Tham luận của NSƯT Lê Chức tại Hội thảo "Đổi mới và nâng cao hiệu quả sáng tác của văn nghệ sĩ tại các Nhà sáng tác"
- Written by Minh Phương
Tham luận của NSƯT Lê Chức tại Hội thảo “Đổi mới và nâng cao hiệu quả sáng tác của văn nghệ sĩ tại các Nhà sáng tác”.
Bài tham luận của NSƯT Lê Chức, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tại buổi hội thảo “ Đổi mới và nâng cao hiệu quả sáng tác của văn nghệ sĩ tại các Nhà sáng tác”, tổ chức ngày 11/10/2016 tại Nhà sáng tác Đại Lải, Vĩnh Phúc.
Ý kiến tại buổi tọa đàm: “Đổi mới và Nâng cao hiệu quả sáng tác của văn nghệ sỹ tại các nhà sáng tác”
Trung tâm Hỗ trợ sáng tác VHNT với các Nhà Sáng tác là một thiết chế trong chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của Bộ VHTTDL, để vừa tạo ra sự liên kết với các Hội VHNT chuyên ngành TW và 63 Hội VHNT địa phương trong công tác: hỗ trợ về địa điểm, chế độ sinh hoạt và phục vụ của các văn nghệ sỹ tới sáng tác theo mô hình tổ chức Trại sáng tác.
Phải nói là: đó là sự quan tâm và tạo điều kiện của các cơ quan hữu trách, cụ thể là Bộ VHTTDL – để có thể làm xuất hiện được các tác phẩm của kết quả tư duy và sáng tác mà hy vọng nhất là có được (dù biết chắc là không nhiều) tác phẩm (ở từng thể loại) có chất lượng nghệ thuật cao, để dàn dựng trên sân khấu để công diễn; được trở thành phim điện ảnh hoặc truyền hình và công chiếu; được triển lãm hoặc biểu diễn (với hội họa, âm nhạc, múa…) được in thành ấn phẩm (với Văn học)…
Trại sáng tác được mở theo định kỳ và theo chỉ tiêu (với Hội Sân khấu là 2 lần trại một năm ở 2 địa danh: phía Bắc và phía Nam).
Các Nhà Sáng tác với đội ngũ cán bộ và nhân viên của mình, cùng với cơ sở vật chất về phòng ở, hội trường, phòng họp đã giúp cho mỗi tác giả có được 15 ngày tập trung sáng tác, tạm tách khỏi những “yếu tố sinh hoạt gia đình và đời thường”.
Đầu vào là 1 kịch bản, hoặc đề cương chi tiết đăng ký để thẩm định về đề tài (có thể có yêu cầu, còn phần lớn là đề tài tự chọn); đến Trại được đọc cho nhau nghe, có thể có cả các Chuyên gia, bậc thầy, “bậc đi trước” góp ý cho, soi tỏ cho, để rồi sau đó “có chút bừng tỉnh” và dũng cảm “cấu trúc lại” – viết lại để kịch bản sân khấu nào khi kết thúc trại cũng là một “bản văn” mới, ghi rõ hàng chữ: “kịch bản đã được chỉnh sửa”, nâng cao tại trại…!
Cố Giáo sư. Tiến sĩ. NSND (Nguyễn) Đình Quang đã được các học giả mời nói về Lý luận viết kịch trong cảm nhận thích thú, ngỡ ngàng của các “tay bút” đã trưởng thành.
Nhà văn Chu Lai, ủy viên thường vụ của Hội, Trưởng ban sáng tác 2 nhiệm kỳ khẳng định: có 60% kịch bản được viết, hoặc được nâng cao ở trại – đã được dàn dựng để diễn, để đi “thi” và đoạt giải.
Đường đi của một số kịch bản sân khấu được viết ở Trại còn có 1 ngả nữa là đăng ký Dự thi xét thưởng hàng năm, và không ít tác giả luôn “thắng” để “sống được” bằng sức viết và kết quả của mình.(Như tác giả Xuân Đức, Đăng Minh, Lê Quý Hiền, Chu Lai, Chu Thơm, Vương Huyền Cơ, Bùi Vũ Minh, Phạm Văn Quý, Hà Nam Quang,…)
Có một thực tế “không vui” là lực lượng viết cho sân khấu phần lớn là cao tuổi, đa số đã nghỉ hưu, đã từng có chức danh lãnh đạo và có thành công ở sân khấu.
Hội NSSKVN đã rất cố gắng phát hiện và đầu tư cho lớp “tác giả trẻ” khối Dân sự và cả lực lượng vũ trang, chú trọng đến các Hội viên và cả các tác giả chưa là Hội viên – nhưng “thật khó”có được sự xuất hiện đó – Tác giả sân khấu không có “thần đồng” là vì vậy – vì Nghề tác giả đòi hỏi sự “kinh lịch” với kiến thức, kinh nghiệm sống, bản lĩnh trong va đập và xử lý tình huống của các cấp mâu thuẫn triết học, chính trị, xã hội, kinh tế,… để đề xuất được những ý niệm nhận thức về “Triết lý Nhân sinh; Nhân tình Thế thái” mà người trẻ khó đạt được!
Được đi dự Trại sáng tác của Trung ương Hội là mong muốn của nhiều tác giả, nhất là với các tác giả ở địa phương (ngoài khối TW, Hà Nội); đó còn như một sự lựa chọn nghề nghiệp tự thân uy tín cho người viết. Có những trường hợp từ đó mà thành kết quả của các mối quan hệ, giới thiệu “sản phẩm” cho Truyền hình và các Đơn vị sân khấu.
