Tham luận của nhà biên kịch Nguyễn Long Khánh, Chi hội trưởng Chi hội điện ảnh Việt Nam tại thành phố Hải Phòng tại hội thảo “Đổi mới và nâng cao hiệu quả sáng tác của văn nghệ sĩ tại các Nhà sáng tác”.
TRẠI SÁNG THẬT CẦN THIẾT QUAN TRỌNG
ĐỐI VỚI VĂN NGHỆ SĨ
Tôi là người viết kịch bản phim truyện, làm Chi hội trưởng Chi hội Điện ảnh Việt Nam tại thành phố Hải Phòng, là đối tượng được Hội Điện ảnh Việt Nam khi xem xét có châm trước là đại biểu địa phương có chút thành công về công việc của mình, nên được tham gia trại sáng tác của Hội hàng năm. Năm thì được dự trại ở Nha Trang, năm thì ở Đà Lạt, rồi Vũng Tàu, Cát Bà và cả ở trại sáng tác của Cục Điện ảnh ở Ba Vì... Nói chung về Trại sáng tác có nhiều ý kiến khá phong phú, khi trao đổi giao lưu tọa đàm, nhưng cũng có ý kiến bày tỏ quan điểm của mình chưa thấy được sự cần thiết của Nhà sáng tác… Nhưng nhìn chung, là ý kiến hoan nghênh ủng hộ tích cực về tầm quan trọng, cần thiết bổ ích, hiệu quả của Trại sáng tác là chủ yếu; còn ý kiến phản biện trái chiều thì cho rằng: Trại sáng tác chưa thật nghiêm túc, còn nặng về đi tham quan, nghỉ ngơi, thư giãn của các trại viên nên hiệu quả chưa cao… Thực ra, đó chỉ là ý kiến cá biệt của vài người đi dự trại một hai lần kiểu cưỡi ngựa xem hoa, vận chuyện ta ra chuyện người, rồi phát ngôn thiếu cân nhắc…
Tôi xin khẳng định: với anh em văn nghệ sĩ có ý thức, trách nhiệm thực sự đam mê với nghề nghiệp của mình thì trại sáng tác của các hội chuyên ngành trung ương và địa phương là rất cần thiết, quan trọng, bổ ích, đạt hiệu quả cao và là nguồn động viên tích cực trong công việc sáng tác hoàn thành tác phẩm của các văn nghệ sĩ bất cứ lĩnh vực nào. Ở đây tôi xin đề cập mấy vấn đề cơ bản của Trại sáng tác hàng năm:
- Với anh em văn nghệ sĩ được xét duyệt cử đi dự trại sáng tác là điều vinh dự, phấn khởi vì được lãnh đạo quan tâm, duyệt đề cương sáng tác đồng thời tạo điều kiện cho mình hoàn thiện tác phẩm, cho nên với mỗi anh em biên kịch, đạo diễn, quay phim, nghiên cứu điện ảnh đi dự trại mười, mười hai ngày đều có kế hoạch làm việc cụ thể của mình để đạt hiệu quả cao nhất. Ví dụ ở Trại sáng tác Điện ảnh chúng tôi thường làm là phân nhóm làm việc: nhóm phim truyện, nhóm phim tài liệu khoa học, nhóm phim hoạt hình để trao đổi với nhau đề cương kịch bản, ý tưởng sáng tác, quá trình làm phim và cả những chi tiết kịch bản, kỹ thuật viết… Có những vấn đề gì khúc mắc, bế tắc thì cùng nhau trao đổi tháo gỡ, giúp nhau, vì những ý tưởng sáng tác, đề cương kịch bản là xương sống của tác phẩm. Những buổi trao đổi thân mật chân tình đó có ý nghĩa cần thiết, hiệu quả giúp nhau sửa đổi, chỉnh lý tác phẩm: như chủ đề của phim, tuyến các nhân vật chính phụ sao cho phim