Minh Phương

Minh Phương

Phong tục hôn nhân và gia đình của tộc người Cơ Tu ở Thừa Thiên Huế ( trích - kỳ 2) - Tác giả Nguyễn Thế Phong – Hội văn nghệ dân gian Việt Nam

Phong tục hôn nhân và gia đình của tộc người Cơ Tu ở Thừa Thiên Huế ( trích)

Phong tục nói chung và phong tục trong hôn nhân gia đình đã được bà con các dân tộc thực hiện một cách tự nguyện trải qua nhiều thế hệ. Chính phong tục này đã tạo nên nét đẹp nhân văn của tình yêu đôi lứa của các tộc người nơi đại ngàn trường sơn. Ngủ duông, ngủ mái, đi sim… là điều kiện để những đôi trai gái gặp gỡ, trao đổi tâm tình bằng những điệu khèn, tiếng đàn cùng những câu hát giao duyên, mà chỉ những lứa đôi ấy mới cảm nhận được tình cảm chứa chan mà họ trao gửi cho nhau. Kết quả của những cuộc ngủ duông, ngủ mái, đi sim… nơi chòi lá hay bên những bờ suối chảy róc rách, có tiếng chim hót hòa điệu cùng lời tình tự của những đôi trai gái nơi rừng sâu không chỉ mang cho họ cuộc sống hạnh phúc lứa đôi mà còn có cả niềm vui của cộng đồng bên ngọn lửa hồng và những ché rượu cần mừng duyên mới.

Trong thời gian tìm hiểu, chàng trai đến nhà cô gái, gõ 3 tiếng để báo tín hiệu gặp gỡ. Cô gái Cơ Tu bước ra khỏi nhà và lên tiếng:

Anh ơi !

Anh đứng đó anh chờ ai ?

Anh chờ em hay anh chờ người nào khác ?

Chàng trai đáp:

Anh đến đây chỉ chờ một mình em.

Anh không chờ người nào khác.

Cô gái lại thỏ thẽ:

Em đi tìm nước, em nhớ đến anh.

Dù em đẹp em xấu, em cũng bú sữa mẹ.

Dù em đen em xấu, cha mẹ em vẫn nuôi.

Chàng trai lại tỉ tê:

Anh đi tìm suối, anh nhớ em.

Hình dáng em vẫn đẹp.

Nụ cười em đẹp như vầng trăng…

Rồi họ rủ nhau vào rẫy để tìm hiểu. Khi cùng nhau ngủ duông trên chòi, nằm gát chân lên nhau, họ trao nhau những nụ hôn đắm đuối, chàng trai lại tỏ bày:

Chân em đẹp như thân dong,

Chân em trắng xinh giống cây chuối rừng xanh.

Đôi môi em xinh tựa đóa hoa Lơ lang,

Lấp lánh trong anh cánh hoa Dhavai…

Cô gái Cơ Tu như đắm chìm trong tình cảm nồng nàn của chàng trai. Cái bụng đã ưng nhưng vẫn kín đáo ướm lời:

Con chim Avương ngoan đậu nhánh cây dang,

Con chim Avang xinh đứng trên cây lồ ô.

Ai cõng em qua sông, em tặng chuổi cườm mã nảo.

Ai dắt em qua sông, em sẽ trao chiếc khố đẹp tự tay em dệt…

“Đôi ta cùng xây đắp cuộc đời. Trên rẫy ta có nhau, bên suối ta có nhau. No đói ta có nhau, hạnh phúc ta có nhau”...

Là người đàn ông Cơ Tu,

biết đánh trống thổi kèn, gánh vác công việc trong làng và biết lo hạnh phúc gia đình

Là người đàn bà Cơ Tu, biết cấy hái gieo trồng, sớm hôm lo việc ruộng nương, lại khéo tay dệt thổ cẩm

Việc nhà luôn giỏi giang, hát hay múa dẻo tay và dễ thương như những thiên thần...”.

"Em là người anh cậy,

cha mẹ anh trông đến cưới,

Thương em đến nỗi sầu lo,

Nhớ em đến nỗi ốm mòn bỏ ăn,

Ước gì gan ruột anh trở về em"

Trong thời gian tìm hiểu, ngườ con trai Cơ Tu thường mang theo cây Abel, một loại nhạc cụ rất độc đáo gắn liền với cuộc sống thường ngày của đồng bào dân tộc Cơ Tu trên dãy Trường Sơn. Đặc biệt, chỉ cần được nghe qua tiếng đàn abel, chàng trai và cô gái sẽ hiểu được tâm tư và tình cảm của họ dành cho nhau. Abel là tiếng đàn đại diện cho tiếng nói của tình yêu nam nữ Cơ Tu. Khi chơi đàn, hai người sẽ ngồi kề sát bên nhau. Chàng trai sẽ dùng cần kéo để tạo ra âm thanh qua chỗ tiếp giáp giữa dây đàn và thân đàn, đồng thời, bàn tay trái bấm vào dây đàn tạo ra âm thanh. Phần quan trọng nhất của đàn abel có tên là khêl - một sợi dây rừng kết nối và được buộc vào miếng vẩy con trút dáng hình tròn. Cô gái sẽ ngậm khêl và hai hàm răng cắn lấy vẩy trút, giữ cho sợi chỉ trong trạng thái luôn căng, cùng lúc dùng lưỡi và hơi tạo nên những âm thanh, nhưng hai hàm răng vẫn cắn chặt lấy vẩy trút. Vừa đàn, vừa liếc mắt đưa tình, tiếng đàn phát ra như tiếng chim hót, tiếng suối chảy, tạo thành một nản giao hưởng của tình yêu giữa núi rừng bao la như tiếp thêm sức mạnh tình yêu đôi lứa. Tiếng đàn Abel như gửi gắm những điều mong ước, khát vọng về tình yêu, về hạnh phúc, về cuộc sống tươi đẹp của đôi trai gái người Cơ Tu đang tỏ tình cùng nhau. Tiếng đàn Abel đang dẫn đường đưa lối để họ đến với nhau và xây dựng tương lai hạnh phúc nơi đại ngàn trường sơn.

