NHÂN CHỨNG CÒN LẠI TỪ LÀNG HỒNG - Đề cương kịch bản văn học phim tài liệu của Phạm Minh Tuấn - Hội Điện ảnh Hà Nội

NHÂN CHỨNG CÒN LẠI TỪ LÀNG HỒNG

     (Về nhân chứng sống sót sau vụ thảm sát ở Mỹ Lai, Quảng Ngãi-1968)

 

Đặt vấn đề: Sự kiện một đơn vị quân viễn chinh Mỹ gây ra vụ thảm sát Sơn Mỹ (hay vụ thảm sát Mỹ Lai, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) ngày 16/3/1968 đã cướp đi hơn 500 mạng sống bà con nơi đây. Nằm dưới lớp thi thể ấy có một người được cứu, đó là cậu bé Phạm Thành Công, một trong 30 nhân chứng sống sót trong vụ thảm sát đã viết hồi ký “Chứng nhân còn lại từ Làng Hồng” kể về vụ thảm sát dã man kinh hoàng đó.

     Thủ pháp nghệ thuật: Phỏng vấn nhân chứng sống sót Phạm Thành Công kể và viết lại cuộc tàn sát của quân đội Mỹ đã bắn giết đồng bào ngày 16/3/1968. Đan xen với lời kể là những tấm ảnh phía Mỹ ghi lại được cùng những lời sám hối của lính Mỹ, sẽ phơi bày một phần tội ác của kẻ xâm lược giết hại dân thường.

     Nội dung: Hình ảnh lễ tưởng niệm những nạn nhân vụ thảm sát Mỹ Lai. Cựu chiến binh MIKE BOEHM dự, phỏng vấn MIKE BOEHM, một vài gia đình thắp hương, nhân dân thắp hương tưởng nhớ ở khu di tích.

     “Buồn bã, hối hận là cảm xúc của tôi lúc này. Tôi ước vụ thảm sát đó chưa bao giờ xảy ra. Chúng tôi cảm thấy hối hận không chỉ những gì xảy ra ở Mỹ Lai mà là cả cuộc chiến trên đất nước các bạn”. Đó là lời nói muộn màng của cựu binh MIKE BOEHM từng tham chiến tại việt Nam.

     Còn với người dân Mỹ Lai sống sót trong vụ thảm sát ấy, hơn 50 năm qua chưa khi nào nguôi ngoai trong từng miếng ăn giấc ngủ, bởi chỉ trong phút chốc hơn 500 người dân vô tội đã bị lính Mỹ giết hại dã man không thương tiếc.

     Ảnh vụ thảm sát, tư liệu lính Mỹ trong vụ thảm sát, lính Mỹ lùng sục bắn giết. Báo chí đưa tin, bình luận về vụ thảm sát.

     Lịch sử đã ghi lại: Ngày 16/3/1968, một đơn vị quân viễn chính Mỹ, thuộc lực lượng đặc nhiệm Barker, lữ đoàn 11, sư đoàn Americal, đã gây ra vụ thảm sát 504 đồng bào vô tội bị cướp đi sự sống trong phút chốc. Trong đó có 182 phụ nữ, 173 trẻ em, 60 cụ già, với 24 gia đình bị sát hại và 247 ngôi nhà bị thiêu rụi.

     Hình ảnh ông Phạm Thành Công ngồi viết, phỏng vấn ông Phạm Thành Công nói, Cuốn hồi ký “Chứng nhân còn lại từ làng Hồng”, trang sách có gạch chân những chữ trong cuốn sách. Ông Công trong nhà lưu niệm, đứng bên những tấm ảnh các nạn nhân kể. Những tấm ảnh. Bối cảnh khác ông Công kể.

     Phải đến năm 2014, tức là 48 năm sau, nạn nhân sống sót Phạm Thành Công mới dám cầm bút viết về cuộc thảm sát đó. “Khi viết đến hoàn cảnh chính gia đình mình, nhớ lại những gì mình từng chứng kiến, tôi hoảng sợ và lòng cuộn lên một nỗi đau không tả nổi, cứ như mọi thứ đang diễn ra mồn một trước mắt mình”- ông tâm sự.

