Trích đoạn nghiên cứu “Văn học dân tộc Tày từ góc nhìn văn hóa” của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Cao Thị Hảo – Hội văn học nghệ thuật Thái Nguyên (P1)
Trích đoạn nghiên cứu “Văn học dân tộc Tày từ góc nhìn văn hóa” của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Cao Thị Hảo – Hội văn học nghệ thuật Thái Nguyên – hoàn thành tại nhà sáng tác Vũng Tàu tháng 4/2021
Văn học Tày trong dòng chảy văn hóa Bách Việt
1.3.1. Nguồn gốc tộc người
Người Tày thường có mối quan hệ mật thiết với người Nùng (về cả ngôn ngữ và văn hóa). Họ sống chủ yếu ở một số tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam như: Bắc Kạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang. Ở Trung Quốc dân tộc Tày (còn gọi là dân tộc Zhuang) phân bố chủ yếu ở Quảng Tây, Quảng Đông và Vân Nam. Ở Quảng Tây, họ là dân tộc có dân số đông nhất.
Người dân tộc Tày - Nùng (Zhuang) là những dân cư nổi tiếng về truyền thống dũng mãnh trong quân sự. Trong suốt lịch sử từ đời Tần, khi người Hán Hoa bắt đầu Nam tiến chinh phạt vùng Lĩnh Nam, đến sau này, người Tày (Zhuang) đã chống lại, tránh khỏi đồng hoá, nhưng đã không thành lập một quốc gia tự chủ được như người Lạc Việt ở vùng đồng bằng phía nam của Việt Nam ngày nay. Người Nùng đã được dùng trong quân đội của các triều đại Trung Quốc, Việt Nam và đóng những vai trò quan trọng trong các trận chiến biên giới Việt - Trung.
Phía Nam sông Dương Tử và vùng gọi là Lĩnh Nam, theo sử liệu Trung Hoa là nơi cư ngụ của các tộc người gọi chung là Bách Việt. Bách Việt đã đóng góp lớn trong sự thành lập của nền văn minh Trung Hoa bắt đầu từ đời Thương. Nguồn gốc của cư dân Bách Việt và văn minh của họ trải dài từ thời kỳ đá mới (7,000 đến 1200BC) tới thời đại đồ đồng, nhất là ở khu vực từ Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông hiện nay đến đồng bằng phía Bắc của Việt Nam.
Văn hóa Tày ở Việt Bắc được kiến tạo từ nền văn hóa Bắc Sơn, văn hóa đồ đá mới tiêu biểu cho vùng Đông Nam Á. Những di vật khảo cổ tìm thấy ở Bắc Sơn (Lạng Sơn) chứng tỏ rằng 8000 năm trước, các dân tộc vùng Việt Bắc đã chuyển từ kinh tế hái lượm săn bắn sang kinh tế nông nghiệp. Những di vật của nền văn hóa Đông Sơn ở đây tiêu biểu cho văn hóa đồ đồng trong thời kỳ Âu Lạc đã đạt tới trình độ phát triển cao hơn. “Người Âu Việt (mà một chi nhánh hậu duệ là người Tày hiện nay) đã cũng người Lạc Việt (mà một nhánh hậu duệ là người Mường hiện nay) xây dựng nên quốc gia Âu Lạc, quốc gia xuất hiện sớm nhất ở Đông Nam Á”[159; Tr.98].
Như vậy, người Tày ở có mối quan hệ với người Zhuang ở Trung Quốc và cùng chủng tộc người Bách Việt. Trong quá trình thiên di và tạo lập họ đã cư trú ở phía Đông của sông Hồng và trở thành một cộng đồng dân tộc có văn hóa riêng và cư trú chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc của Việt Nam.
