TÌM VỀ QUÊ NGOẠI - Truyện ngắn của Vương Thu Thuỷ - Hội văn học nghệ thuật Bình Phước
TÌM VỀ QUÊ NGOẠI
Ông Thật cố lục lại trí nhớ để tìm cái nền đất cũ, nhưng tất cả mọi cảnh vật ở đây đều hoàn toàn khác xa với nhiều năm về trước. Ông chỉ nhớ tên của một cây cầu, đó là cầu Cần Lê, nên ông dặn tài xế cho ông xuống xe ở ngay đầu cầu. Đã hơn một giờ đồng hồ mà ông loay hoay mãi vẫn không thể nào tìm ra cái nền đất cũ. Cái nền đất cũ ấy đã gắn bó tuổi thơ của ông bên ngoại từ cái thời còn bữa đói bữa no, bữa ngủ hầm, bữa chạy loạn... nhưng ông nhớ nhất là cái lần được theo ngoại và bà Năm đi biểu tình. Ông ngồi nép vào bóng cây ven đường mà nhớ về những ngày xa xưa ấy...
- Có đi không thì cùng đi bà Chín ơi!
- Dạ. Bà đợi ngoại cháu với. Ngoại ơi! Bà Năm kêu ngoại kìa. Ngoại cho cháu đi theo với nha ngoại.
Thật nôn nao nhìn đoàn người gấp gáp ngang qua trước nhà mình. Chưa biết ngoại có đồng ý cho đi theo hay không, nó cứ đội mũ lên đầu rồi chạy ra đứng cạnh bà Năm để đợi ngoại. Ngoại vừa bước ra, nó đã vội vàng lên tiếng:
- Ngoại dẫn cháu theo chứ đừng gửi cháu ở nhà thằng An như mọi lần nha ngoại. Cháu sẽ ngoan, sẽ nghe lời ngoại. Cháu tự đi chứ ngoại không phải cõng cháu đâu. Cháu đi còn nhanh hơn ngoại nữa á. Bà Năm ơi! Bà Năm nói giúp cháu với ngoại đi bà Năm. Giúp cháu đi mà bà Năm. Cháu năn nỉ bà Năm mà ...
Thấy thằng nhỏ quýnh quáng như vậy, bà Năm không nỡ từ chối nên gật đầu rồi quay sang bà Chín:
- Bà cho thằng bé đi theo cũng được, có gì tui với bà cùng coi chừng nó.
Bà Chín khoác chiếc áo dài tay cho cháu rồi nhắc nhở nó:
- Nhớ bám theo ngoại và bà Năm, không được buông tay bà, chạy lung tung.
Nó chỉ kịp “dạ” một tiếng rồi vội chen vào chạy chính giữa ngoại và bà Năm. Hai chữ “biểu tình” đã ăn sâu vào đầu nó tự lúc nào nó cũng không biết nữa. Chỉ cần nó nhìn thấy cả người già, người trẻ hăm hở nối tiếp nhau tấp nập trên đường đổ dồn về một hướng nào đó thì nó biết chắc chắn là đi biểu tình. Nó chỉ cần nhìn vào cách đi đứng và nét mặt của đoàn người đang đi đó thì sẽ phân biệt được ngay là họ đi biểu tình hay chạy loạn khi bị ruồng bố. Nó cũng đã quen với cảnh bồng bế, dắt díu nhau chạy tán loạn khi bị càn quét, ruồng bố giữa tiếng súng đạn, hò hét, rượt đuổi khi có đám lính vào làng. Cảnh càn quét, ruồng bố thì nó đã từng chứng kiến. Phải nói là khủng khiếp lắm. Khủng khiếp hơn đám anh Tèo, anh Long, anh Bình chơi trò đánh giặc giả rất nhiều, vì nó nghe được tiếng súng đạn thật bắn ra và nó thấy có cả máu lẫn người chết, nhưng mà là chết luôn chứ chẳng phải chết giả bộ đâu. Những lần như vậy thì ngoại cõng nó trên lưng thoăn thoắt chạy tìm nơi trú ẩn. Còn chuyện biểu tình thì nó chỉ mới được nghe, nhưng nó nghe đến nỗi nằm mơ nó vẫn nghe ngoại nói đi biểu tình. Và đây là lần đầu tiên ngoại chịu dẫn nó theo. Cũng may mà có bà Năm... Nó không biết bà Năm, ngoại và những người lớn đang nghĩ gì. Nhưng đối với nó, đây chính là một trong những trò khám phá hấp dẫn mà bọn trẻ con như nó đứa nào cũng tò mò muốn biết.
