Phong tục hôn nhân và gia đình của tộc người Cơ Tu ở Thừa Thiên Huế ( trích - kỳ 2) - Tác giả Nguyễn Thế Phong – Hội văn nghệ dân gian Việt Nam
Phong tục hôn nhân và gia đình của tộc người Cơ Tu ở Thừa Thiên Huế ( trích)
Phong tục nói chung và phong tục trong hôn nhân gia đình đã được bà con các dân tộc thực hiện một cách tự nguyện trải qua nhiều thế hệ. Chính phong tục này đã tạo nên nét đẹp nhân văn của tình yêu đôi lứa của các tộc người nơi đại ngàn trường sơn. Ngủ duông, ngủ mái, đi sim… là điều kiện để những đôi trai gái gặp gỡ, trao đổi tâm tình bằng những điệu khèn, tiếng đàn cùng những câu hát giao duyên, mà chỉ những lứa đôi ấy mới cảm nhận được tình cảm chứa chan mà họ trao gửi cho nhau. Kết quả của những cuộc ngủ duông, ngủ mái, đi sim… nơi chòi lá hay bên những bờ suối chảy róc rách, có tiếng chim hót hòa điệu cùng lời tình tự của những đôi trai gái nơi rừng sâu không chỉ mang cho họ cuộc sống hạnh phúc lứa đôi mà còn có cả niềm vui của cộng đồng bên ngọn lửa hồng và những ché rượu cần mừng duyên mới.
Trong thời gian tìm hiểu, chàng trai đến nhà cô gái, gõ 3 tiếng để báo tín hiệu gặp gỡ. Cô gái Cơ Tu bước ra khỏi nhà và lên tiếng:
Anh ơi !
Anh đứng đó anh chờ ai ?
Anh chờ em hay anh chờ người nào khác ?
Chàng trai đáp:
Anh đến đây chỉ chờ một mình em.
Anh không chờ người nào khác.
Cô gái lại thỏ thẽ:
Em đi tìm nước, em nhớ đến anh.
Dù em đẹp em xấu, em cũng bú sữa mẹ.
Dù em đen em xấu, cha mẹ em vẫn nuôi.
Chàng trai lại tỉ tê:
Anh đi tìm suối, anh nhớ em.
Hình dáng em vẫn đẹp.
Nụ cười em đẹp như vầng trăng…
Rồi họ rủ nhau vào rẫy để tìm hiểu. Khi cùng nhau ngủ duông trên chòi, nằm gát chân lên nhau, họ trao nhau những nụ hôn đắm đuối, chàng trai lại tỏ bày:
Chân em đẹp như thân dong,
Chân em trắng xinh giống cây chuối rừng xanh.
Đôi môi em xinh tựa đóa hoa Lơ lang,
Lấp lánh trong anh cánh hoa Dhavai…
Cô gái Cơ Tu như đắm chìm trong tình cảm nồng nàn của chàng trai. Cái bụng đã ưng nhưng vẫn kín đáo ướm lời:
Con chim Avương ngoan đậu nhánh cây dang,
Con chim Avang xinh đứng trên cây lồ ô.
Ai cõng em qua sông, em tặng chuổi cườm mã nảo.
Ai dắt em qua sông, em sẽ trao chiếc khố đẹp tự tay em dệt…
“Đôi ta cùng xây đắp cuộc đời. Trên rẫy ta có nhau, bên suối ta có nhau. No đói ta có nhau, hạnh phúc ta có nhau”...
“Là người đàn ông Cơ Tu,
biết đánh trống thổi kèn, gánh vác công việc trong làng và biết lo hạnh phúc gia đình
Là người đàn bà Cơ Tu, biết cấy hái gieo trồng, sớm hôm lo việc ruộng nương, lại khéo tay dệt thổ cẩm
Việc nhà luôn giỏi giang, hát hay múa dẻo tay và dễ thương như những thiên thần...”.
"Em là người anh cậy,
cha mẹ anh trông đến cưới,
Thương em đến nỗi sầu lo,
Nhớ em đến nỗi ốm mòn bỏ ăn,
Ước gì gan ruột anh trở về em"
Trong thời gian tìm hiểu, ngườ con trai Cơ Tu thường mang theo cây Abel, một loại nhạc cụ rất độc đáo gắn liền với cuộc sống thường ngày của đồng bào dân tộc Cơ Tu trên dãy Trường Sơn. Đặc biệt, chỉ cần được nghe qua tiếng đàn abel, chàng trai và cô gái sẽ hiểu được tâm tư và tình cảm của họ dành cho nhau. Abel là tiếng đàn đại diện cho tiếng nói của tình yêu nam nữ Cơ Tu. Khi chơi đàn, hai người sẽ ngồi kề sát bên nhau. Chàng trai sẽ dùng cần kéo để tạo ra âm thanh qua chỗ tiếp giáp giữa dây đàn và thân đàn, đồng thời, bàn tay trái bấm vào dây đàn tạo ra âm thanh. Phần quan trọng nhất của đàn abel có tên là khêl - một sợi dây rừng kết nối và được buộc vào miếng vẩy con trút dáng hình tròn. Cô gái sẽ ngậm khêl và hai hàm răng cắn lấy vẩy trút, giữ cho sợi chỉ trong trạng thái luôn căng, cùng lúc dùng lưỡi và hơi tạo nên những âm thanh, nhưng hai hàm răng vẫn cắn chặt lấy vẩy trút. Vừa đàn, vừa liếc mắt đưa tình, tiếng đàn phát ra như tiếng chim hót, tiếng suối chảy, tạo thành một nản giao hưởng của tình yêu giữa núi rừng bao la như tiếp thêm sức mạnh tình yêu đôi lứa. Tiếng đàn Abel như gửi gắm những điều mong ước, khát vọng về tình yêu, về hạnh phúc, về cuộc sống tươi đẹp của đôi trai gái người Cơ Tu đang tỏ tình cùng nhau. Tiếng đàn Abel đang dẫn đường đưa lối để họ đến với nhau và xây dựng tương lai hạnh phúc nơi đại ngàn trường sơn.
- Published in Tác phẩm mới
- 0