Qua nhiều thời kỳ trong lịch sử, cũng có rất nhiều người Việt lên vùng núi sống, hoà nhập và đã hoàn toàn trở thành Tày hoá qua vài thế hệ. Đấy là các gia đình quan chức được bổ nhiệm, các vua chúa thua chạy với tàn quân lên ở ẩn chờ cơ hội, các di dân vì loạn lạc nghèo đói. Điển hình cho hiện tượng này là dấu ấn cư trú của triều đình nhà Mạc tại Cao Bằng. Họ Mạc đã lên Cao Bằng từ năm 1592 khi triều đình Lê - Trịnh chiếm được kinh đô Thăng Long sau bao năm nội chiến Bắc Triều - Nam Triều. Nhà Mạc trú ẩn và tồn tại đến mấy đời vua trước khi bị mất hẳn. Chính điều này đã tạo ra sự giao lưu văn hoá giữa hai dân tộc Tày - Việt và để lại nhiều nét sâu đậm trong văn hoá Tày ở Việt Bắc. "Ngày nay điền giã một vùng rộng lớn, lấy thị xã Cao Bằng làm tâm điểm, với bán kính 15 - 20 km, chúng ta sẽ bắt gặp những "mảnh vụn" của những đợt di dân ấy” [203; Tr.113]. Một hiện tượng lạ đối với các nhà ngôn ngữ học và dân tộc học là ở một số xã của vùng bán kính nói trên, hàng nghìn người Tày nhưng lại không nói sõi tiếng Tày mà hầu như chỉ sử dụng tiếng Kinh. Nổi bật hơn cả là vùng mà dân địa phương gọi là "Chợ Cao Bình", thuộc xã Hoàng Tung, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng (cách thị xã Cao Bằng chừng 6km). Dân cư vùng này có khoảng 2000 người, tuy họ là dân tộc Tày nhưng chỉ biết tiếng Kinh, không biết tiếng Tày. Người địa phương gọi người Tày vùng này là dân "Mãn Đan" (có nghĩa Tày không ra Tày, mà Kinh cũng không ra Kinh). Ở cách đó không xa, người Tày ở vùng nước Hai thì lại hoàn toàn nói thạo tiếng Tày. Bên cạnh tính bảo lưu ngôn ngữ quê gốc miền xuôi, người Tày ở chợ Cao Bình vẫn giữ thói quen làm nhà đất và trồng luỹ tre xung quanh nơi nhà ở và xung quanh bản làng. Ngoài ra về sinh hoạt ăn uống, ma chay cưới xin... họ vẫn giữ những phong tục như người Kinh đồng bằng Bắc Bộ.
Những người Tày ở vùng "Chợ Cao Bình" nói trên, hầu hết là dân di cư vùng Hải Dương, Kinh Bắc chuyển cư lên đây. Một số dòng họ còn giữ gia phả cho biết đó là con cháu số quan lại triều Mạc, không chịu đầu hàng nhà Lê, lên Cao Bằng tiếp tục phục vụ cho nhà Mạc” [203;Tr.116].
Trong quá trình di cư lên Cao Bằng, một số tín ngưỡng, tôn giáo, văn hoá của người Việt ở miền xuôi cũng được du nhập vào địa phương. Trên Cao Bằng, khá nhiều đình chùa hiện nay đã được xây dựng từ thời nhà Mạc. Điều này là một trong những minh chứng cho thấy mối giao lưu văn hóa Kinh - Tày khá sâu sắc đã diễn ra ở đây.
1.3.2. Những tác động và giao thoa
Từ văn hoá Hoà Bình, văn hoá Bắc Sơn đã tiến tới đồ đá mài với đặc điểm rìu mài gọi là rìu Bắc Sơn, các đồ gốm, trang sức võ sò được tìm thấy nhiều ở các hang, di chỉ vùng Lạng Sơn, như hang Làng Cườm, Bó Lúm, Bó Nam... Ở Quảng Tây, cũng tìm thấy được di chỉ của văn hoá Bắc Sơn vùng Nam Ninh, dọc các sông Ung, Zua, You với các đồ trang sức, đồ gốm, đất màu hoàng thổ, đồ đá với loại rìu văn hoá Bắc Sơn.
So sánh với các di chỉ như Hemudu ở vịnh Hàng Châu, tỉnh Triết Giang và các di chỉ bắc Quảng Đông, thì các di chỉ vùng biển xa phía nam sông Dương Tử, vùng đông nam (Phúc Kiến, Quảng Đông) và tây nam (Quảng Tây, Vân Nam) có liên hệ gần gũi với các di chỉ ở Việt Nam.
Qua thời kỳ đá mới, vào khoảng thời nhà Thương, một di chỉ phía nam sông Dương Tử đáng chú ý là vùng Wucheng ở Giang Tây (Jiangxi), quận Thanh Giang nơi sau này là lãnh thổ của nước Việt miền Triết Giang, cạnh nước Chu. Di chỉ này gần sông Tống, dễ dàng thông thương với các lãnh thổ Việt ở vùng Lĩnh Nam (Quảng Tây và Quảng Đông). Tại đây, nhiều chữ viết được tìm thấy trên các mảnh gốm, đồ đồng, rất khác với chữ viết ở phía bắc, cho thấy một ngôn ngữ và văn hoá hoàn toàn khác và độc lập với văn hoá trung tâm phía Bắc của Trung Quốc. Đây là chữ viết cổ nhất của ngôn ngữ Việt cổ. Tư liệu sử của thời Chiến quốc cho thấy từ ngữ, văn phạm khác với tiếng Hán xưa. Một số tác giả cho rằng tiếng nói xưa của người Việt là thuộc Thái ngữ, gần với tiếng nói của cư dân miền Lĩnh Nam, mà hậu duệ hiện nay là người Nùng - Zhuang ở biên giới Việt-Trung ngày nay, và người Việt ở đồng bằng sông Hồng.
