BÀI VIẾT MỚI

Minh Phương

Minh Phương

Chùm thơ các tác giả Vân Anh và Văn Quyền - Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Nghệ An

Thơ Vân Anh - Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Nghệ An; sáng tác tại Nhà sáng tác Nha Trang tháng 9/2018.

ĐỘC THOẠI TRƯỚC BIỂN

Mọc từ lòng đất sâu
sống cùng chon von núi vời xa
Thác xả thân sóng tung trắng xóa nở ra dòng suối hiền hòa...
Tự xẻ cây, bào đá
Suối gom nhau thành Sông
Sông lọc máu đỏ ngầu dâng phù sa
nuôi phồn thực đôi bờ xanh sự sống ...
Cửa Biển - Nhũng đời sông hướng vọng
Những đời sông tan chảy đam mê miên viễn tình nồng .
Những giọt khát biêng biếc ào ạt
từ những dãy núi, từ những cao nguyên, từ những đại ngàn
Những giọt khát biêng biếc âm thầm
từ những gò bãi, từ những cánh đồng, từ những thung lũng miên miết, căng tức trái tim Biển .
Có dữ dội, cuồng say của Thác
Có dịu dàng, lãng mạn của Suối
Có nhẫn nại, từ tâm của Sông
Bầu sữa Biển nhân hậu, bao dung nuôi lớn Con Người.
Cho mặn mòi những vần thơ...
Cho bí ẩn những bức họa...
Cho thăng giáng ngân rung những khúc ca ...
Trước Biển Ta tự mình thanh lọc
Trầm lắng hóa ngọc trai
Nông nổi thành bọt bã!
*******

Thơ Văn Quyền - Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Nghệ An; sáng tác tại Nhà sáng tác Nha Trang tháng 9/2018.

MẸ VÀ CHIẾC BA LÔ CON CÓC

Mẹ còn giữ chiếc ba lô con cóc,
Thường chọn ngày nắng nỏ lại đem phơi,
Là kỷ vật của một thời chiến trận,
Duy nhất còn lưu lại của Cha tôi.
 
Cha chiến đấu trong bưng biền rừng nước,
Đã hy sinh chẳng biết tháng ngày nào.
Chiếc ba lô, may còn đồng đội giữ,
Thân xác vùi chẳng thể biết nơi nao!
 
Cứ mỗi năm, ngày Thương binh Liệt sỹ,
Mẹ coi như là ngày giỗ Cha tôi.
Chiếc ba lô Mẹ thường mang ra ngắm,
Cũng là thay được thấy bóng hình người.

Chùm thơ Hoàng Cẩm Thạch - Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Nghệ An

Thơ Hoàng Cẩm Thạch – Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Nghệ An; sáng tác tại Nhà sáng tác Nha Trang tháng 9/2018.

NHẪN CỎ

Như màu tím hoa Sim
Dấu tình yêu thầm kín
Chưa nói lời ước hẹn
Mà bồi hồi trong tim
 
Truông Bồn mùa trăng lên
Tím màu hoa chung thuỷ
Một tình yêu bình dị
Lớn dần trong khói bom
 
Gập ghềnh phía hoàng hôn
Trao nhau lời nhẫn cỏ
Lời yêu thương thầm ngỏ
Tiếng mưa rơi thầm thì
 
Em tiễn đoàn quân đi
Anh lao vào trận đánh
Từng đoàn xe ra trận
Ta đợi chờ tin nhau ...

       Trại sáng tác Nha Trang, tháng 9/2018

LỜI RU TRUÔNG BỒN

Tiếng ve ru khản trời chiều
Mẹ tôi đi giữa liêu xiêu gió lào
Đường cày quăng quật thấp cao
Nắng nung ngọn lửa.
Nắng cào rặng tre.
 
Lời ru nghẹn đắng đêm hè
Chạm vào nỗi nhớ trăng nhoè bóng mây
Truông Bồn đạn xới bom cày
Lá thơm gội mái tóc dày cỏ non
 
Rừng xanh che tấm ô tròn
Kẽo cà tiếng võng ru con giấc nồng
Lời ru vỗ sóng ven sông
Một thời con gái căng hồng ước mơ
Hoa gạo đỏ mắt đợi chờ
Vầng trăng thao thức ầu ơ... Truông Bồn ...

Bế mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật Tiền Giang tại Nhà sáng tác Đà Nẵng

Ngày 5/10/2018, tại Nhà sáng tác Đà Nẵng đã diễn ra buổi bế mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật 2018 của Hội văn học nghệ thuật Tiền Giang.

Tham dự buổi bế mạc có ông Lê Ngân – Phó chủ tịch Hội văn học nghệ thuật tỉnh Tiền Giang; ông Nguyễn Song Hiển – Giám đốc Nhà sáng tác Đà Nẵng và các thành viên tham dự Trại sáng tác.

bemactiengiangt9 2018

Trại sáng tác văn học nghệ thuật Tiền Giang 2018 bao gồm 15 trại viên với các chuyên ngành: văn học, âm nhạc và nhiếp ảnh. Trong suốt thời gian dự trại, các thành viên đã được trao đổi, học hỏi lẫn nhau về kinh nghiệm sáng tác, phê bình, đánh giá các tác phẩm để nâng cao chất lượng của từng tác phẩm. Ngoài ra, các trại viên còn được tham dự các buổi đi thực tế tại thành phố Huế, bán đảo Sơn Trà, làng nghề điêu khắc đá Non Nước…bổ sung thêm kiến thức thực tế và tăng thêm cảm xúc sáng tác.

Tại buổi bế mạc, ông Lê Ngân đã thẳng thắn nhận định về chất lượng tác phẩm đã được sáng tác trong thời gian ở Trại. Số lượng tác phẩm lớn, đạt chỉ tiêu theo đề cương trước khi dự trại. Các tác giả có nhiều tìm tòi, khám phá, làm mới tác phẩm và cảm xúc, thể hiện qua chất lượng của các tác phẩm. Ông Lê Ngân cũng không quên gửi lời cám ơn tới cán bộ nhân viên Nhà sáng tác Đà Nẵng đã phục vụ với tinh thần chu đáo, nhiệt tình, đảm bảo an ninh, trật tự để góp phần cho Trại sáng tác thành công tốt đẹp.

bemactiengiangt9 2018 1
Ông Lê Ngân trao tác phẩm cho ông Nguyễn Song Hiển

Trại sáng tác lần này có 68 tác phẩm: 31 tác phẩm thơ, 3 tác phẩm văn xuôi, 31 tác phẩm nhiếp ảnh và 3 tác phẩm âm nhạc.

