Tham luận của nhà báo, biên tập viên báo Quân đội nhân dân Xuân Hùng tại Hội thảo "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động sáng tác của văn nghệ sĩ tại các Nhà sáng tác"
- Written by Minh Phương
Tham luận của nhà báo, biên tập viên báo Quân đội nhân dân Xuân Hùng tại Hội thảo “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động sáng tác của văn nghệ sĩ tại các Nhà sáng tác”.
NƠI HỘI TỤ NHỮNG ĐAM MÊ
Xuân Hùng - Biên tập viên Nhà xuất bản QĐND
Tự đáy lòng mình, tôi thường gọi Nhà sáng tác là “nơi hội tụ những đam mê”. Dẫu điều này có thể sẽ không phù hợp với suy nghĩ của nhiều người, song với tôi, mỗi người có một cách quan niệm, một suy nghĩ khác nhau, nên việc thích hay không thích đi trại viết cũng là lựa chọn riêng của họ, miễn sao đừng tự nói dối chính mình.
Vậy, “Trại sáng tác - cần hay không cần?”. Tôi xin mạnh dạn mượn tiêu đề của bài viết in trên một số báo trong thời gian qua để trình bày những suy nghĩ của mình về vấn đề này như sau.
Vâng! Không biết mọi người xem hình thức trại sáng tác như thế nào, là cần thiết hay không cần thiết, nhưng đối với riêng tôi thì mô hình trại sáng tác, nhà sáng tác là thực sự rất cần đối với văn nghệ sĩ, đặc biệt là với những người viết trẻ chúng tôi.
Vừa qua, tôi vô tình được đọc loạt bài “Trại sáng tác - cần hay không cần?” của nhóm tác giả:… với những quan niệm, những suy nghĩ, những dẫn chứng cụ thể được thể hiện bằng những phát biểu của các văn nghệ sĩ cũng có tên tuổi, tôi chợt giật mình, thấy vừa buồn, lại vừa lo.
Nói là buồn và lo bởi vì, ở loạt bài viết này, hầu hết những người “đại diện” cho văn nghệ sĩ khi trả lời phỏng vấn của nhóm phóng viên đều… không dứt khoát về quan điểm cần hay không cần mô hình trại sáng tác, hay nói đúng hơn là với họ, mô hình trại sáng tác có cũng được, không có cũng chẳng sao. Và thậm chí, có những quan điểm còn đánh đồng trách nhiệm về chức năng, nhiệm vụ giữa Trung tâm Hỗ trợ sáng tác (Nhà sáng tác) và cơ quan Tổ chức sáng tác… Cũng vì những quan niệm đó, với tâm thế là một người viết trẻ, cũng thường xuyên được tham gia dự trại và tham gia tổ chức trại sáng tác, tôi thấy lo vì nhỡ ai cũng đồng quan điểm như thế thì trong tương lai, mô hình trại sáng tác hay nhà sáng tác nếu sẽ không còn tồn tại nữa thì thật sự là một thiệt thòi không nhỏ đối với những người viết trẻ chúng tôi, và thậm chí đối với cả những người thường xuyên có nhu cầu mở trại như đơn vị chúng tôi.
Xin nói một chút về bài viết “Trại sáng tác - cần hay không cần?”. Vấn đề này, đối với các ngành nghệ thuật khác như Hội hoạ, Sân khấu… thì tôi không được biết nhiều, nhưng đối với văn học thì tôi khẳng định là CẦN, thậm chí RẤT CẦN! Nói như vậy bởi vì, trong bài viết đó, có một số văn nghệ sĩ cũng thuộc chuyên ngành văn học đã cho rằng: “Trại sáng tác chỉ gây mất thì giờ, bù khú quanh năm, chẳng qua cứ tận dụng cho nó hết… Thực tế, từ ở trại sáng tác chưa thấy tác phẩm nào ra hồn cả…”. Điều này thực sự là… không hoàn toàn đúng. Vì theo tôi được biết, những tác phẩm đã làm nên tên tuổi của nhiều nhà văn đương đại hôm nay vẫn còn đó. “Nắng đồng bằng” của Chu Lai, “Trong cơn gió lốc” của Khuất Quang Thuỵ, “Đường tới thành phố” của Hữu Thỉnh… và nhiều tác phẩm nữa đủ các thể loại văn học không thể kể hết… có thể coi như một câu trả lời đích đáng cho quan niệm này (Tất nhiên đây là những tác phẩm được ra đời từ những trại viết).
Tôi không biết những văn nghệ sĩ kia họ quan niệm về mô hình trại sáng tác là như thế nào, nhưng đối với tôi, với thế hệ trẻ chúng tôi thì trại sáng tác là thực sự rất cần thiết. Bởi lẽ:
Thứ nhất: Được tham dự trại sáng tác là một cơ hội để được học hỏi, được trao đổi, được giao lưu với những tư duy văn chương đích thực. Thậm chí đến trại sáng tác còn sẽ được truyền lửa, được thúc đẩy đam mê để có thêm động lực cho người cầm bút.