Cả hai thuộc họ Bách Việt mà ta có thể xếp vào nhóm Lạc Việt (Luo Yue) (thuộc đông nam Quảng Tây và bắc Việt Nam) và Tây Âu (Xi Ou) (thuộc miền Quế Giang và Tây Giang của Quảng Tây). Chính tại các vùng này từ Lĩnh Nam, Vân Nam và bắc Việt Nam mà các nhà nghiên cứu tìm thấy trống đồng nhiều nhất, một văn hoá trống đồng rực rỡ mà ta gọi là văn hoá Đông Sơn toả ra từ Bắc Việt Nam. Các hình vẽ người, thú, thuyền, trống... nổi tiếng trên vách đá ở biên giới Việt - Trung, dọc sông Zuo, Quảng Tây mang đậm nét hình ảnh trên trống đồng Đông Sơn của người Lạc Việt. Cũng như các vật tổ của người Nùng - Zhuang như cóc, ếch đều được thể hiện trên trống đồng.
Hiện nay, chúng ta đã rõ về An Dương Vương Thục Phán từ Tây Âu chinh phục nước Văn Lang của người Lạc Việt đời các vua Hùng. Tây Âu là một nhánh của Lạc Việt ở miền núi trung du, hay gọi là Âu Việt. Người Âu Việt đây chính là người Tày cổ. Theo truyền thuyết "Cẩu chủa cheng vùa" (chín chúa tranh vua) của đồng bào Tày ở Cao Bằng thì Thục Phán là con của Thục Chế thủ lãnh vùng Nam Cương ở Cao Bằng, Quảng Tây gồm 9 xứ Mường. Vào cuối đời Hùng Vương, Thục Phán hãy còn ít tuổi lên thay vua cha vừa mất. Các chúa Mường kéo quân về đòi chia và nhường vua. Tuy ít tuổi, nhưng thông minh, Thục Phán đã bày ra các cuộc thi, đua sức đua tài và hẹn ai thắng sẽ nhường vua cho. Ông dùng mưu kế làm cho họ mất nhiều công sức mà không ai thắng cuộc. Cuối cùng các chúa phải qui phục Thục Phán. Khi Nam Cương cường thịnh lúc Văn Lang suy yếu, Thục Phán đã đánh chiếm và tự xưng là An Dương Vương, đóng đô ở Cổ Loa, gần Hà Nội.
Choang (còn có hơn 20 tên gọi khác nhau như Bố Choang, Bố Nùng, Bố Liêu, Bố Thổ, Bố Việt, Bố Mạn, Bố Tày...) là một dân tộc thiểu số của Trung Quốc, có lịch sử phát triển lâu đời, và có nguồn gốc từ cộng đồng dân cư Bách Việt thời cổ đại. Choang là dân tộc có số dân đông nhất trong các dân tộc thiểu số ở Trung Quốc, phân bố chủ yếu ở khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây; châu tự trị dân tộc Choang, Miêu Văn Sơn, Vân Nam, huyện tự trị dân tộc Choang, Dao Liên Sơn, Quảng Đông và rải rác ở các tỉnh Quý Châu, Hồ Nam, Tứ Xuyên. Năm 2001, dân tộc Choang trên toàn Trung Quốc có khoảng 15,5 triệu người, riêng người Choang ở Quảng Tây đã chiếm hơn 91,3% với số dân 14,15 triệu.
