn mởn; thấy sự sống căng tràn và cuộc đời đầy niềm vui, hi vọng. Ta nhận ra sức bật Phù Đổng ngời trong những đôi mắt trẻ. Ta tin, ta yêu và xúc động vô cùng khi cảm nhận được hơi thở của mùa xuân trên quê hương Tây Bắc.

Trước cái Tháng Giêng diệu kì ấy, ta bỗng nhớ và muốn mượn ý thơ của tác giả “Tây Tiến” để thốt lên rằng : “Ai lên Tây Bắc mùa xuân ấy, hồn về xứ ấy chẳng về xuôi ”.

Chùm truyện ngắn của tác giả Lê Thuỳ Giang - Hội văn học nghệ thuật Lai Châu

Chùm truyện ngắn của tác giả Lê Thuỳ Giang - Sáng tác tại Trại Văn học nghệ thuật         Lai Châu 2018, Nhà sáng tác Đà Nẵng tháng 8-2018.

LỜI THIÊNG

          Pa Va Sủ là một vùng đất đai trù phú, nằm cao và tách biệt với thế giới bên ngoài bởi màn sương quanh năm bao phủ. Phải đi bộ cả hai ngày từ đường xe đi mới tới được Pa Va Sủ. Nếu đất Ma Quai, đất Huổi Loóng bên cạnh khô cằn sỏi đá, đồi núi trọc, nóng bức thì Pa Va Sủ được bao bọc, bảo vệ bởi rừng cây gỗ đã đến tuổi trưởng thành, xanh mướt. Dưới chân của vùng đất ấy là dòng suối uốn lượn bên bãi cỏ. Cảnh núi rừng sơn thuỷ hữu tình.

Mọi người ở Pa Va Sủ đều rất hiền hoà, chẳng bao giờ đánh cãi chửi mắng nhau. Cuộc sống no đủ: trồng cây, cây lên cao tốt, ngô đầy sân, lợn đầy chuồng. Trâu bò con nào con nấy béo tốt, kéo cày cả ngày không biết mệt.

Khí hậu ở đây lúc nào cũng trong lành, mát mẻ. Chắc vì thế mà con gái ở Pa Va Sủ đẹp lạ lùng: da trắng, hiền như những con nai. Mùa nào trồng cây đấy. Mùa mưa thì ở nhà xe tơ dệt vải, đi hái nấm trong rừng… Những người phụ nữ đảm đang vừa khéo chiều chồng, vừa khéo nuôi con. Vì vậy, mà con gái ở đây nổi tiếng khắp vùng. Dao Mẩy là cô gái nổi tiếng nhất Pa Va Sủ. Tuổi vừa bằng 15 mùa hoa mận trắng. Miệng cười xinh tươi, bừng sáng như cánh hoa đào, mong manh mà quyến rũ. Công việc đồi nương vẫn không làm đôi bàn tay thôi mềm mại, khéo léo. Nàng thêu thùa, dệt vải đẹp nhất bản. Những tấm thổ cẩm như hoa. Cô gái như đoá hoa rực rỡ giữa núi rừng.

Diêu Phà nhà ở bên vùng Ma Quai khô cằn, sỏi đá. Mồ côi cha rồi mồ côi mẹ nên cậu được bác họ đưa sang Pa Va Sủ từ khi 16 tuổi. Đến Pa Va Sủ, tính cách bất cần, ngang tàng của con ngựa hoang Diêu Phà được ẩn giấu, nhất là khi quen biết Mẩy trong những lần đi rừng cùng. Diêu Phà là chàng trai vạm vỡ, có tài bắn cung, đánh cá giỏi nhất bản. Phà còn giỏi cả cưỡi ngựa, con ngựa nào đi với Phà cũng phải ngoan ngoãn nghe theo. Không những thế, chàng còn là người thổi kèn lá hay nhất trong các ngày hội. Phà có lòng với Mẩy nhưng nghĩ thân phận mình, chẳng dám ngỏ lời. A Siểu – anh họ Phà biết lòng em họ cũng bảo: “Mẩy đẹp người, đẹp nết thế, bao người giàu có muốn lấy về làm vợ. Mày không có bố mẹ, nhà cửa, Mẩy không ưng đâu”. Nhưng Phà vẫn nhất định phải nói với Mẩy về cái tình trong lòng mình. Giữ lâu thế, sao ngực này chịu được. Phà theo Mẩy đi rừng: “Mẩy à, đường trơn gánh nặng này ngã mất, để tôi giúp”, “Anh Phà tốt quá! Giúp em nhiều, mọi người lại bảo em không chăm”. Phà chưa kịp nói ý định của mình thì Mẩy đã tự kể trong niềm vui hãnh diện:
- Anh Phà này, mấy ngày nữa em sẽ lên phố học đấy! Bác Pao làm ở xã báo với em rồi, các thầy cô giáo đang đợi em trên đó rồi. Bố mẹ bảo con gái học làm gì, ở nhà lấy chồng đi thôi. Các bạn lấy chồng rồi đấy. Nhưng em không muốn lấy chồng sớm đâu.
- Em xinh vậy mà, sẽ lấy chồng sớm thôi – Phà níu kéo.
- Không! Em không muốn giống như mẹ, các bác và các chị của em đâu. Cực nhọc, thiệt thòi lắm. Mẹ có bao giờ được nghỉ tay, mặc đẹp, không biết chỗ nào ngoài bản này. Sống làm ma họ Tẩn, chết làm ma họ Tẩn, quanh quẩn hết chuồng lợn, chuồng bò, ruộng nương. Bố có lúc uống rượu say cũng còn mắng mẹ nữa.
- Ừ. – Phà đáp miễn cưỡng, nhưng trong lòng tự nghĩ thấy Mẩy còn ít tuổi mà nói cũng có lí của nó. Vì tình riêng, muốn gàn việc Mẩy đi học mà Phàn thêm – Nhưng em sẽ sống khác với các bác, các mẹ chứ. Cuộc sống giờ khác rồi, trai bản mình giờ cũng không như trước nữa.
- Cũng khác nhưng chưa khác nhiều. Anh xem chị Lứ đấy. Chị ngày trước xinh đẹp là thế. Mà giờ mới 20 tuổi đã già hơn cả cô giáo 30 tuổi hôm trước tới nhà em rồi. Chị không biết cái chữ, nên đi chợ một mình cũng không được. Em nhất định sẽ đi học để làm cô giáo.
- Vậy… Mẩy học xong có về bản không? – Giọng Phà buồn thiu khi thấy Mẩy quả quyết. Mẩy nói vậy, xã nói vậy, thầy cô thì chờ rồi, thế nào Mẩy cũng đi.
- Em sẽ về chứ. Em sẽ về làm cô giáo ở bản mình nhé. Anh Phà có con nhỏ mang tới lớp, em sẽ dạy học cho.
- Không! Anh chờ Mẩy về mà. Bao giờ Mẩy lấy chồng, anh mới lấy vợ.
Buổi tối, bên bếp củi, thấy Phà buồn, chẳng nói câu nào. Anh Siểu hỏi vài câu rồi còn như đổ gáo nước trên núi đá vào lòng Phà:
- Mẩy đi học thì lấy cán bộ chứ chẳng lấy người dân bản mình đâu. Mà tao thấy, con gái thời nay chỉ thích chồng giàu thôi, thích lên phố, thích đi ngựa sắt, thích ở nhà xây, chứ có nhiều trâu, nhiều ngựa ở bản cũng chẳng thích đâu.
- Thế làm thế nào mà có nhiều tiền mà lên phố, xây nhà, mua xe anh Siểu?
- Thông minh như mày còn hỏi tao.
- Trồng cây á phiện nhanh giàu như bố con nhà thắng Láo Lở thì giờ cũng bị nhà nước bắt đi rồi. Trồng ngô, lúa thì bản mình may mắn chẳng mất mùa bao giờ, đủ cho người ăn, lợn ăn, trâu bò ăn chứ sao mà giàu được. Chưa kể có năm lạnh quá, trâu bò lại lăn ra chết thế là chẳng còn gì để cày bừa nữa… Hay em lại theo Mẩy lên phố đi học làm nghề gì thôi.
- Đợi mày học xong có nghề kiếm tiền thì con Mẩy đã là vợ thằng khác rồi. À, có tin này tao mới biết. – Siểu ghé sát Phàn, con mắt tinh ranh - Giờ chỉ có đi đào vàng ở sâu trong núi kia theo bọn thằng Páo may ra mới giàu.
- Thế nhà nước có cấm không?
- Trong sâu này, đã có ai biết mà cấm. Con cháu nhà ông Pao còn làm đầy kia kìa. Nể tình tao là bạn với mấy thằng đấy mới được vào làm đấy. Mày có thích thì đi làm theo tao.

