ÔNG AN XÓM TÔI
Truyện ngắn của Nguyễn Xuân Quang – Hội văn học nghệ thuật Phú Thọ, sáng tác tại Nhà sáng tác Đà Nẵng tháng 9-2018.
Gọi mãi thành quen, chứ ông An xóm tôi đã tám mươi sáu tuổi rồi. Ở quê tôi, những ai ở tầm bảy mươi mùa chim én bay, tức là thuộc lớp người “cổ lai hi” thì thường được mọi người tôn kính, gọi bằng cụ. Ông An cũng chính là cụ An. Cụ hay ông, gọi thế nào cũng được, miễn là không coi thường, rẻ rúng và hỗn láo. Ông An bảo thế.
Vốn tính hiền lành, chất phác và thảo lảo. Hình như từ trước đến nay, người trong xóm ít khi nghe thấy ông to tiếng, cãi lẫy hoặc hiềm khích với bất cứ ai bao giờ. Nữa, ông tuyệt nhiên không can dự vào bất cứ chuyện gì thuộc về nội bộ cá nhân. Ông cho rằng, mau mắn quá, cứ loi soi vào việc của người khác là dốt, là thô bạo, vì như thế là xâm phạm quyền tự do của người ta, hay hớm gì? Nhưng nếu gia đình nào có chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” hoặc có cháu nào to tiếng, cãi chửi nhau, làm ầm ĩ trong xóm, khi ấy lại thấy ông xuất hiện. Bằng nụ cười đôn hậu và chất giọng ấm trầm trời cho.. Ông nhỏ nhẹ phân tích, giảng giải lẽ thiệt, điều hơn, cứ như rót mật ong vào tai, ông bảo: “Khôn không qua nhẽ, khỏe không qua nhời. Anh em tay mặt, tay trái. Cùng chung lối đi về. Không nên, không phải cứ lựa lời bảo nhau. Việc gì mà phải sừng sộ, mặt nặng, mặt nhẹ như ông Thiện và ông Ác trong chùa. Rồi mỗi chốc đã lìa được nhau đâu. Đến khi hết cơn nóng, tĩnh tâm, nhìn mặt nhau lại ngượng...”. Thành ra, cả xóm ai cũng nể, cũng yêu quý, coi ông như người ruột thịt của mình. Và, chả biết từ lúc nào, ông An đã trở thành biểu tượng của sự đoàn kết trong xóm. Mỗi khi nhắc tới ông, ai cũng tự hào bảo: Đấy là ông An xóm tôi.
Ông lâu nay rất tâm đắc câu: “Con nuôi mẹ cha, không bằng ông bà già nuôi nhau”. Chả thế mà cậu con trai út có tên là Đại, hồi hai mươi sáu tuổi cứ ngông ngênh mãi, ông lo muốn phát sốt, phát rét. Đến khi Đại học xong Trung cấp nghề, có việc làm ổn định và lấy vợ. Ông mừng, thở phào nhẹ nhõm, cứ như người trút được gánh nặng hàng tấn trên vai. Ba tháng sau, ông cắt phéng ngay nửa ô đất thổ cư chừng ba trăm mét vuông, dựng căn nhà đúc “một thớt” khá rộng rãi, khang trang và chính thức cho vợ chồng Đại ra ở riêng, khiến cậu ta giãy đành đạch như đỉa phải vôi không chịu. Nhưng cậu nhầm. Xưa nay ông An vốn có tiếng hiền từ, đức độ, nhưng lại rất nghiêm khắc và quyết đoán. Phàm những gì mà ông đã xuy tính kĩ, thì bất di, bất dịch, khó lòng xoay chuyển. Ông bảo:
- Là thằng con trai cứ bám gấu quần bố mẹ là kém, là hèn. Ví như con chim, đã biết bay rồi thì đừng để bố mẹ mớm bón nữa. Nghe bố giảng giải, uốn nắn thế, Đại vùng vằng, phụng phịu. Chợt thấy bố lừ mắt, cậu câm tịt như hến.