VÀI NÉT VỀ CƯ DÂN ĐỒNG NAI VỚI NGHỀ THỦ CÔNG (trích) - Tác giả Phan Đình Dũng – Hội văn nghệ dân gian Việt Nam

VÀI NÉT VỀ CƯ DÂN ĐỒNG NAI VỚI NGHỀ THỦ CÔNG (trích)

I. Tổng quan về cư dân Đồng Nai

           Tỉnh Đồng Nai ở khu vực Đông Nam Bộ của Việt Nam, là địa bàn có sự cộng cư của nhiều thành phần tộc người. Theo số liệu thống kê về dân số và nhà ở năm 2019, tỉnh Đồng Nai có 33 dân tộc, bao gồm: Kinh (Việt), Hoa, Chơ-ro, Mạ, Xtiêng, Khmer, Chăm, Tày, Nùng, Dao, Thái… Các cư dân trải qua nhiều giai đoạn đến Đồng Nai và sinh tụ trên vùng đất này bằng nhiều hoạt động kinh tế; trong đó có nghề thủ công.

Nghiên cứu về khảo cổ học cho thấy, thời kỳ tiền -sơ sử có nhiều cư dân sinh sống và đã để lại nhiều dấu ân trong quá trình sinh tồn. Trong đời sống xã hội, các cư dân trước đây có các hoạt động kinh tế về nghề nghiệp: nghề chế tác công cụ sản xuất, nghề làm vật dụng, trong đó có nghề gốm phát triển qua những hiện vật được tìm thấy trong các di chỉ. Một số hiện vật bằng các chất liệu mã não, đá, kim loại của thời kỳ xưa cho thấy cư dân cổ có trình độ chế tác kỹ thuật cao (công cụ, đồ trang sức, tượng, phù điêu…). Các cư dân sinh sống lâu đời ở vùng phía Bắc của tình là Mạ, Chơ-ro, Xtiêng… có những nghề thủ công rèn, đan lát, dệt thổ cẩm… Cộng đồng người Việt, Hoa đến khai khẩn vùng đất này, đã hình thành nên các nghề thủ công để phục vụ cho nhu cầu của đời sống. Hiện nay, nghề thủ công ở Đồng Nai đứng trước những thuận lợi đề phát triển. Tuy nhiên, qua sự biến chuyển của xã hội, nhiều nghề thủ công đã không còn được duy trì bởi nhiều yếu tố tác động.

II. Nghề đúc gang

           Trong quá trình cộng cư, mưu sinh trên vùng đất Nam Bộ, cộng đồng các tộc người đã hình thành những nghề thủ công song hành với các phương thức kinh tế trồng trọt, chăn nuôi, khai thác nguồn tài nguyên tự nhiên. Những phát hiện khảo cổ cho thấy, những thế hệ cư dân xưa trên vùng đất Nam Bộ đã phát triển nghề đúc kim loại (đồng, vàng) ở trình độ cao. Bằng chứng là những tượng thờ bằng đồng, hiện vật bằng vàng được đúc, chạm, điêu khắc sắc sảo, tinh vi với nhiều hình dạng, kích cỡ, hoa văn phong phú được thể hiện trong tín ngưỡng, tôn giáo được tìm thấy, phát hiện trong các di chỉ khảo cổ. Những sản phẩm của nghề đúc đồng, vàng xưa trở thành những hiện vật, tư liệu quý hiện nay đang trưng bày tại các bảo tàng địa phương, ở Thành phố Hồ Chí Minh[1]. Cư dân Việt, Hoa, Chăm đến sinh sống sau này cũng đã hình thành các nghề thủ công, trong đó có nghề đúc đồng, duy trì cho đến ngày nay. Sản phẩm của nghề đúc đồng đáp ứng cho nhu cầu lao động, khẩn hoang trên vùng đất mới, trước hết là những công cụ lao động, sau đó là những đồ dùng, đồ thờ trong tín ngưỡng, tôn giáo. Sự phát triển của nghề thủ công này tùy thuộc vào từng địa bàn và từng thời điểm để phát triển thành làng nghề với nhiều hộ gia đình tham gia. Trong từng giai đoạn, từ tác động của những yếu tố (chiến tranh, thị trường tiêu thụ…), một số làng nghề mai một. Đặc biệt, ở vùng đô thị Sài Gòn và lân cận, nghề đúc đồng phát triển bởi dân cư đông, là trung tâm trao đổi hàng hóa phát triển. Ở Bà Rịa – Vũng Tàu, làng nghề đúc đồng được hình thành từ những cư dân Bình Định (miền Trung) đến sinh sống khoảng thế kỷ XVII. Theo Nguyễn Thanh Lợi, nghề đúc đồng có mặt tại Sài Gòn khá sớm. Những người thợ từ Quy Nhơn vào đất Gia Định những năm 1720 - 1750 lập ra làng chuyên đúc đồng Nhơn Giang (Nhơn Ngãi) ở khu vực Chợ Quán. Nghề đúc đồng ở đây đã có nhiều cải tiến về phương pháp sản xuất, kiểu dáng sản phẩm, dần dần trở nên nổi tiếng với một phong cách riêng. Tổng trấn Lê Văn Duyệt rất quan tâm, ông hay đến quan sát cách thức sản xuất của thợ và khách hàng tiêu thụ thường xuyên của làng nghề này[2]. Địa bàn Biên Hòa xưa, nay thuộc Đồng Nai có nghề đúc gang được hình thành từ thế kỷ XIX. Không như những làng nghề đúc đồng ở miền Bắc với sự hình thành lâu đời, biết được gốc gác truyền nghề từ những con người cụ thể, những làng nghề đúc đồng ở Nam Bộ hình thành muộn hơn. Người thợ làm nghề vẫn thờ cúng Tổ nghề nhưng với tính chất cá nhân của hộ gia đình, không có cơ sở tín ngưỡng chung. Tổ nghề được xác định một cách chung Tam vị Tổ sư ở nhất như làng nghề làng nghề An Hội, quận Gò Vấp, TPHCM. Làng nghề Thạnh Phú ở Đồng Nai cho biết người của làng học nghề từ Thái Lan (đi lính) và truyền nghề cho dân làng, được tôn thành Tổ nghề. Hiện nay, các làng nghề đúc (đồng, gang) ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn duy trì với những hộ gia đình gắn bó qua những thăng trầm, sản xuất những mặt hàng đáp ứng nhu cầu không chỉ của người dân địa phương và nhiều nơi. Nhiều hộ gia đình, các nghệ nhân nắm giữ những bí quyết của nghề, áp dụng khoa học kỹ thuật trong một số công đoạn để chế tạo những sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường, mở hướng cho làng nghề phát triển. Tuy nhiên, những người thợ của làng nghề ít dần trong sự chuyển đổi sinh kế bởi nguồn thu nhập chưa ổn định so với các ngành nghề hiện tại.