Ngôn ngữ là đặc trưng của mỗi dân tộc. Người Choang cũng có ngôn ngữ của dân tộc mình, đó chính là “Choang ngữ”. Choang ngữ là một loại ngôn ngữ của nhánh ngôn ngữ Choang Thái, nhóm ngôn ngữ Choang Động thuộc ngữ hệ Hán Tạng. Tại Quảng Tây phân thành hai phương ngữ lớn là bắc bộ và nam bộ, Ung Giang và Hữu Giang là nơi giao giới của hai loại phương ngữ này. Sự khác biệt giữa phương ngữ nam bộ và bắc bộ chủ yếu ở chỗ: phương ngữ nam bộ có hai loại phụ âm thanh tắc có bật hơi và không bật hơi, trong khi phương ngữ bắc bộ chỉ có phụ âm tắc không bật hơi, không có phụ âm tắc bật hơi. Sự phân loại thanh điệu của Choang ngữ về cơ bản giống nhau cả ở phương bắc và nam, nhưng thanh âm thì mỗi loại đều khác biệt. Phương ngữ Nam, Bắc đại thể giống nhau về từ vựng cơ bản và từ mượn tiếng Hán, còn kết cấu ngữ pháp thì cả miền Nam và miền Bắc lại hoàn toàn giống nhau, không có khác biệt rõ rệt. Choang ngữ từ xưa đến nay đều là công cụ giao tiếp và giao lưu tư tưởng của người Choang. Trong quá trình giao lưu lâu dài với người Hán, rất nhiều người dân tộc Choang đã học được cách sử dụng Hán ngữ và Hán văn. Theo một số nghiên cứu, vào thời kỳ Đường Tống, Quảng Tây đã có những nơi có một số người học Hán văn, vay mượn chữ Hán biên soạn một loại kết cấu hình thanh “thổ phương khối tự” (còn gọi là tục tự, “thổ tục tự” tạm dịch là chữ của người địa phương), nhưng chưa thông dụng. Do đó, đến trước thời giải phóng, người Choang không có văn tự dân tộc. Đảng cộng sản Trung Quốc chủ trương bình đẳng dân tộc, nhất là dân tộc ở khu tự trị, lại hỗ trợ dân tộc thiểu số phát triển ngôn ngữ của riêng mình, tạo điều kiện cho các dân tộc thiểu số chưa có văn tự (chữ viết) sáng tạo ra văn tự phù hợp với ngôn ngữ dân tộc mình. Chính phủ đã tổ chức lực lượng tiến hành nghiên cứu khảo sát phương ngữ Choang và quyết định lấy Choang ngữ bắc bộ làm phương ngữ cơ sở, lấy ngữ âm Vũ Minh làm âm chuẩn và tạo ra văn tự của Choang ngữ. Ngày 29 tháng 11 năm 1957, Hội nghị toàn thể lần thứ 63 của Quốc vụ viện Trung Quốc đã thông qua “Choang văn phương án”. Khu tự trị người Choang ở Quảng Tây còn thành lập “hội ủy viên công tác Choang văn” để phát triển ngôn ngữ Choang. Bên cạnh đó, tiếng Choang cũng được đưa vào trường học, nhà xuất bản ra đời xuất bản sách báo tiếng Choang. Nhìn chung, việc thành lập và phát triển ngôn ngữ Choang đã tạo ra sự đa dạng về văn hoá dân tộc cho xã hội Trung Quốc và thúc đẩy tư tưởng xã hội chủ nghĩa ở vùng dân tộc Choang. Điều này có một ý nghĩa vô cùng to lớn trong quá trình phát triển và ổn định vùng đồng bào dân tộc Choang ở Trung Quốc [xem thêm 210].
Như vậy, dân tộc Choang đã có một ngôn ngữ, văn tự riêng và thể hiện được bản sắc văn hóa của mình. Trong quá trình hình thành và phát triển, văn học Choang đã có sự giao thoa với văn học Tày. Bởi giữa tộc người Tày và tộc người Choang có quan hệ gần gũi về chủng tộc và văn hóa. Đây là cơ sở để cho thấy những điểm tương đồng và sự tiếp xúc văn hóa của văn học Tày trong dòng chảy văn hóa Bách Việt.
Tiểu kết chương 1
Văn học dân tộc Tày đã có truyền thống phát triển khá bề thế, hơn nữa, dân tộc Tày còn có tiếng nói riêng, ngôn ngữ riêng, nền văn học riêng. Với đề tài này, văn học Tày lần đầu tiên được nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện từ khởi thuỷ đến nay trên tất cả các phương diện như chữ viết, hệ thống thể loại, đội ngũ tác giả… Đặc biệt văn học Tày luôn được đặt trong cái nhìn đối sánh để tìm ra những ảnh hưởng và khu biệt về bản sắc, đặt trong không gian văn hoá đặc thù, đặc trưng để chỉ ra những đặc điểm cụ thể. Từ góc nhìn văn hóa, văn học Tày sẽ được xem xét trên cơ sở đặc điểm cư trú, tập quán lối sống, những đặc trưng riêng về văn hóa tộc người, đặc biệt là nguồn gốc tộc người trong dòng chảy văn hóa Bách Việt, trong đó có mối quan hệ với dân tộc Choang của Trung Quốc.
Nước ta là một nước đa dân tộc, trong số 54 dân tộc thì bộ phận dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống ở vùng núi cao. Điều này thể hiện những đặc thù riêng trong quá sinh trưởng của các tộc người đồng thời cũng tạo nên những màu sắc riêng trong thế giới tâm hồn con người miền núi. Nghiên cứu văn học dân tộc thiểu số từ góc độ văn hóa là chú trọng đến môi trường sống, những tương tác văn hóa và những cách quan niệm trong thế giới quan của họ về thế giới hiện thực. Những khảo sát về ngôn ngữ, thể loại,kiểu tác giả sẽ cho chúng ta thấy những nét bản sắc văn hoá Tày luôn được lưu giữ trong văn học.
- Published in Tác phẩm mới
- 0