Truyện ngắn của tác giả Đỗ Xuân Thu - Hội văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam – sáng tác tại Nhà sáng tác Đà Nẵng tháng 9/2019.
CON VỆN
“Chó! Chó! Khôn nào!”. Miệng quát, chân cẳng Viên co rúm lại. Hắn nhảy tót lên ngồi chồm hỗm trên chiếc ghế băng trong túp lều cụ Phồn, mắt nhớn nhác vẫn không rời con chó. “Vện! Khôn nào!”. Cụ Phồn quát. Con chó nem nép chui vào gầm giường. Nó nằm ghếch mõm lên hai chân trước, bụng ráxuống đất, mắt mở to nhìn tay Viên canh chừng. Miệng vẫn gừ gừ sẵn sàng ở tư thế tấn công.
Viên nói: “Cụ Phồn này! Hóa kiếp con chó đi mà thêm tiền thuốc thang. Ốm nằm đấy sức đâu mà lo cho nó cơ chứ!”. Giọng điệu ấy lặp đi lặp lại nhiều lần mỗi khi hắn đến. Cụ Phồn nghe phát chán. Chẳng hiểu sao hắn lại mê con chó này đến thế? Chó ở làng thiếu gì mà hắn cứ mê cái con Vện này cơ chứ?
Con Vện gắn bó với lão Phồn dăm sáu năm nay. Nó sống được là do lão. Không có lão chắc nó ngỏm củ tỏi từ lâu rồi. Chả thế mà mỗi khi lão Phồn đi đâu về là nó lại chạy tớn lên, vẫy đuôi cong tít, xoắn lấy lão, cắn gấu quần lão, rên lên ăng ẳng. Nó quấn cẳng lão hết bên nọ lại bên kia khiến lão không thể nào đi được. Cuối cùng, lão phải cúi xuống vuốt ve nó. Nó dụi mõm vào ngực lão rên ư ử, rồi thè lưỡi liếm vào đôi bàn tay thô ráp của lão Phồn.
Trận lũ quét năm ấy, không nhớ chính xác lắm, hình như đó là cơn bão số 3 thì phải. Lão Phồn bây giờ nhớ nhớ quên quên nhiều khi cứ mất trí vậy. Tuy nhiên, hình ảnh con lũ cuồn cuộn bất ngờ từ mạn ngược ập về kéo theo cây cối, nhà cửa trôi lều bều trên sông, sấm chớp nhì nhằng, mưa tuôn xối xả thì lão không bao giờ quên. Túp lều của lão bên bờ sông xiêu vẹo trong gió xoáy. Con thuyền lão buộc dưới bến suýt nữa thì cũng bị lũ cuốn trôi. Vừa lo chằng chống túp lều, lão vừa lo neo giữ con thuyền. May hồi ấy lão còn khỏe. Chứ cứ như bây giờ thì đành buông xuôi. Bão suốt đêm, sáng ra thì tạnh.
Như mọi hôm, lão xuống thuyền đi cất đó. Nước sông dâng lên rất nhanh. Lão phải lặn khá sâu lần theo đăng để vớt đó. May mà đăng đó lão cắm chặt nên không bị nước lũ cuốn đi. Đang lúi húi trên khoang, bỗng một mái nhà trôi xô vào mạn thuyền. Chiếc thuyền chòng chành suýt nữa thì bị lật. Lão ghì mái chèo, lựa dòng nước để điều khiển con thuyền trôi theo cùng cái nhà. Chợt lão thấy trên mái nhà có một con chó con nằm bẹp rúm. Nó to bằng bắp chân của lão. Toàn thân nó ướt lướt thướt, run như cầy xấy. Nó đưa mắt nhìn lão như cầu xin. Lão bẻ lái con thuyền rồi lựa thế nhảy vút sang. Con chó nằm gọn trong tay lão.
Bế con chó về túp lều của mình, lão đốt lửa sưởi ấm cho nó. Nó quặt quẹo trên tay lão. Mãi một lúc lâu sau, con chó tỉnh dần. Lão Phồn lấy cơm cá cho nó. Nó chỉ ngửi không ăn, rồi nằm sõng soài ra bên cạnh bát thức ăn. Đôi mắt nó nhìn lão vẻ mệt mỏi thăm dò. Lão Phồn ve vuốt đầu nó an ủi: “Ăn đi. Ăn cho nó khỏe. Đừng sợ. Mày ở với ông không lo gì đâu”. Con chó liếm láp mấy hạt cơm rồi lại nằm bẹp rúm. Lão Phồn nhìn nó ái ngại. Chắc con này vừa mới tách mẹ ra gặp trận lũ quét khủng khiếp nên chưa hoàn hồn đây. Lão Phồn nghĩ vậy.
