Bút ký của Vũ Huy Ba – Hội văn học nghệ thuật Bắc Giang – sáng tác tại Nhà sáng tác Đà Lạt tháng 11-2018.
ÔNG GIÀ Ở NGÕ VẮNG
Bao năm qua đi, nhưng buổi đầu được gặp cụ Nguyễn Hữu Thăng – Nhà giáo Nhân dân vẫn mới mẻ trong tâm trí tôi.
Đó là vào chiều một Chủ nhật tôi cùng Hoàn một người bạn đến thăm một người bà con của anh ở khu tập thể Điện lực Bắc Giang. Khu tập thể nằm sâu trong một ngõ nhỏ đường Nguyễn Khắc Nhu, thị xã Bắc Giang nay là TP. Bắc Giang.
Hai chúng tôi đi vòng vo mãi tít vào gian đầu của dẫy nhà cuối cùng, gian đó được xây ngăn với phòng bên thành một nhà riêng biệt. Qua cánh cổng gỗ ghép tới một sân nhỏ lát gạch, chúng tôi bước vào gian phòng tĩnh lặng. Một bà già người nhỏ bé đang nằm trẻn giường đối diện cái cửa ra vào, thấy có khách vội nhổm dậy ra chào. Bà mời chúng tôi ngồi xuống chiếc ghế dài đặt áp tường bên lối vào, rồi quay về phía một ông già đang ngồi xoay lưng về phía chúng tôi bảo:
- Ông ơi!
Đang chăm chú đọc sách bên chiếc bàn gỗ - chiếc bàn mà tôi nhận thấy cũng đóng ghép một cách sơ sài như tất cả những đồ dùng bằng gỗ có ở trong gian phòng, ông già quay lại, đứng dậy, thân hình cao lớn của ông như trùm lên gian phòng chật hẹp. Ông già kéo chiếc ghế mình đang ngồi đến bên bàn trà trước mặt chúng tôi ngồi xuống và bảo bà:
- Bà pha nước mời hai ông uống đi!.
Bà già lấy chè pha nhưng chỉ rót vào hai chén mời khách. Trong khi đó ông đưa mắt về phía góc tường bảo:
- Bà lấy cho tôi thứ nước kia!
Bà lão đi về phía góc tường lấy chiếc siêu đồng rót thứ nước sẫm mầu như nước thuốc bắc vào chiếc cốc ở trước mặt ông.
Nhìn gương mặt hồng hào, làn tóc trắng đẹp như tiên của ông, chắc đây phải là thứ nước uống bổ dưỡng gì đó, tôi nghĩ và nghi hoặc hỏi:
- Cụ uống thứ nước gì đấy ạ?
- À, nước vối đấy mà. Bà già nói.
- Tôi chỉ uống nước vối, nếu không thì uống nước trắng - Ông già vừa đưa tôi cốc nước vừa nói - Trà và rượu tôi đều không uống. Ngay cả nhâm nhi tôi cũng không.
Tôi đón lấy cốc, uống một ngụm và hết sức ngạc nhiên, đúng là thứ nước vối bình dị mà những người dân thôn dã vẫn uống.
- Dạ, thế cụ năm nay bao nhiêu tuổi ạ? Tôi hỏi.
- Tôi sinh năm 1906, nếu tính tuổi ta là 92 - ông già quay sang nhìn phía bà - Còn bà ấy nhà tôi có 82 tuổi thôi.
Vẫn ngồi im từ lúc vào, bây giờ Hoàn mới lên tiếng bảo tôi:
- Cậu nhìn xem!
Theo mắt Hoàn, tôi thấy trên bàn viết có chỗ ông già ngồi khi chúng tôi vào nhà có bài Tự Vịnh viết khổ chữ lớn:
…Sống đời thanh bạch mà vẫn vui
Tâm hồn phấn khởi vì công ích.
Kỹ thuật tinh thông truyền đời sau.
Tôi đứng dậy đi về phía bàn viết, ở trên tường bất ngờ đập vào mắt tôi hai khung kính có lồng - Bằng “Huân chương vì thế hệ trẻ" và bằng phong tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân"... À, thì ra đây là nhà giáo nhân dân Nguyễn Hữu Thăng mà tôi nghe tiếng và ngưỡng mộ từ lâu. Còn cụ bà là Nguyễn Thị Ngọc.
Nhưng sao một người như cụ lại ở trong một ngõ vắng và sống thanh bạch đến thế này?.
Tôi quay lại trách Hoàn:
- Sao ông không nói ngay với tôi là đến thăm nhà giáo...
Hoàn cười
- Thì để cậu bất ngờ mới thú chứ!
