BÀI VIẾT MỚI

Minh Phương

Minh Phương

CON VỆN - Truyện ngắn của tác giả Đỗ Xuân Thu - Hội văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam

Truyện ngắn của tác giả Đỗ Xuân Thu - Hội văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam – sáng tác tại Nhà sáng tác Đà Nẵng tháng 9/2019.

CON VỆN              

“Chó! Chó! Khôn nào!”. Miệng quát, chân cẳng Viên co rúm lại. Hắn nhảy tót lên ngồi chồm hỗm trên chiếc ghế băng trong túp lều cụ Phồn, mắt nhớn nhác vẫn không rời con chó. “Vện! Khôn nào!”. Cụ Phồn quát. Con chó nem nép chui vào gầm giường. Nó nằm ghếch mõm lên hai chân trước, bụng ráxuống đất, mắt mở to nhìn tay Viên canh chừng. Miệng vẫn gừ gừ sẵn sàng ở tư thế tấn công. 

Viên nói: “Cụ Phồn này! Hóa kiếp con chó đi mà thêm tiền thuốc thang. Ốm nằm đấy sức đâu mà lo cho nó cơ chứ!”. Giọng điệu ấy lặp đi lặp lại nhiều lần mỗi khi hắn đến. Cụ Phồn nghe phát chán. Chẳng hiểu sao hắn lại mê con chó này đến thế? Chó ở làng thiếu gì mà hắn cứ mê cái con Vện này cơ chứ? 

Con Vện gắn bó với lão Phồn dăm sáu năm nay. Nó sống được là do lão. Không có lão chắc nó ngỏm củ tỏi từ lâu rồi. Chả thế mà mỗi khi lão Phồn đi đâu về là nó lại chạy tớn lên, vẫy đuôi cong tít, xoắn lấy lão, cắn gấu quần lão, rên lên ăng ẳng. Nó quấn cẳng lão hết bên nọ lại bên kia khiến lão không thể nào đi được. Cuối cùng, lão phải cúi xuống vuốt ve nó. Nó dụi mõm vào ngực lão rên ư ử, rồi thè lưỡi liếm vào đôi bàn tay thô ráp của lão Phồn. 

Trận lũ quét năm ấy, không nhớ chính xác lắm, hình như đó là cơn bão số 3 thì phải. Lão Phồn bây giờ nhớ nhớ quên quên nhiều khi cứ mất trí vậy. Tuy nhiên, hình ảnh con lũ cuồn cuộn bất ngờ từ mạn ngược ập về kéo theo cây cối, nhà cửa trôi lều bều trên sông, sấm chớp nhì nhằng, mưa tuôn xối xả thì lão không bao giờ quên. Túp lều của lão bên bờ sông xiêu vẹo trong gió xoáy. Con thuyền lão buộc dưới bến suýt nữa thì cũng bị lũ cuốn trôi. Vừa lo chằng chống túp lều, lão vừa lo neo giữ con thuyền. May hồi ấy lão còn khỏe. Chứ cứ như bây giờ thì đành buông xuôi. Bão suốt đêm, sáng ra thì tạnh.

Như mọi hôm, lão xuống thuyền đi cất đó. Nước sông dâng lên rất nhanh. Lão phải lặn khá sâu lần theo đăng để vớt đó. May mà đăng đó lão cắm chặt nên không bị nước lũ cuốn đi. Đang lúi húi trên khoang, bỗng một mái nhà trôi xô vào mạn thuyền. Chiếc thuyền chòng chành suýt nữa thì bị lật. Lão ghì mái chèo, lựa dòng nước để điều khiển con thuyền trôi theo cùng cái nhà. Chợt lão thấy trên mái nhà có một con chó con nằm bẹp rúm. Nó to bằng bắp chân của lão. Toàn thân nó ướt lướt thướt, run như cầy xấy. Nó đưa mắt nhìn lão như cầu xin. Lão bẻ lái con thuyền rồi lựa thế nhảy vút sang. Con chó nằm gọn trong tay lão. 

Bế con chó về túp lều của mình, lão đốt lửa sưởi ấm cho nó. Nó quặt quẹo trên tay lão. Mãi một lúc lâu sau, con chó tỉnh dần. Lão Phồn lấy cơm cá cho nó. Nó chỉ ngửi không ăn, rồi nằm sõng soài ra bên cạnh bát thức ăn. Đôi mắt nó nhìn lão vẻ mệt mỏi thăm dò. Lão Phồn ve vuốt đầu nó an ủi: “Ăn đi. Ăn cho nó khỏe. Đừng sợ. Mày ở với ông không lo gì đâu”. Con chó liếm láp mấy hạt cơm rồi lại nằm bẹp rúm. Lão Phồn nhìn nó ái ngại. Chắc con này vừa mới tách mẹ ra gặp trận lũ quét khủng khiếp nên chưa hoàn hồn đây. Lão Phồn nghĩ vậy. 

Suốt mấy ngày sau, lão nấu cháo, mua sữa pha cho con chó, nựng nó ăn. Từ chỗ chỉ liếm láp tí sữa, dần dần con chó đã ăn được hết bát cháo. Nó tươi tỉnh dần. Lão Phồn ngắm con chó đắc ý. Đẹp đáo để. Bộ lông vàng trông thật thích mắt. Chẳng bù cho cái hôm rúm ró ướt như chuột lột ở dưới sông lên. Tư thế nằm mới oai không cơ chứ. Ốm nhách ốm nho, thế mà lúc nằm nó toàn nằm sấp, hai chân trước vươn về phía trước, hai chân sau duỗi thẳng về phía sau, lúc nào cũng tư thế sẵn sàng tấn công. Bốn chân nó đều có móng phụ (cựa) và đốm trắng. Đúng là huyền đề rồi. “Dù ai buôn bán trăm bề, chẳng bằng nuôi chó huyền đề bốn chân”. “Nhất vện, nhì vàng, tam khoang, tứ đốm”. “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu”. Phen này vận may đến với mình đây. Sống độc thân như lão có con chó làm bạn thì còn gì bằng. 