2.3.2. Nghề đúc gang ở Thạnh Phú – Đồng Nai

- Vài nét lịch sử

Nghề đúc gang ở Thành Phú được nhiều hộ dân duy trì tại ấp 2, xã xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu. Nghề được hình thành vào thế kỷ XIX (thuộc làng Bình Thạnh, tổng Phước Vĩnh Hạ, tỉnh Biên Hòa trước đây). Ông tổ của nghề được truyền khẩu là người của làng, đi lính qua Xiêm (Thái Lan) học nghề và trở về truyền lại cho dòng họ. Đời thứ tư của Tổ nghề hiện đang sống và làm nghề tại làng. Thời kỳ phát triển, làng nghề có 30 lò đúc gang ở các làng Bình Thạnh, Tân Phong, Bình Thành, Bình Lợi, Bình Ý. Lò đúc đầu tiên hình thành ở ấp Xóm Mới với cách làm thủ công với những vật dụng, đồ nghề, cơ sở thô sơ: đôi bễ thổi lửa, lò chõ nấu gang, lò nung khuôn, khuôn đất sét, than củi. Sau này, sản phẩm nghề đúc được các nơi mua nhiều, nên nhiều gia đình chon con cháu theo học nghề. Các công đoạn đúc gang đòi hỏi nhưng người theo học và sau này làm thợ phải có sức khỏe, tính cẩn thận, chịu khó. Mỗi lò đúc đòi hỏi nguồn nhân công khoảng 20 người.

           Làng nghề hoạt động qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Năm 1945, chiến tranh xảy ra nên làng nghề không hoạt động. Năm 1947, làng nghề hoạt động trở lại nhưng sau đó, do mức độ chiến tranh ngày càng ác liệt ở địa phương, một số thợ đúc của làng nghề rời làng đến Sài Gòn, Tây Ninh tiếp tục làm cho các lò đúc khác. Năm 1951, làng nghề hoạt động trở lại, chủ yếu sản xuất công cụ nông nghiệp, chủ yếu là lưỡi cày bán ở địa phương và các vùng phụ cận. Năm 1959, những người thợ Nguyễn Văn Sườn, Nguyễn Văn Khâu rời làng trước đây trở về địa phương, đem áp dụng những kỹ thuật mới cho làng nghề: nấu gang bằng lò nằm, nấu dầu lửa và sau đó thay lò chõ nấu bằng than đá. Sau năm 1975, do nhiều khó khăn, làng nghề hoạt động cầm chừng, một số lò sản xuất lưỡi cày, lưỡi cuốc đáp ứng cho nhu cầu tại địa phương. Sau năm 1986, làng nghề hồi sinh khi các chủ lò trước đây tập hợp nghệ nhân, thợ để sản xuất gồm các cơ sở của các cá nhân: Lê Văn Út, Nguyễn Hoàng Minh, Nguyễn Văn Hươn, Nguyễn Quang Cường, Nguyễn Quang Hùng, Nguyễn Văn Định, Nguyễn Văn Năm, Trần Văn Ngọ, doanh nghiệp tư nhân Tam Hiệp Thành… Các cơ sở hoạt động theo tính chất hộ gia đình, độc lập trong tổ chức sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm, vốn liếng, thuê nhân công… Nguồn vốn ở các cơ sở thấp, không đồng đều. Nhà xưởng thường có quy mô nhỏ, mỗi tháng tổ chức nấu 2 kỳ (mỗi kỳ 12 ngày), khoảng 10 -15 tấn phế liệu. Thập niên 90 (thế kỷ XX), sản phẩm của làng nghề có chất lượng, vừa tiêu thụ mạnh trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Nhiều lò sản xuất liên tục. Năm 2007, tỉnh Đồng Nai phê duyệt đề án Khôi phục và phát triển nghề đúc gang xã Thạnh Phú huyện Vĩnh Cửu đến năm 2010 nhưng không hiệu quả. Hiện nay, làng nghề chỉ còn 5 hộ duy trì nghề với sự linh hoạt trong đầu tư cơ sở và tìm nguồn hàng để sản xuất cũng như quảng bá, tiêu thụ, làm gia công cho những công ty có nhu cầu đặt hàng


[1] Các hiện vật được trưng bày trong nội dung văn hóa Phù Nam ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh cũng như các giai đoạn Nam Bộ trước khi người Việt đến định cư, tại các di tích khảo cổ được xếp hạng di tích, có phòng triển lãm.

[2] Theo Nguyễn Thanh Lợi, Làng nghề trên đất Sài Gòn xưa đăng trong kỷ yếu Làng nghề và phát triển du lịch do Trường đại học KHXH &NV (Đại học Quốc gia TPHCM) và Trường đại học Silparkon (Thái Lan) tổ chức, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TPHCM, tr. 255 – 260.

Văn hóa ẩm thực của người Dao đỏ ở xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn (trích - kỳ 1) - Tác giả Hồ Sỹ Lập – Hội văn nghệ dân gian Việt Nam

Tác giả Hồ Sỹ Lập – Hội văn nghệ dân gian Việt Nam – sáng tác tại Nhà sáng tác Vũng Tàu tháng 4/2022.

Văn hóa ẩm thực của người Dao đỏ ở xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn (trích)

2.2. Các món ăn chủ yếu

2.2.1. Các món chế biến từ cá

Canh cá:: Cá bắt được ở khe suối mang về mổ bụng moi hết ruột ra, không đánh vẩy mà giữ lại. Sau đó rửa sạch cá với muối, không chặt miếng mà để cả con cho vào nồi rồi đổ nước vào đun. Khi đun sủi tăm thì lấy lá chua hái trên rừng về rửa sạch, cắt đôi rồi cho vào nồi, cuối cùng nêm muối vào vừa ăn rồi tiếp tục đun sôi. Nếu ai ăn được cay thì thái ớt tươi vào cho thơm và bớt mùi tanh của cá.

Canh cá nấu với măng chua cũng là món ăn phổ biến ở người Dao. Cách nấu cũng giống như trên nhưng thay vì cho lá chua vào thì người dânlại dùng măng chua có sẵn trong nhà. Ở người Dao, hầu như gia đình nào cũng có măng chua ngâm sẵn trong nhà, khi nào cần dùng là có ngay.