Chẳng mấy chốc khu đất cách bản mấy con dao quăng đã được đám trai bản dựng lều, đến đó đào đào, đãi đãi. Có mấy thằng đi trước đã lên phố bán được khối tiền. Nên cả lũ trai non cũng mong tới thay đổi cuộc đời, mà cưới được người con gái mà mình đem lòng yêu mến. Phà cũng vậy. Phà nhanh chóng nhập hội.

Ở trại khai thác vàng tự phát, các vụ đánh chiếm diễn ra hàng ngày. Phà là người đến sau, nhưng với sự tài giỏi, ngang tàng, Phà nhanh chóng trở thành trưởng nhóm. Phà còn biết cả giao dịch với chủ hàng vàng bạc giỏi, nên luôn bán được giá cao hơn những kẻ còn lại. Đến A Siểu cũng không làm được, nên chấp nhận dưới chướng thằng em họ.

Diêu Phà như là có duyên với công việc này. Khi vùng đất này khai thác không còn vàng nữa, cả đội lại phải chuyển sang vùng đất khác. Chỉ bằng cách quan sát những cánh vàng bé tí trong đám đất khô và sự cảm nhận mà Phà dám khẳng định nơi nào có vàng, nơi nào không để anh em cùng làm. Và lần nào Phà cũng nói đúng. Uy tín của Phà càng vang dội. Ai cũng nể Phà ra mặt. Bản tính hoang dã của Phà trở lại: Phà vừa là con hổ dũng mãnh, con báo khoẻ mạnh không ai có thể uy hiếp, cản trở. Chỉ có trước Mẩy là Phàn lại như một con mèo con hiền lành.

Có lần lên phố bán vàng, Phà đã vào thăm Mẩy ở trường Cao đẳng Sư phạm. Phà thấy cả mấy cán bộ cũng tới đây thăm Mẩy, nhưng cái ghen chỉ giấu ở trong lòng. Phà giờ nhiều tiền lắm, ăn mặc cũng khác đi, còn có xe máy đẹp đi nữa. Phà đưa Mẩy đi ăn cơm quán, mua tặng Mẩy cài vòng bạc đẹp. Mẩy vui lắm. Phà nhất định sẽ giàu để cưới Mẩy về. Mẩy lo lắng:
- Anh làm gì ra nhiều tiền thế? Không được vi phạm nhà nước đâu nhé, như bố con nhà Láo Lở thì buồn lắm, em nghe tin chết người đấy.
Phà bảo: “Mẩy yên tâm, anh không làm việc đó đâu. Anh phải sống để lấy Mẩy chứ”. Sau những cuộc gặp, Phà càng có ước ao giàu có để cưới được cô gái xinh nhất bản – cô gái đã động viên anh, đã là người bạn đầu tiên từ khi anh mồ côi cả cha lẫn mẹ sang ở Pa Va Sủ.

Khi những khu đất gần đã hết vàng, thì cả nhóm càng tiến sâu vào trong núi. Đến một khoảng đất mới, Phà thấy có dấu hiệu của rất nhiều kim loại vàng, mà có lần học cấp hai, đã thấy cô giáo dạy địa lý có nói đến vùng đất này. Nhưng trên vùng đấy ấy lại có một cây gạo rất to, đến cả mấy người ôm không xuể. Để đào vàng thì phải chặt cây đi. Bây giờ là cuối xuân, nên dù thân cây cổ thụ có vẻ xù xì, khô quắt ấy vẫn trổ những bông hoa đỏ ngạo nghễ ở rất cao trên kia. Phà có nhớ về một truyền thuyết: cây gạo là một loại cây thần, nối đất với trời. Cho nên, trâu không dám ăn, người không dám phá. Quả thật, dù ở những vùng đồi núi trọc, cây cối bị khai phá hết thì những cây gạo vẫn mọc lên sừng sững, không ai dám động vào. Nhưng giờ để lấy được vàng ở đây thì phải phá cây thôi. Mẩy của anh còn đang có cả bao người nhòm ngó nữa kìa. Vậy thì nhất định phải giàu nhanh thôi. Cái cây cũng chỉ là cái cây. Nó đứng giữa rừng này, vùng này thiếu đi một cái cây thì cũng có sao đâu.

“Chặt nó đi anh em!”. Những thằng em non trẻ bằng một nửa tuổi của Phàn không biết nên không sợ. Chúng nó ra sức chặt, ra sức đào đất, ra sức đãi đất cát lấy vàng. Mà quả nhiên vàng nhiều thật. Tin ấy đến tai trưởng bản. Lão lắc đầu lo lắng:
- Chết thôi! Cây thiêng đấy! Vi phạm đến trời rồi. Trời sẽ phạt mất thôi.
Chẳng biết lời thiêng đến đâu mà sau đó, chưa đến một mùa, sang hạ, một cơn lũ quét kinh hoàng đã đi qua Pa Va Sủ vốn rất bình yên này. Trưởng bản móm mém, râu dài, quấn cái khăn lên đầu gọi Diêu Phà tới ngồi bên bếp lửa.
- Phà à! Trời phạt ta rồi đấy! Con phải thay đổi ngay thôi. Tạ lỗi với trời với đất quê mình đi. Theo phong tục dân mình, không ai chặt cây thiêng đi cả. Cây để giữ đất, giữ nước. Cho nên, qua bao đời nó mới cao to như thế. Nó là đường lên trời, là sự thuỷ chung của người con gái với người con trai trong truyền thuyết đấy con ạ!

A Phàn vốn không còn tin những truyền thuyết, thần thoại nhưng tự dưng trong dự cảm lại lo lắng, khi trưởng bản lại nói tới cây gạo là loài cây gắn với chuyện tình của đôi trai gái. Giờ chặt mất rồi, liệu Mẩy có còn đợi anh không? Rồi kéo theo đó là lũ quét tan hoang bao mái nhà, có cả nhà của Mẩy nữa. May mà chưa ai thiệt mạng. Rồi là lũ trai trẻ làm thêm trong bãi vàng tự phát, vì có mấy đồng bạc mà lên phố chơi bời, lêu lổng, có khi hỏng mất người thôi. Đất bản thì nham nhở vì đào bới. Những dòng suối, dòng sông bao quanh không còn đẹp nữa nữa vì đãi vàng, đãi cát… Phà phải dừng lại thôi.