Lão Phồn nói với con chó: “Người ta đặt tên cho chó nào là “Mi-lu”, là “Jếch”, nào là “Giôn” là “Béc”... toàn tên Tây cả. Thôi. Cứ gọi mày là Vện theo màu lông vậy cho dễ nhớ. Được chứ? Sống ở đời phải có cái tên để gọi là đúng rồi. Con cũng phải thế. Kém gì nào”. Tự nhiên, lão Phồn gọi nó là con. Con Vện ư ử, vẫy đuôi rối rít ra chiều đồng ý. 

Thế rồi, cứ thế con Vện phổng phao lớn lên. Lão ở đâu thì con Vện ở đó, làm vệ sĩ cho lão. Lão đi ăn cỗ trong làng nó lũn cũn chạy theo sau. Lão bơi thuyền, nó đứng ghếch hai chân trước lên mạn thuyền quan sát dòng sông trông oách lắm. Có hôm, nó lại chổng mông trên thuyền, đầu cúi xuống mặt nước hít hít ngửi ngửi tìm kiếm cái gì đó. Rồi bất chợt nó nhảy tùm xuống sông lặn biến đi đâu một hồi rồi mới ngoi lên. Miệng nó ngậm một con cá khá to đang quẫy. Lão Phồn chỉ việc giơ tay ra đón lấy con cá, lôi nó lên thuyền. Nó rung mình lắc lắc mấy cái. Nước trên người nó bắn ra tung tóe văng vào cả mặt lão Phồn. Lão mắng yêu: “Cha bố anh. Đừng tưởng bắt được con cá mà ông tha cho cái tội làm bẩn ông đâu nhé. Cứ liệu hồn”. Con Vện sung sướng rít lên ăng ẳng. 

Lão Phồn tắm hay bơi vớt cụp nó cũng bơi lặn cùng lão. Hai “thầy trò” bì bõm với nhau, vui đáo để. Những ngày lão Phồn mệt, nó quẩn quanh nằm ngay chân giường như có ý chờ sai bảo. Đêm đêm, tiếng nó sủa cầm canh, canh chừng kẻ trộm, oang oang cả bến sông. Từ ngày có Vện, lão Phồn không còn cảm thấy cô đơn nữa. Lắm hôm hứng chí, trong ngà ngà men rượu, lão Phồn vuốt ve Vện và dốc bầu tâm sự với nó về cuộc đời của lão. Dân làng chài thấy “gia cảnh” lão vậy cũng vui lây. 

Riêng tay Viên, chủ quán thịt chó gần đó thấy thế thì bảo lão Phồn là hâm. Con Vện mà vào tay hắn thì tiền triệu ngon ơ. Mà chẳng hiểu lão Phồn cho con chó ăn gì mà nó lớn nhanh thế không biết? Càng lớn trông nó càng đẹp mã. Đích thị nó là giống chó gié thế mà cao to không kém gì béc giê. Ngữ ấy cứ phải hai chục cân là cái chắc. Năm, sáu năm rồi, đang độ ngon. “Chó già, gà tơ”. Vào tay hắn thì thành đặc sản tuyệt tác ngay. Mấy sếp sành ăn chẳng còn lý gì mà để chê ỏng chê eo nữa nhé. 

Cứ thấy con Vện chạy theo lão Phồn là Viên lại nuốt nước miếng ừng ực. Thì nó đẹp thế, ngon thế bảo sao mà không thích. Trong đầu Viên, hắn luôn quy con Vện ra cân, ra lạng, thành món, thành tiền. Món bở thế, hời thế mà lão Phồn cứ nuôi báo cô bảo sao chả gọi là lão hâm? Hâm quá đi chứ lại. Ngay cái hôm con chó bị tai nạn xe máy, chân cẳng gãy thìa lìa ra, hắn gạ mua nó mà lão Phồn dứt khoát không bán lại còn ôm con chó khóc hu hu. Thế là hâm tỉ độ chứ còn gì nữa? Cả tháng trời, lão chăm bẵm, bón cháo sữa, chạy thuốc thang cho nó bỏ cả việc sông nước cá mú. Đúng là đồ hâm. Mua việc, mua khổ vào thân. Phải tay hắn á, chuyển thành bảy món ngay, lấy tiền đầu tư tiếp con khác. 

            “Anh sang chơi hay có việc gì?”, cụ Phồn thều thào hỏi với từ giường sang. Viên xun xoe: “Tôi sang thăm cụ thôi”. “Cảm ơn. Anh rót nước uống giúp nhé. Tôi mệt. Xin vô phép”. “Dạ, không sao. Cụ cứ nằm nghỉ ạ”. Vừa nói, Viên vừa tiện tay với ấm nước. Hắn giơ cao cái ấm để nước chảy xuống chén tồ tồ. Đoạn, hắn vớ chiếc điếu cày, nạp thuốc rít lên sòng sọc. Chẳng ý tứ gì, hắn phun khói rồi nhổ nước bọt toèn toẹt vung vãi. 