Cá nướng:

Cá nướng cũng được làm sạch như nấu canh, tức là không đánh vẩy mà chỉ mổ bụng moi hết ruột ra, rửa sạch, để ráo nước rồi cho lên than hồng nướng chứ không dùng kẹp hay xiên như ở dân tộc khác. Cá nướng đến khi chín thì mang ra giã nhỏ cùng với muối, ớt rồi múc ra đĩa để ăn với cơm. Thường thì những loại cá nhỏ bằng 2-3 ngón tay thường được nướng còn cá to thì nấu canh.

Nếu hôm nào xúc được nhiều cá thì rửa sạch chúng, trộn với muối cho vào ống nứa, sau đó lấy lá dong bịt lại rồi dùng lạt buộc chặt. Xong xuôi, ống cá được bảo quản ở góc bếp, khi nào muốn ăn thì lấy ra nướng hoặc nấu canh theo ý thích. Đây là cách xử lý và bảo quản vốn rất phổ biến ở nhiều dân tộc sinh sống ở vùng miền núi nước ta, vừa đơn giản, vừa bảo quản được lâu mà rất tiện lợi khi cần sử dụng.

2.2.2. Các món chế biến từ thịt

Món thịt nướng

Thịt lợn nướng: thịt lợn có được từ các dịp cúng lễ, đám cưới hay dịp nào đó. Thịt lợn nướng thường là thịt nạc không có mỡ. Đây là món ăn khá phổ biến trong ẩm thực của người Dao trong các nghi lễ, nhưng do điều kiện về kinh tế nên không được chế biến thường xuyên trong bữa ăn hàng ngày. Món thịt nướng của người Dao có mùi vị rất riêng và rất hấp dẫn. Đối với thịt trâu hay thịt bò nướng, gia vị chủ đạo và quan trọng nhất bao giờ cũng phải là gừng, còn với thịt lợn thì không cần đến gừng, ngoài ra còn phải có tỏi, ớt, hành củ và mác khén. Để làm món gà nướng, người ta ướp các loại gừng, tỏi, hành, muối ớt giã nhỏ cùng với lá chanh và sả. Các loại thịt đó, sau khi tẩm ướp khoảng nửa tiếng thì cho vạo nẹp tre (cắp nan) đưa lên nướng than hồng trong bếp, khi nướng trở đều để khỏi cháy. Miếng thịt nướng của người Dao rất ngọt bởi nó được cắt khúc khá to nên giữ được chất mà không bị khô. Nướng xong, gỡ thịt ra khi nào ăn thì mới thái. Gia vị chấm cho món này thường là muối ớt.

Thịt xông khói

Thường được chế biến từ thịt thú rừng khi người dân săn bắn được, hay thịt trâu, bò hoặc thịt lợn do gia đình nuôi thịt. Đây là hình thức để bảo quản thực phẩm dư thừa chưa dùng đến. Thịt được cắt thành thỏi dài, không được rửa nước mà phải để nguyên vì nếu rửa sẽ nhanh bị thối, lấy dây mây xuyên qua rồi treo lên gác bếp. Hàng ngày khi đun nấu, khói bếp và hơi nóng từ lửa sẽ làm cho miếng thịt se lại rồi khô dần. Khi cần đến, người ta đem nướng lại trên than hoặc đồ trong chõ. Món thịt khô rất phù hợp với xôi, có thể ăn trong ngày thường hoặc ăn trong ngày tết, ngày lễ.

Món thịt xào

Thịt làm món xào không nhất thiết phải là nạc, mà có thể dùng thịt ba chỉ, thịt chân giò,... Thịt được thái miếng nhỏ cho vào nồi hoặc chảo rồi xào với gừng tươi thái mỏng, sau đó nêm mắm muối vào cho vừa khẩu vị của gia đình là được.

Món thịt luộc

Đối với món thịt luộc, người Dao chỉ luộc thịt lợn bí, đây là giống lợn địa phương nuôi rất lâu lớn nên thịt nhiều nạc, săn chắc nên rất ít mỡ. Thịt của giống lợn này luộc lên rất thơm, ăn ngọt, phần mỡ ăn không ngầy. Gia vị chấm thịt lợn luộc chủ yếu là muối ớt.

Món thịt muối chua

Thịt làm món này phải là loại có cả nạc và mỡ, bởi vì như thế mới giữ được lâu và sau này khi đem thịt này ra nướng hoặc nấu canh thì không cần phải cho thêm mỡ vào. Thịt rửa sạch, để ráo, thái lát rồi cho vào xoong sau đó lấy gạo rang lên đến độ vàng cần thiết, không được rang cháy vì sợ thịt đắng, giã nhỏ cùng với muối và hạt mắc khén thành bột rồi trộn đều với thịt đã thái lát, sau đó cho thêm một ít rượu Đao vào nữa cho nhanh chua và dậy mùi thơm. Cuối cùng người ta cho thịt vào ống bương, ống nứa và nút lại bằng lá dong. Ống thịt đó được bảo quản ở góc bếp nới thoáng mát, chứ không để ngay cạnh bếp lửa lâu chua và dễ bị hỏng. Một tuần sau khi cho vào ống là có thể lấy ra dùng được, có người muốn ăn nóng thì cho vào nồi đổ thêm ít nước đun sôi lên là được hoặc có thể lấy ra xào, nướng hoặc nấu canh... thịt ướp chua có thể để dành hàng tháng mà không bị hỏng.

Món tiết canh

Tiết canh là món ăn mới có gần đây của người Dao. Tiết canh thường được làm khi người ta thịt vịt, lợn. Để làm được món tiết canh, vệc quan trọng nhất là không để tiết bị đông lại, Vì thế người Dao cho muối đã pha sẵn với một ít nước đã đun sôi để nguội, khi cắt tiết con vật, máu sẽ được khuấy đều với nước muối pha sẵn đó để nó không bị đông lại. Một số bộ phận hay dùng để làm nhân cho món tiết canh như phổi, cuống họng, gan hoặc một ít thịt mà nếu có cả xương sụn thì càng tốt. những thứ này sẽ được bằm nát, sau đó rang khô lên để nó chín. Nhân sau khi chín sẽ được múc ra bát, sau đó pha tiết với một ít nước đun sôi để nguội đã chuẩn bị trước rồi đợi đến khi nó đông lại là có thể ăn được. Đối với tiết canh ngan, vịt, thì cách làm cũng tương tự như tiết canh lợn, chỉ khác là lấy các bộ phận lòng, mề để làm nhân và cho thêm sả, (thêm ớt nếu ăn được), và một ít hạt lạc rang để món ăn được thơm hơn. Món tiết canh ngày càng trở nên phổ biến hơn trong các dịp lễ tết của người Dao. Vì thế, khi mua thịt lợn, người mua thường được múc thêm một ít tiết lợn để làm món tiết canh. Không chỉ những người đàn ông, uống rượu mới ăn tiết canh mà nhiều người phụ nữ và trẻ em cũng thích ăn món này.

