Bức tranh khắc gỗ - Truyện ngắn Đinh Ngọc Hùng - Hội văn học nghệ thuật Hải Dương

BỨC TRANH KHẮC GỖ

Gia đình tôi có nghề gia truyền làm tranh khắc gỗ. Đến tôi cũng đã năm sáu đời. Nó bắt nguồn từ nghề in khắc mộc bản xưa. Trong những năm làm nghề, khách hàng của tôi chủ yếu là người cao tuổi, hoài cổ. Vậy mà một ngày kia xuất hiện một vị khách hàng ngoại quốc đặc biệt. Tôi nhớ vị khách này bởi hợp đồng của tôi và anh ta còn chưa hoàn thành.

“Tôi muốn đặt anh làm một bức tranh khắc gỗ”- Vị khách nói.

“Được thôi”- Tôi đáp và dẫn anh ta đi giới thiệu tranh mẫu.

“Hiện tại tôi chưa thể nghĩ ra. Nhưng tôi muốn một cái gì đó gợi nên sự gần gũi của đất nước này”.

Và sau đó anh ta còn vài lần trở lại. Nhưng cái ý tưởng mà anh ta muốn tôi thể hiện vẫn chưa thể bật ra.

Anh ta là Andre một doanh nhân người Pháp kinh doanh trong lĩnh vực mỹ phẩm hữu cơ. Anh ta được công ty phân đến thị trường Việt Nam đã 5 năm nay. Vì thế anh ta nói tiếng Việt khá sõi.

Andre kể, ngày xưa, khi người Pháp còn cai trị xứ Đông Dương, ông nội anh ta từng là một người lính trong đội quân viễn chinh Pháp. Sau khi người Pháp thua cuộc phải rút khỏi Đông Dương, ông nội anh ta giải ngũ trở về quê cùng vợ phát triển chuỗi cửa hàng kinh doanh trong lĩnh vực mỹ phẩm.

Dưới sự dẫn dắt của ông nội, công ty mỹ phẩm gia đình của anh ta đã phát triển hơn 50 chi nhánh ở các quốc gia trong đó có Việt Nam. Tuy là một ông chủ thành đạt song ông nội anh ta thường xuyên bị ám ảnh bởi quá khứ khi còn ở Việt Nam. Chính cái quá khứ đó đã nhiều lần khiến ông nội anh ta phải nhập bệnh viện tâm thần kinh.

Ông nội Andre kể, khi ông gia nhập đội quân viễn chinh Pháp mới chỉ là một chàng trai trẻ vừa học xong phổ thông. Ở cái tuổi đầy sôi nổi, nhiệt huyết, ông được nhà cầm quyền Pháp nhồi sọ về sứ mệnh khai hóa văn minh ở xứ Đông Dương. Và thế là ông và rất nhiều bạn bè cùng lứa tuổi đã ra nhập quân đội lên đường sang Việt Nam để thực hiện sứ mệnh cao cả trên.

Khi đặt chân đến xứ An Nam, những hình ảnh đầu tiên đập mắt gã lính Lê Dương trẻ là một đất nước phong kiến lạc hậu, người dân ngu muội, đói nghèo, nghiện ngập…

Nhưng sau một thời gian, những cái ông nội Andre thấy người Pháp làm ở Việt Nam và toàn xứ Đông Dương lại chẳng giống hành động của kẻ khai hóa văn minh chút nào.

Về chính trị, sau khi xâm chiếm Việt Nam, người Pháp duy trì chế độ phong kiến làm tay sai cho bộ máy thống trị thực dân. Đặc biệt, người Pháp thi hành ở Việt Nam chính sách pháp luật hết sức hà khắc, phân biệt đối xử bất công giữa người da trắng và người bản địa. Ở xứ Đông Dương, người Pháp được hưởng mọi tự do và sự thống trị, còn người bản xứ thì phải phục tùng, không được kêu ca, nếu dám mở mồm phản đối liền bị quy là phản nghịch.

Ghê rợn hơn, người Pháp thực thi chế độ tuyển mộ phu phen, lao động, lính tình nguyện bằng cách tiến hành những cuộc lùng ráp lớn về nhân lực trên toàn cõi Đông Dương, đẩy hàng chục vạn người dân Việt Nam phải rời xa quê nhà. Ông nội Andre kể, số phận của những phu phen, lao động, lính tình nguyện này cũng vô cùng bi đát. Đa số họ đã bỏ mạng ở các chiến trường nơi đất khách quê người vì nước mẹ Pháp.