     Là tác giả cuốn hồi ký “Chứng nhân còn lại từ làng Hồng”, ông Phạm Thành Công khó khăn lắm mới hoàn thành được cuốn sách này vào dịp 48 năm cuộc thảm sát Sơn Mỹ-Mỹ Lai ngày 16/3/1968. Trong cuốn hồi ký này, ông viết: “Tôi được tìm thấy dưới lớp thi thể của gia đình. Sau khi mở mắt ra, xung quanh tôi toàn máu và thịt, nhà cửa đang bốc cháy…”.

     Phỏng vấn ông Phạm Thành Công:

     Nói về cuốn hồi ký, ông Phạm Thành Công kể: “Quá khứ khủng khiếp ấy dường như vẫn còn nguyên vẹn cho đến giờ, 3 lần viết, 3 lần bỏ bút giữa chừng cũng là 3 lần tôi không thể đối diện với sự thật ấy. Cuộc sống có nhiều cái cần buông bỏ, nhưng quá khứ vụ thảm sát thì vĩnh viễn không bao giờ quên được”.

   Ngừng một lát, ông Công kể tiếp- Ngày 16/3/1968 một vụ thảm sát kinh hoàng đã xảy đến với nhân dân xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Hôm ấy là một buổi sáng mùa xuân yên bình, các mẹ, các chị xôn xao gọi nhau ra đồng, trẻ thơ chuẩn bị cắp sách tới trường. Vậy mà chẳng ai ngờ được chỉ vài phút nữa, tất cả sẽ ngạt trong khói súng và nhuốm chìm trong màu máu. Cuộc tàn sát đã cướp đi sinh mạng không chừa một ai, từ người già, phụ nữ đến trẻ em. Theo thống kê, đối tượng nhỏ nhất bị lính Mỹ giết là 1 tuổi và lớn nhất là 83 tuổi…

   Cuốn hồi ký “Chứng nhân còn lại từ làng Hồng” và những trang viết có mờ chồng lên hình ảnh lính Mỹ đi càn, bắn giết, hình ảnh cận mặt ông Công nhìn xa xăm.

     Trong cuốn hồi ký “Chứng nhân còn lại từ làng Hồng” ông Công viết: “Thỉnh thoảng vẫn văng vẳng lời mẹ tôi trong giờ khắc khủng khiếp đó lại vọng về: - Các con ơi, Mỹ nó bắn chết hết nhà bác Ba Đích rồi, nhà thím Sáu Trị cũng vậy. Nhà bác Hược con thì súng đang nổ. Chắc 6 mẹ con mình cũng chết mất thôi” Ký ức đó quá đáng sợ, không bao giờ tôi quên.

     Phóng viên chiến trường Ronald Haberle dự lễ kỷ niệm và trả lời phỏng vấn, nói chuyện và đưa ảnh cho người dân và du khách ở Sơn Mỹ. Hình ảnh những tấm ảnh và những tượng đài, bia kỷ niệm vụ tàn sát Sơn Mỹ.

   50 năm sau trở lại Sơn Mỹ, Ronald Haberle phóng viên chiến trường nhớ về ký ức khủng khiếp đó: “Một đứa trẻ chập chững bước lại chỗ chúng tôi, nó chẳng hề kêu khóc một tiếng. Tôi quỳ xuống chụp ảnh nó. Một lính Mỹ quỳ xuống bên rồi bắn ba loạt đạn vào đứa bé, loạt đầu đẩy bật nó ra sau, loạt thứ hai hất tung nó lên, loạt thứ ba quật nó ngã sấp”.

     Đứa bé ấy hay hơn 500 người dân còn lại đã có tội gì để lại bị giết một cách oan uổng như vậy? Tại lính Mỹ sao? Tại những kẻ sát nhân sao? Không!. Lỗi chính là ở chiến tranh, chiến tranh đã biến con người thành kẻ sát nhân.

     Hình ảnh trung úy Wiliam Calley, Hình họa 3D phiên tòa quân sự xử những binh lính trong vụ thảm sát. Những dòng chữ xin lỗi của Calley

     Mặc dù không phủ nhận đã tham gia vụ thảm sát tại Mỹ Lai, nhưng Wiliam Calley, nguyên trung úy thuộc đại đội Charlie của tiểu đoàn số 1, trung đoàn bộ binh 20, Lữ đoàn bộ binh số 11, sư đoàn bộ binh 23 Lục quân Hoa Kỳ vẫn luôn cho rằng chỉ làm theo lệnh của đại úy Ermrst Medina, cấp trên trực tiếp của mình.