Phong tục hôn nhân và gia đình của tộc người Cơ Tu ở Thừa Thiên Huế ( trích - kỳ 1) - Tác giả Nguyễn Thế Phong – Hội văn nghệ dân gian Việt Nam

Tác giả Nguyễn Thế Phong – Hội văn nghệ dân gian Việt Nam – sáng tác tại Nhà sáng tác Vũng Tàu tháng 4/2022.

Phong tục hôn nhân và gia đình của tộc người Cơ Tu ở Thừa Thiên Huế (trích)

C.II Nam nữ Cơ Tu - bước đầu tìm hiểu và tục ngủ “duông”.

Trong gia đình người Cơ Tu xưa, khi có con gái đến tuổi dậy thì, tức khoảng13, 14 tuổi; người cha, với vai trò là chủ gia đình lại bắt đầu lo đến chuyện kiếm chồng cho con gái. Ngày xưa, ở các vùng đồng bào dân tộc ít người, việc dựng vợ gã chồng cho con cái là việc hệ trọng vì đây là yếu tố chuẩn bị để hình thành một gia đình mới trong cộng đồng. Việc làm đầu tiên là người cha của cô gái bắt đầu chuẩn bị vật liệu để dựng một chòi lá nhỏ ngay tại khu nương rẫy gần nhà. Nói là chòi lá nhỏ, nhưng chòi phải thật chắc chắn, có thể chịu đựng trọng lượng của hai người. Khi chiếc chòi lá xuất hiện, mọi người trong làng nhất là các thanh niên đã nhận được tín hiệu cô con gái của nhà đó đã đến lúc muốn chồng. Các chàng trai bắt đầu lượn lờ, xuất hiện gần nhà cô gái. Người cha cô gái thường muốn chọn cho con mình một chàng trai siêng năng, giỏi giang biết làm nương, săn thú…Ông ta bắt đầu quan sát và tìm trong đám trai làng đang xuất hiện gần nhà để tìm cho con gái đối tượng có thể đáp ứng những điều kiện xây dựng ương lai với người con gái của mình. Sau đó, người bố báo cho cô gái về người con trai bố đã chọn và cho phép con được ngủ duông với chàng trai ấy. Khi biết được đối tượng đã được người cha gợi ý. Người con gái lại kín đáo đổi trao ánh mắt cùng với chàng trai. Chàng trai mạnh dạn đến trước nhà cô gái. Người nhìn thấy sự xuất hiện của chàng trai đúng như cái bụng của mình thích. Người cha đi ra phia chòi lá. Như hiểu được sự đồng tình của người cha, cô gái Cơ Tu e thẹn cùng chàng trai theo ra chòi lá. Cả hai sẽ cùng ngủ qua đêm trên chòi lá để đổi trao, tìm hiểu, bắt đầu một cuộc tình của đôi trai gái nơi núi rừng yên tỉnh. Tục này gọi là ngủ duông. Khi đôi trai gái bước lên chòi, ban đầu họ ngồi nói chuyện, trao đổi tâm tình với nhau. Lúc nầy người cha vẫn đứng gần chòi để quan sát và chờ đến khi nào thấy cặp đôi cùng nằm xuống ôm ấp nhau thì người cha mới yên tâm ra về. Sáng hôm sau, chàng trai theo cô gái về nhà thì đã thấy cha mẹ cô gái đã chuẩn bị xôi gà để thết đãi. Trong chén rượu sơ ngộ cùng chàng trai, người cha cô gái bắt đầu vừa thăm dò ý tứ xa xôi với chàng trai vừa nhìn ánh mắt cô con gái của mình. Nếu cô gái đồng tình thì đây chính là chàng rể tương lai của gia đình. Ngủ duông không chỉ một đêm mà còn tiếp diễn nhiều lần mới tính được cuộc lứa đôi. Có khi thấy chưa cảm nhau, người con trai hoặc con gái có thể ngủ duông với vài người khác để lựa chọn. Ông Rapat Kình cho biết thêm, trường hợp người bố đưa con gái và chàng trai đi ngủ duông là tục trước đây của người Cơ Tu ở vùng Tây Giang và Đông Giang của tỉnh Quảng Nam, còn đối với người Cơ Tu ở Nam Đông gọi là “vooch pơơ” tức là đi tìm hiểu. Các chàng trai phải chủ động đi rủ các cô gái. Khi đến nhà cô gái, họ gõ vào cầu thang 3 tiếng, cô gái nghe tín hiệu, biết là có người trai đến. Từ trong nhà, cô gái nhìn ra cầu thang; nếu đúng là chàng trai mà cô gái đã từng biết, đã từng để ý, thì cô thong thả bước xuống cầu thang của nhà mình. Chàng trai bắt đầu ngõ lời với cô gái, hỏi cô gái có đồng ý cùng mình tìm hiểu để nên vợ nên chồng không ? Nếu cô gái đồng ý (ưng cái bụng) thì cả hai cùng nhau đi vào chòi để ngủ duông. Cứ một lần đi ngủ để tìm hiểu, chàng trai phải có một món quà tặng cho cô gái; quà tặng có khi là cái áo hoặc đồng bạc…Chuyện ngủ duông hay ngủ để tìm hiểu nhau vẫn còn diễn ra ở các thôn làng Cơ Tu ở vùng rừng sâu. Mới nghe chuyện trai gái Cơ Tu ngủ với nhau để tìm hiểu, có người vội nghĩ là các cặp đôi sẽ khó có thể vượt qua những đòi hỏi xác thịt khi chỉ có hai người tự do giữa đại ngàn trường sơn thanh vắng, nhưng kỳ thực chuyện này rất khó xãy ra vì họ bị giới hạn bởi sự kiêng cử trong luật tục của người Cơ Tu. Nằm ngủ với nhau suốt đêm, chàng trai có thể hôn môi, sờ mó “bầu sữa” hoặc thân thể của cô gái, nhưng tuyệt nhiên cả hai không bao giờ dám vượt qua điều cấm kỵ của luật tục để dẫn đến giao hoan cùng nhau. Người Cơ Tu tin rằng nếu cặp đôi nào vượt quá giới hạn thì trước hết đối với bản thân của hai người sẽ bị ốm đau, tai nạn, nếu trèo cây thì bị ngã rơi xuống đất; nếu tắm sông tắm suối bị chết đuối, vào rừng bị hổ vồ…Trường hợp nếu chàng trai và cô gái do đòi hỏi nhục dục của thể xác mà vượt quá giới hạn, cô gái mang thai trước khi cưới thì sẽ bị làng phạt rất nặng. Phạt một con trâu, có thể chịu được, nhưng không cho cưới hoặc đuổi ra khỏi làng là một nỗi nhục lớn cho bản thân và cả gia đình người con trai... Trường hợp nộp phạt và cho cưới thì cũng bị cả làng và dòng họ khinh rẻ, có khi cưới nhau xong phải dắt díu nhau đi sống ở vùng khác, hay tìm đến một khu rừng hẻo lánh chưa có chủ để cùng nhau chung sống. Chính nhờ luật tục khắc khe đó nên chẳng cặp đôi nào dám vi phạm. Tục ngủ duông của người Cơ Tu, tục ngủ mái của người Thổ (Thanh Hóa), đi sim của người Vân Kiều, Pa Cô đều có những nét tương đồng là trai gái được tự do tìm hiểu, ăn nằm với nhau, nhưng tuyệt nhiên không được vượt qua giới hạn mà luật tục cộng đồng đã qui định…