Tôi về chỗ, ngồi xuống ngắm nhà giáo nhân dân Nguyễn Hữu Thăng mà từ lâu tôi mong có dịp hội ngộ. Cụ ngồi lưng thẳng tràn trề sức lực, vầng trán rộng thông thái, đôi mắt nhìn điềm đạm nhưng vẫn hàm ẩn nụ cười.
Đến lúc nảy Hoàn mới giới thiệu tôi và cụ. Nhà giáo Nguyễn Hữu Thăng chăm chú nhìn tôi nhỏ nhẹ nói:
- Dạ vâng!
Tôi nói:
- Con nghe nói bây giờ hàng ngày cụ vẫn làm việc ạ?
- Dạ vâng - Cụ Thăng nói - hàng ngày tôi vẫn làm việc từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa.
Cụ Ngọc nhìn chồng nói:
- Ông ấy mải làm lắm, nước cũng không cả uống.
Trời sao lại có chuyện lạ như vậy, tôi nghĩ.
Cụ Thăng nhìn tôi bảo:
- Tôi đang viết bộ sách gối đầu giường: “Thợ điện hiện đại” gồm 10 tập. Tập 1 in năm 1996, tập 2 Nhà xuất bản khoa học kỹ thuật đang in, bản thảo tập 6 đã viết xong, tôi đang viết tập 7.
Cụ Thăng đến bên bàn lấy đưa tôi xem bản thảo tập 7 “Thợ điện hiện đại” mà cụ đang viết tới trang 460. Đọc những dòng chữ viết đẹp đẽ, cẩn trọng của cụ tôi không khỏi kính phục. Đấy, trên đời hiện có một người như thế này, hơn 90 tuổi mà vẫn làm việc và làm công việc mà ít ai làm được. Thật là một chuyện lạ, trong khi chúng ta phần lớn 60 tuổi đã lo nghỉ ngơi và sức làm việc đã ngừng cạn.
- Tôi dự định đến năm 96 tuổi sẽ viết xong tập 10 của bộ sách - Cụ Thăng nói. Tôi nhìn cụ không chớp, gương mặt cụ bình lặng, rạng tỏa một sức mạnh kỳ bí. Bất chợt, tôi nhớ lại một cách rành mạch bài báo "23 triệu trang sách điện" viết về cụ trong mục TÀI TRÍ VIỆT NAM của tạp chí “Thế giới mới” số 133 mà tôi đã đọc, ghi chép. Đoạn ấy như sau: Năm 1927 khi đó ông Nguyễn Hữu Thăng 21 tuổi, làm đốc công nhà máy điện Cửa Cẩm. Thấy công nhân không đọc được bản vẽ ông đã viết cuốn “Cơ khí hoá”. Báo “Đông Pháp” và báo “Trung Bắc tân văn” hồi đó có bình luận về cuốn “Cơ khí hoá” của ông: “Đây là cuốn sách đầu tiên dạy máy móc cho người Việt Nam bằng tiếng Việt Nam”. Rồi tiếp theo ông viết cuốn sách “Điện một chiều", "Điện xoay chiều", "Máy phát điện một chiều", “Máy phát điện xoay chiều". Báo chí đương thời đã đánh giá công lao của ông như sau: không có từ ngữ nào trong từ vựng Việt Nam lột tả được hết như những từ mà ông Nguyễn Hữu Thăng đã dùng trong các cuốn sách điện của mình".
Tiếp theo là những năm của thập kỷ 60, thập kỷ 70 của thế kỷ 20. Ông Nguyễn Hữu Thăng lại viết các bộ sách quí “Điện khí thực hành" 10 tập, Giáo sư - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa viết lời giới thiệu, "Cơ học thực hành" 3 tập, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ Kha Vạn Cân viết lời giới thiệu, và rất nhiều cuốn sách như: “Cẩm nang điện thực hành", "Sổ tay điện thực hành”, “Em tự làm đồ chơi khoa học”, "Máy bơm nước và đường ống"...
Bỗng cắt ngang dòng suy nghĩ cùa tôi, Hoàn bảo cụ Thăng
- Ông đi lấy cho anh bạn con xem những số báo “Kỹ nghệ” đi!
Nhà giáo Nguyễn Hữu Thăng đến bên chiếc quầy lớn ở góc nhà - nơi bảo quản những sách, bản thảo của ông lấy ra tập báo đóng cẩn thận bằng bìa cứng đưa cho tôi.
Tôi lần giở từng số tạp chí "Kỹ nghệ”, mầu giấy đã ngả vàng nhưng chữ in vẫn tươi đẹp. Tôi đọc số đầu phát hành ngày mồng 1 tháng l năm 1940, cuối trang 2 in chữ đậm tôn chỉ mục đích: “Nâng cao trí thức anh em lao động, phổ biến những điều cần biết về kỹ nghệ".