Không ai không mong muốn: kịch bản “máu thịt” của mình viết ra lại lọt vào “con mắt xanh” lựa chọn của một đơn vị sân khấu nào đó, được một Đạo diễn “bảo trợ giới thiệu”. Nhưng đâu dễ, bởi mỗi Đơn vị đều có 1 kế hoạch của mình theo từng năm, theo đề tài phù hợp và cho một đối tượng người xem cụ thể.
-Và có 2 loại sản phẩm sân khấu:
Tác giả kịch bản
Đạo diễn dàn dựng.
Đơn vị có định hướng NT chính thống; lại chọn dựng để đi thi nữa nữa (thì nhất!)
Nguồn kinh phí đầu tư
Lực lượng nghệ sỹ
Cơ sở kỹ thuật âm thanh, ánh sáng.
Và, khi đó – vở diễn theo xu hướng đảm bảo chất lượng Nghệ thuật cũng như uy tín nghề nghiệp ra đời
- Sân khấu sinh hoạt đời thường, giả trí, ma…kinh dị, hài.
(cũng như: Điện ảnh có phim Nghệ thuật, phim Nhựa và phim Truyền hình, phim băng từ, phim nhiều tập: phim ngắn…)
“Chen chân” và “viết lách” (viết và “lách”) vẫn tồn tại trong thwucj tế đời sống sân khấu nhiều năm nay.
Do đó số lượng kịch bản được viết theo những yêu cầu, đòi hỏi của tiêu chí nghệ thuật thuộc hệ chính thống (nhiều khi khó được chọn dưng!).
Nhiều kịch bản “bình dân” được viết ngoài các Trại lại trở thành “hàng tươi sống” cho nhiều đơn vị, cho vô tuyến truyền hình.
(Từ đó mà có phần ai đó phê phán kết quả của Trại sáng tác.
Còn 1 lý do nữa là 1 tác giả có thể đi nhiều lần trại trong năm với Hội VHNT địa phương, trại viết do các Bộ, ngành tổ chức – tuổi lại cao nên sản phẩm kịch bản rất dễ thiếu sự tập trung cho chất liệu để tạo dựng 1 vở diễn tương lai).
Về phía Trung tâm và các Nhà sáng tác
- Có một phần phải chịu dư luận về tình hình thực tế trên, nhưng đó là yếu tố ngoài chức năng và chuyên môn – Trung tâm, Nhà sáng tác không làm cho tác giả viết hay lên được.
- Về công tác phục vụ cho các Tác giả đến để sáng tác của từng đợt – thì không có Tác giả nào có ý chê trách gì, ngoài những lời khen về tổ chức tiếp đón, hỗ trợ khai mạc, bế mạc, nghiệm thu kịch bản sau trại, và nhất là sự “buộc phải thích nghi” theo “tính cách và sở thích” của từng tác giả.
Công cuộc “làm Dâu trăm (ngàn) họ” đó là 1 kỳ công! Mà vẫn vui vẻ đáp ứng!
Sự trách nhiệm phục vụ đó giúp nhiều cho sự an tâm của mỗi ban tổ chức Trại và từng Tác giả - Trại viên.
Một vài ý kiến đề xuất với Trung tâm
- Tạo thêm các điều kiện để các Nhóm hoặc Cá nhân Tác giả được hưởng tiêu chuẩn quy định – có thể đến sáng tác từ các yêu cầu, mà không nhất thiết chỉ được đi “theo kế hoạch của từng Hội”.
Khi đó … Tác giả sẽ chủ động và hào hứng hơn, có kết quả trực tiếp cần thiết hơn.
- Trung tâm có thể: tổ chức Trại sáng tác của chính mình là Chủ thể được không?
(Nếu được thì nên có Đề án dự thảo, lấy thêm ý kiến của các Hội để báo cáo Bộ, đưa thêm vào “chức năng” hoạt động của Trung tâm).
Và khi đó có thể mời các Nghệ sỹ khối ASEAN và Quốc tế cùng đăng ký tham gia với sự thỏa thuận nào đó về kinh phí hỗ trợ và đóng góp, như các Trại điêu khắc, mỹ thuật ở một số Tỉnh, Thành đã làm).
- Nên có bản tin về kết quả sáng tác và được sử dụng của tất cả các Trại được mở trong năm gửi lại cho các Hội VHNT chuyên ngành TW, các Hội VHNT ở địa phương.
(Các Hội sẽ có thông báo kết quả đến Trung tâm để làm bản tin này).
Như vậy: Trung tâm không chỉ làm “hỗ trợ”.
Mà là Nhà tổ chức sáng tác và có phần nghiệm thu kết quả sáng tác
Tóm lại:
- Trung tâm là một thực thể trong các Cơ quan của Bộ - cần thiết tồn tại và phát triển để hỗ trợ cho sáng tác nhưng cần chủ động, linh hoạt hơn.
- Các Hội cũng cần có biện pháp để Nâng cao chất lượng các sản phẩm VHNT được sáng tác tại từng trại; kết quả cần công bố rộng rãi.
“Đổi mới và nâng cao hiệu quả sáng tác của Văn nghệ sỹ tại các Nhà sáng tác” thuộc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác VHNT của bộ VHTTDL là việc làm cần thiết và thường xuyên để cùng tạo ra kết quả cho hoạt động nghề nghiệp, trách nhiệm phục vụ công chúng một cách có ý nghĩa thiết thực.
Chúng ta… Tin vào điều đó.!
Lê Chức