Suốt mấy ngày sau, lão nấu cháo, mua sữa pha cho con chó, nựng nó ăn. Từ chỗ chỉ liếm láp tí sữa, dần dần con chó đã ăn được hết bát cháo. Nó tươi tỉnh dần. Lão Phồn ngắm con chó đắc ý. Đẹp đáo để. Bộ lông vàng trông thật thích mắt. Chẳng bù cho cái hôm rúm ró ướt như chuột lột ở dưới sông lên. Tư thế nằm mới oai không cơ chứ. Ốm nhách ốm nho, thế mà lúc nằm nó toàn nằm sấp, hai chân trước vươn về phía trước, hai chân sau duỗi thẳng về phía sau, lúc nào cũng tư thế sẵn sàng tấn công. Bốn chân nó đều có móng phụ (cựa) và đốm trắng. Đúng là huyền đề rồi. “Dù ai buôn bán trăm bề, chẳng bằng nuôi chó huyền đề bốn chân”. “Nhất vện, nhì vàng, tam khoang, tứ đốm”. “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu”. Phen này vận may đến với mình đây. Sống độc thân như lão có con chó làm bạn thì còn gì bằng.
Lão Phồn nói với con chó: “Người ta đặt tên cho chó nào là “Mi-lu”, là “Jếch”, nào là “Giôn” là “Béc”... toàn tên Tây cả. Thôi. Cứ gọi mày là Vện theo màu lông vậy cho dễ nhớ. Được chứ? Sống ở đời phải có cái tên để gọi là đúng rồi. Con cũng phải thế. Kém gì nào”. Tự nhiên, lão Phồn gọi nó là con. Con Vện ư ử, vẫy đuôi rối rít ra chiều đồng ý.
Thế rồi, cứ thế con Vện phổng phao lớn lên. Lão ở đâu thì con Vện ở đó, làm vệ sĩ cho lão. Lão đi ăn cỗ trong làng nó lũn cũn chạy theo sau. Lão bơi thuyền, nó đứng ghếch hai chân trước lên mạn thuyền quan sát dòng sông trông oách lắm. Có hôm, nó lại chổng mông trên thuyền, đầu cúi xuống mặt nước hít hít ngửi ngửi tìm kiếm cái gì đó. Rồi bất chợt nó nhảy tùm xuống sông lặn biến đi đâu một hồi rồi mới ngoi lên. Miệng nó ngậm một con cá khá to đang quẫy. Lão Phồn chỉ việc giơ tay ra đón lấy con cá, lôi nó lên thuyền. Nó rung mình lắc lắc mấy cái. Nước trên người nó bắn ra tung tóe văng vào cả mặt lão Phồn. Lão mắng yêu: “Cha bố anh. Đừng tưởng bắt được con cá mà ông tha cho cái tội làm bẩn ông đâu nhé. Cứ liệu hồn”. Con Vện sung sướng rít lên ăng ẳng.
Lão Phồn tắm hay bơi vớt cụp nó cũng bơi lặn cùng lão. Hai “thầy trò” bì bõm với nhau, vui đáo để. Những ngày lão Phồn mệt, nó quẩn quanh nằm ngay chân giường như có ý chờ sai bảo. Đêm đêm, tiếng nó sủa cầm canh, canh chừng kẻ trộm, oang oang cả bến sông. Từ ngày có Vện, lão Phồn không còn cảm thấy cô đơn nữa. Lắm hôm hứng chí, trong ngà ngà men rượu, lão Phồn vuốt ve Vện và dốc bầu tâm sự với nó về cuộc đời của lão. Dân làng chài thấy “gia cảnh” lão vậy cũng vui lây.
Riêng tay Viên, chủ quán thịt chó gần đó thấy thế thì bảo lão Phồn là hâm. Con Vện mà vào tay hắn thì tiền triệu ngon ơ. Mà chẳng hiểu lão Phồn cho con chó ăn gì mà nó lớn nhanh thế không biết? Càng lớn trông nó càng đẹp mã. Đích thị nó là giống chó gié thế mà cao to không kém gì béc giê. Ngữ ấy cứ phải hai chục cân là cái chắc. Năm, sáu năm rồi, đang độ ngon. “Chó già, gà tơ”. Vào tay hắn thì thành đặc sản tuyệt tác ngay. Mấy sếp sành ăn chẳng còn lý gì mà để chê ỏng chê eo nữa nhé.
Cứ thấy con Vện chạy theo lão Phồn là Viên lại nuốt nước miếng ừng ực. Thì nó đẹp thế, ngon thế bảo sao mà không thích. Trong đầu Viên, hắn luôn quy con Vện ra cân, ra lạng, thành món, thành tiền. Món bở thế, hời thế mà lão Phồn cứ nuôi báo cô bảo sao chả gọi là lão hâm? Hâm quá đi chứ lại. Ngay cái hôm con chó bị tai nạn xe máy, chân cẳng gãy thìa lìa ra, hắn gạ mua nó mà lão Phồn dứt khoát không bán lại còn ôm con chó khóc hu hu. Thế là hâm tỉ độ chứ còn gì nữa? Cả tháng trời, lão chăm bẵm, bón cháo sữa, chạy thuốc thang cho nó bỏ cả việc sông nước cá mú. Đúng là đồ hâm. Mua việc, mua khổ vào thân. Phải tay hắn á, chuyển thành bảy món ngay, lấy tiền đầu tư tiếp con khác.
