Tháng Giêng xứ Núi - tản văn của Lê Thuỳ Giang - Hội văn học nghệ thuật Lai Châu
Tản văn của tác giả Lê Thuỳ Giang - Sáng tác tại Trại văn học nghệ thuật Lai Châu 2018, Nhà sáng tác Đà Nẵng tháng 8-2018.
TẢN VĂN: THÁNG GIÊNG XỨ NÚI
Một điều thật tự nhiên rằng ai cũng yêu mùa Xuân. Trong vòng xoay của đất trời, tháng Giêng là tháng bắt đầu của mùa Xuân, của một năm mới với những nét tinh khôi, tươi mới, vừa đẹp vừa căng tràn sức sống nên mọi người càng yêu mến tháng Giêng hơn. Người ta chờ đón tháng Giêng với những mong đợi, háo hức lạ thường. Ai cũng muốn rằng cái mới lạ, đổi thay về thời gian tạo hoá sẽ đem lại những điều mới mẻ, tốt lành, may mắn cho con người và cho xã hội. Có thể nói, Tây Bắc mùa nào cũng đẹp và đam mê đến nao lòng. Nhưng mùa xuân nơi đây đẹp hơn bao giờ hết. Nhất là tháng Giêng - tự nó đã vẽ nên một bức tranh tuyệt mĩ về sự sống và đưa ta phiêu du về một vùng đất cội nguồn thấm đượm màu huyền thoại….
Trên bầu trời, từng đàn chim én chao nghiêng. Một cảm giác thật bình yên và thơ mộng. Đâu đây trên những thửa ruộng bậc thang, những chú chim sẻ, chim ngói lại rộn ràng tắm nắng, khi khác lại chí chách nói chuyện trên mái nhà. Con chim hoạ mi đơn lẻ đang cất tiếng hót thiết tha tìm bạn cặp đôi…
Các cụ ta xưa thường nói Tháng Giêng rét đài, ý nói thời tiết trong khoảng thời gian này là lý tưởng cho cây cối đâm chồi nảy lộc, dù còn đang cữ rét. Tiết trời tháng Giêng Tây Bắc khi ấy bồng bột, hiền lành và tơ nõn như trẻ thơ. Nắng hiền hoà, dịu nhẹ. Gió thoang thoảng mùi hương đồng nội thơm mát. Những chồi xanh, lộc biếc non tơ làm dịu mát tâm hồn.
Tháng Giêng còn thêm chút lãng đãng, mềm mại bởi những hạt mưa nhỏ nhẹ. Mưa xuân Tây Bắc đẹp vô ngần. Mưa như những sợi tơ trời giăng mắc. Một thứ mưa không làm ướt áo, mà chỉ làm cho cảnh vật thêm mờ ảo trong cái se se lạnh đầy chất thơ… Mưa như rắc bạc trên lá cây ngọn cỏ, rắc cườm trên chồi biếc non tơ. Mưa đánh thức mặt đất bừng tỉnh sau giấc ngủ đông, mặt đất cũng phập phồng bâng khuâng chờ đợi. Mưa gieo những viên ngọc li ti trên chiếc khăn thổ cẩm sơn nữ. Mưa xuân tươi tốt cả cây nêu mới trồng trước sân nhà để cầu mong những điều tốt lành cho gia đình, làng bản. Trong đêm tình mùa xuân, tiếng mưa là bản giao hưởng không lời.
Ta nhớ mênh mang một câu hát, ngẫm mưa xuân xứ núi – “Mưa như là sương thôi - như bóng cây giăng khói - như mộng ru bên trời”. Mưa tháng Giêng nhẹ và mịt mờ, chỉ như là sương khói giăng giăng trên những mái nhà sàn, trên những rặng cây cao vút, xanh non; khói sương lẩn vào đất, vào trời, để mùa xuân như kẻ mộng du, ngà ngà say hương rượu cần nồng nàn ngày Tết.
