Khai mạc trại sáng tác văn học đề tài “Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng” tại Đà Lạt
- Written by Minh Phương
Ngày 6/9, tại nhà sáng tác Đà Lạt, Tạp chí Văn nghệ Quân đội (thuộc Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam) tổ chức khai mạc trại sáng tác văn học đề tài “Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng”
Là Trại sáng tác được phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật tổ chức thường niên, năm nay có sự tham dự của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu lý luận phê bình đến từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước, cộng tác viên từng có nhiều tác phẩm đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Phát biểu khai mạc, Đại tá – Nhà văn Nguyễn Bình Phương – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, đã nhấn mạnh: Từ khi ra đời, Tạp chí Văn nghệ Quân đội quy tụ đội ngũ biên tập, sáng tác khá mạnh, gồm những tinh hoa văn nghệ sĩ trong quân đội; quy tụ được các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ tên tuổi trong toàn quốc cộng tác. Chính mạng lưới cộng tác viên đã góp phần đưa Tạp chí Văn nghệ Quân đội trở thành một trong những tạp chí danh giá trên diễn đàn văn học - nghệ thuật, văn học cách mạng Việt Nam.
Với 2 chức năng chính là sáng tác đăng tải và quảng bá tác phẩm văn học - nghệ thuật; tuyên truyền đường nối chính sách, những hoạch định về văn hóa, văn học - nghệ thuật của Đảng chính phủ và quân đội đến bạn đọc trong quân đội và trong cả nước, Tạp chí thường xuyên tổ chức các cuộc thi, các trại sáng tác về văn học trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Qua những cuộc thi, Văn nghệ Quân đội đã phát hiện rất nhiều tài năng để bồi dưỡng, tôn vinh kịp thời. Các cây bút đoạt giải của Văn nghệ Quân đội thường phát triển rất tốt, nhiều người đã trở thành những trụ cột của văn học cách mạng và văn học Việt Nam đương đại.
Trại sáng tác là nơi kéo các nhà văn, nhà thơ ra khỏi không gian quen thuộc của mình là công sở, là gia đình, là địa bàn mình sống, đến một vùng đất khác, trải nghiệm miền đất mới, cảm giác mới, để làm giàu thêm vốn sống, hiểu biết, từ đó tạo nguồn cảm hứng, cảm xúc sáng tạo mới mẻ. Trại viết cũng tạo điều kiện cho các nhà văn, nhà thơ có dịp gặp gỡ, tiếp xúc, làm quen giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sáng tạo, trao đổi nghiệp vụ lẫn nhau để thay đổi nhận thức, mở rộng tầm nhìn, tạo ra những tác phẩm hay về nội dung, đẹp về hình thức thể hiện để in và giới thiệu với độc giả trong cả nước.
Cùng với nhu cầu sáng tạo, quan điểm sáng tác của các tác giả, vì là tạp chí của lực lượng vũ trang, Trại viết mong muốn các tác giả đi vào những đề tài phục vụ cho người lính, viết về người lính trong chiến tranh và sau chiến tranh. Ông Trần Bình Phương gợi ý: Viết về chiến tranh không có nghĩa là viết về súng đạn, là đối chiến. Chiến tranh đôi khi cũng là viết về thân phận con người, viết về thân phận người lính, viết về vết nứt trong xã hội mà do tác động của chiến tranh gây ra, những dư chấn của chiến tranh tạo nên cho con người… Có muôn hình vạn trạng trong cách viết về đề tài chiến tranh, trong đó thì thân phận số phận của người lính là một trong những nhân vật trọng tâm.
Nhà thơ Thanh Dương Hồng, Chủ tịch Hội VHNT Lâm Đồng phát biểu trong buổi khai mạc thể hiện sự đồng tình với những lời tâm huyết của nhà văn Nguyễn Bình Phương. Anh cho rằng: Đề tài người lính là đề tài quan trọng không thể thiếu trong văn học nghệ thuật, chúng ta viết để còn giáo dục cho thế hệ sau này. Còn rất nhiều mảng của đề tài này cần người cầm bút khai thác. Anh cũng hi vọng rằng, vẻ đẹp của Đà Lạt sẽ mời gọi và tạo cảm hứng lớn người cầm bút.
Trại sáng tác văn học cũng là nơi bồi dưỡng, phát hiện các cây bút trẻ. Tham dự trại viết lần này có nhiều cây bút tuổi đời còn rất trẻ, thời gian cầm bút chưa nhiều nhưng đã có những ấn tượng nhất định trong sáng tác. Ban tổ chức hi vọng rằng, đứng trước những vấn đề của đời sống hôm nay, mỗi người viết sẽ tìm cho mình được hướng đi mới, đầy sáng tạo, bứt phá để khẳng định được mình.