Thứ hai: Đây chính là quãng thời gian đẹp nhất, quý giá nhất không vướng bận gia đình, không vướng bận những công việc khác… mà tất cả sẽ giành cho văn chương, giành cho những đam mê đích thực của mình.
Thứ ba: Dù không rõ ràng nhưng trại sáng tác cũng chính là một cuộc thi, một đợt thi đua cao điểm trong thâm tâm của những người tham gia dự trại.
Để làm rõ hơn những vấn đề trên, tôi xin lấy dẫn chứng bằng những ví dụ cụ thể mà các trại viết tôi từng được tham gia, đó là:
Khi bước chân đến trại viết, những ngày đầu hầu như là sự gặp gỡ của những người mới chỉ từng biết nhau qua tác phẩm (rất ít những người đã gặp nhau ngoài đời) có cơ hội gặp gỡ, làm quen và trò chuyện, qua đó tạo nên một không khó phấn khởi, đầm ấm và ai cũng mang cái tâm thế chung là: “mình có gì để giao lưu đây?”. Bởi những ngày tiếp theo sẽ là quãng thời gian để những bạn văn ngoài thời gian cặm cụi với những ý tưởng sáng tác của mình sẽ có cơ hội được trao đổi trên những trang bản thảo. Có thể họ sẽ cho nhau đọc, sẽ góp ý cho nhau, để chia sẽ những ý tưởng, những quan niệm riêng về điều mình muốn viết. Rồi đặc biệt là trong những lúc trò chuyện ấy, thông qua những buổi toạ đàm bàn tròn là cơ hội được giao lưu, tiếp xúc, được lắng nghe những kinh nghiệm xương máu của các thế hệ nhà văn đi trước, của những người cùng tham gia trại viết nhưng họ là thầy, là khách mời chia sẻ, truyền đạt… để tạo nên động lực cho mình.
Còn với vấn đề có thêm động lực, được truyền lửa để sáng tác, để tự tin hơn, hay không khí của một cuộc thi là rất rõ ràng. Ví dụ như khi tham gia trại viết, khi ngồi cùng một bàn tròn, cùng một cuộc toạ đàm, những người xung quanh có cái để nói, mà mình không có thì liệu có ai trong số trại viên có đủ tự tin để ngồi nghe? Có đủ can đảm để tham gia góp ý khi mình chẳng có gì? Đấy chính là động lực bắt mình phải viết, bắt mình phải có.
Chúng tôi, những người viết trẻ, mà cụ thể là những người lính trẻ cầm bút thì luôn rất cần cái không khí ấy. Ví dụ như trong những năm qua, đề tài viết về “Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng” trên văn đàn đang dần khan hiếm. Thế hệ những người lính cầm bút từng làm nên những tác phẩm đồ sộ, từng để lại những “cú đấm dứt khoát” (theo cách nói của Nhà văn Chu Lai) hiện nay đang cạn dần. Vậy thì làm thế nào để văn học viết về đề tài “Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng” giữ được những giá trị đích thực của nó, để nó không phai dần theo những tên tuổi đã làm nên nó, để không bị khói bụi thời gian từng bước phủ mờ… Đây thực sự là một câu hỏi rất khó trả lời. Tôi nghĩ, câu trả lời hiệu quả nhất cho điều này phải chăng chính là cách “truyền lửa” của những thế hệ đi trước đối với lớp lớp những người viết trẻ?
Nhà xuất bản QĐND chúng tôi đã từng tổ chức những cuộc toạ đàm xoay quanh đề tài này trong những trại sáng tác mà chúng tôi đã tổ chức. Ở đó, ngoài việc các tác giả dự trại trao đổi về những sáng tác của mình, chúng tôi còn được truyền lửa bởi những nhà văn đã từng vừa cầm súng giáp mặt quân thù, vừa cầm bút, tuy tuổi đã cao những vẫn sục sôi nhiệt huyết. Những phát biểu của Nhà văn, Nhà thơ như: Chu Lai, Khuất Quang Thuỵ, Anh Ngọc, Vũ Quần Phương… đã như thúc giục những người viết trẻ chúng tôi dù có đang nản lòng cũng phải cháy, phải cháy hết mình với chính mình, với chính ý tưởng của mình. Vì ở đó, chúng tôi - những người viết trẻ như thấy được ở họ, dù tuổi đã cao nhưng sức vẫn chưa tàn, họ vẫn cháy như thế, họ vẫn sục sôi như thế thì tại sao lớp trẻ lại không làm được? Mà được may mắn nghe họ nói, được họ truyền cho những ngọn lửa của đam mê, những ngọn lửa văn chương cách mạng thực thụ, nếu mình không tiếp thu được, không cháy được thì… thực sự là có tội lớn, có tội với chính mình, có tội với văn chương, với những người đi trước. Bên cạnh đó, trại viết còn tạo cho chúng tôi những cảm hứng thông qua những buổi giao lưu, gặp gỡ, những buổi thực tế cơ sở để có điều kiện khám phá những điều mình còn chưa biết, những gia vị còn thiếu trong ý tưởng sáng tạo của chính mình.