Bà cháu nó đã kịp nối đuôi theo đoàn người đi trước. Nó vẫn cứ tung tăng một cách vô tư ở giữa, còn ngoại và bà Năm vẫn tiếp tục câu chuyện với những người đi cùng: “Mình đi hướng nào đây mấy ông, mấy bà ơi”? “Tới nhà lão chủ sở Đờ Lalăng”. “Khi nào thì mới bắt đầu”? “Đã diễn ra từ sáng sớm đến giờ rồi”. “Cũng là công nhân cao su à? Có đông lắm không”? “Ừ, công nhân. Nhưng lần này có cả người kinh lẫn người đồng bào dân tộc. Có đến hơn mười ngàn người chứ không ít. Họ đã đấu tranh suốt cả buổi sáng. Nhưng lão chủ sở vẫn giả điếc, làm ngơ trốn trong nhà như không có gì xảy ra cả. Vì vậy mà bên ta đã tiếp tục vận động thêm được khoảng tầm năm ngàn công nhân nữa. Chúng ta sẽ tháp tùng cùng đoàn người tăng cường. Nhất quyết phải buộc bọn chủ sở trả lại công bằng cho công nhân chúng ta”. “Ừ, vậy thì nhanh nhanh lên. Nhanh lên các ông, các bà ơi! Đi nhanh cho kịp tụi nhỏ đằng trước. Sắp đến nơi rồi”...
Dòng người tăng cường đã hòa vào đoàn công nhân đang bám trụ vây kín nhà lão chủ sở Đờ Lalăng từ sáng đến giờ, làm cho khí thế hùng hậu bừng bừng như rực lửa giữa nắng trưa gay gắt. Tiếng hô dõng dạc, vang rền cứ từng đợt, từng đợt bao trùm dội xuống tòa nhà lão chủ sở rồi vang xa, vang xa, át cả tiếng hò hét và tiếng súng trấn áp của bọn lính:
- Yêu cầu chủ sở thực hiện yêu sách của công nhân!
- Thực hiện yêu sách của công nhân! Thực hiện yêu sách của công nhân!
- Phải tăng lương, giảm giờ làm, trả lương cho người dân tộc bằng lương của người kinh!
- Tăng lương, giảm giờ làm, trả lương cho người dân tộc bằng lương của người kinh! Tăng lương, giảm giờ làm, trả lương cho người dân tộc bằng lương của người kinh!
- Phải nới lỏng kìm kẹp, cho công nhân được tự do đi lại, hội họp!
- Nới lỏng kìm kẹp, công nhân được tự do đi lại, hội họp! Nới lỏng kìm kẹp, công nhân được tự do đi lại, hội họp!
- Không được cấp phát gạo mục, cá ươn cho công nhân!
- Không được cấp phát gạo mục, cá ươn! Không được cấp phát gạo mục, cá ươn!
- Không được đánh đập, sa thải công nhân!
- Không được đánh đập, sa thải công nhân! Không được đánh đập, sa thải công nhân!
- Phải chăm sóc, chữa trị cho công nhân khi bị ốm đau!
- Phải chăm sóc, chữa trị cho công nhân khi bị ốm đau! Phải chăm sóc, chữa trị cho công nhân khi bị ốm đau!
- Yêu cầu chủ sở thực hiện yêu sách của công nhân!
- Thực hiện yêu sách của công nhân! Thực hiện yêu sách của công nhân! Thực hiện yêu sách của công nhân! Thực hiện yêu sách của công nhân! ...
Trong vòng vây của dòng người đấu tranh ấy có sự cộng hưởng của cánh tay bé nhỏ vẫn từng đợt, từng đợt khí thế vung lên cùng tiếng hô non nớt, ngọng nghịu nhưng toát lên cái nhiệt huyết của loại vũ khí sắc bén làm kẻ thù khiếp sợ. Không biết thằng bé đã buông tay ngoại và bà Năm tự lúc nào mà giờ đây nó đã chen vào được đến vòng trong, sát nhà lão chủ sở. Một trong số những báng súng của bọn lính đang cố giải tỏa vòng vây đã chạm vào người nó. Tay nó vẫn vung cao, miệng nó vẫn hô to một cách hào hứng. Một vòng tay rắn chắc của ai đó bất chợt nhấc bổng nó lên rồi đặt nó ngồi trên cổ. Vậy là nó được đòng đòng trên vai của chú ấy. Khi thì tiến, lúc thì lùi, có lúc chú phải hạ thấp người cho toàn thân nó được lẫn vào đám đông để tránh đạn cho mãi đến cuối buổi đấu tranh.
Những tiếng hô của đoàn người đấu tranh và tiếng la hét của bọn lính đã tạm lắng, trật tự dần ổn định khi cánh cửa bật mở và tên chủ sở giữa đám lính bảo vệ đang dần dần hiện ra để điều đình cùng đại diện của công nhân.