Mưa xuân tiếp sức cho vạn loài hoa. Hoa cỏ dại được chút ẩm ướt phù du lại càng dâng hết hương sắc của mình bung nở ngàn vạn đóa hoa cho mùa xuân dậy thì căng mọng… Mưa xuân hé cười trên đóa hoa đào, hoa mơ,… mưa bé nhỏ mà lộng lẫy, thân thương. Ong bướm mang phấn hoa đi trong mưa làm thơm bao con đường xuân… Một không gian như trong cổ tích.
Trước làn mưa xuân, tận trong sâu thẳm mỗi người, một nỗi nhớ dịu dàng và mong manh lại da diết ùa về. Mưa phùn ra Giêng ở xứ núi còn là cái cớ để cho hai người yêu nhau có dịp nép vào nhau tìm hơi ấm… Bản năng của người trai rừng mạnh mẽ là thích che chở. Anh sẵn sàng dang rộng cánh tay và nói tự trong tim những lời tự nhiên như cỏ hoa, thẳng thắn như mặt trời: “tao thích mày” để làm bừng nở trong nhau về một ngày mai hảnh nắng, vàng hoe niềm chờ đợi… Với ai đó, mưa xuân còn gợi những nỗi nhớ rất sâu. Và mưa cũng mong manh như ý nghĩ rằng có ai đó đang chờ ta dưới cội hoa nào, cùng nhau nghe chim sơn ca hót giữa rừng mơ…
Rằm tháng Giêng, đêm biêng biếc, trời lung linh như ngọc. Không gian khi ấy là một nàng tiên mặc áo màu ngọc bích. Tất cả huyền ảo. Bầu trời thật trong, không gian thật tĩnh lặng, chỉ có gió riêu riêu, nhẹ nhàng. Trăng tháng Giêng, non như người con gái mơn mởn đào tơ. Trăng sáng nhưng không lộng lẫy như trăng thu. Trăng đẹp nhưng không đẹp một cách úa héo như nàng trăng thiếu phụ mùa đông. Ánh trăng đầu mùa không vàng mà trắng trong, tươi mới, dịu dàng và ngọt ngào đến lạ. Cái đẹp của trăng tháng Giêng là cái đẹp của thiếu nữ trinh nguyên. Ấy vậy mà người ta gọi rằm tháng Giêng là “nguyên tiêu”. Nguyên tức là cái ban đầu, mà cái ban đầu, bao giờ cũng gợi cái đẹp tinh khôi, mới mẻ.
Bầu trời trong xanh là thế, tiết trời đáng yêu là vậy. Và dưới bầu trời huyền diệu ấy là một mặt đất tháng Giêng đầy cỏ hoa. Tháng Giêng thành thiên đường hoa trên mặt đất. Ta bỗng nhớ đến lời thơ của Xuân Diệu : “Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần”. Và ta cũng muốn “ôm”, muốn “cắn”, muốn “hôn” lên cái “tuần tháng mật”, lên “hoa của đồng nội xanh rì”, lên “lá của cành tơ phơ phất”, lên “khúc tình si” của yến và oanh tràn đầy trong tháng Giêng ấy.
Tháng Giêng khe khẽ nhoẻn miệng cười trên cánh đào thắm tươi rộn ràng đầu bản. Những cây đào rừng khác hẳn với đào Nhật Tân hay Bích đào ở vùng đồng bằng bởi nét nguyên sơ, mạnh mẽ, đầy sức sống. Đào rừng phải trải qua phong sương khắc nghiệt của thời tiết, phải chịu cái lạnh có khi đến nhiệt độ âm, phải hứng cái gió cũng khắt khe hơn, và tất nhiên, chẳng ai đi chăm sóc đào rừng. Thế nên chúng được cái mà đào ở đồng bằng không có, đó là sự tự nhiên. Sự tự nhiên cũng là thể hiện sự tự do, phóng khoáng. Với người dân bản xứ, một cành đào xuân đẹp là một cành đào hết sức tự nhiên, trời ban cho thế nào, ta có vậy, chứ không phải cắt xén bớt lá, kích thích thêm nụ và hoa. Cành đào đẹp là phải hội tụ cả hoa hồng, lộc xanh, nụ chúm chím và quả non. Đó mới là biểu tượng cho sự sung túc của gia đình, dòng tộc.