Khai mạc Trại sáng tác Âm nhạc Vũng Tàu 2022

Ngày 4/5/2022, tại Nhà sáng tác Vũng Tàu, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật khai mạc Trại sáng tác Âm nhạc 2022.

Tới dự khai mạc Trại có ông Huỳnh Văn Hồng – Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; bà Đỗ Thị Thanh Thuỳ - Giám đốc Nhà sáng tác Vũng Tàu; nhạc sĩ Võ Lê - Chi hội trưởng Chi hội nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có NSƯT, nhạc sĩ Trần Vương Thạch – Phó Chủ tịch Hội; Đại tá, nhạc sĩ Đinh Công Thuận - Ủy viên Ban Chấp hành; nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên – Chi hội trường Chi hội Sáng tác 2 Thành phố Hồ Chí Minh; nhạc sĩ Nguyễn Quốc Tây – Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Tây Ninh.

Trại sáng tác Âm nhạc năm nay diễn ra với sự tham dự của 17 nhạc sĩ tiêu biểu đến từ các tỉnh thành khu vực Đông Nam Bộ, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long. Trại trưởng là nhạc sĩ Hoàng Mạnh Toàn – Trưởng Văn phòng Đại diện Hội Nhạc sĩ Việt Nam phía Nam.

khaimacamnhacvnt5 2022

NSƯT Trần Vương Thạch – Phó Chủ tịch Hội, phát biểu chào mừng và động viên tinh thần sáng tác các nhạc sĩ dự trại, mong muốn các nhạc sĩ đem hết tài năng, tâm huyết, tìm tòi ngôn ngữ âm nhạc mới, sáng tạo các tác phẩm hay, chất lượng tốt.

Trong thời gian diễn ra Trại sang tác, các nhạc sĩ sẽ tập trung sáng tác các tác phẩm thuộc thể loại Romance – ca khúc nghệ thuật, đề tài về tình yêu quê hương, đất nước, biển đảo, phản ánh sự đột phá, những tiềm năng, thế mạnh, tôn vinh, quảng bá những thành tựu nổi bật của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và đất nước trên đường phát triển. Đồng thời, các nhạc sĩ sẽ được đi tham quan, thực tế sáng tác tại Khu du lịch suối nước nóng Bình Châu và một số địa danh nổi tiếng của vùng đất du lịch Vũng Tàu…

khaimacamnhacvnt5 2022 1

Kết thúc Trại, Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những tác phẩm xuất sắc, dàn dựng biểu diễn báo cáo tổng kết Trại. Các tác phẩm này sẽ được báo cáo lên ban Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam để có kế hoạch công bố, phổ biến rộng rãi đến công chúng yêu âm nhạc.

Khai mạc Trại sáng tác Múa Việt Nam 2022 tại Đà Lạt

Ngày 7/5/2022, tại Nhà sáng tác Đà Lạt, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức khai mạc Trại sáng tác Múa với sự tham dự của Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Anh Phương – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam.

Trại sáng tác đã quy tụ các văn nghệ sỹ là nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nhà lý luận phê bình, biên đạo múa, hội viên múa từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước. 

Phát biểu khai mạc, NSND Phạm Anh Phương nhấn mạnh: “Đứng trước tình hình mới khi xã hội ngày càng phát triển, yêu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa nghệ thuật ngày càng cao đã tác động trực tiếp đến sự phát triển văn hóa, nghệ thuật. Những yêu cầu bức thiết của thời đại đòi hỏi những người làm nghệ thuật cần liên tục cập nhật kiến thức để phản ánh kịp thời hiện thực cuộc sống, nhanh chóng tiếp thu những tinh hoa văn hóa của thế giới để làm giàu nền nghệ thuật múa nước nhà, nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc và hồn cốt dân tộc. Vấn đề lớn đặt ra là làm sao để sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật chất lượng có thể chuyển tải được nguyện ước, khát vọng của con người Việt Nam, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân.” 

Trại viết là cuộc hội ngộ của nhiều thế hệ biên đạo, diễn viên múa, lý luận phê bình có nhiều đóng góp cho nghệ thuật múa Việt Nam, đây là dịp để các nghệ sĩ có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa 2 lĩnh vực sáng tác và lý luận phê bình, nhằm thảo luận và tìm ra các giải pháp thiết thực, qua đó tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động sáng tạo nghệ thuật.