Cụ Phồn nằm bên thấy vậy tức lắm. Con Vện cũng gầm gừ “hực hực”. Đúng là đồ phàm phu phục tử. Chẳng trách đi đến đâu hắn cũng bị chó dồn đuổi cho đến đó. Đầu mối mất trộm chó, câu chó trộm cũng từ hắn mà ra. Lũ chó cả vùng này sống không yên vì hắn. Hiếm có con nào thoát khỏi tay dao của hắn ngoại trừ con Vện của lão Phồn. Nhiều lần, hắn cho tay chân đánh bả, đánh bẫy con Vện nhưng nó khôn ngoan phát hiện được nên thoát chết. Thế nên, hắn mới càng cay cú. Dân xóm ai cũng gọi hắn là “Viên chó”. Được tin lão Phồn mắc bệnh ung thư quái ác, không ngày nào mà hắn không sang. Tiếng là thăm hỏi lão nhưng thực ra là hắn nhăm nhe con Vện. Trước sau con Vện sẽ phải về tay hắn. 

           “Anh Viên này - Lão Phồn gọi Viên - Tuần tới cưới con nhà Hàn anh có đi dự không cho tôi gửi cái phong bì?”. Viên trả lời: “Không, cụ ạ. Hôm ấy tôi bận phải đi thăm anh bạn dưới xuôi”. Viên nhanh trí trả lời ráo hoảnh. Đúng là đồ hâm. Ốm liệt giường còn gửi phong bì làm gì cơ chứ? Ăn chẳng được ăn lại còn muốn mất tiền. 

Hỏi thì hỏi vậy chứ lão Phồn biết tỏng bụng dạ tay này. Hắn là chúa cơ hội. Chỗ nào lợi thì lăn xả vào. Nơi nào không là tìm cách lảng đi, ngay cả những người trước đây đã giúp đỡ hắn. Thì nhà Hàn chủ tịch xã sắp cưới con đấy chẳng hạn. Vừa nghỉ hưu, Hàn chẳng có lợi gì cho hắn nữa thì hắn đến làm gì? “Phù thịnh chứ ai phù suy”. Thế mà trước kia hắn xun xoe khuya sớm, không ngày nào là không có mặt ở nhà Hàn. Một điều “ông chủ tịch”, hai điều “ông chủ tịch”, ngọt xớt như mía lùi. Nhà Hàn có công to việc lớn gì là hắn cun cút đến. Băm thái, nấu nướng, mồ hôi mồ kê hắn nhễ nhại trông đến tội. Bù lại, xã có việc gì cần tiếp khách hoặc “ăn tươi” thì hắn lại được chủ tịch ưu ái giới thiệu đến quán hắn, cho hắn bao thầu. Mảnh đất giữa ngã ba làng đẹp thế cũng do nhà Hàn cắm cho hắn đấy. Thế mà chưa chi hắn đã vội qua cầu rút ván, quay sang xun xoe với tay chủ tịch mới thay Hàn. Bạc. Đúng là đồ bạc bẽo. Lão Phồn nghĩ mà cay cho cái sự đời. Miên man nghĩ, lão quên phắt có “Viên chó” đang ngồi ở đó. Còn Viên thì mải ngắm con Vện. Sau rồi thấy mình vô duyên quá, hắn lang lảng ra về chẳng thèm chào cụ Phồn lấy một câu.  

Lão Phồn chết. Tin đó loang ra khắp xóm. Rạng sáng qua con Vện tru lên mấy tiếng nghe rất thảm. Người ta kéo đến rất đông. Bà Ngọ đến đầu tiên. Bà thấy con Vện nhảy cả lên giường. Nó đang liếm láp vào đôi bàn tay lạnh ngắt của lão Phồn. Thấy mọi người, con chó ngơ ngác nhìn, tịnh không sủa một tiếng nào. Nó lặng lẽ nằm phủ phục cạnh lão Phồn. 

“Xuống. Xuống để xem còn cứu được ông ấy không nào”. Bà Ngọ quát và dùng tay gạt con chó sang bên. Như mọi ngày nó sẽ cắn lại bà Ngọ nhưng hôm nay con Vện ngoan ngoãn nhảy xuống đất. Đầu nó vẫn cố nghển lên nhìn lão Phồn. 

Viên cũng đến. Thấy hắn, con Vện gầm gừ. Còn hắn thì nheo mắt nhìn nó đắc ý. Viên xán lại bên lão Phồn. Con Vện lách chân mọi người tìm chân Viên đợp dứ cho một phát. Viên giật mình quay lại. Con Vện giương mắt nhìn hắn. “Rồi mày sẽ biết tay tao!”, Viên hậm hực.

Đám ma lão Phồn được làng xóm lo cho tươm tất. Hôm đưa đám, con Vện lẵng nhẵng đi theo sát với chiếc quan tài. Lúc lấp đất, chẳng ai nhìn thấy con Vện đâu cả. 

Từ hôm lão Phồn chết, nghĩ đến miếng cắn trộm của con Vện, Viên càng tức lồng lộn. Tuy không xước da chảy máu gì nhưng hắn vẫn tức. Tại sao bao nhiêu người ở đấy mà nó không cắn ai lại chỉ cắn mỗi một mình mình cơ chứ? Phen này ông quyết cho mày thành nhựa mận. Nỗi thèm khát bao lâu cộng với lòng căm thù con chó khiến cho hắn lồng lộn lên quyết bắt cho bằng được con Vện. Hắn muốn tự tay làm việc này. Vì vậy, liên tục các ngày sau đám ma hắn đến rình rập quanh túp lều lão Phồn. Tịnh không thấy con Vện đâu. Hắn phái mấy đứa con lùng sục trong làng ngoài bãi. Cũng không thấy. Lạ nhỉ? Nó ở đâu? Hơn tuần rồi còn gì? Đêm qua mưa bão thế mà nó cũng không về thì lạ thật? Hay là tay nào cuỗm tay trên của mình rồi? Nếu vậy thì tiếc quá. Cái lão thầy bói chẳng bảo mình rằng  “ông mà có được bộ “ngẩu pín” loại vện già ngâm rượu uống thì sẽ phát nhanh lắm, lộc về như nước” đấy là gì. Thế hắn mới đeo đuổi con Vện của lão Phồn chứ. Bây giờ thì hốc xịt ư?