Nói như vậy để thấy rõ hơn hiệu quả của trại sáng tác đối với thế hệ trẻ chúng tôi. Bên cạnh đó, vẫn còn một dẫn chứng cụ thể nữa mà tôi muốn nói ở đây về hiệu quả của việc tổ chức trại sáng tác trong thời gian qua là:
Đối với Nhà xuất bản QĐND chúng tôi, thời gian trước đây (khoảng 3 đến 5 năm trước), trên bản biên tập thật sự khan hiếm những bản thảo viết về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng có chất lượng (tôi chưa dám nói đến bản thảo hay). Tại sao lại như thế? Đây thật sự là một câu hỏi lớn, sự trăn trở của lãnh đạo chỉ huy cũng như đội ngũ Biên tập viên sách văn nghệ Nhà xuất bản QĐND chúng tôi. Thế rồi 2 năm nay (2015, 2016), được sự đồng ý của Thủ trưởng TCCT, đặc biệt là sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Trung tâm Hỗ trợ sáng tác, chúng tôi đã liên tục tổ chức 2 trại sáng tác Tiểu thuyết, Trường ca về đề tài “Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng”. Và chúng tôi đã thực sự mừng đến rơi nước mắt khi với kết quả thu được từ 2 trại viết, đó là những trang sách viết về chiến tranh, về người lính lại xuất hiện, và xuất hiện với một tâm thế mới, một diện mạo mới. Tuy chưa dám nói là mĩ mãn nhưng cũng phải công bằng nhìn nhận là đã có, đã có những tác phẩm đạt chất lượng, đạt được mục đích yêu cầu của trại viết, đạt được tiêu chí của Nhà xuất bản QĐND đề ra.
Cụ thể như, từ trại viết ở Tam Đảo năm 2015, chúng tôi đã cho ra mắt bạn đọc những Tiểu thuyết về chiến tranh cách mạng như: “Tiếng biển” của Nguyễn Văn Đệ, “Xóm Chợ” của Nguyễn Hiền Lương, “Làng Ba Họ” của Hoàng Giá, “Lính Chiến” của Đan Thành, “Tia chớp cuối chiều” của Nguyễn Tiến Hải… và có trong tay rất nhiều bản thảo của truyện ngắn, Trường ca, bút ký khác nữa. Rồi đến trại viết năm 2016, chúng tôi đã có được những bản thảo hoàn chỉnh và dự định sẽ xuất bản, cho ra mắt bạn đọc năm 2017 những Tiểu thuyết viết về chiến tranh cách mạng, về tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào như: “Nhịp cầu” của Lê Văn Vọng, , “Chiến tranh qua rồi” của Nguyễn Duy Liễm, “Chuyện tình Phja Bjooc” của Bùi Như Lan, “Hai nửa cuộc chiến” của Nguyễn Duy Liễm, “Động thổ” của Lê Ngọc Minh. Và đặc biệt là 2 Nhà văn được đầu tư chiều sâu đã cho ra đời 2 bản thảo Tiểu thuyết rất dày dặn là: “Trang trại có ma” của Nguyễn Bảo và “Trở về” của Đỗ Viết Nghiệm.
Vâng, đó là kết quả mà chúng tôi đã có được qua 2 lần tổ chức trại viết tại Tam Đảo và Đại Lải. Điều này có thể trả lời cho phần nào cho câu hỏi về hiệu quả của việc Tổ chức trại sáng tác trong thời gian vừa qua của chúng tôi với Trung tâm hỗ trợ sáng tác. Và cũng qua đây, câu hỏi “trại sáng tác - cần hay không cần?” có thể cũng không cần trả lời nữa.
Thông qua bài viết này, tôi cũng xin mạnh dạn đề nghị, nên chăng trong thời gian tới, trung tâm hỗ trợ sáng tác nên hỗ trợ đầu tư có chọn lọc, có trọng điểm hơn, tạo điều kiện tốt hơn cho các văn nghệ sĩ sáng tác. Cụ thể là:
- Đối với chuyên ngành văn học nên kéo dài thời gian hơn nữa. (từ 15 ngày lên chừng 18, 20 ngày).
- Hỗ trợ thêm tiền ăn cho văn nghệ sĩ, vì 120.000 so với thị trường bây giờ là quá thấp.
- Tạo điều kiện về phòng ở và làm việc, vì trại viên về sáng tác thường làm việc độc lập, có tính đặc thù riêng của ngành nghề. Nếu sắp xếp 2 người 1 phòng thì rất khó cho việc sáng tác độc lập.
- Đầu tư nhiều hơn cho sáng tác trẻ. Và yêu cầu các cơ quan tổ chức nên mời xen kẽ những trại viên tên tuổi, đã thành danh với một số lượng nhất định tác giả trẻ, để có sự phối hợp, sự giao thoa nhịp nhàng và cũng là để bồi dưỡng, đào tạo cho lớp kế cận.