Hát Xoan Phú Thọ - Nghiên cứu nghệ thuật dân gian của Đặng Đình Thuận - Hội văn học nghệ thuật Phú Thọ

Nghiên cứu nghệ thuật dân gian của Đặng Đình Thuận - Hội văn học nghệ thuật Phú Thọ, sáng tác tại Nhà sáng tác Đà Nẵng tháng 9-2018.

HÁT XOAN PHÚ THỌ - NÉT RIÊNG BIỆT VỀ TỔ CHỨC VÀ NGHỆ THUẬT TRÌNH DIỄN

          Hát Xoan là lối hát dân gian được bắt nguồn từ tín ngưỡng truyền thống thờ cúng Thần linh, Thành hoàng và các Vua Hùng gắn với không gian thiêng là các ngôi miếu cổ và đình làng, nên Hát Xoan còn được gọi là " Hát cửa đình, Khúc môn đình, ca môn đình". Vì vậy, về tổ chức các phường Xoan; lời ca và nghệ thuật trình diễn của Hát Xoan luôn mang tính chất của tín ngưỡng phồn thực đặc trưng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Đó là quan niệm Âm- Dương; Nam- Nữ; cầu mong sự sinh sôi phát triển giống nòi và được các bậc Thần linh, Thành hoàng và các Vua Hùng ban cho nhiều may mắn, tốt lành trong lao động sản xuất và trong đời sống hàng ngày của cộng đồng cư dân nông nghiệp. Trong hát Xoan, nghệ thuật múa và hát luôn đi cùng và kết hợp với nhau tạo thành thể thống nhất, dùng điệu múa minh họa nội dung cho lời ca. Các tiết mục múa hát thường sắp xếp theo trình tự nhất định. Mở đầu là 4 tiết mục có tính nghi lễ mang đậm dấu ấn tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước vùng trung du Phú Thọ " rừng cọ đồi chè", với nội dung khấn nguyện, cầu mong trời đất phù hộ cho "mưa thuận, gió hòa" để được mùa màng tươi tốt, bội thu. Sau đó là các lời ca, điệu múa mô tả cảnh lao động sản xuất " tứ dân chi nghiệp" (sỹ, nông, công, thương: Dạy học, trồng lúa, đánh cá, trồng bông dệt vải, săn bắt...) Đây là những bài ca cổ, chủ yếu hát nói hoặc ngâm ngợi; theo thứ tự nghi thức tín ngưỡng thờ cúng truyền thống ( có thể xuất phát từ tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng: giáo trống, giáo pháo, thơ nhang, đóng đám. Tiếp theo là phần hát cách (còn gọi là quả cách). Trong phần này, ông Trùm hoặc một kép chính giở sách ngân nga 14 bài thơ nôm dài với giọng phụ họa của các cô đào đứng ở phía sau. Mười bốn quả cách trong hát Xoan là những áng thơ khuyết danh do nhân dân sáng tác và được lưu truyền trong các phường Xoan gốc với các đề tài khác nhau như: mô tả cảnh lao động, sinh hoạt ở nông thôn vùng trung du, ca ngợi cảnh vật thiên nhiên vùng trung du với những nét đặc trưng của địa hình đồi gò, kể các tích chuyện xưa liên quan đến các Vua Hùng dựng nước. Sau phần hát cách đến các tiết mục có tính chất nghệ thuật dân gian với nội dung mang đậm yếu tố trữ tình, mang âm hưởng của những bài dân ca, ví giao duyên, hát trống quân đặc trưng của vùng Đất Tổ. Mỗi tiết mục nối tiếp nhau ở đây thường gắn với những động tác và đội hình múa, hoặc lối diễn mang tính chất hoạt cảnh như một liên khúc: hát bợm gái, bỏ bộ, xin huê, đố huê, đố chữ, gài ( cài) huê, hát đúm, mó ( giã) cá... Sức sống của hát Xoan chính là bởi Hát Xoan là loại hình hát nghi lễ gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương kết hợp với hát giao duyên nam, nữ ( hát hội), vì vậy nó được tồn tại lâu dài và được nhiều thế hệ trong các phường Xoan yêu thích truyền dạy và cùng bảo tồn đến ngày nay bởi một số nét đặc trưng riêng biệt sau đây của Hát Xoan Phú Thọ:

1- Tổ chức các phường Hát Xoan:
 Các phường Xoan có tổ chức hết sức chặt chẽ và theo nguyên tắc dựa vào liên kết dòng họ, gia đình và khu vực cư trú. Những người đi hát Xoan thường là cùng chung sống trong một gia đình hay có mối quan hệ họ hàng " phi nội tắc ngoại", sống cùng làng xóm và tổ chức thành phường truyền dạy nhau theo tính chất, hình thức văn nghệ dân gian và khép kín trong những người cùng làng, phần lớn có quan hệ họ hàng với nhau. Đây là nguyên nhân để tạo sự khác biệt, đặc trưng bí truyền của mỗi phường Xoan. Người đứng đầu một phường Xoan (hay họ Xoan) phải là người cao tuổi và là đàn ông, có uy tín về đạo đức và chuyên môn gọi là ông Trùm ( chính vì gắn với tín ngưỡng phồn thực nên trùm phường Xoan nhất thiết phải là đàn ông). Ông Trùm là một người có kinh nghiệm và nắm chắc về nghề nghiệp biết giao tiếp và biết chữ Hán - Nôm để hát dẫn một số bài dài được chép bằng văn tự. Các phường viên trong phường thì gọi con trai là Kép, con gái là Đào. Mỗi phường Xoan có khoảng từ 15 đến 18 người. Nam mặc áo the, khăn xếp, quần trắng, guốc mộc; nữ mặc áo năm thân, khăn mỏ quạ, áo cánh trắng, yếm điều, thắt lưng bao, dải yếm các mầu, quần lụa, đeo xà tích, đi guốc mộc. Những làng có người đi Hát Xoan kết nước nghĩa với các phường Xoan và các phường Xoan cũng kết nước nghĩa với nhau. Họ coi nhau thân thiết như anh em, nhưng tuyệt đối đào, kép trong các phường Xoan không được lấy nam nữ thanh niên của làng kết nước nghĩa.
 
2- Trình tự trình diễn Hát Xoan:
Trình diễn một cuộc Hát Xoan nhất thiết phải theo trình tự đã quy định thống nhất trong các phường ( theo 3 chặng hát). Tuyệt đối không được phép thay đổi, một cuộc hát Xoan bao giờ cũng có ba phần chính: Phần hát nghi lễ theo tín ngưỡng dân gian; phần trình diễn các quả cách và phần hát hội.