Phà chạy ngay sang nhà Mẩy để giúp dựng lại nhà sau đợt lũ. Mà gặp ngay một chàng trai biên phòng khác. Người này Phà đã từng gặp trên phố trong một lần lên thăm Mẩy. Mẩy chẳng thèm tiếp chuyện, Mẩy bảo Phà về đi. Đông người nên Phà không kịp nói thêm câu nào riêng với Mẩy, cứ lặng lẽ làm cùng mọi người cho đến khi ngôi nhà gỗ thành hình. Đến tối muộn, Phà vẫn chưa về, Phà đợi nói với Mẩy vài câu. Mẩy dường như hiểu ý mà nói với Phàn:
- Khi nào bản làng như xưa thì em sẽ như xưa.

Phàn biết làm thế nào để lấy lại những vùng đất đã bị xáo trộn lên, những đứa em trong bản bị lạc mất đường về. Nhà nước giờ cũng cấm khai thác khoáng sản rồi. Đó sẽ là dự án lớn có quản lí đàng hoàng, chứ người dân không được tự ý làm. Nghe cán bộ xã nói vậy, Phà đã hiểu rồi.

Phà giờ không còn cha mẹ, chỉ còn Mẩy là người bạn chia sẻ niềm vui nỗi buồn từ khi Phà sang Pa Va Sủ. Lời Mẩy cứ vang lên trong đầu Phà hàng đêm. Muốn lấy được Mẩy làm vợ, Phà nhất định phải giúp bản làng lại như xưa.

Sau bao đêm suy nghĩ thì Phà quyết định góp phần lớn số tiền kiếm được từ khai thác vàng trong thời gian qua qua với dân bản để sửa sang nhà cửa. Nhà nước cũng hỗ trợ rồi, nhưng có thêm giúp đỡ của Phà thì mọi người còn mua lại con giống, cây giống. Cả bản ai cũng biết ơn Phà lắm, bảo là ông trời sẽ có mắt thôi. Mẩy dù im lặng nhưng trong đôi mắt ánh lên đầy niềm hi vọng.

Trong khi đợi Mẩy học xong, Phà cũng quyết định đi học trung cấp Trồng trọt. Khi anh học xong trung cấp hai năm thì Mẩy cũng học xong ba năm Cao đẳng. Phà được thầy cô dạy rồi, Phà cũng tự đọc thêm rất nhiều sách nữa, Phà còn đi sang bản Mồ Sì San – vốn trồng được nhiều thảo quả để học hỏi kinh nghiệm. Phà thấy rồi, đất vùng mình vừa cao, vừa mát mẻ, vừa có rừng thưa che phủ ở phía trên tạo thực bì tốt, hợp với cây thảo quả lăm lắm. Với phần vốn còn lại, Phà sẽ cùng với mấy người anh em đầu tư cho những cánh đồng thảo quả tại vùng đất này. Và anh cũng còn dự định làm sẵn một căn nhà nhỏ, có vườn cây, có chiếc bàn để Mẩy làm cô giáo…

Phà đang mỉm cười với những ý tưởng thì Mẩy đến. Phà mở cửa… Mùa xuân ngoài kia đang đến rất gần.

**********

ME RỪNG

Chát…
            Dao Mẩy, nhà ở cách có một hàng cây. Ngày nhỏ, có cái gì cũng rủ Dao Mẩy chơi cùng, có cái kẹo ngon cũng để dành cho Dao Mẩy. Lớn lên, đi học cùng nhau. Dao Mẩy học ít hơn một lớp. Bố mẹ Dao Mẩy vẫn nói: “A Phàn à! Nhớ giúp Dao Mẩy qua những đường khó và suối sâu đấy”. Đó càng là cái cớ để quan tâm tới Dao Mẩy hơn. Dao Mẩy như một đứa em gái bé nhỏ và đáng yêu.
Ở đầu bản có nhiều me rừng, thi thoảng A Phàn lại trèo hái cho Dao Mẩy. Dao Mẩy cười tít mắt. Me tròn có vị chua chát pha lẫn ngọt. Hai anh em mang me rừng trong túi nhấm nháp suốt dọc đường đi học. Khi trời nắng, những trái me xinh xắn ấy giúp làm vơi cơn khát.

Dao Mẩy càng lớn càng xinh, ngoan và hiền. Đến ông bà của A Phàn cũng nhận thấy thế. Nhưng càng ngày Dao Mẩy càng trở nên xa cách. Hai nhà cách nhau có một cái hàng rào trồng sắn, thế mà như thể cách nhau cả mấy quả núi, ngọn đồi. Dao Mẩy không nói lí do tại sao, chỉ biết Dao Mẩy không thích đi học cùng, cũng không cần A Phàn trèo cây hái me tròn hộ nữa. Hay là Dao Mẩy chê mình lười học, vì hôm trước bị thầy chủ nhiệm nhắc nhở không đi học đều. Cũng tại nhà neo người, không ai giúp Ếm gặt lúa vụ mùa nên mình mới phải nghỉ học. Đã vậy, A Phàn sẽ cố gắng đi học đều đặn, chăm ngoan theo lời thầy cô vì dù sao vụ mùa cũng qua rồi. Với lại, nếu A Phàn không đi học thì sẽ có A Goong giúp Dao Mẩy lội qua con suối sâu đang vào mùa mưa. A Phàn không thích ai thay thế mình làm việc đó cả.

Thế nhưng rồi, có hôm chính mắt A Phàn đã nhìn thấy Dao Mẩy đi học với A Goong. A Phàn cứ lẽo đẽo đi sau, cũng không cố gắng để đi cùng. A Phàn thấy Dao Mẩy sao mà vui vẻ. Cứ nói nói cười cười như hoa, chứ không lặng im như khi đi với A Phàn. A Phàn quả thật không hiểu nổi. Dạo này A Goong thường qua gọi Dao Mẩy đi học. Ở lớp, cô giáo lại còn cho hai người ấy học cùng nhóm với nhau. Nghe nói cái thằng A Goong ấy học giỏi lắm. Bỗng dưng A Phàn thấy cái bụng nặng nề, học giỏi quá thì có gì mà hay. Cái thằng A Goong ấy là con út trong nhà, nó chỉ biết học chứ có biết gặt lúa, đào khoai, đào sắn, có biết trèo cây giỏi như A Phàn đâu. Nó làm gì biết hái me tròn cho Dao Mẩy như A Phàn từng làm. Trời nắng thế thì nó cũng đâu biết Dao Mẩy có khát hay không.

Lâu lắm Dao Mẩy không còn nhờ A Phàn hái me. Lâu lắm Dao Mẩy cũng không còn cười tít mắt với Phàn. Quả me trên cành giờ không còn xanh như ngọc. Vị của nó không ngọt mà trở nên chát hơn bao giờ hết.

Đắng…
            Học xong cấp ba, Dao Mẩy đỗ cao đẳng rồi đi học xa. Bóng dáng Dao Mẩy khuất sau nhiều rặng núi. Thi thoảng Dao Mẩy mới về nhà. Mỗi lần về, thấy Dao Mẩy một khác: ít mặc váy áo truyền thống hơn, ăn nói cũng bạo dạn hơn, có nhiều cái thấy Dao Mẩy không còn bé nhỏ và đáng yêu như ngày xưa nữa nhưng mà… Mẩy xinh thật đấy. Con trai bản đến nhà Dao Mẩy chơi thật nhiều. Đêm còn nghe thấy cả tiếng sáo gọi bạn ở ngoài ngõ nữa. Nhưng Dao Mẩy cũng không đi chơi cùng ai. Điều này A Phàn biết chắc, vì A Phàn ở sát bên cạnh mà. A Phàn không như những thằng con trai khác trong bản: khi Dao Mẩy không ở nhà thì A Phàn thường sang chơi, giúp đỡ bố mẹ Dao Mẩy; nhưng khi Dao Mẩy về thì A Phàn lại không xuất hiện nữa. Nhưng hàng tối, A Phàn vẫn để ý xem ai thổi sáo gọi Dao Mẩy đi chơi, xem Dao Mẩy có trốn bố mẹ đi không. Và tự dưng khi Dao Mẩy về thì cái bụng của A Phàn không yên. Phàn thấy khó ngủ, có cái gì như lửa đốt trong bụng. Nhưng A Phàn không biết làm thế nào để nói cho Dao Mẩy hiểu và có lẽ sẽ chẳng bao giờ A Phàn nói ra cả. Nhà A Phàn quá nghèo. A Phàn lại chẳng học hành đến nơi đến chốn…
 
