Trại sáng tác Ảnh nghệ thuật Tam Đảo: Khơi nguồn cảm hứng
- Written by Minh Phương
Từ ngày 20-24/06/2025, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (NSNAVN) tổ chức Trại sáng tác ảnh nghệ thuật tại Tam Đảo và một số tỉnh phía Bắc. Đây cũng là Trại sáng tác thứ hai trong năm 2025 sau Trại sáng tác tại Cần Thơ của Hội NSNA Việt Nam, với sự hỗ trợ của Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật.
Tham dự Trại sáng tác này có 30 nghệ sĩ của 25 chi hội thuộc 16 tỉnh thành trong cả nước. Các trại viên đã được trải nghiệm thực tế sáng tác ảnh nghệ thuật tại phố núi Tam Đảo, Tây Thiên, và làng nghề gốm Hương Canh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Sau đó, các trại viên cũng được Ban Tổ chức hướng dẫn thâm nhập thực tiễn, tham quan và sáng tác tại các khu vực của tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh trong 2 ngày 21-22/06.
Với chủ trương tôn trọng, khuyến khích các trại viên tự do sáng tạo nghệ thuật, Hội NSNA Việt Nam mong muốn tìm kiếm sự đa dạng về nội dung, phong cách, phương thức biểu hiện, dấu ấn cá nhân, cá tính sáng tạo trong mỗi tác phẩm của các nghệ sĩ. Bên cạnh đó, các thành viên Ban Tổ chức là người địa phương Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh cũng đã trao đổi thêm về thế mạnh của tỉnh mình, những phong tục tập quán và nét văn hóa vùng miền. Từ đó, mong muốn các nghệ sĩ tham gia trại sáng tác hiểu hơn về những nơi mà đoàn sẽ đến trải nghiệm thực tế, mong rằng các nghệ sĩ thể hiện được các nét văn hóa vào trong tác phẩm của mình. Cùng với vẻ đẹp mộng mơ, lãng mạn của phố núi mù sương, hy vọng sẽ là nguồn cảm hứng sáng tạo tươi mới cho các nghệ sĩ tham dự trại sáng tác lần này.
Trong hai ngày đi thực tế tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, đây là vùng trồng vải thiều lớn nhất và nổi tiếng nhất Việt Nam đúng dịp vào mùa thu hoạch vải. Các nghệ sĩ đã được trải nghiệm các hoạt động của bà con nơi đây và ghi lại những hình ảnh lao động trong tâm thế hứng khởi.
Ngoài ra, các nghệ sĩ còn được trải nghiệm nét văn hóa đặc sắc, một loại hình nghệ thuật tuồng cổ truyền “tuồng Thổ Hà”, có truyền thống biểu diễn lâu đời tại làng Thổ Hà, xã Vân Hà thuộc huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Loại hình này do chính những người nông dân hiền hậu, chất phác biểu diễn. Trong đời thường họ là những nông dân quanh năm lam lũ nhưng khi bước lên sân khấu, các "nghệ sĩ chân đất" đã hóa thân vào các nhân vật lịch sử một cách chuyên nghiệp như các nghệ sĩ thực thụ.
Về với vùng đất Kinh Bắc, các nghệ sĩ còn được trải nghiệm nét văn hóa Dân ca quan họ ở Bắc Ninh, một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trong không gian kiến trúc của một trong những danh lam cổ tự đẹp nhất ở vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ – chùa Bút Tháp.
Theo chương trình hoạt động của Trại sáng tác, ngoài chương trình đi thực tế sáng tác theo kế hoạch của Ban Tổ chức và sáng tác tự do tại Tam Đảo cùng các vùng lân cận trong tỉnh Vĩnh Phúc, Ban Tổ chức sẽ dành thời gian để các nghệ sĩ biên tập, lựa chọn file ảnh tốt gửi báo cáo kết quả trại. Đồng thời, Ban Tổ chức cũng sẽ tổ chức phân tích, nhận xét các tác phẩm được sáng tác trong đợt tham gia trại lần này nhằm cùng mở ra cơ hội học tập bổ ích, thiết thực cho hoạt động sáng tác của mỗi hội viên sau dự trại.
Buổi bế mạc trại, NSNA- NB Hồ Sỹ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội, Tổng biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống, Trưởng Ban tổ chức trại đã đánh giá, nhận xét các tác phẩm được các nghệ sĩ thể hiện đặc sắc và mỗi tác phẩm đều có cách thể hiện riêng mang đậm nét văn hóa vùng miền. NS mong rằng, sau đợt dự trại này, các NSNA vẫn giữ lửa để tiếp tục sáng tác nhiều tác phẩm hơn nữa trên mọi miền Tổ quốc.