+ Chặng hát nghi lễ theo tín ngưỡng dân gian: Phần này chủ yếu là hát nghi thức với các bài: Giáo trống, giáo pháo, thơ nhang, đóng đám với những lời cầu nguyện, cầu chúc, cầu mong các bậc Vua, Thần linh, Thành hoàng phù hộ cho dân làng được mọi sự bình an, mạnh khỏe, " phong đăng, hòa cốc"; " nhân khang vật thịnh"... thể hiện ước nguyện của người nông dân được quanh năm no đủ, nhà nhà, người người yên vui. Phần hát nghi lễ được trình diễn theo đúng nghi thức dân gian trước cửa võng ở trong nội đình ( nên gọi Hát Xoan là hát cửa đình). Những lời ca này được sao chép cẩn thận và do ông trùm lưu giữ. Đào và kép hát xen kẽ nhau, lúc phụ họa lúc đuổi nhau, múa hát rộn ràng, động tác dứt khoát, khỏe mạnh tạo không khí linh thiêng, tôn kính trước khi vào cuộc Hát Xoan trong ngày hội.

+ Chặng hát trình diễn 14 quả cách ( quả là bài, cách là hình thức thể hiện): Kiều Giang Cách; Nhàn Ngâm Cách; Tràng Mai Cách; Ngư Tiều Canh Mục Cách; Đối rẫy Cách; Xuân Thời Cách; Hồi Liên Cách; Hạ Thời Cách; Thu thời Cách; Đông thời Cách; Tứ Mùa Cách; Thuyền Chèo Cách; Tứ Dân Cách; Chơi Dâu Cách.

Nội dung các quả cách bao gồm các lời ca mô tả đời sống và sinh hoạt của các tầng lớp người đương thời ở nông thôn hoặc ca ngợi 4 mùa xuân- hạ- thu- đông cùng với sự biến đổi của cảnh vật thiên nhiên qua một năm canh tác, trồng cấy của nhà nông, hoặc kể các cốt truyện cổ tích xưa. Mỗi quả cách thường có cấu trúc ba phần rõ rệt: giáo cách (mở đầu) - đưa cách ( phần giữa) - kết cách ( phần cuối).

Nối tiếp các quả cách thường có láy câu chuyển tiếp: “Các bạn họ ta lấy qua làn dậm là hỡi dậm nào dậm ấy cho qua” hoặc “Cách ấy cho qua, hỡi bạn chèo ta, giờ sang cách khác, giã tiệc này, ta là Đại Vương.”

+ Chặng hát hội ( hát phú lý): Phần hát này mang tính chất trữ tình, giao duyên nam nữ phản ánh những tình cảm quan hệ yêu đương trai gái với hình thức đối đáp thể hiện sự ứng tác, đối đáp linh hoạt mang tính chất đua tài, thi ứng phó nhanh giống như hát ví, hát trống quân bao gồm các tiết mục múa, hát, dựng các hoạt cảnh, các trò chơi. Đây cũng là phần hứng thú và sinh động và hấp dẫn nhất trong cuộc Hát Xoan nói chung. Nghệ thuật của hát Xoan độc đáo và đặc trưng là ở chặng hát này.

Chặng hát này thường được tiến hành theo các thứ tự: hát ghẹo- giao duyên, xin hoa đố chữ, hát đúm và giã ( mó) cá mang đậm ý nghĩa của tín ngưỡng phồn thực: âm- dương; Trai- gái; sinh sôi nảy nở giống nòi. Giã cá hoặc mó cá được coi là tiết mục kết thúc quá trình diễn xướng của hát Xoan, có tiết tấu nhịp nhàng, khỏe khoắn, sô động, thể hiện rõ nét đặc trưng của tín ngưỡng phồn thực qua mối quan hệ giữa trai (dương) và gái ( âm) với ước nguyện sinh sôi, nảy nở phát triển giống nòi để có thêm nhiều nhân lực, của cải trong lao động sản xuất. Điệu múa gồm mười hai đào Xoan và bốn chàng trai làng tượng trưng cho cá bị bắt dâng lên thờ Vua. Chặng hát này được múa hát vào lúc nửa đêm hay gần sáng trước bàn thờ Thánh trong nội đình.

3- Âm nhạc trong Hát Xoan: 
Hát Xoan được cấu thành chủ yếu từ những thang 3 âm, 4 âm ( quãng 3 hoặc quãng 4). Giai điệu Xoan mộc mạc, tiết tấu đơn giản, cách hát gần gũi với giọng nói. Hiện tại, các phường Xoan trên địa bàn Phú Thọ còn bảo tồn được 31 bài Xoan ở 4 phường Xoan gốc: An Thái, Thét, Phù Đức và Kim Đái, đều thuộc thành phố Việt Trì. Đứng đầu phường Xoan là ông Trùm. Trong Hát Xoan, Kép nam thường làm nhiệm vụ hát dẫn (lĩnh xướng), múa, đệm trống con, trống cái; Đào nữ thường đóng vai trò hát phỏng (hát nhắc lại), hát đối đáp, hay múa... Ngoài ra, khi Phường Xoan được mời đến trình diễn ở nơi khác, trong phần Hát Hội còn có sự tham gia của trai, gái đại diện cho cộng đồng của cửa đình sở tại...
 
4- Đạo cụ và nhạc cụ trong Hát Xoan:
Đạo cụ và nhạc cụ dùng cho Hát Xoan vừa rất đơn giản, không đòi hỏi cầu kỳ và phù hợp với đời sống bình dị của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước vùng trung du Phú Thọ lại vừa thể hiện tính nghiêm trang trong thực hành tín ngưỡng thờ cúng và tính phổ thông quần chúng để các đào kép dễ thể hiện trình diễn Hát Xoan. Chỉ dùng một chiếc trống nhỏ đường kính mặt trống 20 cm, chiều cao 25 đến 30 cm, hai mặt bịt da và tang trống bằng gỗ mít cùng với đôi, ba cặp phách bằng tre đực già. Tuy vậy, kép trống lại có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giữ nhịp cho các kép và đào hát trong toàn bộ cuộc hát. Nếu kép trống mà không thuần thục giữ nhịp trống thì ảnh hưởng rất nhiều đến không khí và chất lượng của cuộc hát. Trước khi vào cuộc hát, kép trống sẽ đánh một hồi như lời mời và ra hiệu bắt đầu cuộc hát, sau đó là giữ nhịp cho cuộc hát. Khi chuyển các chặng hát thì bao giờ kép trống cũng phải co hồi trống chuyển tiếp.
 