Số phận những công nhân và nông dân Đông Dương sang mẫu quốc cũng chẳng tốt đẹp hơn. Lúc đầu họ các bị thuế máu đè nặng, bị cái nghèo bủa vây, bị lời hứa được lương bổng cao tự đưa mình xuống tàu đi sang Tân lục địa. Kết cục họ bị giết hại bởi sự ngược đãi của chủ đồn điền. Hầu hết những người ra đi này không bao giờ còn thấy đất nước và gia đình mình nữa.

Ông nội Andre kể, ở Đông Dương, người Pháp còn thẳng tay chém giết những người Việt Nam yêu nước dám đứng lên chống lại, tắm các cuộc khởi nghĩa, các phong trào đấu tranh yêu nước bản xứ trong biển máu. Những cuộc hành quyết các phần tử cách mạng chống đối diễn ra trên khắp mảnh đất hình chữ S.

Các nhà tù khổ sai ở Guyan, Tân Calêđôni, Côn Đảo,... đầy ắp tù chính trị người bản xứ sau những cuộc đàn áp. Bản thân ông nội Andre khi đóng quân ở tỉnh Đông, một địa phương thuộc Bắc Kỳ đã phải tham gia hàng trăm cuộc càn quét, giết chóc từ con nít đến người già, đốt phá hàng chục ngôi làng để bắt bớ những người hoạt động cách mạng.

Trong một trận càn nọ, dưới sự ra lệnh của bốt trưởng, ông nội Andre buộc phải châm lửa đốt một người lính du kích trọng thương bị treo ngược lên cây đa cạnh ngôi miếu nhỏ. Người lính du kích này đã ở lại chặn hậu và bắn chết hai chiến hữu của ông nội Andre để cho một nhóm cán bộ du kích khác tẩu thoát.

Anh ta chống trả cho đến lúc hết đạn thì bị bắt. Lúc bị bắt anh ta vẫn nắm chặt trong tay quả lựu đạn đã rút chốt. Nếu như không phải quả lựu đạn đó bị xịt thì sẽ có thêm nhiều chiến hữu của ông nội nội Andre tan xác.

Trong lúc đám lính Lê Dương cười sằng sặc khoái trá khi thấy người lính du kích nọ bị ngọn lửa thiêu sống thì ông nội Andre cay đắng tự hỏi, vì sao ông và những người lính Lê Dương lại có mặt ở xứ sở xa lạ này để tham gia vào trò chơi giết chóc? Những người lính Pháp bạn ông bỏ mạng trong trận càn hôm đó để minh chứng cho điều gì? Vì sao người lính du kích kia phải chết? Lí do nào khiến họ không tiếc sinh mạng đứng lên chống lại những người đại diện cho nước đại Pháp đến giúp họ khai hóa văn minh? Người Pháp đã thực sự làm đúng vai trò và sứ mệnh như lời tuyên bố khi đến mảnh đất này?

Sau này, nhiều cựu binh Pháp với tinh thần bị tổn thương đã trở lại Việt Nam thăm lại những nơi ngày trước họ đóng quân và có những hoạt động từ thiện như một hành động chuộc lỗi với những lỗi lầm họ đã gây ra cho con người và mảnh đất nơi đây. Tuy nhiên ông nội Andre vẫn không sao xóa bỏ được nỗi ám ảnh về cái chết của người du kích mà mình thiêu sống đó.

“Nhưng tôi đã thay mặt ông nội đến thăm lại miền quê khiến ông không nguôi dằn vặt đó”- Andre nói-“Người du kích năm xưa giờ đã được phong anh hùng. Khi tôi đến thăm và gửi lời xin lỗi của ông nội đến họ, người nhà của ông ấy còn dẫn tôi ra thăm gốc đa, thăm mộ ông ấy ở nghĩa trang liệt sĩ của xã. Tại gốc đa ngày xưa, người ta cũng đã cho dựng lên một tấm bia đá tưởng niệm”.

Khi nghe Andre thuật lại những việc mình đã làm ở Việt Nam, ông nội anh ta bảo có thể thời gian tới, ông sẽ thu xếp một chuyến trở lại Việt Nam.

Andre bảo lí do anh ta quyết định đến Việt Nam cũng một phần muốn biết về mảnh đất đã tước đoạt thời tuổi trẻ của ông nội anh ta. Muốn tìm hiểu vì sao đến tận bây giờ, ông nội anh ta vẫn ôm vết thương lòng không thể chữa lành.

Sau cuộc nói chuyện hôm đó, tôi bắt tay vào sáng tác. Làng quê, đồng lúa, ao sen, cảnh chùa, dòng sông…là những hình ảnh tôi muốn xuất hiện trong bức tranh của mình.