“Bố. Tìm thấy nó rồi!”. Đang mê mẩn nghĩ vậy thì tiếng đứa con trai ở đâu xồng xộc chạy về. “Ở đâu? Bắt về đây chưa?”. Hắn hỏi dồn. “Chưa. Ở ngoài nghĩa địa”. Thằng bé chỉ trỏ. Chẳng kịp hỏi lại ra sao, hắn vớ vội cái thòng lọng chạy vù đi. Tới nơi, hắn tròn mắt khựng lại trước mộ lão Phồn. Con Vện đang nằm sõng soài cạnh ngôi mả mới. Mắt nó vẫn mở trừng trừng nhìn về phía dòng sông. Nó đã chết cách đó vài ngày. Trên nấm mộ bát cơm và quả trứng vẫn nguyên si và nhão nhoét trong mưa. Bất chợt, Viên rùng mình nghĩ. Loài chó cả đời chẳng biết cười là gì. Chỉ khi chết, lúc người ta hun rơm nó mới nhe răng ra. Là chủ quán thịt chó, hắn rõ điều này hơn ai hết. Vậy mà con Vện này, chết rồi mà nó có cười được đâu. Rõ khổ thân cho nó. 

Bà Ngọ cũng vừa vác cuốc đi tới. Bà hết nhìn con chó lại nhìn cha con hắn. “Nào, giúp tôi một tay đào cái hố chôn cho nó”. Chẳng biết cha con tay Viên có đồng ý hay không, bà Ngọ nói với họ. Viên làm theo như một cái máy. Họ xúm lại chôn con Vện ngay cạnh ngôi mộ của lão Phồn. Xong đâu đấy, Viên thất thểu lê bước sau bà Ngọ cùng thằng con ra về. Bao nhuệ khí lúc đi giờ tan biến đâu hết cả. Trong đầu Viên rộ lên tiếng chó sủa, kêu ăng ẳng. 

Cạnh túp lều của lão Phồn, dưới bến sông, con thuyền mà “thầy trò” lão Phồn hay đi với nhau giờ bỏ không đang chòng chành theo sóng nước.

 

Khai mạc Trại sáng tác Di sản kiến trúc và cảnh quan đô thị tại Đà Lạt

Sáng ngày 18/10, Hội Kiến trúc sư Việt Nam phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật tổ chức khai mạc Trại sáng tác với chủ đề: Di sản kiến trúc và cảnh quan đô thị Đà Lạt.

Dự khai mạc có Giáo sư, Tiến sỹ, Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Thông - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam; ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; ông Võ Văn Quốc Bình – Giám đốc Nhà sáng tác Đà Lạt; đại diện lãnh đạo thành phố Đà Lạt và 30 kiến trúc sư đến từ Hà Nội, Đà Nẵng, Tp.Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Sóc Trăng.

khaimackientruct10 2019

Phát biểu khai mạc, Giáo sư, Tiến sỹ, Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Thông - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhấn mạnh: Di sản kiến trúc như một tiền đề, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chương trình sáng tác lần này với mục đích là nhận diện được giá trị kiến trúc, cảnh quan thành phố Đà Lạt, đồng thời qua đó tìm những giải pháp bảo tồn để di sản thích nghi với cuộc sống hiện tại.

Tham gia Trại sáng tác, đoàn kiến trúc sư sẽ được tham quan, tìm hiểu về bản sắc văn hóa, di sản kiến trúc của thành phố Đà Lạt; trong đó có Trung tâm Hòa Bình, khu biệt thự Đồi Thông Kim, trục di sản Đông - Tây.

Kết thúc Trại sáng tác, các hội viên Hội Kiến trúc sư sẽ thuyết trình tác phẩm thông qua ý tưởng sáng tác của mình. Trại sáng tác diễn ra từ ngày 16 đến hết ngày 23/10/2019.

Khai mạc Trại sáng tác Di sản kiến trúc và cảnh quan đô thị tại Đà Lạt

Sáng ngày 18/10, Hội Kiến trúc sư Việt Nam phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật tổ chức khai mạc Trại sáng tác với chủ đề: Di sản kiến trúc và cảnh quan đô thị Đà Lạt.

Dự khai mạc có Giáo sư, Tiến sỹ, Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Thông - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam; ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; ông Võ Văn Quốc Bình – Giám đốc Nhà sáng tác Đà Lạt; đại diện lãnh đạo thành phố Đà Lạt và 30 kiến trúc sư đến từ Hà Nội, Đà Nẵng, Tp.Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Sóc Trăng.

khaimackientruct10 2019

Phát biểu khai mạc, Giáo sư, Tiến sỹ, Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Thông - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhấn mạnh: Di sản kiến trúc như một tiền đề, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chương trình sáng tác lần này với mục đích là nhận diện được giá trị kiến trúc, cảnh quan thành phố Đà Lạt, đồng thời qua đó tìm những giải pháp bảo tồn để di sản thích nghi với cuộc sống hiện tại.

Tham gia Trại sáng tác, đoàn kiến trúc sư sẽ được tham quan, tìm hiểu về bản sắc văn hóa, di sản kiến trúc của thành phố Đà Lạt; trong đó có Trung tâm Hòa Bình, khu biệt thự Đồi Thông Kim, trục di sản Đông - Tây.