Cụ Thăng nói:
- Hồi đó công nhân mình trình độ thấp lắm, chứ không như bây giờ. Nghèo khó bần cùng mà...thấy vậy mà lòng không yên phải giúp họ có điều kiện học. Nghĩ mài tôi mới tìm ra cách làm tạp chí. Ra được tạp chí đâu có dễ. Chính quyền Pháp ngăn trở chứ. Ban đầu tiền không, người cộng tác không. Tôi phải làm mọi công việc phóng viên, biên tập, kiêm làm chủ nhiệm tạp chí...
Tôi nghe ông, ngắm nhìn ông và tôi bỗng nhớ tới một cây đại thụ tươi xanh rợp bóng trên núi cao...
Rồi theo mạch kể của ông, tôi khám phá thêm tấm lòng nhân ái của con người không biết đến tuổi già này.
Năm 21 tuổi đã làm Đốc Công, lương tháng có thể mua được 12 tấn gạo, nhưng ông đã từ bỏ danh vọng, giầu sang, có mặt trong hàng ngũ anh bộ đội cụ Hồ. Những ngày đầu chống Pháp năm 1946 ông phụ trách “Công binh xưởng” sản xuất lựu đạn và mìn. Sau công tác ở Ban nghiên cứu ở ban thủy quân, ban nghiên cứu không quân, rồi sang Đại đoàn pháo binh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, giặc tan ông lại không nề hà gian khổ, lăn lộn ở khắp các tỉnh miền Bắc xây dựng các nhà máy điện...
Khi về hưu ông còn cặm cụi viết sách, theo đuổi mục đích sống mà ông ghi trên bàn làm việc kia:
Khi sung sức ra đi cứu nước
Lúc về hưu viết sách cho đời.
Nhà giáo nhân dân Nguyễn Hữu Thăng vẫn chậm rãi nói:
- Thấy phụ nữ mình vất vả quá, tôi viết các cuốn sách “Những điều cần biết của người mẹ”, “Một trăm lời khuyên khoa học trong gia đình” để giúp phụ nữ trong việc nội trợ. Thấy ở thành phố, nhiều cụ già không biết làm gì, những thanh niên hết nghĩa vụ quân sự không có việc làm… tôi viết “Những nghề thủ công xoá đói giảm nghèo” tập 1 in năm 1995, tập 2 đã gửi đi, tôi đang viết tập 3.
Tôi nhìn ông. Đôi mắt sáng điềm đạm ẩn sau tràng mày trắng đẹp mọc dài đến lạ lùng. Trong tôi bỗng loé sáng một ý tưởng, có lẽ con người không biết đến già lão, bệnh tật này phải chăng vì ông có được một tấm lòng biết yêu thương rộng lớn!.
Bà Ngọc vợ ông ngồi yên từ nãy nghe chồng nói nở nụ cười bảo:
- Hôm nào ông ây cũng ngồi viết từ sáng, nhiều hôm đến giờ, giục được ông ấy nghỉ để ăn cơm đến vất vả. Ông ấy không chịu, cứ bảo: ‘"Khoan đã! Khoan đã!..."
Tôi nhìn bà, rồi lại nhìn ông. Và cũng chợt nhận thêm một điều lạ lùng không kém những điều lạ lùng trước đó. Hai con người đồng điệu, gắn bó hơn suốt nửa thê kỉ bên nhau này lại khác xa nhau, ông to lớn kì vĩ bao nhiêu thì bà bé nhỏ nền nã bấy nhiêu. Tóc bà vẫn ánh lên màu xanh còn đôi mắt thì tinh nhanh. Hai con người hạnh phúc sung sướng này đều có một điểm chung: Họ không biết đến thời gian đang qua đi. Họ sống tươi trẻ vì không biết đến tuổi tác.
Ngoài kia trời đã sẩm tối. Chúng tỏi chào ông bà ra về. Khi đưa chúng tôi ra ngoài sân, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Hữu Thăng ghé vào tai tôi nói:
- Tôi sẽ sống đến 110 tuổi!
Còn bà không biết có nghe thấy chồng nói với tôi không, nhưng gương mặt bà tươi lên rạng rỡ.
Hai chúng tôi lại lần ra ngõ quạnh vắng của khu tập thể Điện lực Bắc Giang, không hiểu sao tôi và Hoàn không nói gì với nhau. Đi trong ngõ nhỏ quanh co ngà tối mà tôi lúc đó vẫn cảm thấy có một cái gì đó đang toả sáng nơi đây...
Nhà sáng tác Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.