Gốc đào cổ thụ trên núi cao thường sù sì, thô ráp. Nhưng trái ngược với hoàn cảnh sống khắc nghiệt và dáng hình cũ kĩ, thì từ những gốc đào rêu phong ấy lại bung nở những bông hoa đẹp đến nao lòng. Hoa đào rừng mang vẻ đẹp mỏng manh như một thiếu nữ liễu yếu, đào tơ nhưng không kém phần hấp dẫn, đáng yêu. Cánh đào mỏng, màu hồng phớt nhẹ, bởi thế người ta còn gọi đào rừng là đào phai. Sắc hồng dịu dàng thầm kín tinh khôi của đào rừng như má hồng sơn nữ e thẹn dưới bóng ô hồng chao nghiêng trước tiếng khèn gọi bạn đầu xuân.
Và ở một khoảng không khác, trên những cánh đồng, trên những sườn đồi, hoa cải đang trải vàng rực rỡ. Ta cảm nhận cái hương thơm thoang thoảng pha chút ngai ngái đang nồng nàn dưới chân. Góp thêm vào bức tranh ấy là sắc tím của phong lan nhuộm thắm rừng biên giới, sắc đỏ tươi của hoa vông, hoa pát.... Rồi ta lại nhớ mênh mang một lời ca “Rừng xanh cây lá muôn đóa hoa mai chào đón xuân về” trong khúc ca “tình ca Tây Bắc”. Nhưng mai Tây Bắc là mai trắng chứ không phải mai vàng như của xứ sở miền Nam nóng ấm. Hoa mận, hoa mơ trong thung lũng cũng đang nở trắng ngập tràn khắp các con đường vào bản. Hoa trắng như mây, trắng như tiên cảnh, như sương khói, như mơ. Và đâu đó, trên núi đá cao nguyên Sìn Hồ, hoa lê trắng cũng bắt đầu hé nở, sáng lấp lánh vùng rẻo cao thương mến.
Nhưng chỉ có hoa ban mới được người Tây Bắc xem là chúa của các loài hoa. Hoa ban bình dị nhưng thân thương. Mỗi khi hoa nở ta biết mùa xuân tới, xuân hiện hữu nghìn đoá hoa cười bên mắt lá hình tim. Theo tiếng Thái thì "ban" có nghĩa là ngon, đẹp đẽ. Tất cả những gì ngon ngọt, đẹp đẽ đều gọi là "ban". Hoa ban có loại trắng dịu dàng, trinh bạch, có loại đỏ nồng nàn đằm thắm.
Hoa ban còn là biểu tượng cho tâm hồn con người vùng cao với những khát vọng, ước mơ cháy bỏng. Trong tâm thức đồng bào Thái ở Tây Bắc, cành hoa ban trên mâm thờ cúng tổ tiên ngày Tết là để thể hiện tấm lòng thành kính của con cháu đối với ông bà và những người đi trước. Với tuổi trẻ, hoa ban là biểu tượng của tình yêu chung thủy và hạnh phúc lứa đôi: Đôi ta yêu nhau không tính mùa ban nở - Không thấy ngày ban tàn - Không tính tháng, không tính năm - Mãi như mùa ban đầu đôi ta yêu nhau. Trong vốn cổ văn hóa dân gian Thái, thì truyền thuyết hoa ban là truyền thuyết đẹp nhất về tình yêu, đức hi sinh, lòng hiếu thảo.
