Phong tục hôn nhân và gia đình của tộc người Cơ Tu ở Thừa Thiên Huế ( trích - kỳ 1) - Tác giả Nguyễn Thế Phong – Hội văn nghệ dân gian Việt Nam
- Written by Minh Phương
Tác giả Nguyễn Thế Phong – Hội văn nghệ dân gian Việt Nam – sáng tác tại Nhà sáng tác Vũng Tàu tháng 4/2022.
Phong tục hôn nhân và gia đình của tộc người Cơ Tu ở Thừa Thiên Huế (trích)
C.II Nam nữ Cơ Tu - bước đầu tìm hiểu và tục ngủ “duông”.
Trong gia đình người Cơ Tu xưa, khi có con gái đến tuổi dậy thì, tức khoảng13, 14 tuổi; người cha, với vai trò là chủ gia đình lại bắt đầu lo đến chuyện kiếm chồng cho con gái. Ngày xưa, ở các vùng đồng bào dân tộc ít người, việc dựng vợ gã chồng cho con cái là việc hệ trọng vì đây là yếu tố chuẩn bị để hình thành một gia đình mới trong cộng đồng. Việc làm đầu tiên là người cha của cô gái bắt đầu chuẩn bị vật liệu để dựng một chòi lá nhỏ ngay tại khu nương rẫy gần nhà. Nói là chòi lá nhỏ, nhưng chòi phải thật chắc chắn, có thể chịu đựng trọng lượng của hai người. Khi chiếc chòi lá xuất hiện, mọi người trong làng nhất là các thanh niên đã nhận được tín hiệu cô con gái của nhà đó đã đến lúc muốn chồng. Các chàng trai bắt đầu lượn lờ, xuất hiện gần nhà cô gái. Người cha cô gái thường muốn chọn cho con mình một chàng trai siêng năng, giỏi giang biết làm nương, săn thú…Ông ta bắt đầu quan sát và tìm trong đám trai làng đang xuất hiện gần nhà để tìm cho con gái đối tượng có thể đáp ứng những điều kiện xây dựng ương lai với người con gái của mình. Sau đó, người bố báo cho cô gái về người con trai bố đã chọn và cho phép con được ngủ duông với chàng trai ấy. Khi biết được đối tượng đã được người cha gợi ý. Người con gái lại kín đáo đổi trao ánh mắt cùng với chàng trai. Chàng trai mạnh dạn đến trước nhà cô gái. Người nhìn thấy sự xuất hiện của chàng trai đúng như cái bụng của mình thích. Người cha đi ra phia chòi lá. Như hiểu được sự đồng tình của người cha, cô gái Cơ Tu e thẹn cùng chàng trai theo ra chòi lá. Cả hai sẽ cùng ngủ qua đêm trên chòi lá để đổi trao, tìm hiểu, bắt đầu một cuộc tình của đôi trai gái nơi núi rừng yên tỉnh. Tục này gọi là ngủ duông. Khi đôi trai gái bước lên chòi, ban đầu họ ngồi nói chuyện, trao đổi tâm tình với nhau. Lúc nầy người cha vẫn đứng gần chòi để quan sát và chờ đến khi nào thấy cặp đôi cùng nằm xuống ôm ấp nhau thì người cha mới yên tâm ra về. Sáng hôm sau, chàng trai theo cô gái về nhà thì đã thấy cha mẹ cô gái đã chuẩn bị xôi gà để thết đãi. Trong chén rượu sơ ngộ cùng chàng trai, người cha cô gái bắt đầu vừa thăm dò ý tứ xa xôi với chàng trai vừa nhìn ánh mắt cô con gái của mình. Nếu cô gái đồng tình thì đây chính là chàng rể tương lai của gia đình. Ngủ duông không chỉ một đêm mà còn tiếp diễn nhiều lần mới tính được cuộc lứa đôi. Có khi thấy chưa cảm nhau, người con trai hoặc con gái có thể ngủ duông với vài người khác để lựa chọn. Ông Rapat Kình cho biết thêm, trường hợp người bố đưa con gái và chàng trai đi ngủ duông là tục trước đây của người Cơ Tu ở vùng Tây Giang và Đông Giang của tỉnh Quảng Nam, còn đối với người Cơ Tu ở Nam Đông gọi là “vooch pơơ” tức là đi tìm hiểu. Các chàng trai phải chủ động đi rủ các cô gái. Khi đến nhà cô gái, họ gõ vào cầu thang 3 tiếng, cô gái nghe tín hiệu, biết là có người trai đến. Từ trong nhà, cô gái nhìn ra cầu thang; nếu đúng là chàng trai mà cô gái đã từng biết, đã từng để ý, thì cô thong thả bước xuống cầu thang của nhà mình. Chàng trai bắt đầu ngõ lời với cô gái, hỏi cô gái có đồng ý cùng mình tìm hiểu để nên vợ nên chồng không ? Nếu cô gái đồng ý (ưng cái bụng) thì cả hai cùng nhau đi vào chòi để ngủ duông. Cứ một lần đi ngủ để tìm hiểu, chàng trai phải có một món quà tặng cho cô gái; quà tặng có khi là cái áo hoặc đồng bạc…Chuyện ngủ duông hay ngủ để tìm hiểu nhau vẫn còn diễn ra ở các thôn làng Cơ Tu ở vùng rừng sâu. Mới nghe chuyện trai gái Cơ Tu ngủ với nhau để tìm hiểu, có người vội nghĩ là các cặp đôi sẽ khó có thể vượt qua những đòi hỏi xác thịt khi chỉ có hai người tự do giữa đại ngàn trường sơn thanh vắng, nhưng kỳ thực chuyện này rất khó xãy ra vì họ bị giới hạn bởi sự kiêng cử trong luật tục của người Cơ Tu. Nằm ngủ với nhau suốt đêm, chàng trai có thể hôn môi, sờ mó “bầu sữa” hoặc thân thể của cô gái, nhưng tuyệt nhiên cả hai không bao giờ dám vượt qua điều cấm kỵ của luật tục để dẫn đến giao hoan cùng nhau. Người Cơ Tu tin rằng nếu cặp đôi nào vượt quá giới hạn thì trước hết đối với bản thân của hai người sẽ bị ốm đau, tai nạn, nếu trèo cây thì bị ngã rơi xuống đất; nếu tắm sông tắm suối bị chết đuối, vào rừng bị hổ vồ…Trường hợp nếu chàng trai và cô gái do đòi hỏi nhục dục của thể xác mà vượt quá giới hạn, cô gái mang thai trước khi cưới thì sẽ bị làng phạt rất nặng. Phạt một con trâu, có thể chịu được, nhưng không cho cưới hoặc đuổi ra khỏi làng là một nỗi nhục lớn cho bản thân và cả gia đình người con trai... Trường hợp nộp phạt và cho cưới thì cũng bị cả làng và dòng họ khinh rẻ, có khi cưới nhau xong phải dắt díu nhau đi sống ở vùng khác, hay tìm đến một khu rừng hẻo lánh chưa có chủ để cùng nhau chung sống. Chính nhờ luật tục khắc khe đó nên chẳng cặp đôi nào dám vi phạm. Tục ngủ duông của người Cơ Tu, tục ngủ mái của người Thổ (Thanh Hóa), đi sim của người Vân Kiều, Pa Cô đều có những nét tương đồng là trai gái được tự do tìm hiểu, ăn nằm với nhau, nhưng tuyệt nhiên không được vượt qua giới hạn mà luật tục cộng đồng đã qui định…