lạ, hay, hấp dẫn; rồi cả chuyện đưa những điều mình muốn nói, gửi gắm vào tác phẩm tới công chúng như thế nào cho hợp lý để bên trên có thể chấp nhận được. Chỉ có ở trại sáng tác mới có những buổi trao đổi chân tình thoải mái giữa biên kịch, đạo diễn, diễn viên để đạt hiệu quả cao nhất của phim khi công chiếu (tôi xin nêu một chuyện để chứng minh khi tôi viết kịch bản phim “Ngôi biệt thự màu tro lạnh” (36 tập) đến phần kết bí quá vì muốn kết thế nào cho hợp lý để người xem chấp nhận được lại có ý nghĩa. Tội lỗi của ông phó chủ tịch Hoàng Tuấn và người tình kế toán trưởng Mai Lan trong phim thật khủng khiếp về lương tâm nhưng không có điều luật nào có thể áp dụng để đưa họ ra tòa được. Khi thảo luận với nhau, tôi trình bày vài kiểu kết thúc nhưng các bạn đều bảo không ổn. Sau đó nhà văn Đình Kính chợt vỗ đùi bảo tôi: “Sao ông không kết thúc phim bằng một vụ cháy, tai nạn cháy nhà chẳng hạn, làm hai người chết, tội ác của họ đã bị trừng phạt một cách tự nhiên hợp lý…?”. Và tôi đã chọn cái kết của phim “Ngôi biệt thự màu tro lạnh” như vậy đã được người xem đồng tình thỏa mãn cho rằng cái kết rất hợp lý… Một ví dụ nữa, từ Trại sáng tác kịch bản năm 2006 tại Cát Bà và Trại sáng tác 2007 tại Đà Lạt từ gợi ý trao đổi và yêu cầu thực tế của Trại sáng tác, tôi đã hoàn thành 02 kịch bản về bóng đá và được dựng ngay. Năm 2006 bộ phim “Trận cầu đinh” (5 tập), năm 2007 bộ phim “Những trận cầu đen” (14 tập) do đạo diễn Đỗ Chí Hướng (Trung tâm sản xuất phim truyền hình – Đài TH Việt Nam làm).
- Điểm quan trọng thứ hai của Trại sáng tác là việc giao hòa trao đổi, truyền đạt kinh nghiệm cho nhau giữa các đạo diễn, biên kịch cao niên với các đạo diễn, biên kịch trẻ giúp họ có niềm say mê sáng tác, tinh thần làm việc tốt hơn. Tôi nhớ có nhiều câu chuyện tâm tình, trao đổi bổ ích của các đạo diễn Hải Ninh, Bùi Đình Hạc, Trần Văn Thủy, Lương Đức… đã giúp đỡ các trại viên trẻ rất nhiều. Mặc dù ở những lĩnh vực khác nhau nhưng kinh nghiệm cuộc sống và câu chuyện làm nghề là những điều quý báu có thể học tập lẫn nhau. Thường ở các trại sáng tác điện ảnh, các buổi tối tổ chức chiếu phim các tác phẩm nổi tiếng của điện ảnh thế giới rồi cùng nhau phân tích trao đổi những điều hay, cách thể hiện, kỹ thuật làm phim thực sự có ích cho mỗi người. Những buổi đi tham quan, giao lưu, đi thực tế thật lý thú, bổ ích làm chúng tôi hiểu, quý mến nhau hơn. Những cuộc đi thực tế giúp chúng tôi có nhiều tài liệu, hình ảnh để làm phim và có những bài viết sâu sắc, xúc động về nhau. (Tôi đã có những bài viết về đạo diễn Hải Ninh, đạo diễn Trần văn Thủy, diễn viên Hồng Sơn, biên kịch Hồng Ngát, đạo diễn Bùi Duy Thuần… đăng trên báo và in trong tập phê bình điện ảnh văn học của tôi).