Qua trại sáng tác, đội ngũ lý luận phê bình có điều kiện được nâng cao kiến thức, khai thác kỹ năng viết và khả năng nhận diện xu hướng phát triển của nghệ thuật múa, nhằm tạo ra những bài viết có chiều sâu, định hướng chuyên môn và định hướng thẩm mỹ nghệ thuật cho công chúng. Với các biên đạo múa, sẽ được bồi dưỡng các kỹ năng sáng tác như: sự gắn kết giữa bản sắc văn hóa dân tộc với hơi thở thời đại, mối quan hệ giữa thực tiễn đời sống với sáng tạo nghệ thuật múa… từ đó nâng cao khả năng hình thành tác phẩm mang tính nhân văn, tính dân tộc, hơi thở thời đại, tính thẩm mỹ nghệ thuật tác động lan tỏa mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm của công chúng. 

khaimacmuavnt5 2022

Trong những ngày diễn ra trại sáng tác, các nghệ sĩ cũng sẽ thâm nhập thực tế, tham quan các danh lam thắng cảnh, tìm hiểu thêm về đất và người Lâm Đồng – Đà Lạt, đặc biệt là các vũ điệu dân vũ của các dân tộc tại chỗ như múa xoang của người K’Ho, Mạ, múa Arya của người Churu sẽ là những chất liệu dân gian độc đáo để các biên đạo có thêm nhiều ý tưởng hay, làm nên những tác phẩm múa thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, kết hợp nhuần nhị giữa truyền thống và hiện đại. 

Khai mạc trại sáng tác mỹ thuật đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng 2022 tại Nha Trang

Sáng 5/5/2022, tại Nhà sáng tác Nha Trang, Bảo tàng Lịch sử quân sự (LSQS) Việt Nam phối hợp với Cục Chính trị, Quân chủng Phòng không - Không quân và Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật tổ chức trại sáng tác mỹ thuật đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng năm 2022.

Trại sáng tác có sự tham gia của 15 họa sỹ, trong đó có 7 họa sĩ đang công tác tại các đơn vị trong quân đội, 2 họa sĩ là chi hội trưởng chi hội mỹ thuật tỉnh, 2 họa sỹ là giảng viên các trường mỹ thuật tỉnh.

Các hoạ sỹ hầu hết đều đã có bề dày thời gian cống hiến trong hoạt động mỹ thuật quân đội, có nhiều giải thưởng trong sáng tác mỹ thuật về đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng.

khaimacbtlsqst5 2022

Buổi khai mạc có Đại tá Đinh Xuân Hòa, Phó Giám đốc Bảo tàng LSQS Việt Nam dự và chỉ đạo Trại sáng tác. Ngoài ra còn có Đại tá Đinh Văn Hưng, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa; Đại tá Vũ Hồng Trung, Phó Chính ủy Trường Sỹ quan Không quân - Quân chủng Phòng không – Không quân; ông Trần Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa; bà Đỗ Thị Mai Hương, Giám đốc Nhà sáng tác Nha Trang.

Chủ đề sáng tác lần này tập trung vào đề tài phản ánh các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của quân và dân ta; về tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, quả cảm của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm; trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đi sâu khắc họa chân dung người lính Bộ đội Cụ Hồ, các hoạt động của bộ đội trên tất cả các lĩnh vực học tập, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nhất là gắn với việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", và cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới”.

Phát biểu khai mạc, Đại tá Đinh Xuân Hòa nhấn mạnh đây là hoạt động thiết thực đáp ứng mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ tổ chức hoạt động mỹ thuật trọng điểm trong quân đội giai đoạn 2021-2025; đồng thời tạo điều kiện cho các họa sĩ trong và ngoài Quân đội gặp mặt, trao đổi và nghiên cứu tư liệu sáng tác các tác phẩm mới, có giá trị phục vụ hiệu quả cho công tác cổ động, tuyên truyền, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của bộ đội và nhân dân.

Phát biểu đại diện các trại viên, họa sĩ Hồ Minh Quân (Hội Mỹ thuật Việt Nam) cho biết Bảo tàng LSQS Việt Nam đã tạo điều kiện nuôi dưỡng đam mê sáng tác cho các họa sĩ về đề tài LLVT-CTCM thông qua những Trại sáng tác Mỹ thuật ý nghĩa, đồng thời mong muốn sẽ ngày càng có nhiều những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao về “Bộ đội Cụ Hồ” để lan tỏa tới công chúng.

khaimacbtlsqst5 2022 1

Trại sáng tác dự kiến kéo dài 15 ngày, trong thời gian này, các trại viên sẽ có hoạt động tham quan tại Trung đoàn Không quân 920, Trường Sĩ quan Không quân để trải nghiệm thực tế đời sống bộ đội và có thêm chất liệu sáng tác.

Bế mạc Trại sáng tác kịch bản phim tài liệu và khoa học 2022 tại Đà Nẵng

Ngày 20/4/2022, tại Nhà sáng tác Đà Nẵng, Hãng phim tài liệu và khoa học Trung ương Việt Nam đã phối hợp với Nhà sáng tác Đà Nẵng để tổ chức bế mạc Trại sáng tác kịch bản phim tài liệu và khoa học 2022.

Tham dự buổi bế mạc có ông Võ Huỳnh Hữu Trí - Giám đốc Nhà sáng tác Đà Nẵng, ông Trịnh Quang Tùng – Phó Tổng giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương - Trưởng đoàn cùng các hội viên Hãng phim tài liệu và khoa học trung ương tham gia Trại sáng tác.

Tại buổi bế mạc, ông Trịnh Quang Tùng - Trưởng đoàn đã có báo cáo tổng kết tác phẩm trong Trại sáng tác lần này, khẳng định về thành công của Trại sáng tác.

Các văn nghệ sĩ tham gia Trại sáng tác đã hoàn thành các tác phẩm của mình đúng tiến độ, thực hiện đúng nội quy của nhà sáng tác, thể hiện nếp sống văn hoá và thân thiện cởi mở với cán bộ, nhân viên Nhà sáng tác.

Sau 10 ngày tham gia Trại sáng tác, đã cho ra đời 10 kịch bản phim tài liệu và khoa học. Anh chị em văn nghệ sĩ đã nhiệt tình tham gia thảo luận, đoàn kết và phát huy hết khả năng sáng tạo của mình để tạo ra những tác phẩm ý nghĩa cho nghệ thuật phim tài liệu và khoa học nước nhà. Ngoài việc hoàn tất các tác phẩm tại Trại, các văn nghệ sỹ còn có nhiều buổi đi thực tế sáng tác tại Đà Nẵng, Hội An và giao lưu cùng các văn nghệ sỹ địa phương.

bemactlkhtwt4 2022

Trước khi rời Trại sáng tác, các văn nghệ sỹ đã gửi lời cảm ơn tới sự quan tâm của lãnh đạo và tập thể cán bộ nhân viên nhà sáng tác Đà Nẵng đã chăm sóc, tạo điều kiện tốt nhất giúp cho các văn nghệ sỹ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

Kết thúc Trại sáng tác văn học nghệ thuật Nam Định 2022 tại Đà Lạt

Sau 10 ngày diễn ra tại Nhà sáng tác Đà Lạt (từ ngày 14 – 23/4), Trại sáng tác văn học nghệ thuật Nam Định 2022 đã bế mạc với nhiều kết quả đáng kể.