5- Lời của các bài bản Hát Xoan:
Vì là lối hát thờ Thần linh, Thành hoàng làng và các Vua Hùng trước cửa đình nên nghệ thuật trình diễn của Hát Xoan rất đơn giản, mộc mạc với sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc, thơ, vè và giọng điệu mang đậm dấu ấn thổ ngữ của địa phương vùng trung du Phú Thọ( dân ca). Lời ca trong Hát Xoan còn có sự kết hợp với các điệu múa đơn giản chủ yếu bằng đôi tay của các đào, kép đưa ra, thu vào, ngửa bàn tay, úp bàn tay, kết hợp với việc sử dụng các đạo cụ, như quạt, phách tre, nậm rượu... Di chuyển trong Hát Xoan bằng đôi chân chủ yếu theo hàng dọc hoặc hàng ngang và vòng tròn (mó, giã cá) cũng đơn giản không phức tạp. Lời Xoan thường được thể hiện dưới dạng thể thơ song thất lục bát ( 2 câu 7, một câu 6, một câu 8), thất ngôn ( 7 từ), lục bát, lục bát biến thể, bốn từ, sáu từ đơn giản dễ nhớ, dễ thuộc, dễ hát.

Hát Xoan hội đủ các yếu tố của văn nghệ dân gian bao gồm về tổ chức Phường ( họ); trình diễn theo hình thức đơn giản hát kết hợp với múa gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Đó là hình thức âm nhạc cổ truyền, kết hợp được yếu tố văn hóa, lịch sử và nghệ thuật, độc đáo ở lời ca, giai điệu và làn điệu; chứa đựng nhiều giá trị văn hóa và được cộng đồng gìn giữ qua nhiều thế kỷ, không bị biến mất trong đời sống hiện đại đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc sắc của loại hình nghệ thuật độc đáo này, ngày 24 tháng 11 năm 2011, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức công nhận Hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại và ngày 08 tháng 12 năm 2017, Hát Xoan Phú Thọ chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật truyền thống Hát Xoan Phú Thọ sẽ thiết thực góp phần cho việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và duy trì tính đa dạng của di sản văn hóa nhân loại để Hát Xoan Phú Thọ mãi mãi trường tồn cùng dân tộc và nhân loại.

                                      Trại sáng tác Đà Nẵng, tháng 9 /2018

Bế mạc Trại sáng tác âm nhạc “Huế Xưa và Nay”

Tối ngày 29/9, tại hội trường Đài Phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên Huế, Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật phối hợp với Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức bế mạc trại sáng tác Âm nhạc “Huế Xưa và Nay”.

bemacamnhachuet8 2018

Đến dự có ông Lê Trường Lưu – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Phan Ngọc Thọ - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh; ông Nguyễn Dung, Tỉnh ủy viên, phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh; ông Nguyễn Thái Sơn, Ủy viên thường vụ tỉnh ủy, trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy; ông Huỳnh Văn Ngàn – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật; nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Chương trình biểu diễn những  khúc được sáng tác trong trại sáng tác âm nhạc “Huế xưa và nay”, như: Gặp em (thơ Dương Vân, nhạc Đỗ Hồng Quân), Sóng Hương Giang (thơ Lê Tự Minh, nhạc Đức Trịnh); Cảm xúc Huế (Tôn Thất Lập), Về Huế với nhau đi (Lê Minh Sơn), Còn trong ký ức (thơ Thái Thăng Long, nhạc Phú Quang)… Đây là những ca khúc mới, giàu cảm xúc và giai điệu, có chất lượng ca ngợi về con người và xứ Huế mộng mơ.

Trại sáng tác “Huế xưa và nay” có sự tham gia của 16 nhạc sĩ là những tên tuổi lớn trên cả nước và một số văn nghệ sĩ tại tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia, như: PGS.TS Đỗ Hồng Quân, nhạc sĩ Tôn Thất Lập, nhạc sĩ Phú Quang, nhạc sĩ Lê Minh Sơn, nhạc sĩ Lê Tự Minh, nhạc sĩ Trầm Tích,… Các nhạc sĩ đã đi thực tế tại một số danh thắng trên địa bàn tỉnh, như: tham quan di tích Huế, đầm phá Tam Giang, Vườn Quốc gia Bạch Mã, đầm Lập An, Lăng Cô, huyện A Lưới và một số địa danh khác. Phong cảnh nên thơ và hùng vĩ đã tạo cảm hứng cho các nhạc sĩ sáng tác được những tác phẩm hay, phản ánh chân thực về xứ Cố đô và lòng mến khách của người dân nơi đây.
 
bemacamnhachuet8 2018 1
Các nhạc sĩ tham gia Trại sáng tác chụp hình lưu niệm cùng Ban tổ chức và khách mời.

Tham gia trại sáng tác lần này, các nhạc sĩ đã gặt hái được những thành công tốt đẹp, BTC đã thu nhận được một bộ sưu tập các tác phẩm chất lượng tốt, thể hiện sự say mê và tinh thần trách nhiệm cao của các nhạc sĩ dự trại. 

Nguồn: Tổng hợp.

Bế mạc Trại sáng tác âm nhạc “Huế Xưa và Nay”

Tối ngày 29/9, tại hội trường Đài Phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên Huế, Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật phối hợp với Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức bế mạc trại sáng tác Âm nhạc “Huế Xưa và Nay”.

bemacamnhachuet8 2018

Đến dự có ông Lê Trường Lưu – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Phan Ngọc Thọ - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh; ông Nguyễn Dung, Tỉnh ủy viên, phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh; ông Nguyễn Thái Sơn, Ủy viên thường vụ tỉnh ủy, trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy; ông Huỳnh Văn Ngàn – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật; nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Chương trình biểu diễn những  khúc được sáng tác trong trại sáng tác âm nhạc “Huế xưa và nay”, như: Gặp em (thơ Dương Vân, nhạc Đỗ Hồng Quân), Sóng Hương Giang (thơ Lê Tự Minh, nhạc Đức Trịnh); Cảm xúc Huế (Tôn Thất Lập), Về Huế với nhau đi (Lê Minh Sơn), Còn trong ký ức (thơ Thái Thăng Long, nhạc Phú Quang)… Đây là những ca khúc mới, giàu cảm xúc và giai điệu, có chất lượng ca ngợi về con người và xứ Huế mộng mơ.