Kể từ lúc thằng Thật vuột khỏi tay mình thì hai bà cụ bắt đầu hớt hải len lỏi giữa đám đông; tuy miệng vẫn hô to theo khí thế đấu tranh từng đợt, nhưng mắt không ngừng tìm kiếm thằng cháu nhỏ. Bà Chín biết là do sức cuốn hút của sự hiếu kỳ nên chắc chắn nó đã chạy vào vòng đầu của đoàn người, vậy là hai bà cứ len lỏi vào đến tận bên trong. Bất chợt bà Năm nhìn thấy nó được đòng đòng trên vai của một người đàn ông nên hai bà vội vàng chen vào hướng ấy. Đã mấy lần sém gặp được nhau nhưng rồi nó lại lẩn khuất vào đâu đó. Bây giờ không khí của cuộc đấu tranh đã dịu dần, hai bà cụ đã nhìn thấy cái đầu của nó cứ thấp thoáng lúc ẩn, lúc hiện theo hướng ra vòng ngoài và hai bà cứ phải vừa quan sát vừa bám theo ra.
Chú công nhân cứ thẳng hướng mà mình đoán có thể thằng bé đã chen từ đó vào để lách dần ra, vì chú biết chắc bà của nó đang rất lo lắng và đang tìm kiếm nó ở đâu đó. Đám đông đã tản thưa dần và cuối cùng rồi hai chú cháu cũng đã ra được đến vòng ngoài. Chú vừa hạ thấp người thì thằng Thật đã vội tụt nhanh xuống đất. Lúc này nó mới chợt nhớ ra và khóc òa hoảng hốt. Chú công nhân ôm nó dỗ dành:
- Ngoan, ngoan nào. Cháu sợ không tìm thấy ngoại phải không?
- Ủa, sao chú biết cháu sợ không tìm thấy ngoại? – Nó vừa quệt mắt, quệt mũi vừa ngạc nhiên hỏi chú.
- Chú đoán ra vậy mà. Nhưng không sao, chú cháu ta ngồi đây đợi ngoại. Nếu không gặp ngoại thì chú sẽ đưa cháu về nhà. Chiến sĩ tí hon dũng cảm, súng còn không sợ thì sợ gì đến chuyện lạc nhà.
- Chú gọi cháu là “chiến sĩ tí hon dũng cảm” à? Hay quá đi. Cháu rất thích. Nhưng mà cháu ...
- Cháu làm sao nào? Hay là đang lo sẽ bị ngoại mắng? Yên tâm đi. Chú sẽ xin ngoại giúp cháu.
- Dạ, chỉ là cháu không nhớ đường về nhà. Ngoại chưa bao giờ mắng cháu. Ngoại chỉ nhắc nhở cháu là, là ...
- Là mai mốt cháu không nên tự tiện đi đâu một mình mà không có người lớn đi cùng, rủi gặp kẻ xấu thì rất nguy hiểm. Với lại hôm nay người đông như vậy, rủi bị thất lạc thì ngoại biết tìm cháu ở đâu.
Nó mừng đến sững sờ khi nghe tiếng của ngoại.
- Ngoại. Là ngoại cháu đó chú.
Nó buông chú ra rồi chạy đến ôm chầm lấy ngoại. Nó thấy ngoại nó đang cười mà sao nước mắt của ngoại lại chảy tràn qua hai gò má. Mặc dù nó cảm thấy khó hiểu nhưng lại thương ngoại vô cùng. Nó kéo vạt áo lên lau nước mắt cho ngoại làm ai ai cũng đều xúc động...
*
Ông thấy sống mũi mình cay cay nên mở ba lô lấy cái bi đông ra rót nước rửa mặt. Ông sải bước về phía quán nước gần đó. Không khát nhưng ông vẫn vào quán, vào uống ly nước để hỏi thăm, may ra còn tìm được những người quen cũ. Bất chợt ông khựng lại, hàng cau xưa tuy già cõi nhưng vẫn còn. Hai thằng bé đang hí hoáy cùng mớ bi ve kia chắc chắc là cháu của thằng An bạn ông ngày ấy. Ông cảm thấy trong lòng vui đến lạ. Trước mắt ông là một Lộc Ninh thay da đổi thịt hoàn toàn, khác hẳn với cái thời ông từ biên giới Tây Nam vác ba lô về ngang qua. Đã bao lần ông muốn quay về quê ngoại để tìm lại những kỷ niệm xưa nhưng không thể. Vì công việc, vì lo phụ với vợ chăm ngoại lúc tuổi già, rồi lại chăm con, chăm cháu. Giờ thì không còn bận bịu gì nữa, ông có thể vác ba lô đi mươi ngày cũng được. Ông nhấc bàn chân nhẹ tênh bước về phía trước, cơn gió chiều như cũng vui lây.
- Published in Slide show
- 0