Thực tình, không phải ông An cố đẩy các con ra ở riêng để cho ông bà rảnh thân, suốt ngày hú hí với nhau đâu. Cái chính là ông muốn các con có ý thức tự lập, làm chủ cuộc sống và gắng vươn lên. Hơn thế, người ta khi đã về già thường trái thân, trái thói, trái tính, trái nết. Tai điếc, mắt mờ đã đành, nhưng cái tính hay hờn mát và chấp nhặt nhiều khi cũng là khởi nguyên của các vụ va chạm mẹ chồng, con dâu. Thôi, cứ ở riêng là hợp lí nhất. Người xưa bảo: tay khỉ bón miệng khỉ, nghe cũng thấy hay hay. Ở riêng tức là tạo cho các con có khoảng trời riêng để tha hồ vùng vẫy. Ở riêng còn có nghĩa là hai ông bà già cũng tự do, thỏa mái hơn. Thôi thì ăn muộn, ăn sớm, ăn khô, ăn nhão...tùy thích, chẳng phiền hà gì đến con cháu. Ở riêng, với xuất lương “thư kí ủy ban” nghỉ hưu ít ỏi của ông và hai trăm bảy mươi ngàn nhà nước cho người ngoài tám mươi tuổi như bà. Thế cũng đủ để hai ông bà trang trải, thích gì mua nấy và sớm chiều tha hồ dí dúm chuyện nhỏ, chuyện to. Những câu chuyện ở nhà quê, được ông bà “xào qua, đảo lại”, kể cho nhau nghe suốt ngày không biết chán.
Cứ nghĩ cuộc đời êm ả trôi đi, như con sông đã chảy gần đến biển. Bỗng đâu hôm ấy bà bị sốt đùng đùng và ho sù sụ như gõ mõ. Các con cuống cả lên vội mua thuốc kháng sinh về cho bà uống mà chả thấy đỡ, đành đưa bà đi bệnh viện. Tại đây, qua chiếu chụp, thử máu và làm các xét nghiệm. Trời ơi, bà bị căn bệnh ung thư giai đoạn cuối, nó đang gặm nhấm, phá phách hai lá phổi mất rồi. Biết được hung tin, ông An sững người, mặt thờ thẫn như bị ma bắt mất hồn. Hôm bà trút hơi thở cuối cùng để vĩnh viễn ra đi về với tổ tiên như người ta thường nói. Thay vì khóc lóc vật vã, ông An cứ ngồi thừ ra như pho tượng làm bằng gỗ mít. Hai tay ông buông thõng và đôi mắt đùng đục, nhìn đăm đăm về phía trời xa... Đến khi con cháu tổ chức làm ma cho bà, tức là lúc đám nhạc hiếu họ mở trống, khai kèn báo buổi lễ tang bắt đầu, thì ông lại như người bừng tỉnh sau giấc mộng. Ông chống gậy đi tha thẩn ngoài vườn. Ông nhớ bà, tiếc bà và thương bà không biết để đâu cho hết. Ông thương bà vì một nhẽ dễ hiểu, bởi hai người cùng tuổi, cùng sinh ra và lớn lên ở cái xóm Xộp nghèo xơ, nghèo xác một thời. Cái thời chỉ có hai người Pháp mũi lõ, tóc quăn, mắt xanh lè, dám cả gan cai trị cả một tỉnh mấy vạn dân. Cái thời mấy người mặc áo cộc, quần soóc, mũ phớt, tay cầm ba toong, lông lá đầy ngực kia, không biết oai phong, lẫm liệt đến đâu mà đã khiến các vị chức sắc từ tỉnh đến phủ huyện đều rất mực cung kính gọi là “quan lớn”. Họ khúm núm, bẩm thưa, lễ phép hơn cả với cha mẹ đẻ ra mình. Ông thương bà vì hai người cùng đi qua thời kì đất nước có chiến tranh. Khắp nơi chỉ thấy toàn nhà lá, vách đất và đói rách triền miên. Khi đất nước thái bình, nhà nhà no ấm và hai ông bà được hưởng thụ chừng mươi năm, thì bà lại nỡ bỏ ông mà đi. Vẫn biết “sinh lão, bệnh tử” là quy luật muôn đời, nhưng với ông An lúc này sao nó hẫng hụt quá. Cứ xót xót trong dạ thế nào...