- Điểm thứ ba cần nhấn mạnh đó là hiệu quả thiết thực của Trại sáng tác. Có thể nói gần như 100% các trại viên đều hoàn thành tác phẩm của mình theo đề cương được duyệt, chậm nhất là sau kết thúc trại một tháng với chất lượng tương đối tốt; chủ yếu loại A, loại B, không có loại C. Nhiều kịch bản phim truyện, kịch bản phim tài liệu khoa học, phim hoạt hình đã được sản xuất và công chiếu, dự nhiều liên hoan phim trong và ngoài nước đoạt giải đều bắt nguồn từ trại sáng tác. Như với tôi, từ dự Trại sáng tác năm 2006 cho tới năm 2014, năm nào tôi cũng có kịch bản được dàn dựng, sản xuất, công chiếu trên màn ảnh cả nước. Tôi đã có 17 kịch bản phim truyện truyền hình nhiều thể loại, trong đó có 8 kịch bản phim dài tập đã được điện ảnh chiều thứ bảy, Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam, Truyền hình kỹ thuật số VTC, Hãng phim truyện 1, Truyền hình Hà Nội sản xuất, trong đó có những phim tạo được ấn tượng tốt với người xem như “Trò đùa số phận” (20 tập, 2005), các phim “Cổ vật” (22 tập), “Đất thiêng” (6 tập), “Ngôi biệt thự màu tro lạnh” (36 tập), “Bản di chúc bí ẩn” (26 tập), “Bạn đời”… Tất cả những kịch bản của tôi đều xuất phát hình thành ý tưởng, đề cương ở các Trại sáng tác của Hội Điện ảnh Việt Nam. Rất nhiều ý tưởng sáng tác và chủ đề làm phim ở Trại sáng tác đã được hình thành, phát triển, hoàn thiện với nhiều anh em văn nghệ sĩ tham gia trại. Trại sáng tác cũng là nơi tăng cường sự đoàn kết gắn bó, hiểu biết lẫn nhau của anh em văn nghệ sĩ khắp đất nước mỗi lần được cũng nhau hội ngộ ở Trại sáng tác của các Hội. Nhiều tình bạn sâu sắc, xúc động đã được hình thành, vun đắp bền vững bắt đầu từ trại sáng tác.
- Một điều quan trọng cần phải đề cập đó là sự thành công đạt hiệu quả cao của các Trại sáng tác là có sự chăm sóc chu đáo tận tình của cán bộ, nhân viên từ Trung tâm sáng tác của Bộ tới các nhà sáng tác Đại Lải, Tam Đảo, Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu… Các trại sáng tác thật sự như một gia đình, làm văn nghệ sĩ có cảm nhận như đi xa trở lại gia đình vì thái độ phục vụ chu đáo, tận tình của cán bộ, nhân viên các nhà sáng tác. Ví dụ như Phó Giám đốc Mai Hương và cán bộ nhân viên của nhà sáng tác Nha Trang đã để lại ấn tượng tốt đẹp, mối giao hòa ấm áp, tình cảm làm anh em văn nghệ sĩ thực sự xúc động, khó quên.
Tất nhiên chúng ta không thể nói hay, nói tốt 100% về nhà sáng tác, vẫn còn những tồn tại cần rút kinh nghiệm khắc phục như việc xét duyệt đối tượng đúng dự trại sáng tác và cần có chương trình làm việc, nội quy chặt chẽ cho trại viên trong thời gian dự trại để đạt được hiệu quả cao nhất, nâng cao chất lượng tác phẩm, việc nghiệm thu, thưởng phạt tác phẩm cần nghiêm túc, minh bạch, công bằng.
Có thể khẳng định mạnh mẽ, nghiêm túc một điều là Trại sáng tác đối với anh em văn nghệ sĩ là quan trọng, cần thiết thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước có tác dụng định hướng với văn nghệ sĩ cả nước. Nhà sáng tác thật sự có hiệu quả với anh em văn nghệ sĩ từ Trung ương đến địa phương được thể hiện bằng các tác phẩm văn học nghệ thuật thành công tặng nhân dân và đất nước mình. Cho nên mong muốn của anh em văn nghệ sĩ là Đảng và Nhà nước, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch duy trì hoạt động của các nhà sáng tác hàng năm để tạo điều kiện cho anh em văn nghệ sĩ cả nước tạo nên những tác phẩm hay, xứng tầm với Tổ quốc Việt nam yêu quý. Đó là nguyện vọng tha thiết của văn nghệ sĩ cả nước.
Kính chúc cuộc thội thảo thành công tốt đẹp.