Kết thúc Trại sáng tác, các hội viên Hội Kiến trúc sư sẽ thuyết trình tác phẩm thông qua ý tưởng sáng tác của mình. Trại sáng tác diễn ra từ ngày 16 đến hết ngày 23/10/2019.

SÔNG CỔ CÒ ĐẦY NẮNG - Thơ Phan Mai Hương - Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam

Thơ của tác giả Phan Mai Hương – Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam – sáng tác tại Nhà sáng tác Đà Nẵng tháng 9/2019.

SÔNG CỔ CÒ ĐẦY NẮNG
 
Khi em đến
Sông Cổ Cò đầy nắng
Vòng eo uốn mềm ngân ngấn vát đường cong
Mặt trời bị nhà chài buông mẻ lưới cất gọn gàng từ sáng sớm
Bờ này, bờ kia cô đơn bến níu con đò
Sông trở mình duỗi sóng hứng ngàn mắt sao rơi
Gió rong ruổi xa, ngọn gió đã xa rồi
Triền sông ướt cọng cỏ gà non dại
Cỏ giấu nhẹm vệt bùn non xa ngái
Xõa chân trần hạt cát hát tuổi thơ
Cây trứng cá thắp đèn lồng mong chờ

Mặt trời rơi xuống sông Cổ Cò
Nước một dòng uốn khi cong khi thẳng
Như nỗi niềm em nhớ anh mà sóng lòng không trầm lặng
Hỏi sông Cổ Cò giấu gì, ai biết dưới dòng sâu
Mùa thu tràn ứ trên sông Cổ Cò.
Vầng mây nhìn theo
Chiều từ biệt
Chấp chới cánh cò dang nắng sang sông.

Khai mạc Trại sáng tác Âm nhạc 2019 tại Nha Trang

Ngày 17/10/2019, tại Nhà sáng tác Nha Trang, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức khai mạc Trại sáng tác Âm nhạc Nha Trang, do Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật hỗ trợ hàng năm, nhằm bồi dưỡng nâng cao kiến thức, nghiệp vụ sáng tác âm nhạc cho các nhạc sĩ hội viên và tăng cường thực tế sáng tác ở các vùng miền để cho ra đời những tác phẩm chất lượng cao.

khaimacamnhact10 2019

Đến dự khai mạc có ông Trần Mộng Điệp – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; ông Lê Văn Hoa – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Khánh Hoà; Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam; nghệ sĩ Trần Anh Dũng – Phó trưởng Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng; bà Đỗ Thị Mai Hương – Giám đốc Nhà sáng tác Nha Trang; nghệ sĩ Phan Vũ Kiên Thanh – Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa cùng các nhạc sĩ Khánh Hòa; đại diện các sở, ban, ngành; phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Khánh Hòa.

Trại sáng tác Âm nhạc với chuyên đề: Romance, thính phòng, hòa tấu nhạc cụ… được tổ chức từ ngày 17 đến 31 tháng 10. Có 14 nhạc sĩ tham dự, đại diện cho các Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam khu vực miền Bắc, Trung bộ, Nam bộ, Tây Nguyên.

Phát biểu tại buổi khai mạc, nhạc sĩ Đức Trịnh đã có những ý kiến chỉ đạo về phương pháp, kỹ thuật sáng tác để Trại sáng tác lần này nhằm tìm ra những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Nha Trang, Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung, phục vụ đời sống âm nhạc địa phương, phù hợp với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới

Để giúp các nhạc sĩ có tư liệu và cảm hứng sáng tác, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa sẽ tạo điều kiện cho các nhạc sĩ đi tham quan, thực tế tại một số di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của tỉnh.

Bà Đỗ Thị Mai Hương thay mặt cho toàn thể cán bộ, nhân viên Nhà sáng tác Nha Trang cũng đã có lời chào mừng các nhạc sỹ tới tham dự trại. Bà tin tưởng rằng trại sáng tác âm nhạc lần này cũng sẽ thu được nhiều thành công, có được nhiều tác phẩm tốt với chất lượng cao.

Kết thúc trại các tác phẩm sáng tác của các nhạc sĩ đạt chất lượng tốt sẽ được Ban tổ chức nghiệm thu, dàn dựng một chương trình nghệ thuật đặc biệt, do Đoàn Ca Múa Nhạc Hải Đăng - Khánh Hòa biểu diễn tại buổi bế mạc báo cáo kết quả.

Nguồn: hoinhacsi.vn

Bế mạc Trại sáng tác kịch bản phim hoạt hình tại Đà Lạt

Ngày 15/10/2019 Nhà sáng tác Đà Lạt đã phối hợp với Hội điện ảnh Việt Nam tổ chức bế mạc Trại sáng tác kịch bản phim hoạt hình năm 2019.

Dự bế mạc có NSND Đặng Xuân Hải – Chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam; NSND Phạm Ngọc Tuấn – Giám đốc công ty cổ phần điện ảnh Việt Nam; ông Võ Văn Quốc Bình - Giám đốc Nhà sáng tác Đà Lạt cùng 15 văn nghệ sỹ tham gia Trại sáng tác.

bemachoathinh10 2019

Đại diện Hội điện ảnh Việt Nam, NSND Đặng Xuân Hải thông qua báo cáo tổng kết trại với tổng số 15 tác phẩm kịch bản phim hoạt hình. Trong thời gian tại trại viết, các cây bút đã tham gia nhiều hoạt động chuyên môn, sinh hoạt nghiệp vụ như: xem phim hoạt hình, đọc kịch bản của Hãng phim hoạt hình Việt Nam sản xuất; đọc, nghiên cứu, trao đổi, góp ý kiến, thảo luận về 15 kịch bản được tuyển chọn tham dự trại, cùng nhau hoàn thiện nâng cao chất lượng kịch bản để làm phim phục vụ công chúng. Trại kịch bản còn là một lớp học đặc biệt giữa các thế hệ nhằm tạo ra đội ngũ những nhà biên kịch phim hoạt hình có sự kế cận tiếp nối đưa phim hoạt hình Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh trong thời gian tới.