Hình như từ khi bà về thế giới bên kia, đã khiến cho lòng ông An trống vắng. Trống vắng đến tê tái cả ruột gan. Ông thương, ông nhớ và ông ngấm cảnh “chim lẻ bạn” hơn ai hết. Ông tự khép mình, tha thẩn vào ra trong căn nhà ngói ba gian. Trừ những lúc anh em, bạn bè hay con cháu đến chơi là ông vui vẻ. Xong, ông lại kiệm nhời, trầm tư, kín đáo như thể nhà tu hành. Người già, nghĩ nhiều hơn nói là thế...
Mấy hôm nay đài truyền thanh của xã thông báo chương trình kỉ niệm bảy mươi ba năm cách mạng tháng tám và Quốc khánh mồng hai tháng chín. Tự dưng tôi thấy trong lòng chộn rộn quá. Vốn mến mộ và hợp với lối nói chuyện mộc mạc, chân tình của ông An. Tôi liền đóng bộ sơ mi cho tươm tất, đến chơi với ông. Ra đón tôi tận cửa, ông An lập bập cầm ấm đổ bã chè, pha nước. Đưa tận tay tôi quả ổi găng thơm hức, vàng ươm. Chợt ông hỏi tôi:
- Năm 1945 chú mày chưa đẻ nhỉ?
Tôi cười tếu táo:
- Năm 1945 bố mẹ cháu chưa lấy nhau, nên cháu chưa có “cấn”. Nghe đến đấy, chả biết có phải vì câu nói ngồ ngộ, hay vì vô tình tôi chạm đến nỗi niềm riêng, khiến ông An vui hẳn lên, cười ha hả. Một thoáng như mơ màng. Ông bảo:
- Năm ấy mình mới mười ba, mười bốn tuổi, còn ngồng ngộc như con châu chấu cộc ngoài bờ ruộng. Cũng năm ấy, quê mình đói dã họng, đói đến thảm hại, thê lương. Bao nhiêu thóc lúa đều phải nộp cho Pháp, cho Nhật để chúng cho ngựa ăn. Nhiều nhà đói quá đành phải ăn cả củ chuối, củ nâu. Nhưng những thứ ấy không thể nuôi sống con người, nên dù có cố nuốt vào dạ dày lại bị dạ dày tống ra ngay lập tức, kèm theo mật xanh, mật vàng cũng tồng tộc ra – Nghe ông An nói đến đấy, tôi khẽ kêu lên: Trời ơi, sao các cụ ngày xưa khổ thế? Thấy tôi sốt sắng, để tâm vào câu chuyện, khiến ông An sôi nổi hẳn lên:
- May quá, đúng lúc Cách mạng tháng tám nổ ra. Cả làng ầm ầm. Cả huyện ầm ầm. Khắp nơi sùng sục như chảo dầu sôi. Những người nông dân chân lấm, tay bùn bỗng chốc vùng lên. Nào dáo nào mác. Nào tầm vông, gậy gộc, cuốc xẻng... cả rừng người quần nâu, áo vá nhất tề kéo lên xã, lên huyện, lên tỉnh cướp chính quyền.