Trại sáng tác “Huế xưa và nay” có sự tham gia của 16 nhạc sĩ là những tên tuổi lớn trên cả nước và một số văn nghệ sĩ tại tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia, như: PGS.TS Đỗ Hồng Quân, nhạc sĩ Tôn Thất Lập, nhạc sĩ Phú Quang, nhạc sĩ Lê Minh Sơn, nhạc sĩ Lê Tự Minh, nhạc sĩ Trầm Tích,… Các nhạc sĩ đã đi thực tế tại một số danh thắng trên địa bàn tỉnh, như: tham quan di tích Huế, đầm phá Tam Giang, Vườn Quốc gia Bạch Mã, đầm Lập An, Lăng Cô, huyện A Lưới và một số địa danh khác. Phong cảnh nên thơ và hùng vĩ đã tạo cảm hứng cho các nhạc sĩ sáng tác được những tác phẩm hay, phản ánh chân thực về xứ Cố đô và lòng mến khách của người dân nơi đây.
 
bemacamnhachuet8 2018 1
Các nhạc sĩ tham gia Trại sáng tác chụp hình lưu niệm cùng Ban tổ chức và khách mời.

Tham gia trại sáng tác lần này, các nhạc sĩ đã gặt hái được những thành công tốt đẹp, BTC đã thu nhận được một bộ sưu tập các tác phẩm chất lượng tốt, thể hiện sự say mê và tinh thần trách nhiệm cao của các nhạc sĩ dự trại. 

Nguồn: Tổng hợp.

Chùm thơ của Vũ Kim Liên - Hội văn học nghệ thuật Phú Thọ

Chùm thơ của Vũ Kim Liên - Hội văn học nghệ thuật Phú Thọ, sáng tác tại Nhà sáng tác Đà Nẵng tháng 9-2018.

ĐÊM NGHE HÁT BÀI CHÒI ĐÀ NẴNG
                                                                           “...Đi đâu cọ xiểng đi hài

                                                   Cử nhơn không đậu, tú tài cũng không...” (thằng Trò)- Dân ca Bài Chòi Đà Nẵng

Một đêm làm khách lạ
Háo hức bên sông Hàn
Đợi cầu Rồng phun lửa
Thả lên trời bao la
 
Chợt nghe điệu dân ca
Bài Chòi bên quán lá
Những Pho Văn, Pho Vạn
Những Nhứt Nọc, Nhì Nghèo
 
Câu Khai vừa mới gieo
Đã có người đáp lại
Anh Hiệu sóc con bài
Xướng tên trên thẻ rút
 
Điệu Bài Chòi thúc giục
Trống, đờn cò, kèn, sanh
Cùng tấu hòa muôn khúc
Níu hồn người phương xa
 
Mỗi làn điệu dân ca
Một mạch nguồn truyền thống
Lắng sâu hồn dân tộc
Cùng giống nòi bay lên
 
Lắng nghe trong tiếng đêm
Điệu Bài Chòi da diết
Càng yêu hơn tiếng Việt
Tiếng ông cha ngàn đời!

                   Nhà sáng tác Đà Nẵng, 10/9/2018

PHỐ HỘI

Ngày em đi mưa giăng đầy Phố Hội
Mái chùa Cầu cong như võng hứng mưa rơi
Bên gác nhỏ áo dài run vai nép
Phố nhập nhòa không tiếng guốc khua
Những chiếc đèn lồng ngủ quên trời quên đất
Chỉ hoa tím thôi ngọng nghịu nụ cười
Và nón trắng thẫn thờ nón trắng...
Từ buổi ấy xa sông Hoài đi mãi
Tất bật mưu sinh
Chưa trở lại nhà
Những nỗi nhớ vùi vào tim nghèn nghẹn
Cứ lấp đầy từng khoảng trống mong manh
Mỗi cơn mưa thêm mỗi lần khắc khoải
Giục em về thuở ấy tinh khôi
Ngày trở lại đèn hoa giăng kín lối
Phố Hội rêu phong
Mái gỗ bạc màu
Nón trắng qua cầu rền vang tiếng guốc
Tà áo tung bay gọi đèn lồng thức dậy
Phố Hội vàng son. Phố Hội mặc trầm
Ngày em về
Ngõ vắng lại xôn xao...

                                 Đà Nẵng, 13/9/2018

ÔNG AN XÓM TÔI - Truyện ngắn Nguyễn Xuân Quang - Hội văn học nghệ thuật Phú Thọ

ÔNG AN XÓM TÔI

Truyện ngắn của Nguyễn Xuân Quang – Hội văn học nghệ thuật Phú Thọ, sáng tác tại Nhà sáng tác Đà Nẵng tháng 9-2018.