Gắn với hoa ban, người Thái Tây Bắc có lễ hội Hoa Ban. Hội thường bắt đầu khi vừa hết tháng Giêng. Vào ngày hội, trai gái thường rủ nhau đi chơi hội, hát giao duyên trên những con thuyền đuôi én. Thuyền chất ngất những cành ban. Thuyền đi trên những dòng sông xuân dịu dàng, uyển chuyển. Hai bên bờ, hoa ban nở trắng. Sông khi ấy là sông hoa, suối hoa, sáng lấp lánh cả một vùng. Không gian réo rắt tiếng sáo, mênh mang điệu hát, lời ca. Những bản tình ca Thái như vấn vít với cành ban trắng muốt, tạo nên sự huyền ảo của núi rừng. Nhiều mối tình nảy nở từ đây. Màu ban, hương ban trắng trong, tinh khiết như tâm hồn người con gái Thái. Tình yêu của họ cũng thuần khiết, thiêng liêng như sự tích về loài ban….
Có thể nói, cái sắc hoa đào, hoa ban cùng muôn loài hoa rừng khoe sắc đua hương đẹp như một ý thơ Đường: “Hoa đồi như dải gấm thêu” (Lý Bạch). Và rồi cảnh xuân ấy hóa thân vào trong mỗi nụ cười duyên, mỗi làn da trắng hồng, mỗi búp tay thon như búp măng rừng, mỗi đường nét tuyệt vời trên tấm thân ngà ngọc của người sơn nữ trinh nguyên, như mùa xuân vừa mới bắt đầu.
Nói bao nhiêu cũng chỉ để thốt lên một lời rằng tháng Giêng xứ núi đẹp vô ngần. Ta như bị bỏ bùa mê trong bộn bề cảm xúc ngọt ngào. Tháng Giêng là tháng của mùa xanh lên hi vọng, rực hồng lên tình yêu cuộc sống. Trước cái đẹp của đất trời, ta khát khao được sống, được yêu và dâng hiến.
Một năm tất bật, lo toan qua đi. Tết là khoảng thời gian yên bình để mỗi người tìm về với quê hương, gia đình để được ôm ấp, vỗ về trong tình cha mẹ, nghĩa bản làng, họ tộc thân thương.
Ngày Tết xứ lạnh, mọi người thường xúm xít quanh bếp lửa hồng. Ngôi nhà gỗ hoặc tre nằm giữa lưng chừng núi có thể tuềnh toàng nhưng vẫn mang lại hơi ấm, xua cái lạnh đi ngang qua khe cửa. Mọi người bên nhau háo hức mong chờ những điều tốt đẹp của khoảnh khắc mùa sang. Mâm cỗ Tết có thể chỉ thật giản dị nhưng thật ý nghĩa. Vị cơm lam tan trên đầu lưỡi, vị bùi thơm ngọt mát của các món ăn đầu xuân chế từ cỏ hoa, rêu đá, cá sông; vị thơm cay lâng lâng của rượu cần ; mùi khói của những món ăn hun khói, đồ nướng để nơi gác bếp... Những món bánh, món xôi ngũ sắc đẹp mắt. Mọi người mời nhau cùng nhấp ché rượu cần hay uống bằng cả bát, khi ấy, xuân dường như đang tan hoà trong huyết quản mỗi người.
Ở Tây Bắc, vào dịp Tết, ở chợ Tết hay ở nhà đều có rất nhiều loại bánh. Người Thái có bánh chưng gù (không phải bánh vuông như của người Kinh), bánh mật, bánh nếp,... Người H’Mông có bánh dày làm từ gạo nếp mới. Người Giáy, ngày Tết lại không thể thiếu bánh “Sa khao”, bánh dầu thòn... Mỗi loại bánh đều gắn với một truyền thuyết riêng, nhưng cũng không khác người Kinh là bao. Bánh cũng là để tượng trưng cho trời và đất, cho sự biết ơn đấng tối cao đã ban cho con người lương thực và sự sống.... Và Tết nhí nhảnh trong những nụ cười, ánh mắt trẻ thơ. Tết là dịp để chúng xúng xính khoe nhau những chiếc áo mới mẹ mua ; để sung sướng vừa chơi, vừa cầm trên tay nhâm nhi chiếc bánh bà mới làm. Tết với chúng có khi chỉ đơn giản là thế. Không những sân chơi lộng lẫy, không những món ăn sơn hào hải vị, không ôtô, xe máy,... Thế nhưng những điều giản dị hài hòa với thiên nhiên của cuộc sống vùng sơn cước ấy lại là sự vun đắp tuyệt vời cho tâm hồn con người. Sự giàu có tâm hồn không phải dễ gì ai cũng có được.
