NGƯỜI ANH HÙNG CỦA BẦU TRỜI - Bút ký của Trịnh Thị Tâm – Hội văn học nghệ thuật Bình Phước (P1)

NGƯỜI ANH HÙNG CỦA BẦU TRỜI

Thời còn học phổ thông, thế hệ chúng tôi luôn thần tượng những người anh hùng, bất kể anh hùng đó là người Việt Nam hay nước ngoài. Ngày ấy, những người anh hùng, chiến sỹ thi đua trên mọi lĩnh vực là thần tượng, là lý tưởng, là niềm khát khao phấn đấu của tuổi trẻ chứ không như bây giờ, nhiều bạn trẻ chỉ thần tượng những diễn viên, ca sỹ Hàn Quốc hay cầu thủ bóng đá nổi tiếng; thậm chí có người hâm mộ cả những tên giết người máu lạnh! Với riêng tôi hồi ấy đã có sẵn trong lòng mình một Anh hùng huyền thoại. Đó là Đại tá, phi công Nguyễn Thành Trung, người anh hùng của bầu trời ngay từ khi ông chưa được công nhận là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Thế nên khi được ông đồng ý gặp mặt, tôi cứ tưởng mình nằm mơ. Tôi đã hồi hộp chuẩn bị cho cuộc tiếp xúc với thần tượng của mình bằng xương, bằng thịt và không sao giấu được sự lo âu.

Căn nhà của Anh hùng phi công Nguyễn Thành Trung nằm ở cuối đường Dương Quảng Hàm, phường 6 quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh mang một vẻ trầm tư, tĩnh lặng. Trong những trang sử vàng về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, nhắc đến phi công Nguyễn Thành Trung, rất nhiều người sẽ biết đây là nhân vật được cách mạng cài sâu vào hàng ngũ địch, đã lái máy bay của Mỹ ném bom Dinh Độc lập - hang ổ ngụy quyền Sài Gòn ngày 8-4-1975. Ông cũng là người có công rất lớn trong việc thiết kế trận đánh táo bạo, có một không hai trong lịch sử ngày 28-4-1975. Với sự dẫn dắt của ông, những phi công của cách mạng đã phối hợp tuyệt vời cùng với những phi công hàng binh bay thẳng vào sào huyệt địch, ném bom phá hủy hàng chục máy bay, làm tê liệt hoàn toàn sân bay Tân Sơn Nhất ngay trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Những tiếng nổ kinh hoàng giữa lòng Sài Gòn đã làm rung chuyển Dinh Độc Lập – sào huyệt của chính quyền Việt Nam Cộng hòa và khiến thế cờ không thể nào lật ngược. 3.000 quân Mỹ cuối cùng buộc phải rút khỏi miền Nam, chính quyền Dương Văn Minh buộc phải đầu hàng, đất nước ta hoàn toàn thống nhất.

Không muốn nói đi nói lại một chuyện ai cũng biết rồi!

Sau khi nghỉ hưu, ông bà về sống tại căn nhà ở đường Dương Quảng Hàm với niềm vui giản dị là hằng ngày chăm sóc bầy gà, đàn cá cảnh và những cây cảnh trong khuôn viên. Trang phục khỏe khoắn với quần zin áo thun khiến ông mang một vẻ phong trần rất cuốn hút. Trải qua bao thăng trầm của cuộc đời, ông vẫn quắc thước, rắn rỏi và trẻ hơn nhiều so với tuổi 78. Điều đó cho thấy sức chịu đựng dẻo dai cùng những phẩm chất khác biệt ở một con người xuất chúng.

Nhìn vẻ lúng túng của tôi, ông rót một ly nước đẩy về phía tôi và cười hồn hậu:

-         Cháu uống nước đi.

Tôi bê ly nước uống cạn. Dường như thấy tôi vẫn chưa được thoải mái, ông hỏi:

-         Cháu đi bằng phương tiện gì tới đây?

-         Dạ, bé Trang chở cháu tới ạ!

Trang là cháu gái tôi, là học trò của chị Nguyễn Thị Thương Thương - con gái đầu của Anh hùng phi công Nguyễn Thành Trung, hiện chị là Phó khoa Huấn luyện chuyên ngành, Trung tâm Huấn luyện bay Vietnam Arlines. Trang được cô giáo Thương rất yêu quý nên tôi cũng được quý theo. Nghe tôi trả lời, ông nhìn tôi với vẻ tò mò, hóm hỉnh rồi hỏi bằng cái giọng cố làm cho thêm nặng:

- Rứa cũng dân “Quê Choa” hử?