Tham dự Trại sáng tác, 19 văn nghệ sĩ là các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian, nghệ sĩ nhiếp ảnh, nghệ sĩ sân khấu đã đi thực tế, sáng tạo tại nhiều danh lam, thắng cảnh Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng. 

bemacnamdinht4 2022

Những người con đến từ quê hương nhà Trần địa linh, nhân kiệt trước vẻ đẹp của thiên nhiên, khí trời Đà Lạt đã có nhiều xúc cảm tươi mới. Với thực tiễn sinh động, đời sống văn hóa tinh thần dồi dào của con người miền cao nguyên, 28 tác phẩm đã ra đời gồm các thể loại: Truyện ngắn, thơ, kịch bản sân khấu, ca khúc, tranh, ảnh nghệ thuật, nghiên cứu văn hóa…

Đà Lạt đã đi vào thi ca, nhạc, họa của các văn nghệ sỹ qua phần lớn tác phẩm. Có thể kể: Phố Yên Thế Đà Lạt (tranh Vũ Xuân Dương), Đà Lạt đấy, Triền đồi xanh (thơ Vũ Công Đoàn), Đà Lạt nhớ (nhạc Trần Ngọc Hùng), Biểu tượng tình yêu (ảnh Đinh Hữu Tuyển), Du lịch Lang Biang (ảnh Đinh Duy Quang), Thiếu nữ và rừng thông (tranh Nguyễn Thị Nga), Một góc Đà Lạt (tranh Nguyễn Văn Đức), Múa cồng chiêng (ảnh Trần Văn Sản), Phong cảnh Đà Lạt (tranh Nguyễn Phương Thảo), Thác Pongour (ảnh Phan Thị An Ninh), Rượu cần Tây Nguyên (ảnh Trần Đình Khoa)…

Dự buổi bế mạc có ông Vũ Xuân Dương - Phó Chủ tịch hội văn học nghệ thuật Nam Định; ông Võ Văn Quốc Bình - Giám đốc Nhà sáng tác Đà Lạt;; ông Hà Hữu Nết - Chủ tịch hội văn học nghệ thuật Lâm Đồng, đại diện báo Lâm Đồng cùng 20 VNS tham gia Trại sáng tác.

bemacnamdinht4 2022 1

Phát biểu tại lễ bế mạc, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Hữu Nết - cũng là một người con của quê hương Nam Định - đã bày tỏ tình cảm nồng ấm với những văn nghệ sỹ đồng hương. Ông nhấn mạnh: Sáng tạo văn học nghệ thuật là một quá trình lao động đặc thù, nhưng trong thời gian rất ngắn, với tình cảm, say đất, say người Đà Lạt, các văn nghệ sỹ Nam Định đã nuôi lớn nguồn xúc cảm sáng tạo nên nhiều tác phẩm mang đậm chất Đà Lạt với góc nhìn tinh tế mới lạ. Cảm ơn các văn nghệ sỹ Nam Định đã yêu mến con người và đất Đà Lạt, đưa những dấu ấn đẹp đẽ về vùng đất Nam Tây Nguyên vào tác phẩm.

Bế mạc Trại sáng tác văn học dân gian 2022 tại Vũng Tàu

Hội văn nghệ dân gian Việt Nam đã tổ chức bế mạc Trại sáng tác văn học dân gian 2022 tại Nhà sáng tác Vũng Tàu.

Trại sáng tác lần này nằm trong hệ thống Trại sáng tác được phối hợp tổ chức thường niên giữa Hội và Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật nhằm hỗ trợ khả năng sáng tác và hoàn thiện các tác phẩm của các văn nghệ sỹ thuộc Hội văn nghệ dân gian Việt Nam.

Tham dự bế mạc có GSTS Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; ông Trần Ngọc Khởi - Quyền giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật và các khách mời, cùng toàn thể văn nghệ sĩ tham dự Trại sáng tác.

bemacdangianvnt4 2022

Đại diện văn nghệ sỹ - ông Nguyễn Ngọc Thạch - đã phát biểu cảm nghĩ khi tham gia Trại sáng tác: “Đó là niềm vui, niềm phấn khởi, Trại viết là nơi văn nghệ sỹ có thể bỏ lại sau lưng những lo toan thường nhật của cuộc sống để tập trung hoàn thành những công việc mà mỗi cá nhân đã đặt ra. Trại viết cũng là nơi mà văn nghệ sỹ các vùng miền được tiếp xúc giao lưu, gắn kết, chia sẻ niềm đam mê nghiên cứu, trao đổi những kinh nghiệm của mình đến mọi người”.

GSTS Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã gửi lời cám ơn đến Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật và Nhà sáng tác Vũng Tàu đã tạo mọi điều kiện để Hội văn nghệ dân gian Việt Nam có thể tổ chức thành công Trại sáng tác lần này.

Ông Trần Ngọc Khởi - Quyền giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật cũng đã có lời phát biểu chúc mừng sự thành công của Trại sáng tác lần này. Với nhiệm vụ chính trị là tổ chức các Trại sáng tác, Trung tâm luôn hướng tới việc phục vụ các văn nghệ sỹ trên cả nước một cách tốt nhất, tạo điều kiện để văn nghệ sỹ có thể cho ra đời những tác phẩm chất lượng cao phục vụ công chúng. Ông chúc các văn nghệ sỹ mạnh khoẻ, luôn có nguồn năng lượng và cảm xúc tươi mới để sáng tạo. Ông cũng mong các tác phẩm tại Trại sáng tác lần này sẽ sớm đến được với độc giả cả nước. 

bemacdangianvnt4 2022 1

Trại sáng tác đã thu được 15 tác phẩm nghiên cứu về văn nghệ dân gian Việt Nam

Subscribe to this RSS feed

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - TRUNG TÂM HỖ TRỢ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUÂT
Địa chỉ : 1A Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : 04 39.745.763
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác VHNT. Yêu cầu trích nguồn khi đăng tải nội dung từ trang web này