        Gọi mãi thành quen, chứ ông An xóm tôi đã tám mươi sáu tuổi rồi. Ở quê tôi, những ai ở tầm bảy mươi mùa chim én bay, tức là thuộc lớp người “cổ lai hi” thì thường được mọi người tôn kính, gọi bằng cụ. Ông An cũng chính là cụ An. Cụ hay ông, gọi thế nào cũng được, miễn là không coi thường, rẻ rúng và hỗn láo. Ông An bảo thế.
        Vốn tính hiền lành, chất phác và thảo lảo. Hình như từ trước đến nay, người trong xóm ít khi nghe thấy ông to tiếng, cãi lẫy hoặc hiềm khích với bất cứ ai bao giờ. Nữa, ông tuyệt nhiên không can dự vào bất cứ chuyện gì thuộc về nội bộ cá nhân. Ông cho rằng, mau mắn quá, cứ loi soi vào việc của người khác là dốt, là thô bạo, vì như thế là xâm phạm quyền tự do của người ta, hay hớm gì? Nhưng nếu gia đình nào có chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” hoặc có cháu nào to tiếng, cãi chửi nhau, làm ầm ĩ trong xóm, khi ấy lại thấy ông xuất hiện. Bằng nụ cười đôn hậu và chất giọng ấm trầm trời cho.. Ông nhỏ nhẹ phân tích, giảng giải lẽ thiệt, điều hơn, cứ như rót mật ong vào tai, ông bảo: “Khôn không qua nhẽ, khỏe không qua nhời. Anh em tay mặt, tay trái. Cùng chung lối đi về. Không nên, không phải cứ lựa lời bảo nhau. Việc gì mà phải sừng sộ, mặt nặng, mặt nhẹ như ông Thiện và ông Ác trong chùa. Rồi mỗi chốc đã lìa được nhau đâu. Đến khi hết cơn nóng, tĩnh tâm, nhìn mặt nhau lại ngượng...”. Thành ra, cả xóm ai cũng nể, cũng yêu quý, coi ông như người ruột thịt của mình. Và, chả biết từ lúc nào, ông An đã trở thành biểu tượng của sự đoàn kết trong xóm. Mỗi khi nhắc tới ông, ai cũng tự hào bảo: Đấy là ông An xóm tôi.
      Ông lâu nay rất tâm đắc câu: “Con nuôi mẹ cha, không bằng ông bà già nuôi nhau”. Chả thế mà cậu con trai út có tên là Đại, hồi hai mươi sáu tuổi cứ ngông ngênh mãi, ông lo muốn phát sốt, phát rét. Đến khi Đại học xong Trung cấp nghề, có việc làm ổn định và lấy vợ. Ông mừng, thở phào nhẹ nhõm, cứ như người trút được gánh nặng hàng tấn trên vai. Ba tháng sau, ông cắt phéng ngay nửa ô đất thổ cư chừng ba trăm mét vuông, dựng căn nhà đúc “một thớt” khá rộng rãi, khang trang và chính thức cho vợ chồng Đại ra ở riêng, khiến cậu ta giãy đành đạch như đỉa phải vôi không chịu. Nhưng cậu nhầm. Xưa nay ông An vốn có tiếng hiền từ, đức độ, nhưng lại rất nghiêm khắc và quyết đoán. Phàm những gì mà ông đã xuy tính kĩ, thì bất di, bất dịch, khó lòng xoay chuyển. Ông bảo:
             - Là thằng con trai cứ bám gấu quần bố mẹ là kém, là hèn. Ví như con chim, đã biết bay rồi thì đừng để bố mẹ mớm bón nữa. Nghe bố giảng giải, uốn nắn thế, Đại vùng vằng, phụng phịu. Chợt thấy bố lừ mắt, cậu câm tịt như hến.
         Thực tình, không phải ông An cố đẩy các con ra ở riêng để cho ông bà rảnh thân, suốt ngày hú hí với nhau đâu. Cái chính là ông muốn các con có ý thức tự lập, làm chủ cuộc sống và gắng vươn lên. Hơn thế, người ta khi đã về già thường trái thân, trái thói, trái tính, trái nết. Tai điếc, mắt mờ đã đành, nhưng cái tính hay hờn mát và chấp nhặt nhiều khi cũng là khởi nguyên của các vụ va chạm mẹ chồng, con dâu. Thôi, cứ ở riêng là hợp lí nhất. Người xưa bảo: tay khỉ bón miệng khỉ, nghe cũng thấy hay hay. Ở riêng tức là tạo cho các con có khoảng trời riêng để tha hồ vùng vẫy. Ở riêng còn có nghĩa là hai ông bà già cũng tự do, thỏa mái hơn. Thôi thì ăn muộn, ăn sớm, ăn khô, ăn nhão...tùy thích, chẳng phiền hà gì đến con cháu. Ở riêng, với xuất lương “thư kí ủy ban” nghỉ hưu ít ỏi của ông và hai trăm bảy mươi ngàn nhà nước cho người ngoài tám mươi tuổi như bà. Thế cũng đủ để hai ông bà trang trải, thích gì mua nấy và sớm chiều tha hồ dí dúm chuyện nhỏ, chuyện to. Những câu chuyện ở nhà quê, được ông bà “xào qua, đảo lại”, kể cho nhau nghe suốt ngày không biết chán.
       Cứ nghĩ cuộc đời êm ả trôi đi, như con sông đã chảy gần đến biển. Bỗng đâu hôm ấy bà bị sốt đùng đùng và ho sù sụ như gõ mõ. Các con cuống cả lên vội mua thuốc kháng sinh về cho bà uống mà chả thấy đỡ, đành đưa bà đi bệnh viện. Tại đây, qua chiếu chụp, thử máu và làm các xét nghiệm. Trời ơi, bà bị căn bệnh ung thư giai đoạn cuối, nó đang gặm nhấm, phá phách hai lá phổi mất rồi. Biết được hung tin, ông An sững người, mặt thờ thẫn như bị ma bắt mất hồn. Hôm bà trút hơi thở cuối cùng để vĩnh viễn ra đi về với tổ tiên như người ta thường nói. Thay vì khóc lóc vật vã, ông An cứ ngồi thừ ra như pho tượng làm bằng gỗ mít. Hai tay ông buông thõng và đôi mắt đùng đục, nhìn đăm đăm về phía trời xa... Đến khi con cháu tổ chức làm ma cho bà, tức là lúc đám nhạc hiếu họ mở trống, khai kèn báo buổi lễ tang bắt đầu, thì ông lại như người bừng tỉnh sau giấc mộng. Ông chống gậy đi tha thẩn ngoài vườn. Ông nhớ bà, tiếc bà và thương bà không biết để đâu cho hết. Ông thương bà vì một nhẽ dễ hiểu, bởi hai người cùng tuổi, cùng sinh ra và lớn lên ở cái xóm Xộp nghèo xơ, nghèo xác một thời. Cái thời chỉ có hai người Pháp mũi lõ, tóc quăn, mắt xanh lè, dám cả gan cai trị cả một tỉnh mấy vạn dân. Cái thời mấy người mặc áo cộc, quần soóc, mũ phớt, tay cầm ba toong, lông lá đầy ngực kia, không biết oai phong, lẫm liệt đến đâu mà đã khiến các vị chức sắc từ tỉnh đến phủ huyện đều rất mực cung kính gọi là “quan lớn”. Họ khúm núm, bẩm thưa, lễ phép hơn cả với cha mẹ đẻ ra mình. Ông thương bà vì hai người cùng đi qua thời kì đất nước có chiến tranh. Khắp nơi chỉ thấy toàn nhà lá, vách đất và đói rách triền miên. Khi đất nước thái bình, nhà nhà no ấm và hai ông bà được hưởng thụ chừng mươi năm, thì bà lại nỡ bỏ ông mà đi. Vẫn biết “sinh lão, bệnh tử” là quy luật muôn đời, nhưng với ông An lúc này sao nó hẫng hụt quá. Cứ xót xót trong dạ thế nào...
       Hình như từ khi bà về thế giới bên kia, đã khiến cho lòng ông An trống vắng. Trống vắng đến tê tái cả ruột gan. Ông thương, ông nhớ và ông ngấm cảnh “chim lẻ bạn” hơn ai hết. Ông tự khép mình, tha thẩn vào ra trong căn nhà ngói ba gian. Trừ những lúc anh em, bạn bè hay con cháu đến chơi là ông vui vẻ. Xong, ông lại kiệm nhời, trầm tư, kín đáo như thể nhà tu hành. Người già, nghĩ nhiều hơn nói là thế...
           Mấy hôm nay đài truyền thanh của xã thông báo chương trình kỉ niệm bảy mươi ba năm cách mạng tháng tám và Quốc khánh mồng hai tháng chín. Tự dưng tôi thấy trong lòng chộn rộn quá. Vốn mến mộ và hợp với lối nói chuyện mộc mạc, chân tình của ông An. Tôi liền đóng bộ sơ mi cho tươm tất, đến chơi với ông. Ra đón tôi tận cửa, ông An lập bập cầm ấm đổ bã chè, pha nước. Đưa tận tay tôi quả ổi găng thơm hức, vàng ươm. Chợt ông hỏi tôi:
               - Năm 1945 chú mày chưa đẻ nhỉ?
         Tôi cười tếu táo:
               - Năm 1945 bố mẹ cháu chưa lấy nhau, nên cháu chưa có “cấn”. Nghe đến đấy, chả biết có phải vì câu nói ngồ ngộ, hay vì vô tình tôi chạm đến nỗi niềm riêng, khiến ông An vui hẳn lên, cười ha hả. Một thoáng như mơ màng. Ông bảo:
               - Năm ấy mình mới mười ba, mười bốn tuổi, còn ngồng ngộc như con châu chấu cộc ngoài bờ ruộng. Cũng năm ấy, quê mình đói dã họng, đói đến thảm hại, thê lương. Bao nhiêu thóc lúa đều phải nộp cho Pháp, cho Nhật để chúng cho ngựa ăn. Nhiều nhà đói quá đành phải ăn cả củ chuối, củ nâu. Nhưng những thứ ấy không thể nuôi sống con người, nên dù có cố nuốt vào dạ dày lại bị dạ dày tống ra ngay lập tức, kèm theo mật xanh, mật vàng cũng tồng tộc ra – Nghe ông An nói đến đấy, tôi khẽ kêu lên: Trời ơi, sao các cụ ngày xưa khổ thế? Thấy tôi sốt sắng, để tâm vào câu chuyện, khiến ông An sôi nổi hẳn lên:
           - May quá, đúng lúc Cách mạng tháng tám nổ ra. Cả làng ầm ầm. Cả huyện ầm ầm. Khắp nơi sùng sục như chảo dầu sôi. Những người nông dân chân lấm, tay bùn bỗng chốc vùng lên. Nào dáo nào mác. Nào tầm vông, gậy gộc, cuốc xẻng... cả rừng người quần nâu, áo vá nhất tề kéo lên xã, lên huyện, lên tỉnh cướp chính quyền.
           Ông An khi ấy cởi trần trùng trục, mặc độc chiếc quần đùi gụ đã bạc phếch. Loay hoay tìm vũ khí mãi, cuối cùng ông chạy xuống chuồng lợn vơ được chiếc câu liêm, dụng cụ để cắt cành cây và chòi quả cọ. Ông chạy vụt đi, hòa vào đoàn người cũng tay liềm, tay hái. Trên đường đi, người ta reo hò, đả đảo giặc Nhật, giặc Pháp và bè lũ địa chủ, cường hào... Trong đám reo hò đến khản cả giọng, ông An thấy có cả cô con gái, mà sau này nên nghĩa phu thê, gắn bó trọn đời với ông.
         Tại phố phủ, bọn sĩ quan Nhật mặc đồ ka ki màu cứt ngựa, đeo lủng lẳng khẩu súng ngắn trễ bên hông và tay lăm lăm thanh kiếm. Cứ nhìn cái mặt vênh vênh, cũng đủ biết bọn này rất gan lì, bặm trợn. Chỉ đến khi một vị cán bộ của ta giật cây câu liêm trên tay ông An múa tít một vòng. Cây câu liêm sáng loáng, có mỏ như mỏ đại bàng kia mà ngoắc vào cổ thì toi đời là cái chắc. Hình như hiểu được điều đó, hắn mới cùng đồng bọn chịu cởi thắt lưng, trao súng và kiếm cho Việt Minh.
         Chợt nhớ ra điều gì, ông An lập bập chạy vào buồng. Có tiếng lục cục, loảng xoảng. Bỗng ông gắt ầm lên:
            - Đứa nào lấy của ông, đem trả mau.
         Nghe thấy bố chồng kêu như thể có kẻ trộm, cô con dâu út hớt hải chạy xuống hỏi: Có chuyện gì thế ạ? Có chuyện gì – Ông An đai lại: Chiếc câu liêm ông để ở đây, chỗ này. Có đứa nào nghịch không? Trời. Chiếc câu liêm bằng sắt, nặng như thế, chứ có phải là ô tô, xe xúc bằng nhựa đâu mà cụ bảo các cháu nó nghịch. Nhưng lạ quá, lâu nay ông vẫn cất nó trên gác để làm kỉ niệm và ông luôn xem chiếc câu liêm ấy như một báu vật linh thiêng nhất trong đời. Nay không cánh mà bay, vô lí quá. Cô con dâu lại lục tìm một lần nữa, vẫn không thấy chiếc câu liêm của ông đâu. Quái lạ... Đến khi cô lật chiếc chiếu ở đầu giường của ông, cô sung sướng reo lên: Đây rồi. Cụ để thế này có giời mà tìm. Mà cục sắt rỉ bố còn giữ để làm gì?