Ông An khi ấy cởi trần trùng trục, mặc độc chiếc quần đùi gụ đã bạc phếch. Loay hoay tìm vũ khí mãi, cuối cùng ông chạy xuống chuồng lợn vơ được chiếc câu liêm, dụng cụ để cắt cành cây và chòi quả cọ. Ông chạy vụt đi, hòa vào đoàn người cũng tay liềm, tay hái. Trên đường đi, người ta reo hò, đả đảo giặc Nhật, giặc Pháp và bè lũ địa chủ, cường hào... Trong đám reo hò đến khản cả giọng, ông An thấy có cả cô con gái, mà sau này nên nghĩa phu thê, gắn bó trọn đời với ông.
Tại phố phủ, bọn sĩ quan Nhật mặc đồ ka ki màu cứt ngựa, đeo lủng lẳng khẩu súng ngắn trễ bên hông và tay lăm lăm thanh kiếm. Cứ nhìn cái mặt vênh vênh, cũng đủ biết bọn này rất gan lì, bặm trợn. Chỉ đến khi một vị cán bộ của ta giật cây câu liêm trên tay ông An múa tít một vòng. Cây câu liêm sáng loáng, có mỏ như mỏ đại bàng kia mà ngoắc vào cổ thì toi đời là cái chắc. Hình như hiểu được điều đó, hắn mới cùng đồng bọn chịu cởi thắt lưng, trao súng và kiếm cho Việt Minh.
Chợt nhớ ra điều gì, ông An lập bập chạy vào buồng. Có tiếng lục cục, loảng xoảng. Bỗng ông gắt ầm lên:
- Đứa nào lấy của ông, đem trả mau.
Nghe thấy bố chồng kêu như thể có kẻ trộm, cô con dâu út hớt hải chạy xuống hỏi: Có chuyện gì thế ạ? Có chuyện gì – Ông An đai lại: Chiếc câu liêm ông để ở đây, chỗ này. Có đứa nào nghịch không? Trời. Chiếc câu liêm bằng sắt, nặng như thế, chứ có phải là ô tô, xe xúc bằng nhựa đâu mà cụ bảo các cháu nó nghịch. Nhưng lạ quá, lâu nay ông vẫn cất nó trên gác để làm kỉ niệm và ông luôn xem chiếc câu liêm ấy như một báu vật linh thiêng nhất trong đời. Nay không cánh mà bay, vô lí quá. Cô con dâu lại lục tìm một lần nữa, vẫn không thấy chiếc câu liêm của ông đâu. Quái lạ... Đến khi cô lật chiếc chiếu ở đầu giường của ông, cô sung sướng reo lên: Đây rồi. Cụ để thế này có giời mà tìm. Mà cục sắt rỉ bố còn giữ để làm gì?
Ông An chộp lấy chiếc câu liêm từ tay con dâu, cứ như chỉ sợ nó bay mất. Biết mình có lỗi, ông xuýt xoa thanh minh: Tuổi già nó khổ thế đấy. Chả là lâu nay tôi hay bị “tinh đất” nó đè, nên lấy chiếc câu liêm để trên đầu giường cho dễ ngủ....Bỗng ông đăm đăm nhìn vào khoảng không, như hồi tưởng những gì...xa lắm. Chợt ông thủ thỉ: Chà, mới đấy mà đã bảy mươi ba năm. Một đời người chứ ngắn ngủi gì? Hồi ấy nếu không có Việt Minh. Không có búa liềm, dáo mác, tầm vông, và những cây câu liêm...thì cuộc đời của dân mình sẽ ra sao nhỉ? Tôi khẽ xoa hai tay vào nhau, cười, thưa: Vâng, những cây câu liêm đã đóng góp một phần để làm nên lịch sử cụ nhỉ? Ông An lại cười. Vẫn nụ cười đôn hậu thường thấy trên môi. Ngoài kia, mặt trời đã lên cao, tãi cái nắng mùa thu xuống mấy chậu cúc đại đóa để trước sân, khiến những bông cúc óng lên như được dát bằng vàng, sao mà đẹp thế.
Xuân Quang
Thạch Sơn, Lâm Thao, Phú Thọ