Lần nào về Dao Mẩy cũng sang nhà chơi. Bây giờ Dao Mẩy không còn im lặng như ngày xưa nữa. Mẩy sang hỏi thăm sức khoẻ của bố và Ếm. Mấy mùa ngô nay, bố và Ếm của A Phàn không khoẻ. Bố đã mấy lần phải lên bệnh viện huyện. Đã vậy, Ếm cũng vì lo lắng, và phải lo toan nhiều việc trong nhà nên có người còn bảo Ếm chỉ như con ngựa già nữa thôi. Thế nên A Phàn đành phải bỏ học. Dao Mẩy cứ bảo A Phàn đừng bỏ học. Dao Mẩy nói rất nhiều. Nhưng giờ A Phàn lại là người không nói nữa. Biết nói thế nào cho vừa bây giờ. A Phàn muốn đi học để mở mang cái dạ. Nhưng giờ nhà A Phàn như vậy, biết lấy ai lo việc ruộng nương. Câu chuyện kết thúc ở đó. Rồi Dao Mẩy lại lên tỉnh học. Cuộc sống ở nhà lại trở lên buồn tẻ như thường ngày. Mặt trời ló ra rồi lại đi về núi. Ngày ngày A Phàn vẫn những công việc ấy: nương rẫy, lợn gà…
 
Rồi A Phàn có giấy gọi nhập ngũ. A Phàn lên đường mà trong lòng còn bao lo nghĩ. Nhưng anh vẫn nghe lời bố Ếm để làm một chiến sĩ thực sự và “vì tổ quốc” như cán bộ Hùng đã động viên. Những ngày tháng ở lính là những chuỗi ngày vui và đáng nhớ dù phải tập luyện rất vất vả. Ngoài giờ tập, anh em được cán bộ hướng dẫn tăng gia sản xuất, văn nghệ, thể thao… Lần nào về thăm nhà, A Phàn cũng được khen là rắn rỏi, khoẻ mạnh và nhanh nhẹn hơn. Bố mẹ rất yên tâm và hài lòng về A Phàn. Về giúp bố mẹ được vài hôm, rồi A Phàn lại trở về đơn vị cũ. Nhưng có điều khiến A Phàn suy nghĩ nhiều nhất là lần về vừa rồi về nhà gặp lại Dao Mẩy.

Dao Mẩy vẫn xinh và đáng yêu như ngày nào. Hai người lấy địa chỉ của nhau. Khi lên đơn vị, A Phàn vẫn thường viết thư cho Mẩy. Thi thoảng Mẩy cũng gửi thư cho Phàn. Hai người trao đổi, trò chuyện về cuộc sống riêng của mỗi người. Nhưng điều mà A Phàn muốn nói nhất thì đã không dám nói và có lẽ sẽ không bao giờ được nói ra khỏi miệng. Đó là A Phàn thích Mẩy. Vì một hôm, Dao Mẩy viết rằng rất buồn. A Phàn hỏi thăm về nỗi buồn ấy. Mẩy kể về một người con trai khác. Người mà Mẩy thầm yêu quý (là Hưng) mà anh ấy lại thân thiết với một cô gái khác. Trời như sụp đổ trước mắt A Phàn. Nhưng anh cố tỏ ra mạnh mẽ động viên Mẩy để cô vượt qua nỗi buồn và tiếp tục học tập cho tốt. Mẩy đã vui trở lại. Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Một thời gian sau thì Dao Mẩy đã kể rằng Hưng và Mẩy đã trở nên thân thiết với nhau. Bẵng đi một thời gian không thấy Dao Mẩy viết thư. A Phàn thì vẫn viết và gửi đều nhưng không có tin gì của Mẩy. Thật chẳng còn gì buồn hơn.

Hết thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự, A Phàn trở lại quê nhà. Nghe nói Dao Mẩy học xong, công tác trên tỉnh và đã lấy chồng. Một người chồng giàu có. Cũng phải, Mẩy xinh đẹp và tài giỏi mà. Người như Mẩy thì có bao giờ nhìn đến người như A Phàn đâu. Nhưng chồng của Mẩy là người có cái tên khác chứ không phải Hưng – người mà Mẩy đã từng kể cho Phàn nghe.

Bố A Phàn kêu đau nhiều. Mọi người đều giục A Phàn lấy vợ để giúp đỡ bố mẹ. Thế rồi người ta mang về cho A Phàn một cô vợ. Cô ấy thường đi cùng Ếm lên nương. Lúc về thì lầm lì như con rùa. Có lẽ cũng vì A Phàn cũng lầm lì với cô ấy. Mãi rồi thì cô ấy cũng đi cùng A Phàn lên nương. Lúc đầu, hai người cứ lùi lũi đi về cùng nhau. Mãi sau rồi cũng nói chuyện với nhau. Nhưng không hiểu sao, A Phàn không thấy cô ấy đáng yêu và xinh đẹp như Dao Mẩy. A Phàn cũng chẳng bao giờ có ý định hái me tròn cho cô ấy, chỉ thấy thi thoảng cô ấy tự mang ở đâu về nhấm nháp. Những đứa trẻ ra đời. Rồi bố của A Phàn khuất núi sau một cơn đau kéo dài. Nhà như thiếu nóc. A Phàn trở thành trụ cột gia đình. Bỗng chợt trong anh, mọi kí ức về Dao Mẩy trở nên nhạt nhoà. Cuộc sống là chuỗi ngày mưu toan kiếm sống. Nỗi vất vả tràn lên đôi vai, đôi mắt. Lòng đắng như me trái mùa.           

Ngọt…
        Việc của A Phàn lúc này là: làm thế nào để thoát khỏi cảnh nghèo. A Phàn liên hệ với cán bộ ở đơn vị ngày xưa. Rồi nhờ được chính phủ giúp vốn, A Phàn từ bàn tay trắng đã có nhà cửa khang trang, xe máy, con cái được học hành cẩn thận. Rừng thảo quả của gia đình anh bây giờ là mơ ước của nhiều người. Nhưng họ cũng biết rằng A Phàn đã phải bỏ bao công sức, khó khăn mới có được thành quả ấy. Trong vườn cây của A Phàn có vài cây me cũ, anh nhất quyết để lại không cho ai chặt đi. Điều đó chỉ có anh biết được tại sao.