Ông hỏi xong phá lên cười. Tôi cũng bật cười. Và sự lúng túng ban đầu của tôi vụt biến mất. Từ lúc nghe ông “chọc quê” tiếng Thanh Hóa và phá lên cười, tôi đã quên mất rằng tôi đang làm việc - nói một cách trang trọng là phỏng vấn một người anh hùng, quên luôn cả những câu hỏi đã chuẩn bị từ trước. Tôi cũng không nhớ rằng, tôi đang được nói chuyện với thần tượng của bao thế hệ trẻ Việt Nam.

Ông ngồi ngay ngắn trên xo-pha, nhìn thẳng tôi và nói cũng rất thẳng:

- Mười mấy năm rồi, chú không tiếp báo giới hay văn nghệ sỹ nữa. Nói đi nói lại cũng chỉ nhiêu đó, toàn những chuyện ai cũng biết từ lâu rồi. Cháu là ngoại lệ bởi đã đến từ Bình Phước, nơi có nhiều ân nghĩa với chú và bởi có Thương Thương “bảo lãnh”.

Sự thẳng thắn của ông khiến tôi thấy “nhột” xen lẫn sự tò mò về một con người lâu nay mình chỉ biết qua sách báo, phim ảnh. Và như để minh chứng cho điều ông vừa nói, hai chiếc điện thoại cứ đổ chuông liên hồi. Ông chỉ bấm giảm âm lượng mà không tắt máy, vì như thế là không lịch sự. Ông bảo cứ để họ gọi, không liên lạc được sẽ chán mà “tha” cho mình!

Vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam hay những ngày lễ lớn của dân tộc, nhiều tờ báo trong nước và các hãng thông tấn nước ngoài lại muốn khai thác những câu chuyện xưa cũ, những nhân vật tên tuổi của cả hai phía trong cuộc chiến năm xưa. Và sự kiện ném bom Dinh Độc lập, ném bom Sân bay Tân Sơn Nhất mà ông là tác giả luôn là câu chuyện hấp dẫn đối với nhiều ký giả. Bởi có rất nhiều khía cạnh, rất nhiều tình tiết trong cuộc đời làm tình báo của một người Cộng sản, một nhân vật lịch sử chưa được khai thác, và những tình tiết ấy sẽ là thỏi nam châm hút bạn đọc đến với những tờ báo độc quyền khai thác.

Trong không khí mát mẻ của tiết trời phương Nam những ngày sau tết nguyên đán, ông thong thả kể về những tháng ngày nằm trong lòng địch.

Nguyễn Thành Trung trên thật là Đinh Khắc Chung, sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Năm 1957, học xong năm cuối tiểu học thì mẹ dẫn Đinh Khắc Chung lên Tòa án tỉnh Bến Tre để làm lại giấy khai sinh. Từ đó ông mang tên Nguyễn Thành Trung, lý lịch ghi rõ: một mẹ một con và mục “tên cha” đề là “vô danh”. Cậu bé 10 tuổi Đinh Khắc Chung không lý giải được vì sao mẹ mình lại làm điều này. Ông không hề biết rằng đó là sự sắp đặt rất chặt chẽ, có tính toán kỹ của cách mạng để nuôi dưỡng và đào tạo mình trở thành một chiến sỹ tình báo dưới danh nghĩa một phi công của Việt Nam Cộng hòa sau này.

Năm 1965, Nguyễn Thành Trung thi vào khoa Toán-Lý-Hóa, Trường Đại học Khoa học Sài Gòn (nay là Đại học Khoa học Tự nhiên). Cách mạng lúc này rất cần một người có tri thức và có điều kiện hoạt động tại nội thành Sài Gòn để có thể tiếp cận những địa điểm quan trọng mà khu 8 không thể vào được. Nguyễn Thành Trung có đầy đủ tố chất và là thời điểm hợp lý nhất để có thể đào tạo trở thành tình báo. Năm 1968, Nguyễn Thành Trung đăng ký vào sĩ quan, sau đó thi tuyển vào ngành không quân của Không lực Việt Nam Cộng hòa theo chỉ đạo của cấp trên. Việc trúng tuyển phi công để hoạt động trong hàng ngũ địch là chuỗi dài những cuộc đấu trí ngoạn mục mà phần thắng thuộc về người chủ động, quyết đoán và thông minh hơn. Và mọi yêu cầu, thách thức, nhiều khi làn ranh sống chết vô cùng mong manh, ông đều vượt qua ngoạn mục.