Ông Võ Văn Quốc Bình đã phát biểu chúc mừng đoàn tác giả kịch bản của Hội điện ảnh Việt Nam hoàn thành các tác phẩm dự trại. Ông hy vọng Nhà sáng tác Đà Lạt sẽ tiếp tục được chào đón các tác giả trong các năm tới, với các kịch bản mới, xuất sắc hơn.

Chùm thơ của Trúc Linh Lan - Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam

Thơ của tác giả Trúc Linh Lan - Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam – sáng tác tại Nhà sáng tác Đà Nẵng tháng 9/2019.

THƯƠNG MÁ MỘT MÌNH THẮP BÓNG TRĂNG XƯA
 
Ta thắp lồng đèn thương tuổi thơ ta
Một thời chuồn chuồn châu chấu
Chiếc lon gắn xuyên cọng dây chì rước đèn khắp ngỏ
Đom đóm khúc khích cười vỗ cánh bay theo.
 
Vườn cổ tích đầy sao… trong veo
Có cô Tấm đi ra từ trái thị
Miếng cau miếng trầu bà kể bao đạo lý
Ống ngoáy xoay tròn vôi đỏ thắm nghĩa nhân
 
Ta đốt ngọn nến buồn thương nhớ một vầng trăng
Hoa sâm đất tím một trời hạ bạc
Long đong phận mình quê người độ nhật
Tháng tám dưng cộ đèn đứng tiếc ngẩn ngơ
 
Cái bánh con heo như một giấc mơ
Cắn nhín nhín nghe tràn đầy hạnh phúc
Bây giờ bánh trái đầy mâm sao rưng rưng muốn khóc
Đủ một đêm trăng rằm lại khuyết mấy yêu thương
 
Chuyện cổ tích ngày xưa! Ai khóa kín khu vườn?
Bầy con lớn lên đứa còn, đứa mất…
Ba đã trăm năm chuyến đi xa khuất
Thương má một mình thắp bóng trăng xưa.
 
CHIỀU MỸ SƠN
 
Ta chạm vào em. Nỗi buồn nghìn năm trước
Trên từng bức tượng nun dấu tích mấy vương triều
Sự huyền dịu lung linh những bàn tay múa
Từ nụ cười ẩn dấu nét bi thương
 
Tôi chạm vào em, giọt lệ hoàng phi
Đêm sáng lửa đưa người về với Phật,
Ai rơi lệ xuống thuyền xuôi cố quốc!
Gửi lại một thiên thần mang mệnh đế vương?
 
Hồn xưa đâu? Chỉ còn lại rêu phong
Cành lá biếc xôn xao lời năm cũ
Lớp lớp gạch…đền đài loang lổ
Nghiêng bóng hoàng hôn vạm vỡ sau chiều
 
Viên gạch nào ám ảnh nỗi cô liêu
Cái tĩnh mịch ngủ yên bao trầm tích
Mật ngôn bao đời chưa ai giải được
Trái tim người đập mấy nhịp tình si!
 
Tôi người đời sau đứng trước một A-ma-ra-va-ti
Cố hiểu được một tình yêu rất thật
Của quân vương dành cho nàng công chúa Việt
Dẫu giây phút cuối cùng không kịp nói biệt ly?
 
Mỹ Sơn gọi chiều thấp thoáng bóng ai đi
Mà gió thổi áo chàm bay lất phất
Giọt thời gian rơi…bạc trắng miền cổ tháp
Kalan ơi! Chim muông ơi! Chạm từng nét khắc.
Pa-ra-mes-va-ri.      
Ơi!Vương quốc Chămpa.
 
Say đắm lòng
vũ điệu Apsara!
Tha thiết ngậm ngùi
tiếng kèn Saranai
vang xa.
Vang xa…!
 
CỘT MỐC 275
Tôi ngồi đây
Dựa vào cột mốc này
Như dựa vào lưng mẹ buổi trưa hè nắng dội
 
Người lính trẻ nói gì về cột mốc
Mà trái tim như nước suối gọi nguồn
Nghe tiếng cha ông từ nghìn năm trước
Mảnh đất này mỗi giọt máu linh thiêng
 
Tôi ngồi đây
Bên kia là đất Phật
Của những con người đội nắng dầm sương
Nét tần tảo như người dân quê tôi đó
Cũng một thời chinh chiến tang thương
Bao nhiêu năm rồi?
               cuộc sống mới hồi sinh
 
Tôi ngồi đây
Ngẫm nghĩ nụ cười
Thương Tổ quốc bao lần gian khó
Thương đất mẹ bao lần lệ nhỏ
Để có buổi trưa này
Tôi dựa vào cột mốc
Bình yên.

Bế mạc trại sáng tác văn học về đề tài “Lực lượng vũ trang – Chiến tranh cách mạng”

Sáng 15-10, tại Nhà sáng tác Vũng Tàu, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật đã tổ chức bế mạc trại sáng tác văn học về đề tài “Lực lượng vũ trang – Chiến tranh cách mạng” năm 2019.