Một ngày nọ, có việc làm ăn trên tỉnh, A Phàn vô tình gặp lại Mẩy. Mẩy vẫn đẹp như xưa, thậm chí còn đằm thắm, mặn mà hơn. Mẩy nói rằng cuộc sống của cô ổn định và hạnh phúc. Chồng là người đàn ông tốt bụng, con trai, con gái ngoan và học giỏi. Phàn mừng cho cô. Hai người huyên thuyên nói chuyện. Nói về cả ngày xưa. Mẩy nói rằng ngày xưa cô hay im lặng với Phàn vì cô quý mến Phàn, muốn Phàn chăm học hơn mà thôi. Cô cũng kể rằng mối tình đầu của cô là Hưng. Nhưng khi ra trường, hai người vì hoàn cảnh mà không thể đến được với nhau. Cô nói mối tình đầu thường thế: yêu nhau nhưng mấy khi đến được với nhau. Với lại có khi, tình chỉ đẹp khi còn dang dở... A Phàn cười. Anh không bàn luận Dao Mẩy nói đúng hay sai. Anh đang bận nghĩ xem là có nên cho Dao Mẩy biết là cô ấy là mối tình đầu của anh hay không? Anh quyết định chưa nói và chỉ giữ điều đó cho riêng mình. Bất giác anh nói thêm: “Ừ, mối tình đầu thường thế. Đắng chát lúc đầu nhưng sẽ mãi ngọt về sau. Như trái me rừng vậy”. Dao Mẩy cười bảo Phàn sao mà lãng mạn. Phàn không tranh cãi lại. Mẩy đâu biết rằng, anh nói thật chứ không hề tô vẽ thêm. Có những đêm về mất ngủ, anh ước rằng: giá như Mẩy đã từng yêu anh thì cho dù anh có lấy vợ, Mẩy có lấy chồng và có thật nhiều con thì đến phiên chợ, họ vẫn có thể gặp nhau mà tâm sự cho hết đêm, uống rượu cho đến say mới về. Nhưng thật ra giữa anh với Mẩy đã có gì đâu. Mẩy giờ là cán bộ, ai còn thèm đến chợ phiên mà hẹn hò với anh nữa. Với lại Toàn (chồng Mẩy) đâu phải người dân mình, sao hiểu và thông cảm cho được cái việc gặp gỡ nơi chợ tình. Nghĩ đi, nghĩ lại, A Phàn thấy mình cũng cần phải sống cho Mẩy, cho cả vợ và con mình nữa. Phàn quyết định chỉ giữ những kí ức đẹp về Mẩy, về tuổi thơ của mình mà không làm mọi chuyện xáo trộn lên nữa. Khi lòng thanh thản, anh đi vào giấc ngủ thật nhẹ nhàng. Mẩy từ giờ sẽ là cô bạn tốt nhất của anh.

Năm tháng vẫn dần qua. Có những chuyện qua đi không để lại một ấn tượng gì. Nhưng nếu đã gọi ai là “mối tình đầu” thì chắc chắn chẳng thể nào quên được người đó. Những rung cảm đầu tiên, những ngọt ngào và chua chát đầu tiên. Hình ảnh về Dao Mẩy ngày xưa chẳng khác nào cái vị do me tròn gợi lại. Có tất cả: chua chát, đắng cay… nhưng cái dư vị sau cùng để lại cho anh là vị ngọt hậu, nhẹ nhàng, càng thêm thời gian càng thêm ngọt (như me tròn cần thêm chút nước để ngọt hơn). Cuộc sống nhiều khi là thế. Có những thứ không phải có tiền là sẽ mua được. Vì vậy A Phàn sẽ còn giữ mãi những điều ngọt ngào ấy trong lòng. Me tròn – tuổi thơ của anh, tình yêu của anh.

Chùm thơ của tác giả Phạm Thị Đào - Hội văn học nghệ thuật Lai Châu

Chùm thơ của tác giả Phạm Thị Đào – Sáng tác tại Trại Văn học nghệ thuật Lai Châu 2018, Nhà sáng tác Đà Nẵng tháng 8-2018.

BÊN DÒNG SÔNG THU BỒN

Vạt nắng chiều anh có gửi vào tranh
Khi nỗi nhớ ủ mùi hương cỏ dại
Con đò nhỏ kịp về không xa ngái
Mây chùng chình vắt đỉnh Ngũ Hành Sơn
 
Nghiêng nắng chiều ai “ đờn ca tài tử”
Mênh mang sông nước mắt chảy đôi bờ
Bìm bịp tím trôi theo mùa nước lũ
Ta chân trần tươm máu chạm bùn non
 
Thu Bồn ơi, ai bỏ bùa trên sóng
Câu giận thương đã nhuộm đắng mái chèo
Thuyền đi rồi mặc bến vắng cô liêu
Ta không anh cả khuông chiều trống trải
 
Rồi mai này biết khi nào về lại
Bến cũ đường quen đã in dấu bao ngày
Mơ khói bếp vịn vào chiều xa vắng
Lặng trong tim
nhặt một tiếng chuông chùa…
        Nhà sáng tác Đà Nẵng 3/8/2018

***********

DỖI HỜN THÁNG TÁM

Tháng tám về mang ký ức ra hong
Mây lãng đãng gối đầu trên núi biếc
Nghiêng nghiêng nắng,
mùa vẫn đang ngái ngủ
Em một mình tiễn hạ đón mùa thu
 
Em có buồn khi mùa về trước ngõ
Cái nắng hanh hao chạy trốn dưới lưng trời
Em đừng viết những lời tha thiết cũ
Thị trấn đượm buồn trong sắc nắng đã tàn phai
 
Tháng tám mơ mùi cỏ thơm ngai ngái
Nỗi tâm tư em giữ đã bao mùa
Cọng cỏ ấy chẳng thể nào xanh lại
Tháng tám về rồi…
Vẫn da diết nhớ tháng bảy mưa Ngâu
 
Kìa tháng tám, em chẳng về kịp nữa
Cánh đồng xa sương che khuất ánh nhìn
Hương cốm gọi tâm hồn se sắt nhớ
Nhẹ tiếng chày mẹ giã giữa đêm khuya
 
Tháng tám ạ em ngồi nghe trăng khóc
Úp mặt vào mây hoang lạnh những đêm dài
Tìm nơi đâu giữa lưng chừng mùa cũ
Giữa lưng chừng nhớ nhớ quên quên…
 
***********

TRÊN THÁNH ĐỊA MỸ SƠN

Nắng dịu dàng trên tháp cổ trầm u
Sương trắng thênh thang bông đùa trên vòm lá
Tiếng chim ca gọi mời khách lạ
Khắp nẻo về Thánh địa Mỹ Sơn
 
Có chiếc lá rụng về từ tiền kiếp
Nhặt lên tay kết nối tháng năm dài
Trầm mặc tháp,
rong rêu tường gạch cũ
Ta nghe lời đá kể chuyện trăm năm
 
Vãng bước thăm gót giày xin nâng nhẹ
Tháp ngủ say, quân vương trọn giấc nồng
Điệu múa nữ thần thoảng giấc chiêm bao
Lạc dấu chân đưa ta vào miền nhớ
 
Em bước ra triệu trái tim nín thở
Búp măng mềm quyến rũ
bao đắm say
bao thương mến
bên lời ca,
Ôi vũ điệu Apsara huyền bí
Cỏ úa vấn quanh,
em gieo nhớ bao người
 
Thánh địa Mỹ Sơn
hoàng hôn choàng mây tím
Gió mải tự tình bên hoa lá cỏ cây
Gieo vần thơ với ký ức đong đầy
Giữa ngàn mây của thu trời tháng tám
             Nhà sáng tác Đà Nẵng 6/8/2018

                       

Với một ngày Tam Đảo - Thơ Nguyễn Phước Giang - Hội Nhà văn Hải Phòng

VỚI MỘT NGÀY TAM ĐẢO 

Tác giả: Nguyễn Phước Giang – Sáng tác tại Trại sáng tác Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Nhà sáng tác Tam Đảo tháng 4-2018.