           Ông An chộp lấy chiếc câu liêm từ tay con dâu, cứ như chỉ sợ nó bay mất. Biết mình có lỗi, ông xuýt xoa thanh minh: Tuổi già nó khổ thế đấy. Chả là lâu nay tôi hay bị “tinh đất” nó đè, nên lấy chiếc câu liêm để trên đầu giường cho dễ ngủ....Bỗng ông đăm đăm nhìn vào khoảng không, như hồi tưởng những gì...xa lắm. Chợt ông thủ thỉ: Chà, mới đấy mà đã bảy mươi ba năm. Một đời người chứ ngắn ngủi gì? Hồi ấy nếu không có Việt Minh. Không có búa liềm, dáo mác, tầm vông, và những cây câu liêm...thì cuộc đời của dân mình sẽ ra sao nhỉ? Tôi khẽ xoa hai tay vào nhau, cười, thưa: Vâng, những cây câu liêm đã đóng góp một phần để làm nên lịch sử cụ nhỉ? Ông An lại cười. Vẫn nụ cười đôn hậu thường thấy trên môi. Ngoài kia, mặt trời đã lên cao, tãi cái nắng mùa thu xuống mấy chậu cúc đại đóa để trước sân, khiến những bông cúc óng lên như được dát bằng vàng, sao mà đẹp thế.

                                                                               Xuân Quang
                                                              Thạch Sơn, Lâm Thao, Phú Thọ

Bế mạc Trại sáng tác kịch bản điện ảnh Việt Nam tại Nhà sáng tác Đà Lạt

Ngày 22/9/2018, đã bế mạc Trại sáng tác kịch bản điện ảnh Việt Nam tại Nhà sáng tác Đà Lạt.