Tham dự bế mạc có Đại tá Đậu Xuân Luận, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Quân đội nhân dân; ông Huỳnh Văn Ngàn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật; bà Đỗ Thị Thanh Thuỳ, Giám đốc Nhà sáng tác Vũng Tàu; đại diện một số cơ quan, đơn vị quân đội trên địa bàn cùng 15 nhà văn, nhà thơ thuộc Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh và các cộng tác viên trên địa bàn phía Nam.

bemacnxbqdndt10 2019

Phát biểu bế mạc, Đại tá Đậu Xuân Luận đánh giá, trại sáng tác đã thành công tốt đẹp cả về phương diện tổ chức, điều hành và số lượng, chất lượng tác phẩm. Các tác phẩm đã bám sát đề tài chiến tranh cách mạng, khắc họa hình ảnh người chiến sĩ, hậu phương người lính trong các cuộc kháng chiến cũng như trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước hiện nay.

Trong thời gian tổ chức Trại sáng tác, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân và Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật đã tổ chức tọa đàm văn học “Nâng cao chất lượng tác phẩm văn học viết về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng”. Tại tọa đàm, các nhà văn, nhà thơ, đại biểu đã khái quát thực trạng văn học nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, thống nhất rằng đây là một đề tài không bao giờ cũ, những tác phẩm văn học viết về quân đội, về người chiến sĩ vẫn giữ được nét hấp dẫn, lôi cuốn riêng, là một trong những yếu tố cổ vũ, động viên to lớn đối với toàn quân, toàn dân ta qua các giai đoạn cách mạng. Các ý kiến tập trung mổ xẻ về đề tài người lính, người chiến sĩ cách mạng, hậu phương quân đội, hậu quả chiến tranh… trong các cuộc kháng chiến cũng như trong giai đoạn hiện nay, nêu bật vai trò của văn học viết về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng trong nền văn học nước nhà. Các đại biểu cũng trao đổi về cách phát hiện, triển khai đề tài, đổi mới nội dung cũng như hình thức thể hiện để các tác phẩm có chiều sâu, đi vào lòng người.

Tại buổi bế mạc, các nhà văn đánh giá cao và cảm ơn công tác tổ chức tận tình, chu đáo của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân và Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật. Các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến, kiến nghị, đồng thời mong muốn các trại sáng tác được tổ chức thường xuyên để có thêm nhiều tác phẩm hay, chân thực, chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu của bạn đọc trong thời gian tới, qua đó tiếp tục xây dựng, phát triển nền văn học cách mạng nói chung, văn học về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng nói riêng.

Thay mặt Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật và Nhà sáng tác Vũng Tàu, ông Huỳnh Văn Ngàn đã phát biểu chúc mừng sự thành công của trại sáng tác. Ông đánh giá cao chất lượng tổ chức của trại, cũng như tinh thần làm việc hăng say, nghiêm túc của các trại viên. Với thành công của trại sáng tác lần này, càng nâng cao sự gắn bó, liên kết hỗ trợ của Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật với các đơn vị nghệ thuật trong khối Lực lượng vũ trang Việt Nam.

Sau 15 ngày tổ chức, trại đã thu nhận được 2 đề cương tiểu thuyết và 19 bản thảo tương đối hoàn chỉnh, trong đó có 8 tiểu thuyết, 3 trường ca, 2 tập thơ, 2 tập bút ký, 3 tập truyện ngắn, 1 tập lý luận văn học, nhiều đề cương, bản thảo có tính khả thi cao. Sau khi bế mạc trại viết, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân sẽ tiếp tục thu nhận bản thảo hoàn thiện của các nhà văn, nhà thơ để có thể biên tập, hoàn thiện và xuất bản trong thời gian sớm nhất.

Bế mạc trại sáng tác văn học về đề tài “Lực lượng vũ trang – Chiến tranh cách mạng”

Sáng 15-10, tại Nhà sáng tác Vũng Tàu, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật đã tổ chức bế mạc trại sáng tác văn học về đề tài “Lực lượng vũ trang – Chiến tranh cách mạng” năm 2019.

Tham dự bế mạc có Đại tá Đậu Xuân Luận, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Quân đội nhân dân; ông Huỳnh Văn Ngàn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật; bà Đỗ Thị Thanh Thuỳ, Giám đốc Nhà sáng tác Vũng Tàu; đại diện một số cơ quan, đơn vị quân đội trên địa bàn cùng 15 nhà văn, nhà thơ thuộc Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh và các cộng tác viên trên địa bàn phía Nam.

bemacnxbqdndt10 2019

Phát biểu bế mạc, Đại tá Đậu Xuân Luận đánh giá, trại sáng tác đã thành công tốt đẹp cả về phương diện tổ chức, điều hành và số lượng, chất lượng tác phẩm. Các tác phẩm đã bám sát đề tài chiến tranh cách mạng, khắc họa hình ảnh người chiến sĩ, hậu phương người lính trong các cuộc kháng chiến cũng như trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước hiện nay.

Trong thời gian tổ chức Trại sáng tác, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân và Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật đã tổ chức tọa đàm văn học “Nâng cao chất lượng tác phẩm văn học viết về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng”. Tại tọa đàm, các nhà văn, nhà thơ, đại biểu đã khái quát thực trạng văn học nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, thống nhất rằng đây là một đề tài không bao giờ cũ, những tác phẩm văn học viết về quân đội, về người chiến sĩ vẫn giữ được nét hấp dẫn, lôi cuốn riêng, là một trong những yếu tố cổ vũ, động viên to lớn đối với toàn quân, toàn dân ta qua các giai đoạn cách mạng. Các ý kiến tập trung mổ xẻ về đề tài người lính, người chiến sĩ cách mạng, hậu phương quân đội, hậu quả chiến tranh… trong các cuộc kháng chiến cũng như trong giai đoạn hiện nay, nêu bật vai trò của văn học viết về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng trong nền văn học nước nhà. Các đại biểu cũng trao đổi về cách phát hiện, triển khai đề tài, đổi mới nội dung cũng như hình thức thể hiện để các tác phẩm có chiều sâu, đi vào lòng người.