     Ngày 17/3/1970, tòa án Mỹ đã buộc tội 14 sĩ quan, bao gồm cả Thiếu tướng Samuel W Koster, sĩ quan chỉ huy sư đoàn bộ binh 23 về việc che giấu thông tin liên quan tới sự kiện Mỹ Lai. Nhưng phần lớn các lời buộc tội sau đó đã bị hủy bỏ. Và chỉ có trung úy William Calley bị tòa án quân sự kết tội giết 22 thường dân Việt Nam trong vụ thảm sát này.

     “Không một ngày nào đi qua mà tôi lại không cảm thấy hối hận về những gì đã xảy ra. Tôi cảm thấy xót thương những người Việt Nam đã bị giết, xót thương cho gia đình họ... Tôi vô cùng xin lỗi”. William Calley nói.

     Hình ảnh tên trong danh sách 504 người bị sát hại, những nền nhà, giếng nước giờ thành những di tích. Ảnh ông Công lúc 11 tuổi, ảnh những người dân sắp bị thảm sát. Nhân dân bị thảm sát nằm trên đường, bờ mương. Hình ảnh ông Công đưa du khách đi thăm những nơi dân làng bị sát hại hơn 50 năm trước, ông Công vừa đi vừa kể, xen lẫn là nội dung trong cuốn hồi ký “Chứng nhân còn lại từ làng Hồng”. Một số ảnh ông Công làm việc trong khu di tích với khách tây, ta. Cận cuốn Hồi ký.

     Lời xin lỗi muộn màng của Calley sau 41 năm, hắn cùng với đồng đội đã tước đi mạng sống của 504 bà con làng Sơn Mỹ. Còn những người sống sót cũng không hơn gì, không nhà cửa, ruộng vườn, phải sống tha hương…Ông Công kể- Tôi lúc đó nằm dưới đống thi thể của gia đình tôi, gồm mẹ, chị và 3 đứa em. Khi mở mắt ra, điều đầu tiên mà tôi thấy là toàn máu và thịt người, xung quanh nhà cửa đang bốc cháy ngùn ngụt. Khi tôi được cõng đi, trên đường thấy xác dân làng nằm la liệt khắp đường làng ngõ xóm…Không lâu sau, cha tôi cũng hy sinh. Đó là những ngày côi cút nhất trong cuộc đời của tôi.

     Phải vài chục năm sau tôi mới dám trở về nơi kinh hoàng ấy. Dấu tích căn nhà xưa chỉ còn trơ lại cái nền gạch trống rỗng…Sao mà thấy cô đơn đến thế! Không còn bà con chòm xóm thân quen, không có anh em gia đình, và cả bạn bè của thuở hàn vi.

     Lặng đi hồi lâu, ông Công mới có thể kể tiếp:

     Tôi đã từng làm nhân chứng sống ở khu di tích này gần 30 năm để kể cho du khách trong và ngoài nước nghe tội ác của quân viễn chinh Mỹ gây ra vụ thảm sát, nhưng chưa đủ. Hơn 500 đồng bào khác, những người thân yêu của tôi đã tức tưởi vĩnh biệt thế gian này mà không kịp nhắn nhủ hay than trách một lời.

     Giờ đây còn lại mình tôi giữa dòng chảy cuộc đời, trên nấm mồ hoang lạnh đã chôn vùi cả gia đình mình và những ký ức cay đắng xót xa đến tận cùng.

     Chính vì vậy, tôi phải viết cuốn hồi ký kể về cuộc thảm sát làng mình do Mỹ gây ra để mọi người cùng hiểu. Hồi ký này không nhằm viết ra để lấy sự thương cảm của các thế hệ sau này, mà là bài học cho tất cả mọi người đừng để một vụ thảm sát Sơn Mỹ nào xảy ra trên thế giới này nữa- Ông tâm sự.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - TRUNG TÂM HỖ TRỢ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUÂT
Địa chỉ : 1A Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : 04 39.745.763
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác VHNT. Yêu cầu trích nguồn khi đăng tải nội dung từ trang web này