Trại quy tụ các cây viết là những nhà biên kịch, đạo diễn cùng những người làm công tác giảng dạy, lý luận thuộc các lĩnh vực phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình và công trình nghiên cứu từ khắp các vùng miền trên cả nước. Có thể kể ra đây những cái tên tiêu biểu, thuộc thế hệ người làm phim gạo cội như: Lĩnh vực phim truyện có Đạo diễn - NSND Nguyễn Thanh Vân, NSND Nhuệ Giang. Hoạt hình có Đạo diễn - NSND Hà Bắc, nhà biên kịch Phạm Sông Đông, phim tài liệu là NSƯT Sỹ Chung, NSƯT Nguyễn Hữu Phần… Ngoài ra, trại Sáng tác kịch bản lần này còn có nhiều cây bút thuộc thế hệ 7x, 8x như: Biên kịch Thu Dung (Điện ảnh Quân Đội), Đặng Thu Trang, Nguyễn Thị Thu, Tống Thị Phương Dung (Hãng phim truyện Việt Nam) và nhiều gương mặt khác.

bemacdienanht9 2018

Hàng năm, Hội Điện ảnh Việt Nam đều tổ chức Trại sáng tác kịch bản và luôn thu được kết quả tốt với số kịch bản được chọn lựa, đầu tư nâng cao chất lượng và đưa vào làm phim ngày càng nhiều. Có thể nói, chính công tác tổ chức, tạo điều kiện tốt nhất về hậu cần như ăn, ở, đi thực tế cho Hội viên đồng thời là Trại viên của Hội Điện ảnh là một trong những yếu tố quan trọng để giúp các nghệ sỹ thăng hoa trong sáng tác. Nói như NSƯT Sỹ Chung, trong buổi bế mạc Trại tổ chức vào ngày 22/9, thì “Mười ngày dự trại tuy là khoảng thời gian không nhiều nhưng không gian thơ mộng của thành phố ngàn hoa, lịch sử, tiềm năng của thiên nhiên và con người Đà Lạt đã tiếp thêm năng lượng tạo thêm hưng phấn để các nghệ sỹ thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật”.

Cùng với việc dành thời gian hoàn chỉnh tác phẩm, các nghệ sỹ đã có chuyến đi thực tế tại nhiều địa danh, di tích lịch sử, văn hóa, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tiêu biểu của Đà Lạt. Những điểm đến khó quên này, cùng với vẻ đẹp duyên dáng nên thơ của thành phố cao nguyên chính là chất liệu để các nghệ sỹ bồi đắp, làm dày thêm cho những trang viết của mình đồng thời “hoài thai” những ý tưởng sáng tạo mới, tạo cơ sở tốt cho những tác phẩm điện ảnh có giá trị về nội dung và nghệ thuật cao, góp phần vào sự phát triển của điện ảnh nước nhà.

Trại sáng tác năm nay thu về 9 đề cương phim truyện, 6 đề cương phim tài liệu, 3 đề cương phim hoạt hình và 2 công trình nghiên cứu.

Nguồn: http://www.thegioidienanh.vn

Bế mạc Trại sáng tác kịch bản điện ảnh Việt Nam tại Nhà sáng tác Đà Lạt

Ngày 22/9/2018, đã bế mạc Trại sáng tác kịch bản điện ảnh Việt Nam tại Nhà sáng tác Đà Lạt.

Trại quy tụ các cây viết là những nhà biên kịch, đạo diễn cùng những người làm công tác giảng dạy, lý luận thuộc các lĩnh vực phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình và công trình nghiên cứu từ khắp các vùng miền trên cả nước. Có thể kể ra đây những cái tên tiêu biểu, thuộc thế hệ người làm phim gạo cội như: Lĩnh vực phim truyện có Đạo diễn - NSND Nguyễn Thanh Vân, NSND Nhuệ Giang. Hoạt hình có Đạo diễn - NSND Hà Bắc, nhà biên kịch Phạm Sông Đông, phim tài liệu là NSƯT Sỹ Chung, NSƯT Nguyễn Hữu Phần… Ngoài ra, trại Sáng tác kịch bản lần này còn có nhiều cây bút thuộc thế hệ 7x, 8x như: Biên kịch Thu Dung (Điện ảnh Quân Đội), Đặng Thu Trang, Nguyễn Thị Thu, Tống Thị Phương Dung (Hãng phim truyện Việt Nam) và nhiều gương mặt khác.

bemacdienanht9 2018

Hàng năm, Hội Điện ảnh Việt Nam đều tổ chức Trại sáng tác kịch bản và luôn thu được kết quả tốt với số kịch bản được chọn lựa, đầu tư nâng cao chất lượng và đưa vào làm phim ngày càng nhiều. Có thể nói, chính công tác tổ chức, tạo điều kiện tốt nhất về hậu cần như ăn, ở, đi thực tế cho Hội viên đồng thời là Trại viên của Hội Điện ảnh là một trong những yếu tố quan trọng để giúp các nghệ sỹ thăng hoa trong sáng tác. Nói như NSƯT Sỹ Chung, trong buổi bế mạc Trại tổ chức vào ngày 22/9, thì “Mười ngày dự trại tuy là khoảng thời gian không nhiều nhưng không gian thơ mộng của thành phố ngàn hoa, lịch sử, tiềm năng của thiên nhiên và con người Đà Lạt đã tiếp thêm năng lượng tạo thêm hưng phấn để các nghệ sỹ thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật”.

Cùng với việc dành thời gian hoàn chỉnh tác phẩm, các nghệ sỹ đã có chuyến đi thực tế tại nhiều địa danh, di tích lịch sử, văn hóa, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tiêu biểu của Đà Lạt. Những điểm đến khó quên này, cùng với vẻ đẹp duyên dáng nên thơ của thành phố cao nguyên chính là chất liệu để các nghệ sỹ bồi đắp, làm dày thêm cho những trang viết của mình đồng thời “hoài thai” những ý tưởng sáng tạo mới, tạo cơ sở tốt cho những tác phẩm điện ảnh có giá trị về nội dung và nghệ thuật cao, góp phần vào sự phát triển của điện ảnh nước nhà.

Trại sáng tác năm nay thu về 9 đề cương phim truyện, 6 đề cương phim tài liệu, 3 đề cương phim hoạt hình và 2 công trình nghiên cứu.

Nguồn: http://www.thegioidienanh.vn

Subscribe to this RSS feed

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - TRUNG TÂM HỖ TRỢ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUÂT
Địa chỉ : 1A Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : 04 39.745.763
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác VHNT. Yêu cầu trích nguồn khi đăng tải nội dung từ trang web này