Thế là xa đã mấy ngàn năm
Nay bất chợt được về chốn mẹ
Tóc bạc rồi vẫn như ngày thơ trẻ
Đường cao xanh vời vợi nắng nghiêng rừng
 
Ta lại đắm vào nguồn cội mát trong
Khi mỗi bước chân qua
Ta giơ tay chạm vào những vòm lá thẫm
Thấy dáng mẹ hiện ra tảo tần in vào dốc nắng
In vào đá cỗi cằn làm thức dậy những mầm xanh
Để bữa cơm chiều nay lại mặn muối cay gừng
Với đọt măng tươi, bát canh chua như thủa nào có mẹ
 
Tiếng chuông chiều nay ngân da diết thế
Mẹ gọi về ấm nóng những bàn tay
Ta mặn mòi từ quê biển lên đây
Ở nơi cha ầm ào con sóng vỗ
Nơi sức trai căng vồng ngực trước mây trời
Trước những rình rập, trước những bão giông
Trước những điều trăn trở
Cho mũi đất hồng Tổ quốc vẫn vươn khơi
 
Xin gửi lời cha dâng câu thơ trước mẹ
Non nước này ta giữ trọn niềm vui
Như màu hoa , như giọt máu hồng thắm mãi
Chảy đến xa sau cho tất cả những cuộc đời
 
Tam Đảo ơi ! Mỗi giờ ta sống
Chốn bồng lai mẹ Âu Lạc để dành
Mong ngàn sau chốn thiêng này vẫn thế
Như tình mẹ muôn đời cứ ngút ngát mùa xanh
 
 
Nhà sáng tác Tam Đảo tháng 4/2018
Nguyễn Phước Giang Hội viên hội Nhà văn Hải Phòng

Bế mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật Lai Châu 2018

Ngày 14/8/2018, tại Nhà sáng tác Đà Nẵng đã diễn ra buổi bế mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật 2018 của Hội văn học nghệ thuật Lai Châu.

bemaclaichaut8 2018

Dự bế mạc có bà Đỗ Thị Tấc – Uỷ viên Ban chấp hành Hội văn học nghệ thuật tỉnh Lai Châu; ông Nguyễn Song Hiển – Giám đốc Nhà sáng tác Đà Nẵng và các văn nghệ sỹ dự trại.

Về phía khách mời có ông Bùi Văn Tiếng – Chủ tịch; bà Đinh Thị Như Thuý – Uỷ viên Ban chấp hành Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng.

Tại buổi bế mạc bà Đỗ Thị Tấc đã có bài phát biểu đánh giá tổng kết các hoạt động diễn ra trong thời gian tổ chức Trại sáng tác cũng như chất lượng của các tác phẩm đã được sáng tác. Các văn nghệ sỹ đã lao động tích cực, thường xuyên trao đổi, học hỏi lẫn nhau để nâng cao chất lượng các tác phẩm của mình. Bên cạnh đó, Ban tổ chức Trại sáng tác cũng đã tổ chức nhiều chuyến đi thực tế và giao lưu với các hội văn học nghệ thuật địa phương nhằm mở rộng kiến thức và kinh nghiệm sáng tác cho các trại viên. Bà Đỗ Thị Tấc cũng cảm ơn và đánh giá cao hoạt động của cán bộ, nhân viên Nhà sáng tác Đà Nẵng trong khâu phục vụ cũng như đảm bảo trật tự, an toàn của Trại sáng tác.
 
bemaclaichaut8 2018 1
Các văn nghệ sỹ trao tác phẩm cho ông Nguyễn Song Hiển

Có 112 tác phẩm đã được sáng tác tại Trại sáng tác lần này, bao gồm 30 tác phẩm thơ, 25 tác phẩm văn xuôi, 30 tác phẩm nhiếp ảnh, 24 tác phẩm mỹ thuật, 01 tác phẩm sân khấu và 02 tác phẩm nghiên cứu văn hóa dân gian.

Khởi công sửa chữa Nhà sáng tác Vũng Tàu

Ngày 9/8/2018 tại Nhà sáng tác Vũng Tàu đã tổ chức khởi công sửa chữa Nhà sáng tác Vũng Tàu.

Tham dự buổi khởi công có ông Huỳnh Văn Ngàn – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật; ông Phan Toàn – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ An Toàn; ông Phạm Quang Tuyến – Giám sát trưởng Công ty Tư vấn xây dựng Miền Trung cùng các cán bộ, nhân viên Nhà sáng tác Vũng Tàu.

suachuanstvungtau
Nhà sáng tác Vũng Tàu đang được sửa chữa

Với mục đích nâng cấp chất lượng phục vụ các văn nghệ sỹ cả nước, đồng thời sửa chữa cơ sở vật chất đã xuống cấp sau nhiều năm tại Nhà sáng tác Vũng Tàu, Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật đã quyết định sửa chữa, nâng cấp Nhà sáng tác Vũng Tàu. Công trình bắt đầu vào tháng 8/2018 và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2018.

Cần cách viết mới về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng

Ngày 15/8/2018, tại Nhà sáng tác Đại Lải, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp với Trung tâm hỗ trợ sáng tác văn học Nghệ thuật tổ chức "Tọa đàm văn học đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng” và Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới - Vai trò, chức năng của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân”.

Tọa đàm đã nhận được gần 30 tham luận của các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật, nhà nghiên cứu văn học, nhà văn là cộng tác viên lâu năm của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân.
 
toadamnxbqdndt8 2018
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Các đại biểu đã chỉ rõ: Sau khi chiến tranh kết thúc, đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ ít được đề cập, ít có tác phẩm giá trị, ấn tượng. Đó là chưa kể, một số tác phẩm có biểu hiện cực đoan, chỉ tập trung bôi đen mặt tối, tiêu cực của đời sống hiện tại, thậm chí xuyên tạc, bóp méo lịch sử… Chính vì vậy, việc tập trung đầu tư, sáng tác về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng là điều cần thiết.

Các tham luận nhấn mạnh Nhà xuất bản Quân đội nhân dân là cơ quan xuất bản tổng hợp chuyên ngành quân sự của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trung tâm xuất bản của toàn quân, do Tổng cục Chính trị trực tiếp chỉ đạo. Sách của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân luôn giữ vững định hướng chính trị, đồng thời khẳng định thương hiệu uy tín của Nhà xuất bản về mảng đề tài đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.

Những năm gần đây, NXB Quân đội nhân dân đã tổ chức các Trại sáng tác văn học về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng tại các Nhà sáng tác Tam Đảo (2015), Đại Lải (2016) và Nha Trang (2017). Tính đến nay, trong tổng số gần 70 bản thảo thu nhận được từ 3 trại sáng tác và 2 đợt đầu tư chiều sâu 3 tháng đã có 30 tác phẩm được xuất bản, cùng 15 tác phẩm khác đang được NXB Quân đội nhân dân tổ chức biên tập và xuất bản. Nhiều tác phẩm vừa xuất bản đã gây tiếng vang trong dư luận và được các cơ quan quản lý xuất bản, cơ quan văn học nghệ thuật ở cả trung ương và địa phương đánh giá cao.

Cuộc tọa đàm đã trao đổi giúp Nhà xuất bản Quân đội nhân dân định hướng một số vấn đề về: Định vị lại giá trị của mảng đề tài “Lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng”; tìm cách viết mới để có được tác phẩm đỉnh cao; vai trò của NXB Quân đội nhân dân đối với mảng đề tài này; cơ chế chính sách với các tác giả.

Nguồn: www.qdnd.vn

Cần cách viết mới về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng

Ngày 15/8/2018, tại Nhà sáng tác Đại Lải, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp với Trung tâm hỗ trợ sáng tác văn học Nghệ thuật tổ chức "Tọa đàm văn học đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng” và Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới - Vai trò, chức năng của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân”.