Tết là khoảng thời gian dành cho gia đình, người thân, và cho cả người thương. Với tuổi trẻ, tình yêu luôn là điều thật sự thiêng liêng. Trước Tết, trên những ngôi nhà sàn ấm áp khói lam, các thiếu nữ Thái nhẹ tay đưa sợi chỉ hồng thêu chiếc khăn piêu, đôi má thanh xuân thoáng ửng hồng nhớ lời hò hẹn ngày xuân trong ánh lửa hội xoè. Xuân rộn ràng trên khung cửi say mê, sợi chỉ ngang dệt nỗi nhớ thương, sợi chỉ dọc dệt niềm mong ước. “Sấp đôi bàn tay đã thành hoa văn, ngửa bàn tay đã thành hoa lá” (Dân ca Thái). Tiếng thoi đưa vui từng bản nhỏ, hương xuân thơm trong thổ cẩm đượm tình. Và rồi tháng Giêng sang, xuân tới, những chiếc khăn piêu lung linh trong nắng, rực rỡ cùng ánh lửa hội, là khăn thương trong nỗi nhớ ai. Các bà, các chị, ai ai cũng chọn cho mình những bộ váy hoa áo cóm đẹp nhất, cổ đeo vòng bạc, tóc cặp hoa gọn gàng. Ngày Tết, người Thái ngày chơi ném còn, đấu vật... ; đêm mở hội xòe. Đàn tính tẩu vang vang khắp nơi, tiếng trống nhanh nhanh giục giã.
Tiếng hát: “Ính lả ơi! Sao noọng ời! Khắp núi rừng Tây Bắc sáng ngời, mùa xuân đến ngàn hoa hé cười...” rộn rã, dặt dìu khắp bản. Nam nữ hát giao duyên trên những con thuyền đuôi én dọc theo sông và suối. Chơi xuân kéo dài tới rằm tháng Giêng thì người Thái mở hội xuống đồng. Khi xuống đồng phải có múa xoè thì lúa mới trổ bông, ngô mới tươi tốt, mận mới đơm hoa kết trái. Mọi người múa điệu xòe vòng quanh đống lửa hồng rực rỡ. Trong hội xòe, những chàng trai mặc áo Thái màu chàm, những cô gái xiêm y lộng lẫy. Bước chân họ nhịp nhàng, uyển chuyển, nét mặt tươi vui, cùng xòe theo tiếng nhạc, vang động cả núi rừng. Hội xòe bắt đầu từ điệu "đi xa" rồi tiếp là "xoè đập lúa", mọi người cầm tay nhau xoay ba, bốn vòng, rồi "xoè đập lưng", "xoè kèn", “xòe khăn”, "xoè đôi", "xoè múa nón"… Ở giữa của vòng xoay là những ché rượu cần, khi ở vòng trong từng tốp cứ thay nhau cầm cần để hút rượu thì ở vòng ngoài mọi người vẫn cứ nhảy, tay cầm tay, cùng chung vui các điệu xoè hàng giờ, hàng buổi, hàng đêm. Tất cả mọi người dù quen hay lạ, khi đã đến đều nhập xoè trong tiếng nhạc rộn rã, theo lời ca: "inh lả ơi". Hơi rượu cần ấm hồng trên đôi má cả phụ nữ, đàn ông, cả người già người trẻ... Và tình yêu nảy nở từ những đêm xòe. Người bên người thêm những yêu thương. .