Tại buổi bế mạc, các nhà văn đánh giá cao và cảm ơn công tác tổ chức tận tình, chu đáo của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân và Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật. Các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến, kiến nghị, đồng thời mong muốn các trại sáng tác được tổ chức thường xuyên để có thêm nhiều tác phẩm hay, chân thực, chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu của bạn đọc trong thời gian tới, qua đó tiếp tục xây dựng, phát triển nền văn học cách mạng nói chung, văn học về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng nói riêng.

Thay mặt Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật và Nhà sáng tác Vũng Tàu, ông Huỳnh Văn Ngàn đã phát biểu chúc mừng sự thành công của trại sáng tác. Ông đánh giá cao chất lượng tổ chức của trại, cũng như tinh thần làm việc hăng say, nghiêm túc của các trại viên. Với thành công của trại sáng tác lần này, càng nâng cao sự gắn bó, liên kết hỗ trợ của Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật với các đơn vị nghệ thuật trong khối Lực lượng vũ trang Việt Nam.

Sau 15 ngày tổ chức, trại đã thu nhận được 2 đề cương tiểu thuyết và 19 bản thảo tương đối hoàn chỉnh, trong đó có 8 tiểu thuyết, 3 trường ca, 2 tập thơ, 2 tập bút ký, 3 tập truyện ngắn, 1 tập lý luận văn học, nhiều đề cương, bản thảo có tính khả thi cao. Sau khi bế mạc trại viết, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân sẽ tiếp tục thu nhận bản thảo hoàn thiện của các nhà văn, nhà thơ để có thể biên tập, hoàn thiện và xuất bản trong thời gian sớm nhất.

Khai mạc Trại sáng tác kịch bản phim Hoạt hình 2019 tại Đà Lạt

Sáng ngày 2/10/2019, tại Nhà sáng tác Đà Lạt, đã khai mạc Trại sáng tác kịch bản phim Hoạt hình do Hãng phim Hoạt hình Việt Nam phối hợp với Hội Điện ảnh Việt Nam và Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật tổ chức.

Tham dự khai mạc có Đạo diễn - Họa sĩ NSND Phạm Minh Trí – Ủy viên Ban chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam, ông Võ Văn Quốc Bình – Giám đốc Nhà sáng tác Đà Lạt, bà Trần Thị Thu Hiền – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam cùng các tác giả có đề cương được chọn dự trại lần này.

Trại sáng tác kịch bản phim hoạt hình 2019 tại Đà Lạt bao gồm 15 tác giả cùng đề cương kịch bản được lựa chọn từ gần 70 đề cương kịch bản gửi đăng ký tham dự Trại. Trong suốt thời gian dự Trại, các Trại viên sẽ tham gia nhiều hoạt động chuyên môn: xem phim và đọc kịch bản; nghiên cứu, trao đổi, thảo luận về 15 kịch bản tham dự Trại dưới sự chủ trì của các biên tập viên của Hãng để cùng nhau sửa chữa, nâng cao chất lượng kịch bản; thâm nhập thực tế sáng tác… 

khaimachoathinht10 2019

Trại sáng tác kịch bản phim hoạt hình Đà Lạt năm nay có điểm nổi bật là sự kết hợp giữa đội ngũ cộng tác viên giàu kinh nghiệm, đã khẳng định tên tuổi như Đạo diễn – Họa sĩ NSND Nguyễn Phương Hoa, Đạo diễn – Họa sĩ NSƯT Lý Thu Hà, nhà biên kịch Thái Chí Thanh… cùng các cây bút trẻ như Trần Thị Thanh Tâm, Nguyễn Hạnh Phước An, Phạm Đình Hải, Lâm Mạnh Tùng… Tham gia quản lý Trại và điều hành các hoạt động chuyên môn của Trại lần này là các cán bộ biên tập dày dặn kinh nghiệm của Hãng như nhà biên kịch Phạm Thanh Hà, nhà biên kịch Bùi Hoài Thu, nhà biên kịch Đàm Thùy Dương.

khaimachoathinht10 2019 1

Thay mặt Nhà sáng tác Đà Lạt, ông Võ Văn Quốc Bình chào mừng các tác giả kịch bản đến với vùng đất Đà Lạt vốn rất phù hợp với các hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật. Nhà sáng tác Đà Lạt sẽ tạo môi trường sinh hoạt tốt nhất để các Trại viên Trại sáng tác kịch bản phim hoạt hình 2019 có thể toàn tâm toàn ý sáng tác. Ban Tổ chức của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam và Hội Điện ảnh Việt Nam cũng tin tưởng Trại sáng tác Đà Lạt sẽ thành công tốt đẹp với nhiều kịch bản chất lượng tốt được đưa vào sản xuất trong kế hoạch 2020 – 2021.

 

Subscribe to this RSS feed

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - TRUNG TÂM HỖ TRỢ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUÂT
Địa chỉ : 1A Hoa Lư, Phường Bạch Mai - Thành phố Hà Nội
Điện thoại : 0243.974.5763
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác VHNT. Yêu cầu trích nguồn khi đăng tải nội dung từ trang web này