Tọa đàm đã nhận được gần 30 tham luận của các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật, nhà nghiên cứu văn học, nhà văn là cộng tác viên lâu năm của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân.
 
toadamnxbqdndt8 2018
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Các đại biểu đã chỉ rõ: Sau khi chiến tranh kết thúc, đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ ít được đề cập, ít có tác phẩm giá trị, ấn tượng. Đó là chưa kể, một số tác phẩm có biểu hiện cực đoan, chỉ tập trung bôi đen mặt tối, tiêu cực của đời sống hiện tại, thậm chí xuyên tạc, bóp méo lịch sử… Chính vì vậy, việc tập trung đầu tư, sáng tác về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng là điều cần thiết.

Các tham luận nhấn mạnh Nhà xuất bản Quân đội nhân dân là cơ quan xuất bản tổng hợp chuyên ngành quân sự của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trung tâm xuất bản của toàn quân, do Tổng cục Chính trị trực tiếp chỉ đạo. Sách của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân luôn giữ vững định hướng chính trị, đồng thời khẳng định thương hiệu uy tín của Nhà xuất bản về mảng đề tài đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.

Những năm gần đây, NXB Quân đội nhân dân đã tổ chức các Trại sáng tác văn học về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng tại các Nhà sáng tác Tam Đảo (2015), Đại Lải (2016) và Nha Trang (2017). Tính đến nay, trong tổng số gần 70 bản thảo thu nhận được từ 3 trại sáng tác và 2 đợt đầu tư chiều sâu 3 tháng đã có 30 tác phẩm được xuất bản, cùng 15 tác phẩm khác đang được NXB Quân đội nhân dân tổ chức biên tập và xuất bản. Nhiều tác phẩm vừa xuất bản đã gây tiếng vang trong dư luận và được các cơ quan quản lý xuất bản, cơ quan văn học nghệ thuật ở cả trung ương và địa phương đánh giá cao.

Cuộc tọa đàm đã trao đổi giúp Nhà xuất bản Quân đội nhân dân định hướng một số vấn đề về: Định vị lại giá trị của mảng đề tài “Lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng”; tìm cách viết mới để có được tác phẩm đỉnh cao; vai trò của NXB Quân đội nhân dân đối với mảng đề tài này; cơ chế chính sách với các tác giả.

Nguồn: www.qdnd.vn

Khởi công sửa chữa Nhà sáng tác Vũng Tàu

Ngày 9/8/2018 tại Nhà sáng tác Vũng Tàu đã tổ chức khởi công sửa chữa Nhà sáng tác Vũng Tàu.

Tham dự buổi khởi công có ông Huỳnh Văn Ngàn – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật; ông Phan Toàn – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ An Toàn; ông Phạm Quang Tuyến – Giám sát trưởng Công ty Tư vấn xây dựng Miền Trung cùng các cán bộ, nhân viên Nhà sáng tác Vũng Tàu.

suachuanstvungtau
Nhà sáng tác Vũng Tàu đang được sửa chữa

Với mục đích nâng cấp chất lượng phục vụ các văn nghệ sỹ cả nước, đồng thời sửa chữa cơ sở vật chất đã xuống cấp sau nhiều năm tại Nhà sáng tác Vũng Tàu, Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật đã quyết định sửa chữa, nâng cấp Nhà sáng tác Vũng Tàu. Công trình bắt đầu vào tháng 8/2018 và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2018.

Chùm truyện ngắn của Cao Xuân Sơn - Hội Nhà văn Việt Nam

Chùm truyện ngắn của tác giả Cao Xuân Sơn - sáng tác tại Trại sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam, Nhà sáng tác Vũng Tàu tháng 3-2018.

BÁNH CHƯNG GẤC

Bà nội bảo trong các thứ bánh Tết cổ truyền, bà mê nhất bánh chưng gấc, tiếc là ngoài chợ giờ không thấy bán.

Anh em bé Trân nhìn bố, dò hỏi. Bố nói:
- Đúng đấy, bánh chưng gấc ngon tuyệt. Muốn ăn, nhà mình phải tự gói thôi. Hơi vất vả, nhưng có các con giúp, mẹ sẽ vui hơn.
Hai anh em thích lắm.

Hôm sau, mẹ đi chợ sắm Tết, không quên mua thêm mấy trái gấc chín.

Sáng 30, hai anh em phụ mẹ rửa lá dong rồi xem mẹ gói bánh. Nếp được mẹ ngâm từ sớm, đề ráo, trộn đều với “thịt” gấc. Nhân bánh là đậu, thịt như bánh chưng thường

Bếp lửa nhóm ở góc sân. Nồi bánh ùng ục sôi, hai anh em lăng xăng lui tới hít hà. Con Lu sốt ruột bám theo. Thỉnh thoảng, khói tạt vào mẳt cay xè nhưng nghĩ đến lúc được nếm bánh, hai đứa lại nhìn nhau, nhoẻn cười.

10 giờ đêm, bánh chín. Bố cung kính dâng một cặp lên bàn thờ gia tiên. Mẹ bóc một chiếc ra đĩa sứ trắng, đặt giữa mâm cỗ cúng giao thừa, mâm cỗ thoắt biến thành bông hoa nhụy đỏ như son.

Mùi xôi gấc ngầy ngậy quyện với mùi thơm bánh chưng quen thuộc tạo nên hương vị thật đặc biệt khiến bà nội rưng rưng xúc động. Chẳng cần nếm thử, bà cũng biết Tết này ngon nhất vẫn là món bánh chưng gấc bởi nó được gói bằng biết bao yêu thương của con cháu dành cho mình.

BẾP PHÓ CỦA MẸ

Tết năm ngoái, Trân với con Lu mon men xuống bếp, mẹ không cho, sợ vướng chân. Năm nay, nể bà nội, mẹ cho Trân làm “bếp phó”.

Nhưng làm “bếp phó” không dễ. Suốt chiều, Trân chỉ biết chờ mẹ sai vặt, còn mẹ thì nhễ nhại mồ hôi giữa ngổn ngang xoong chảo.

Sực nhớ điều gì, Trân hỏi:
- Cà rốt với củ cải trắng làm dưa góp đâu mẹ? Để con tỉa hoa cho, bà nội dạy con rồi.
- Vậy hả? Trong tủ lạnh đó. cẩn thận, con dao nhỏ mẹ mới liếc, bén lắm!
Bà nội cười, âu yếm nhìn Trân rồi đem củ cải, cà rốt ra xắt khoanh. Trân lấy dao nhỏ, tỉa thành những bông hoa trắng, hoa đỏ, trông thật ngon mắt. Mẹ xuýt xoa:
- Ôi, mẹ có “bếp phó” thật rồi!

Bố với anh Hai nghe vậy cũng xuống bếp đứng xem rồi tấm tắc khen. Trân vui lắm, mặc cho mồ hôi lấm tấm trên trán.

Lần đầu tiên Trân hiểu ra: để có những bữa cơm ngon, lâu nay, mẹ đã phải vất vả thế nào.

Bỗng dưng, Trân thấy thương mẹ, thật nhiều...

CUỐN LỊCH XUÂN

Bố mẹ đi chợ hết. Anh Hai lau bàn thờ rồi đi tắm cho con Lu. Bé Trân đem khăn mới trải lên chiếc bàn phòng khách.

Xong hai anh em tìm chỗ treo hai cuốn lịch Xuân giống hệt nhau mà ai đó tặng.
- Em có cách! - Bé Trân reo lên - Một cuốn treo phòng khách, cuốn kia mình “biến” thành lịch Xuân nhà mình...
Hai anh em thì thào gì đó rồi ngoéo tay nhau thật chặt. Bà nội ở sau lưng từ baogiờ:
- Bà biết rồi nhá! Cho bà tham gia với nào!
Cả hai khẽ gật đầu.

Những bức ảnh gia đình được bày ra cùng giấy màu, băng keo... Hai anh em hì hục cắt dán. Nền hoa lan giờ được thay bằng hình ông bà, bố mẹ, hai anh em. Cả hình con Lu lúc còn bé.