“Anh sang chơi hay có việc gì?”, cụ Phồn thều thào hỏi với từ giường sang. Viên xun xoe: “Tôi sang thăm cụ thôi”. “Cảm ơn. Anh rót nước uống giúp nhé. Tôi mệt. Xin vô phép”. “Dạ, không sao. Cụ cứ nằm nghỉ ạ”. Vừa nói, Viên vừa tiện tay với ấm nước. Hắn giơ cao cái ấm để nước chảy xuống chén tồ tồ. Đoạn, hắn vớ chiếc điếu cày, nạp thuốc rít lên sòng sọc. Chẳng ý tứ gì, hắn phun khói rồi nhổ nước bọt toèn toẹt vung vãi.
Cụ Phồn nằm bên thấy vậy tức lắm. Con Vện cũng gầm gừ “hực hực”. Đúng là đồ phàm phu phục tử. Chẳng trách đi đến đâu hắn cũng bị chó dồn đuổi cho đến đó. Đầu mối mất trộm chó, câu chó trộm cũng từ hắn mà ra. Lũ chó cả vùng này sống không yên vì hắn. Hiếm có con nào thoát khỏi tay dao của hắn ngoại trừ con Vện của lão Phồn. Nhiều lần, hắn cho tay chân đánh bả, đánh bẫy con Vện nhưng nó khôn ngoan phát hiện được nên thoát chết. Thế nên, hắn mới càng cay cú. Dân xóm ai cũng gọi hắn là “Viên chó”. Được tin lão Phồn mắc bệnh ung thư quái ác, không ngày nào mà hắn không sang. Tiếng là thăm hỏi lão nhưng thực ra là hắn nhăm nhe con Vện. Trước sau con Vện sẽ phải về tay hắn.
“Anh Viên này - Lão Phồn gọi Viên - Tuần tới cưới con nhà Hàn anh có đi dự không cho tôi gửi cái phong bì?”. Viên trả lời: “Không, cụ ạ. Hôm ấy tôi bận phải đi thăm anh bạn dưới xuôi”. Viên nhanh trí trả lời ráo hoảnh. Đúng là đồ hâm. Ốm liệt giường còn gửi phong bì làm gì cơ chứ? Ăn chẳng được ăn lại còn muốn mất tiền.
Hỏi thì hỏi vậy chứ lão Phồn biết tỏng bụng dạ tay này. Hắn là chúa cơ hội. Chỗ nào lợi thì lăn xả vào. Nơi nào không là tìm cách lảng đi, ngay cả những người trước đây đã giúp đỡ hắn. Thì nhà Hàn chủ tịch xã sắp cưới con đấy chẳng hạn. Vừa nghỉ hưu, Hàn chẳng có lợi gì cho hắn nữa thì hắn đến làm gì? “Phù thịnh chứ ai phù suy”. Thế mà trước kia hắn xun xoe khuya sớm, không ngày nào là không có mặt ở nhà Hàn. Một điều “ông chủ tịch”, hai điều “ông chủ tịch”, ngọt xớt như mía lùi. Nhà Hàn có công to việc lớn gì là hắn cun cút đến. Băm thái, nấu nướng, mồ hôi mồ kê hắn nhễ nhại trông đến tội. Bù lại, xã có việc gì cần tiếp khách hoặc “ăn tươi” thì hắn lại được chủ tịch ưu ái giới thiệu đến quán hắn, cho hắn bao thầu. Mảnh đất giữa ngã ba làng đẹp thế cũng do nhà Hàn cắm cho hắn đấy. Thế mà chưa chi hắn đã vội qua cầu rút ván, quay sang xun xoe với tay chủ tịch mới thay Hàn. Bạc. Đúng là đồ bạc bẽo. Lão Phồn nghĩ mà cay cho cái sự đời. Miên man nghĩ, lão quên phắt có “Viên chó” đang ngồi ở đó. Còn Viên thì mải ngắm con Vện. Sau rồi thấy mình vô duyên quá, hắn lang lảng ra về chẳng thèm chào cụ Phồn lấy một câu.