Việc cấp trên quyết định giao cho ông thực hiện nhiệm vụ ném bom Dinh Độc Lập ngày 8-4-1975 là hoàn toàn nằm ngoài dự kiến trước đó. Thời điểm này, ông có nguy cơ cao bị lộ do một cán bộ của ta bị địch bắt và khai ra. Người này hoạt động trong lực lượng pháo binh nhưng manh nha biết trong lực lượng không quân của chính quyền Sài Gòn có người của cách mạng và còn biết rõ quê Bến Tre. Thời điểm ấy, các tình báo viên của ta hoạt động ở cơ sở pháo binh của địch đều bị bắt. Lực lượng không quân của ngụy quyền khi ấy có khoảng 10 người quê Bến Tre, tất cả đều bị quân cảnh rà soát, thẩm vấn rất kỹ. Nhờ trí thông minh, bản lĩnh và quyết đoán, quân cảnh không thể khép tội ông, song vẫn đặt một dấu hỏi rất lớn về nhân thân của ông.

Cuộc chiến đang trong giai đoạn căng thẳng, quyết liệt, nếu ông bị lộ sẽ dở dang mọi kế hoạch nên những ngày này, Nguyễn Thành Trung như ngồi trên đống lửa, và ông đã tính đến các phương án rời hàng ngũ địch để trở về. Và 10 giây lịch sử bằng việc tách khỏi đội hình bay của Không đoàn 63 chiến thuật của Việt Nam Cộng hòa, đánh lạc hướng phi đoàn trưởng, đài quan sát mặt đất để quay trở lại ném bom Dinh Tổng thống ngụy và kho đạn Nhà Bè - là những mục tiêu đã được tổ chức chỉ định đã tạo ra một sức công phá ghê gớm trên chiến trường miền Nam lúc đó. Lập tức, vợ và con ông bị bắt giam, bị thẩm vấn và điều tra diện rộng. Nhưng cuộc điều tra chưa có kết quả thì 20 ngày sau, xẩm tối 28-4-1975, một phi đội 5 chiếc A37 của Quân đội Nhân dân Việt Nam xuất phát từ phi trường Thành Sơn gần Phan Rang lại tiếp tục dội bom xuống phi trường Tân Sơn Nhất, phá hủy nhiều máy bay, khí tài và đường băng của căn cứ không quân này. Và người chỉ huy phi đội không ai khác – chính là phi công Nguyễn Thành Trung.

Tôi đã đọc nhiều bài viết về hai trận oanh kích của Nguyễn Thành Trung cùng đồng đội vào sào huyệt của chính quyền tay sai Việt Nam Cộng hòa và biết rằng, cả hai cuộc không kích đều không gây thiệt hại quá lớn về cả nhân mạng lẫn vật chất cho phía đối phương. Nhưng nó đã gây ra sự kinh hoàng, hoảng loạn trong hàng ngũ sỹ quan và binh lính ngụy quyền Sài Gòn vào thời điểm cực kỳ quan trọng của cuộc chiến. Bởi thế, nó có ý nghĩa rất lớn về mặt chiến lược. Đặc biệt, lần đánh bom Sân bay Tân Sơn Nhất đã nói lên một điều rõ ràng: Sự sụp đổ của chế độ Việt Nam Cộng hòa là không thể tránh khỏi. Hai cuộc oanh kích mà Nguyễn Thành Trung là đạo diễn đã góp phần làm thay đổi cục diện cuộc chiến, giảm thương vong cho cả hai phía và làm nên tên tuổi người anh hùng của bầu trời.

Nhấp một ngụm trà, ông nói:

- Bây giờ đã ở cái ngưỡng bát tuần, nhiều lúc chú cứ chợt buồn chợt vui, có lúc lại ngẩn ngơ ngơ ngẩn. Cuộc đời đúng là trong rủi có may, trong may có rủi. Nói gì thì nói, chú còn sống được đến giờ đã là may mắn lắm rồi!

Điều đó thì không có gì phải bàn nữa. Cuộc chiến chống lại kẻ thù, giành lại độc lập, tự đo cho dân tộc luôn đầy những nguy nan. Nhưng so với việc giáp mặt kẻ thù ở làn ranh chiến tuyến, rõ ràng khác hoàn toàn với việc mặc áo kẻ thù làm việc cách mạng mà Nguyễn Thành Trung cùng những điệp viên huyền thoại của cách mạng đã làm nên. Nghe ông thổ lộ, tôi chợt nhận thấy con người ông thật gần gụi, thân thiện, hoàn toàn khác với hình dung ban đầu của mình. Con người ta, dù là bậc vĩ nhân hay người bình thường, thậm chí là kẻ ăn mày, được sống trên đời đã là điều may mắn hơn nhiều kẻ xấu số. Tôi không thể hình dung cuộc sống của một người tình báo, sống, làm việc giữa những kẻ thù đích thực của mình trong vai đồng đội, người cùng chí hướng thì sự hiểm nguy, ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh đến mức nào.

Còn tiếp

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - TRUNG TÂM HỖ TRỢ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUÂT
Địa chỉ : 1A Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : 04 39.745.763
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác VHNT. Yêu cầu trích nguồn khi đăng tải nội dung từ trang web này