Tuy nhiên khi việc còn dang dở, Andre điện thoại hỏi tôi có thể đẩy nhanh tiến độ không vì có thể anh phải ra sân bay trở về Pháp gấp. Tôi quyết định thức suốt đêm để hoàn thành sản phẩm. Sáng hôm sau tôi báo cho Andre báo bức tranh đã hoàn thành.

“Tôi rất biết ơn anh về điều đó. Thú thật, tôi muốn đặt bức tranh này để tặng cho ông nội tội”- Andre đáp- “Nhưng giờ tôi đang ở Pháp rồi. Chuyến bay của tôi phải đẩy sớm hơn dự kiến. Ông nội tôi vừa mất”.

Sau khi Andre trở về nước không lâu, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và lan rộng ra khắp thế giới. Pháp, Anh, Italia và nhiều nước khác ở Châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh với số người nhiễm lên đến hàng triệu người. Mỹ, Ấn Độ… và các nước Đông Nam Á cũng không tránh khỏi sự càn quét của đại dịch.

Trong nước, dịch bệnh cũng xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố. Giai đoạn đầu, chiến dịch giãn cách xã hội được thực thi trên diện rộng. Mọi hoạt động không thiết yếu được tạm dừng, kể cả sản xuất, kinh doanh.

Chính phủ tỏ rõ quan điểm, chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Ngành hàng không rơi vào nguy cơ phá sản. Các ngành sản xuất khác đều bị nhận vết thương chí mạng.

Tình hình dịch bệnh bùng phát và trở lên đáng lo ngại ở một số địa phương phía nam. Đã xuất hiện các ca tử vong. Nhiều ngày liền, rầm rập những cuộc di cư của hàng triệu lao động về quê trước khi thành phố ban bố lệnh phong tỏa. Họ rời khỏi ánh hào quang thành thị bằng mọi loại phương tiện ô tô, xe máy, xe tự chế, đi bộ… để tìm về nương náu nơi chôn nhau cắt rốn.

Rất nhiều y bác sĩ ở các địa phương, cả lực lượng quân đội đã lên đường vào chi viện. Những câu chuyện ám ảnh về đại dịch Covid-19 tràn ngập trên truyền thông, báo chí, trên các mạng xã hội.

Nhà đài VTV còn tung ra quả bom phim tài liệu có tên “Ranh giới”. Chỉ sau ít giờ phát sóng, bộ phim được ê kíp sản xuất thực hiện từ bệnh viện điều trị sản phụ nhiễm Covid-19 đã gây chấn động khắp cả nước, lan truyền khắp các cộng đồng mạng với hàng vạn lượt share.

Quả thực Ranh giới là những hình ảnh thực nhất, ám ảnh nhất của cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 đang diễn ra trên mảnh đất hình chữ S. Nhiều người đã rơi nước mắt, ám ảnh, sốc khi chứng kiến những thước phim chân thực, trần trụi đau đớn đến ngột thở. Có người còn bình luận phim giúp xã hội hiểu được sự nguy hiểm, tàn khốc của dịch Covid-19 từ đó có ý thức hơn trong phòng chống dịch bệnh.

Thành phố nơi tôi sinh sống cũng đã xuất hiện các ca F0, các ca tử vong. Hàng ngày qua cập nhật của chính quyền thành phố, tôi biết có nhiều gia đình đã mất người thân.

Trên thế giới, cuộc chạy đua sản xuất vaccine chống lại các biết thể của Covid-19 chưa khi nào nóng thế. Chính phủ xuất ngân sách mua và khuyến khích các địa phương, tổ chức tìm mua vaccine phòng Covid-19. Chiến dịch tiêm vaccine trong nước được đẩy mạnh.

Với sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của toàn xã hội, dịch bệnh Covid-19 ở các địa phương trong cả nước từng bước được khống chế. Các tỉnh thành từng bước dỡ bỏ giãn cách. Các hoạt động giao thông, buôn bán, kinh doanh, nhất là các thành phố lớn cũng được mở cửa trở lại.

“Tuy tôi không thể mang bức tranh về Pháp song anh hãy cất giúp tôi cẩn thận. Khi công việc ở quê nhà ổn thỏa nhất định tôi sẽ trở lại”. Đó là những gì Andre nói với tôi. Từ đó đến nay Andre vẫn chưa trở lại như đã hứa nhưng tôi vẫn treo bức tranh khắc gỗ cảnh làng quê Việt Nam trang trọng ở giữa cửa hàng.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - TRUNG TÂM HỖ TRỢ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUÂT
Địa chỉ : 1A Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : 04 39.745.763
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác VHNT. Yêu cầu trích nguồn khi đăng tải nội dung từ trang web này