Lật từng tờ cho bà nội “duyệt” xong, hai anh em mang cuốn lịch Xuân độc nhất vô nhị ấy treo giữa phòng ăn.

Hơi ấm yêu thương mơ hồ lan tỏa khắp nhà.

Bố mẹ về, lặng ngắm cuốn lịch của hai anh em, vui đến nghẹn ngào.

CÀNH ĐÀO RỰC RỠ

Xa quê xứ Bắc đã lâu nên năm nào cũng vậy, dù nhà sẵn mai vàng, bố vẫn không quên sắm cành đào đón Tết.

Trưa ba mươi, bố mang về cành đào hấp hé nụ. Trân mở cửa đón bố. Anh Hai mang chiếc bình gốm ra phòng khách để bà nội cho nước vào. Hơ lửa xong, bố nhúng phần gốc đào vào ca nước nóng mẹ pha sẵn rồi đem cắm vào bình. Bố bảo làm vậy đào sẽ tươi lâu.

Trân hỏi:
- Liệu giao thừa, nó có kịp nở hoa không bố?
Bố nói:
- Mình khéo chăm, may ra kịp. Chắc nó còn choáng vì cái nắng phương Nam.
Mẹ kéo rèm cửa che bớt gió lùa. Anh Hai xoay quạt máy sang hướng khác. Bà nội bỏ vào bình mấy viên vitamin B1. Bé Trân cầm bình xịt nước giả làm mưa phùn tưới cho đào, miệng thì thầm:
- Cả nhà yêu bố lắm, bố yêu hoa đào lắm, nở đi, nở đi đào...!
Chẳng biết có nghe thấy gì không, nhưng chiều tối, những chiếc nụ xinh xinh bỗng cựa mình, rồi hoa nối tiếp hoa rực rỡ.

Có lẽ cảm dộng trước tấm lòng mọi người trong nhà dành cho nhau, cành đào dã hối hả chuyển nhựa lên từng chiếc nụ xinh để những cánh hoa đông loạt bung nở sớm hơn, như một phép mầu.

CỔ TÍCH VỀ MÁI ẤM

Ngày xửa ngày xưa...

Ở làng nọ, có hai vợ chồng nghèo sống trong một căn nhà nhỏ mái tranh vách đất. Họ sinh được hai con, một trai một gái. Cả hai ngoan ngoãn, có hiếu với cha mẹ, biết bảo ban nhau. Ngày ngày, vợ chồng vác cuốc ra đồng làm lụng. Hai đứa trẻ ở nhà chăm đàn gà, cây bầu cây bí. Tối đến, bếp lửa nhóm lên, cả nhà quây quần bên mâm cơm đạm bạc nhưng đầy ắp tiếng cười.

Cuộc sống bình dị mà hạnh phúc cứ thế trôi đi...

Trong vùng bỗng xuất hiện gã khổng lồ chột mắt với bộ mặt và hàm răng gớm ghiếc. Tên gã là Bất Hạnh. Gã có một sở thích kỳ quái: ăn và phá bất cứ ngôi nhà nào gã gặp trên đường, bất kể là nhà ai, to hay nhỏ, giàu hay nghèo. Nhiều thôn xóm đã vì hắn mà tiêu điều. Có những ngôi nhà xây bằng đá tảng, mái dát vàng nhưng chỉ một đêm đã nát vụn dưới gót chân gã.

Một đêm kia, Bất Hạnh đến. Mưa gió, sấm chớp dữ dội. Sáng ra, mọi người mở cửa, dụi mắt. Không ai tin Bất Hạnh lại khủng khiếp đến thế. Hàng chục ngôi nhà, cái thì đổ nát, cái thì biến mất như chưa từng có mặt trên đời. Những ngôi nhà khác nhìn qua ngỡ vẫn lành lặn nhưng xem kỹ mới thấy tường nứt, cột xiêu... Lạ thay, ngôi nhà tranh vách đất của đôi vợ chồng nghèo vẫn nhà bình an vô sự. Chẳng những thế, nó còn có vẻ cứng cáp, vững chãi hơn trước.

Bất Hạnh đi rồi, dân làng kéo đến hỏi xem điều gì đã khiến ngôi nhà kia đứng vững suốt đêm qua? Vợ chồng gia chủ lúng túng nhìn nhau rồi mở cửa mời khách vào nhà để họ tận mắt xem xét mọi thứ. Chẳng ai phát hiện ra điều gì. Có người ngờ rằng gia chủ giấu giếm bảo bối ở đâu đó. Lại có người tin nhà này tốt phúc, được Bụt ban cho phép lạ.

Ai đó bỗng ngửa mặt kêu trời:
- Sao Trời chỉ thương vợ chồng họ mà nỡ xui Bất Hạnh đến phá sập nhà tôi?
Nhiều tiếng than thở khác nối theo:
- Sao bất công vậy Trời? Tôi có trêu ghẹo gì Bất Hạnh đâu, sao Trời để gã kéo đến làm nhà tôi tốc mái?
- Trời không cho bảo bối, Bất Hạnh quay lại, chúng tôi biết lấy gì chống đỡ đây?
Chợt trên cao có tiếng cười khanh khách.
Bụt hiện ra, bảo:
- Các con không biết đó thôi! Xưa nay, Trời có thiên vị ai bao giờ? Bảo bối chống lại Bất Hạnh nằm trong tay tất cả mọi người. Ta cho các con biết một bí mật: dù chỉ là mái tranh vách đất nhưng từ lúc ra đời, mỗi ngôi nhà đã mang sẵn trong nó một trái tim vô hình. Trái tim ấy biến ngôi nhà thành Mái Ấm che chở một gia đình, khác với những ngôi nhà hoang lạnh lẽo. Trái tim được những đứa con thờ phụng, được người cha nâng niu, còn người mẹ âm thầm cất giữ. Ngày lại ngày, nó được nuôi dưỡng bằng chính hơi ấm của trái tim những người đang sống trong nhà, bằng tình yêu thương họ dành cho nhau và cho Mái Ấm của họ. Đến lượt mình, trái tim kỳ diệu lại không ngừng tỏa hơi nóng ra xung quanh, biến cả những vách đất, mái tranh thành vật liệu vĩnh cửu, không Bất Hạnh nào có thể tàn phá.
Dứt lời, Bụt biến mất.

Ai nấy bừng tỉnh.

Câu chuyện theo gió lan khắp thế gian. Từ đó, trong mỗi gia đình, mọi người yêu thương nhau hơn. Ai cũng muốn góp sức sưởi ấm trái tim trong ngôi nhà riêng, mong một ngày nó sẽ biến ngôi nhà của họ thành Mái Ấm dứng vững trước Bất Hạnh.

Không biết ai là người đầu tiên vẽ Mái Ấm với biểu tượng là một trái tim dưới mái nhà, chỉ biết sau đó, nhà nhà rủ nhau làm theo. Người ta vẽ rồi dán biểu tượng đó trước cửa như để nói với mọi người về sự gắn kết yêu thương giữa các thành viên trong nhà mình.

Gã chột Bất Hạnh, mỗi khi nhìn thấy biểu tượng đó cũng sợ hãi bỏ đi.

Và ngày nay, như các bạn thấy, biểu tượng đó xuất hiện ở khắp nơi.

Nhà sáng tác Vũng Tàu tháng 3-2018

Subscribe to this RSS feed

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - TRUNG TÂM HỖ TRỢ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUÂT
Địa chỉ : 1A Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : 04 39.745.763
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác VHNT. Yêu cầu trích nguồn khi đăng tải nội dung từ trang web này