Người H’Mông có khác đôi nét. Họ có thể ăn Tết từ rất sớm khi mùa màng đã gặt hái xong và kéo dài Tết đến tháng Giêng. Trước Tết, những nếp váy, áo thổ cẩm rực rỡ được chuẩn bị, phơi đầy trên phiến đá hoặc bờ rào, lấp ló giữa rừng hoa, hòa quyện vào nhau như một rừng hoa. Và váy áo mới ấy là để các cô gái diện trong dịp Tết, trong những ngày xuống chợ trẩy hội mùa xuân. Những chàng trai, cô gái nô nức đi chợ xuân. Trẻ con người già cũng diện quần áo mới, tay đeo vòng bạc lên ngựa xuống chợ xuân. Người H’Mông đi chợ Tết không hẳn là để mua thứ gì. Họ đi có khi chỉ để gặp gỡ, trò chuyện, để ngắm cảnh, để thưởng thức rượu ngon và thắng cố... Khi ấy, trong họ chẳng còn những lo toan, phiền não. Người H’Mông độ lượng vô cùng. Họ sẵn lòng để người thương của mình gặp lại người xưa trong những phiên chợ tình. Hai người cũ gặp nhau để trò chuyện, để sẻ chia bất cứ điều gì họ muốn. Để rồi sau khi rời hội Xuân, họ lại trở về với cuộc sống thường nhật, và sẽ chỉ gặp lại người xưa vào phiên chợ năm sau nếu muốn. Còn những đôi trai gái son trẻ, họ tìm nhau trong hội chợ và thường rời hội xuân để đến tâm tình dưới bóng ô, bên một tảng đá nào đó ven đường. Khi ấy thế giới chỉ là của riêng họ, và mùa xuân cũng ở trong họ.
Ngày Tết, người Mông cũng thường tụ tập uống rượu, múa khèn, ném pao thâu đêm. Họ không uống rượu cần, họ uống rượu bằng bát. Và múa khèn là điều không thể thiếu. Tiếng khèn của các chàng trai réo rắt, trầm bổng, tha thiết vang vọng núi rừng để mời gọi bạn gái. Nếu cô gái nào vừa ý với chàng trai có tài múa khèn ấy có thể nhảy vào vòng cùng xoay theo chiếc khèn của chàng trai. Rồi những tiết tấu khúc sáo Mông thật đáng yêu đang vang lên như những thăng trầm của cuộc sống. Xa xa, đôi trai gái nào đang gửi tâm tình qua tiếng đàn môi ngọt lịm khúc “Khâu xìa plềnh”.
Người H’Mông chơi trò ném pao. Quả pao gần giống quả còn của người Thái. Trò chơi với trai gái luôn ẩn chứa một thông điệp riêng. Nếu yêu, sẽ bắt quả pao và ném lại ; nếu không yêu có thể để quả pao rơi. Qua cung cách ném pao, người tinh ý có thể đoán biết tính cách của bạn chơi để có lối ứng xử cho phù hợp.... Mùa xuân đúng là mùa vui, mùa của tình yêu, tụ họp.
Nói chung, hội Xuân Tây Bắc, mỗi dân tộc có những nét riêng. Nhưng tựu chung lại, mùa xuân là mùa mang đến niềm vui. Ta có thể cảm nhận được điều đó trên nét mặt, ánh mắt, nụ cười của mỗi người dân xứ núi. Tháng Giêng là tháng ăn chơi. Mọi người du xuân để cảm nhận hết vẻ đẹp của tháng Giêng. Để rồi sau đó, khi cuộc sống trở về như thường nhật, ta lại một lòng hăng say lao động và chờ một mùa xuân tươi đẹp mới lại đến với mở đầu là tháng Giêng vui.
Trước cái Tháng Giêng diệu kì ấy, ta bỗng nhớ và muốn mượn ý thơ của tác giả “Tây Tiến” để thốt lên rằng : “Ai lên Tây Bắc mùa xuân ấy, hồn về xứ ấy chẳng về xuôi ”.
- Published in Tác phẩm mới
- 0