Lão Phồn chết. Tin đó loang ra khắp xóm. Rạng sáng qua con Vện tru lên mấy tiếng nghe rất thảm. Người ta kéo đến rất đông. Bà Ngọ đến đầu tiên. Bà thấy con Vện nhảy cả lên giường. Nó đang liếm láp vào đôi bàn tay lạnh ngắt của lão Phồn. Thấy mọi người, con chó ngơ ngác nhìn, tịnh không sủa một tiếng nào. Nó lặng lẽ nằm phủ phục cạnh lão Phồn.
“Xuống. Xuống để xem còn cứu được ông ấy không nào”. Bà Ngọ quát và dùng tay gạt con chó sang bên. Như mọi ngày nó sẽ cắn lại bà Ngọ nhưng hôm nay con Vện ngoan ngoãn nhảy xuống đất. Đầu nó vẫn cố nghển lên nhìn lão Phồn.
Viên cũng đến. Thấy hắn, con Vện gầm gừ. Còn hắn thì nheo mắt nhìn nó đắc ý. Viên xán lại bên lão Phồn. Con Vện lách chân mọi người tìm chân Viên đợp dứ cho một phát. Viên giật mình quay lại. Con Vện giương mắt nhìn hắn. “Rồi mày sẽ biết tay tao!”, Viên hậm hực.
Đám ma lão Phồn được làng xóm lo cho tươm tất. Hôm đưa đám, con Vện lẵng nhẵng đi theo sát với chiếc quan tài. Lúc lấp đất, chẳng ai nhìn thấy con Vện đâu cả.
Từ hôm lão Phồn chết, nghĩ đến miếng cắn trộm của con Vện, Viên càng tức lồng lộn. Tuy không xước da chảy máu gì nhưng hắn vẫn tức. Tại sao bao nhiêu người ở đấy mà nó không cắn ai lại chỉ cắn mỗi một mình mình cơ chứ? Phen này ông quyết cho mày thành nhựa mận. Nỗi thèm khát bao lâu cộng với lòng căm thù con chó khiến cho hắn lồng lộn lên quyết bắt cho bằng được con Vện. Hắn muốn tự tay làm việc này. Vì vậy, liên tục các ngày sau đám ma hắn đến rình rập quanh túp lều lão Phồn. Tịnh không thấy con Vện đâu. Hắn phái mấy đứa con lùng sục trong làng ngoài bãi. Cũng không thấy. Lạ nhỉ? Nó ở đâu? Hơn tuần rồi còn gì? Đêm qua mưa bão thế mà nó cũng không về thì lạ thật? Hay là tay nào cuỗm tay trên của mình rồi? Nếu vậy thì tiếc quá. Cái lão thầy bói chẳng bảo mình rằng “ông mà có được bộ “ngẩu pín” loại vện già ngâm rượu uống thì sẽ phát nhanh lắm, lộc về như nước” đấy là gì. Thế hắn mới đeo đuổi con Vện của lão Phồn chứ. Bây giờ thì hốc xịt ư?
“Bố. Tìm thấy nó rồi!”. Đang mê mẩn nghĩ vậy thì tiếng đứa con trai ở đâu xồng xộc chạy về. “Ở đâu? Bắt về đây chưa?”. Hắn hỏi dồn. “Chưa. Ở ngoài nghĩa địa”. Thằng bé chỉ trỏ. Chẳng kịp hỏi lại ra sao, hắn vớ vội cái thòng lọng chạy vù đi. Tới nơi, hắn tròn mắt khựng lại trước mộ lão Phồn. Con Vện đang nằm sõng soài cạnh ngôi mả mới. Mắt nó vẫn mở trừng trừng nhìn về phía dòng sông. Nó đã chết cách đó vài ngày. Trên nấm mộ bát cơm và quả trứng vẫn nguyên si và nhão nhoét trong mưa. Bất chợt, Viên rùng mình nghĩ. Loài chó cả đời chẳng biết cười là gì. Chỉ khi chết, lúc người ta hun rơm nó mới nhe răng ra. Là chủ quán thịt chó, hắn rõ điều này hơn ai hết. Vậy mà con Vện này, chết rồi mà nó có cười được đâu. Rõ khổ thân cho nó.
Bà Ngọ cũng vừa vác cuốc đi tới. Bà hết nhìn con chó lại nhìn cha con hắn. “Nào, giúp tôi một tay đào cái hố chôn cho nó”. Chẳng biết cha con tay Viên có đồng ý hay không, bà Ngọ nói với họ. Viên làm theo như một cái máy. Họ xúm lại chôn con Vện ngay cạnh ngôi mộ của lão Phồn. Xong đâu đấy, Viên thất thểu lê bước sau bà Ngọ cùng thằng con ra về. Bao nhuệ khí lúc đi giờ tan biến đâu hết cả. Trong đầu Viên rộ lên tiếng chó sủa, kêu ăng ẳng.
Cạnh túp lều của lão Phồn, dưới bến sông, con thuyền mà “thầy trò” lão Phồn hay đi với nhau giờ bỏ không đang chòng chành theo sóng nước.